Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUỐC TỊCH MỚI

(NCTG) “Ngày nay, đâu có quan trọng mình là người nước nào vì người ta còn có các khái niệm công dân toàn cầu, công dân thế giới. Không quan trọng bạn đến từ đâu mà quan trọng bạn làm gì”.

Minh họa: Internet

Vừa đi du lịch về, kiểm tra đống thư từ trong suốt hơn hai tuần vắng nhà, mình nhận được một bức thư của Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt mời đến lấy kết quả thôi quốc tịch.

Thực sự mình hơi bối rối vì không nghĩ việc này lại đến nhanh đến thế. Mình mới nộp hồ sơ từ sau Tết dương lịch mà thông thường mọi người nói phải chờ đợi khá lâu: 8 tháng, một năm, thậm chí có người chờ đến hơn 2 năm mà vẫn không thấy tăm hơi gì. Có người bảo phải có tiền “lót tay” cho nhân viên sứ quán thì may ra mới trót lọt và nhanh được. Nhưng mình chẳng làm gì hết ngoài việc gửi hồ sơ và nghĩ cứ quên chuyện này đi, bao giờ được thì được, chẳng vội. Tiền mình không có chứ thời gian thì có thừa!

Ấy thế mà chỉ hơn bốn  tháng đã có kết quả rồi. Có lẽ Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính chăng? Hoặc cũng có thể lý do thật đơn giản như chồng mình nói: nhìn thấy trường hợp này, phía Việt Nam sợ quá xua tay luôn, thôi thôi, giải quyết nhanh gọn để tống ả đi cho sớm chợ! Thôi thì lý do gì cũng được.

Nhưng vì nhanh quá nên lại nảy sinh vấn đề mới là mình phải trả lại hộ chiếu Việt Nam và xin hộ chiếu Đức. Thời gian để có hộ chiếu mới phải mất vài tháng, trong khi đó mình muốn kết thúc việc học và thi lấy bằng lái xe trước khi sinh em bé. Mọi thứ cứ bấn loạn lên. Mình trở thành người không quốc tịch, không giấy tờ và tất nhiên không thể đi thi bằng lái xe được. Nhưng thôi, việc gì cần làm vẫn phải làm. Mình xác định việc lái xe cùng lắm sẽ phải trì hoãn lại vậy.

Mình gọi điện lên Lãnh sự quán Việt Nam theo số điện thoại ghi trong thư, một anh trả lời rất vội vàng: “Ừ, lên lấy nhanh đi nhé, càng sớm càng tốt, nhớ mang theo 250 Euro nhá” rồi cúp máy. Hôm sau mình lên, do đến sớm nên mọi thứ diễn ra thật nhanh chóng. Một nhân viên lãnh sự ngó nghiêng một hồi rồi hô to: “Cháu Vũ Thị Thu Hoài đâu nhở?”. Cả phòng đợi nhìn “cháu” khệ nệ bê bụng bầu đi lên. Chồng mình cười hi hí vì hiểu từ “cháu” của người Việt và bảo: “Hay ông ấy nhầm, thực ra ý là: mẹ cháu”.

Rồi “chú” kia nói: “Nộp 250 đồng nhá. Đây, giấy đây”. Đoạn, chú ấy chìa cuốn hộ chiếu đã bị cắt cạnh trả lại mình. “Bao giờ có hộ chiếu Đức thì quay lại đây đóng dấu miễn thị thực nhá. Chồng và con cũng được miễn, cứ mang tuốt lên đây. Xong rồi đấy”.

Ừ thì xong, kể cũng thật nhanh chóng. Chồng mình nhận xét: “Thế chia tay chia chân có thế thôi á. Thất vọng thế. Tưởng phải trong không khí nghiêm trang lắm cơ. Rồi ít nhất cũng nên chúc nhau này kia gì chứ”. Mình càu nhàu: “Gớm thôi, anh cứ lắm chuyện thế nhỉ. Thế anh có muốn về đi làm không hay muốn ở đây dự lễ chia tay?”. Tuy vậy, dầu sao mình cũng thấy có phần hẫng hẫng kiểu gì đó.

Trong ngày, chồng mình gọi điện ngay đến chính quyền Đức để hỏi về việc xin quốc tịch mới và cũng than thở vợ tôi muốn thi bằng lái trước khi đẻ mà kiểu này chắc không kịp rồi. Nào ngờ, bà nhân viên kia nói với một giọng đầy cảm thông: “Tôi hiểu. Tôi biết tình huống này không hề dễ chịu chút nào. Tôi sẽ nói với sếp của mình và hy vọng sẽ làm giấy tờ cho cô ấy sớm nhất có thể. Nhưng tôi cũng không thể hứa trước là đến bao giờ”.

Mặc dù nói vậy nhưng chỉ lát sau bà ấy gọi lại báo tin sếp của bà đồng ý cho trường hợp của mình và tuần tới mình có thể đến nhận giấy chứng nhận quốc tịch Đức. Ngay hôm sau chồng mình lại phải lục tục lên chính quyền nộp hết các loại giấy tờ liên quan. Buồn là người ta cầm luôn cuốn hộ chiếu của mình để trả lại Lãnh sự quán Việt Nam chứ mình không được giữ lại. Vậy là mình không còn được gặp lại cuốn hộ chiếu vốn gắn bó suốt mấy năm nay, chi chít những dấu và visa, mà tiếc là mình chưa kịp scan hay photocopy lại tất cả các trang để giữ lại những kỷ niệm nhỏ về những chuyến đi.

Ít bữa sau, mình được mời đến chính quyền nhận giấy xác nhận quốc tịch Đức. Ăn mặc chỉnh tề tới nơi, mình thấy có khoảng 20 người nữa cũng cùng tham dự buổi lễ. Một quan chức cao cấp lên phát biểu ngắn gọn nhưng súc tích, đại thể: “Chào mừng các bạn đến với nước Đức. Chúng tôi cần các bạn. Các bạn hãy cố gắng hòa nhập vào quê hương mới của mình, hãy là những người Đức tích cực. Đừng trông chờ người ta đến và bắt chuyện với bạn mà hãy tiến về phía họ, chủ động đưa tay mình ra phía người khác...”.

Tiếp đó, mỗi người lần lượt lên nhận chứng nhận quốc tịch và nếu muốn thì đọc một câu tuyên thệ được phát trong một tờ giấy có sẵn chứ không bắt buộc. Nhưng ai cũng đọc to và rõ ràng nhất có thể. Vị quan chức tiểu bang lắng nghe và luôn mồm khen ngợi “tuyệt vời lắm”, “tôi không thấy một accent nào hết” hay “rất hoàn hảo”...

Khi đến lượt mình, ông ấy còn cười rất tươi và nói: “Đây là một trường hợp rất đặc biệt. Cô là một trong những người được chấp nhận quốc tịch Đức nhanh chóng nhất mà tôi từng biết đấy. Chúc mừng cô”. Mình hơi bối rối vì không hiểu sao cái tình huống tưởng chừng dở khóc dở cười là mang bầu và muốn thi lấy bằng lái xe kịp trước khi đẻ lại có thể biến thành một điều thuận lợi đến thế. Nên chỉ đáp: “Cảm ơn ông rất nhiều. Có lẽ chỉ vì tôi là người rất may mắn mà thôi”.

Kết thúc màn nhận chứng nhận và đọc tuyên thệ, mọi người cùng hát quốc ca Đức trong tiếng nhạc đệm dương cầm của một cô nhạc công còn khá trẻ và xinh xắn. Buổi lễ gói gọn trong khoảng 45 phút, ngắn gọn, trang trọng và ấm cúng. “Cảm giác là người Đức như thế nào?” có lẽ câu hỏi nhiều người đặt ra với mình nhất. Tin hay không, câu trả lời của mình là “mình chả có cảm giác gì đặc biệt cả”.

Bố mẹ chồng hỏi mình có buồn không khi phải bỏ quốc tịch Việt Nam. Mình cũng thành thật trả lời: “Dạ không ạ. Con vẫn là người Việt Nam mà. Mặt mũi hình dáng con vẫn thế, con vẫn ăn cơm Việt Nam mỗi ngày, nói tiếng Việt, máu con vẫn là dòng máu Việt. Chỉ có trên giấy tờ con là người Đức thôi ạ. Mà một mẩu giấy nhỏ thì có ý nghĩa gì đâu chứ, có phải thế không ạ. Ngày nay, đâu có quan trọng mình là người nước nào vì người ta còn có các khái niệm công dân toàn cầu, công dân thế giới. Không quan trọng bạn đến từ đâu mà quan trọng bạn làm gì cơ”.

Khi kể lại bố mình có vẻ không ưng với câu trả lời này. Ông bảo: “Dù gì thì cũng phải trả lời ngoại giao tí chứ. Ví dụ, kể ra phía Đức chấp nhận hai quốc tịch thì vẫn hơn. Con cũng thấy hơi buồn về điều này nhưng dù sao nếu điều đó tốt cho tương lai thì mình vẫn nên làm ạ”. Mình giãy nảy lên: “Nhưng mà con có nghĩ thế đâu mà nói thế hả bố. Con cũng đâu có buồn. Mà thực sự việc quốc tịch Việt hay Đức cũng chẳng ảnh hưởng đến cuộc sống của con ở đây. Chỉ có điều khi con đi du lịch sẽ thuận lợi hơn vì có thế đến nhiều nước hơn mà không phải xin visa thôi ạ”.

Bố nghe thế và chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Vài ngày trôi qua, phải chăng mình thực dụng hay vì dòng máu Viêt trong mình còn quá mạnh nên sự việc này cũng không để lại nỗi xúc động gì đáng kể trong mình...

Tác giả bài viết: Hoài Vũ, từ Burgshwalbach (CHLB Ðức)