Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


RA ĐI, ĐỂ TRỞ VỀ

(NCTG) “Rồi mai đây, khi các con trở về, các con sẽ sống ở một đất nước Ukraine khác, đất nước sẽ rũ bỏ hoàn toàn quá khứ nô lệ và ngẩng cao đầu về những gì đã và đang diễn ra ngày hôm nay. Lựa chọn là quyền của họ, của dân tộc Ukraine, không phải là của chúng ta, những kẻ sẵn sàng bán tự do cùng lòng tự trọng bằng những lời khuyên khôn khéo của mình” - tâm sự của chị Nguyễn Hồng Giang, một “bà nội trợ” Việt ở Ukraine.
Hòa bình cho Ukraine! - Ảnh: ru.depositphotos.com
Ta bây giờ có lẽ
Thiết tha hơn tín đồ...

Trước ngày 24/2/2022, không một ai ở Ukraine có thể tin rằng chiến tranh xảy ra một cách khốc liệt bởi súng đạn, xe tăng giữa lòng Châu Âu. Đơn giản bởi với chúng mình, điều đó quá hoang đường, nhất là đã ở thời đại không cần nhìn thấy nhau, không cần bất cứ lực tác động nào cũng có thể giết người bằng đủ loại vũ khí 4.0.

Ngày đó, gia đình người thân ở Việt Nam lo lắng, bạn bè năm châu của Bảo Linh hối thúc Linh và gia đình chạy khỏi Ukraine. Các bạn từ Đức, từ Anh, từ Thụy Sĩ, từ Ba Lan, thậm chí từ...Trung Quốc đã sắp xếp mọi thứ cho một cuộc tháo chạy, cho một lần tỵ nạn của gia đình mình. Nhưng chúng mình đã cười trên nỗi lo lắng của các bạn.

Bởi vì chúng mình đã vượt qua những ngày khói lửa trên Quảng trường Độc Lập (Maidan), vượt qua cuộc chiến truyền thông mà phía Nga tạo dựng suốt hơn 8 năm qua, nào là “phát-xít”, nào là “cực đoan” với những cái tên họ vẽ ra như ngáo ộp, Azov và Bileski, Pravui Sector và Yarosh, vượt qua sự đầu cơ chính trị của của chính quyền Nga trong Bộ luật Ngôn ngữ mà chính quyền Ukraine thông qua bất chấp một sự thật rằng tiếng Nga vẫn là thứ tiếng phổ biến nhất ở Ukraine trong sinh hoạt thường ngày.

Cuộc sống vui vẻ, tươi đẹp và bình an. Cho đến buổi sáng ngày 24/2.
 
Hãy làm sao để trong mỗi ngôi nhà là bình an và no đủ, còn trong mỗi trái tim là lời nguyện cầu thầm lặng
Hãy làm sao để trong mỗi ngôi nhà là bình an và no đủ, còn trong mỗi trái tim là lời nguyện cầu thầm lặng

Chồng mình không thể chấp nhận rằng mình có thể trở thành dân “tỵ nạn”. Và chắc nhiều người cũng không thể chấp nhận được điều ấy. Gia đình mình có nhà cửa, công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Chưa bao giờ mình và gia đình nghĩ rằng sẽ phải làm phiền người khác.

Trong lúc con gái lớn của mình chịu áp lực kêu gọi bỏ chạy từ bạn bè, trong lúc mình luôn suy nghĩ xem mình có đủ sức khỏe để đi một chặng đường không hề dễ dàng dù bằng phương tiện cá nhân hay tàu hỏa hay không, thì chồng mình luôn tin tưởng chỉ ngày mai, ngày mốt mọi sự sẽ qua, những thứ tồi tệ nhất chúng ta đã bỏ lại đằng sau rồi, chúng ta sẽ chiến thắng.

Anh xã luôn nói, em thử nghĩ xem, em làm sao có thể là dân tỵ nạn với gương mặt nhem nhuốc, đầu bù tóc rối, áo quần xộc xệch được. Nhưng sự thật là như thế. Dù chưa bao giờ tưởng tượng, gia đình mình cũng đã trở thành dân tỵ nạn.

Mỗi người một chiếc ba-lô và lên đường vượt qua gần nghìn ki-lô-mét, để trong một ngày lạnh buốt, run run ngồi bên những đống lửa sưởi ấm ở cửa khẩu Medyca, ăn một bát súp nóng, một đĩa khoai tây và xúc xích nướng mà các tình nguyện viên Ba Lan ngày đêm tiếp sức cho những con người kiệt quệ bởi sự căng thẳng và mệt mỏi gần như quá sức chịu đựng.
 
“Dậy đi, con yêu của mẹ...” (Просни, моя милая...)
“Dậy đi, con yêu của mẹ...” (Просни, моя милая...)

Khi ấy, tự trong đáy lòng là cảm giác ấm áp của tình người, là biết mình sẽ không bị bỏ rơi. Ba Lan và Cộng đồng Châu Âu đón người dân Ukraine với sự chu đáo khó có thể tưởng tượng, từ đồ ăn, đồ uống, đồ vệ sinh cá nhân, quần áo, bỉm sữa, SIM kết nối Internet miễn phí, thức ăn cho thú cưng, thông tin về những chuyến xe về thành phố gần nhất rồi từ đó có thể đi tàu hỏa về Warszawa, Krakow hay có các đại diện từ Đức, từ Estonia... đã đón sẵn những ai muốn đến những nước ấy.

Mẹ con mình về Warszawa, nơi đã có bạn hữu của anh xã đón và đưa về căn hộ của anh nghỉ tạm. Cho đến nay, Ba Lan là nước đầu mối cho người Ukraine chạy lánh nạn. Có tới hơn 2 triệu người đã sang Châu Âu qua ngả biên giới Ba Lan. Có thể nói công tác logistic của EU là tuyệt vời. Mỗi chuyến tàu từ Warszawa sang Châu Âu thường có 3 toa dành cho người Ukraine đi các hướng.

Chẳng hạn, mình lên chuyến tàu đi Vienna để sang Slovakia thăm và cảm ơn gia đình của một người bạn, người đã ngày ngày đã quan tâm và giục giã bọn mình sơ tán từ những ngày đầu tiên của chiến tranh. Chuyến tàu ấy sẽ chở các bạn Ukraine đi Vienna, Bratislava, Budapest và nhân tiện chở luôn cả các bạn muốn đi Praha. Chỉ có điều đến biên giới giữa Ba Lan và Czech, các bạn đi Praha sẽ được chuyển sang toa khác để kết nối với một đoàn tàu khác đến Praha, còn bọn mình đi tiếp đến Bratislava như đã định.
 
Bao giờ mình lại về nhà...
Bao giờ mình lại về nhà...

Khỏi phải nói, gần như ta chỉ bắt gặp các bà mẹ Ukraine mang theo con nhỏ. Có bà mẹ trẻ một mình dắt theo ba đứa trẻ chỉ chừng từ 4-8 tuổi. Vừa phải gồng mình với đám hành lý nặng nề, vừa phải làm chỗ dựa vững chãi cho bọn trẻ, vừa phải giải quyết các vụ kiện cáo và an ủi các con. Những khi mọi thứ đã lắng lại, trong mắt những bà mẹ trẻ ấy là sự thất thần mà họ cố gắng giấu kín trước những đứa trẻ thương yêu của mình.

Ngồi trước mặt mình trên chặng đường từ Krakow đến nơi đổi toa đi Praha là một cô gái, một bà mẹ trẻ, có lẽ chỉ bằng tuổi con gái mình. Lúc lên tàu, chiếc va-li to đùng của cô gặp sự cố, không thể rút gọn tay kéo được. Vậy là chiếc va-li cứ nằm chềnh ềnh giữa lối đi chật hẹp của toa tàu. Bà mẹ trẻ ấy sắp xếp để cô bé con chừng 3 tuổi của mình ngồi vào ghế, vỗ về bé rồi dùng mọi nỗ lực để rút gọn tay kéo va-li mà không được.

Chiếc va-li đã hỏng. Anh xã mình lúc đó phải giúp cô gái, bà mẹ trẻ ấy đưa va-li nguyên cả tay kéo dài đặt lên giá để hành lý phía trên đầu. Em bé gần như ngủ ngay lập tức khi được mẹ đặt vào ghế, còn mẹ bé mệt mỏi ngồi xuống, gọi điện thoại cho ai đó và bắt đầu lặng lẽ khóc. Có lẽ cô gái ấy cũng giống mình, chưa bao giờ phải đối mặt với khó khăn làm người tỵ nạn, một mình mang con nhỏ bôn ba nơi đất khách.

Đến lúc các bạn đi Praha phải chuyển toa để liên kết với một đoàn tàu khác, anh xã mình lại giúp các bà mẹ trẻ với lỉnh kỉnh va-li, hành lý xuống tàu chuyển toa. Đến khi ấy, chỉ cần nhìn những chiếc va-li thì mới hiểu hết những cực nhọc của họ. Có những chiếc đã vỡ tung được chằng buộc lại bằng băng dính, thậm chí cả tay cầm cũng không còn sử dụng được.

Không hiểu những bà mẹ trẻ ấy giữa đêm sẽ xoay sở như thế nào với đội quân trẻ con đứa khóc vì gắt ngủ, đứa cãi nhau với anh, em vì tranh nhau chơi điện thoại của mẹ, cùng đống hành lý không có tay cầm.
 
Tác giả trước Cung Văn hóa và Khoa học, Warszawa, tháng 3/2022 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Tác giả trước Cung Văn hóa và Khoa học, Warszawa, tháng 3/2022 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, từ những ngày đầu chiến tranh đã có 1,5 triệu đứa trẻ được đưa sang Châu Âu, tính ra mỗi ngày 70 nghìn trẻ hoặc mỗi phút là 55 trẻ được đưa qua biên giới. Đó là tài sản vô giá mà Ukraine cùng các nước Châu Âu đang nỗ lực bảo vệ.

Rồi mai đây, khi các con trở về, các con sẽ sống ở một đất nước Ukraine khác, đất nước sẽ rũ bỏ hoàn toàn quá khứ nô lệ và ngẩng cao đầu về những gì đã và đang diễn ra ngày hôm nay. Lựa chọn là quyền của họ, của dân tộc Ukraine, không phải là của chúng ta, những kẻ sẵn sàng bán tự do cùng lòng tự trọng bằng những lời khuyên khôn khéo của mình.

Hòa bình cho Ukraine!
Слава Украине!
Геоям слава!


TB. Khi mình viết những dòng này thì những gia đình người Việt đầu tiên đã vượt được hàng nghìn ki-lô-mét đến Warszawa an toàn từ thành phố miền Đông Mariupol bị quân Nga bao vây và gần như san phẳng. Chắc các bạn sẽ giống mình, rơi nước mắt trước tình đồng bào bao bọc nhau ở nơi xa này.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Giang, từ Topoľčany (Slovakia) - Ngày 18/3/2022