Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Nhật ký của một bà nội trợ: NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM

(NCTG) “Cầu cho hòa bình thịnh vượng đến với đất nước Ukraine của bọn mình! Cầu cho không còn người bạn nào bị ám sát! Ước cho ở Việt Nam bò không còn đi lạc vào nhà chủ tịch huyện để những người mang chăn ấm đến cho các bé miền núi có thể yên tâm rằng xã hội đã đổi thay, các bé đã có chăn ấm hơn, bữa ăn có thịt, có dép để đi trong những ngày giá rét!”.

Người bạn lớn của nhân dân Ukraine đã ra đi - Ảnh: Boris Nemtsov trong một hoạt động ủng hộ Ukraine, tháng 3-2014

Sáng thứ Bảy 28-2 mình thức dậy với tin Nemtsov đã bị ám sát đêm hôm trước. Thế là chính khách đối lập đẹp như tài tử với nụ cười rộng mở vô tư và mái tóc đen xoắn từng lọn nhỏ đã gia nhập “Đội chiến binh thần thánh” (Небесная сотнья) như nhà thơ Andray Orlov viết ngay đêm đó. Mình cứ lẩn thẩn dùng tư duy đàn bà mà tự hỏi, có khi nào đối thủ của ông mong mỏi cái chết của ông chỉ vì ông đẹp trai hơn, lịch lãm, lôi cuốn hơn và tự tin hơn rất nhiều khi chẳng có đến một người vệ sĩ đi bên cạnh. Xem chừng cái tư duy đàn bà của mình cũng có thể có lý chăng?

Chủ nhật 1-3, ngày đầu tiên của mùa xuân, mình mệt mỏi mở mắt dậy từ sớm khi con gái lục đục ra khỏi nhà xuống hầm lấy xe ra ga đón bố! Một ngày Chủ nhật có thể sẽ vui hơn, nhưng mình lại ngồi hý hoáy dịch một bài về Nemtsov! Lại Nemtsov! Đơn giản thôi, vì từ đây Ukraine của mình đã mất đi một người bạn lớn!

Thứ Hai 2-3 là một ngày ảm đạm. Chẳng ra mưa, chẳng ra tuyết. Mình lo lắng sợ bé Cún đi học qua rừng sẽ bị ướt chân. Bố Bảo Linh ra sân bay đón mẹ của Vi Linh quay trở về Ukraine sau một tháng rưỡi ở Việt Nam thăm con gái làm việc tại Sài Gòn.

Gia đình Vi Linh là bạn chúng mình ngày còn ở Kherson, bố Vi Linh là người Việt. Liuda (tên mẹ của Vi Linh) suốt đêm phải ngồi chờ chuyển máy bay ở sân bay Bangkok nên về đến nhà mình, sau màn chào hỏi là xin phép nằm luôn ở sopha vì “chân đã cứng như gỗ rồi”. Mình khẽ khàng đi lại, nấu ăn, Bảo Linh đi học về (có hai tiết đúp - para - thôi mà), bữa trưa đã dọn mà Liuda vẫn chưa thức dậy. Thế mới biết tuổi tác đã để lại dấu hằn của nó lên mỗi con người. Ngày trước Liuda bôn ba Kherson - Moscow lấy hàng (mỗi chuyến là cả mấy ngày trời tàu xe vất vả) về để bố Vi Linh mang ra chợ bán.

Bọn mình đành ăn cơm trước. Mãi đến tầm ba giờ chiều Liuda mới dậy. Nhoẻn miệng cười khi mình mời ăn cơm “không, tớ chỉ xin cốc cà phê thôi!”. Bọn mình ngồi uống cà phê và cùng xem ảnh hai mẹ con Liuda. “Này, đường hoa Nguyễn Huệ. Đẹp lắm, nhé! Văn phòng của Vi Linh làm việc đối diện ngay chỗ ấy. Thế là ngay hôm khai mạc hai mẹ con đã có mặt rồi. Người sao mà đông thế. Trẻ con đứa nào cũng xinh! Mẹ con tớ chụp ảnh. Cũng có mấy gia đình đứng chụp ảnh nhưng bảo vệ đuổi (mà sao lắm bảo vệ thế). Họ quát bảo, các người là người Việt Nam, không được giẫm lên cỏ.(Vi Linh dịch như thế cho tớ).

Vi Linh hoảng quá, lôi tớ ra ngoài. Ô hay, hóa ra người Việt Nam thì không được giẫm lên cỏ, còn tớ không bị đuổi vì tớ là người nước ngoài! Dân tộc cậu sao mà dễ thương! Khi hai mẹ con ra Hà Nội, đi qua cái phố gì đó hay cái chợ gì đó, người ta túm lấy tớ ở tất cả những chỗ có thể túm được (và đôi khi cả những chỗ không nên túm), Madame mua cái này đi, Madame mua cái kia đi..
..”.

Thế công việc của Vi Linh ra sao?”. “Ui, lúc đầu cũng tốt, bây giờ thì tớ cũng không thể nói gì. Vi Linh tìm được nhiều khách hàng Nga cho công ty, nhưng bây giờ Nga đang khủng hoảng mạnh. Nhiều đối tác từ chối nhận hàng hoặc xin thanh toán sau. Có đối tác tiềm năng, thì công ty của Vi Linh lại xuất toàn hàng kém phẩm chất không như mẫu mã chào hàng, thế là Vi Linh cãi nhau với sếp. Nó xấu hổ, không biết ăn nói với khách hàng ra sao. Tớ về bên này nhưng vụ ấy vẫn chưa giải quyết xong. Sau rồi không biết như thế nào!”.

Thoáng đã đến tối. Liuda lại tất tả ra ga để đáp chuyến tàu tối về Kherson. Hai đứa hẹn nhau lần sau gặp lại.


Kiev, thủ đô Ukraine

Sáng 3-3 bố Bảo Linh lại chạy ra sân bay để tiễn hai bố con nhà anh... về nước. Một buổi sáng sớm, ông xã mình có điện thoại từ tận Việt Nam. “A-lô, H. à? Mình đây mà. T. ở ký túc xá 10 hồi xưa đây!”. “À, vâng”. “Dạo này có khỏe không? Này thôi, cứ nói luôn khỏi vòng vo nhé. Dạo này thấy thằng... than phiền ghê quá. Nó bảo cứ lủi thủi một mình. Vợ con bỏ bê nó. Mà thế quái nào con rể, con trai lại xúm vào đánh nó thâm tím mặt mày cả tuần không đi làm được”.

Vâng, có chuyện đó thật anh ạ!”. “Ừ, thế nên mấy chiến hữu ngày xưa bảo thôi về Việt Nam cho yên. Bọn này định góp tiền mua vé cho nó về. Bây giờ bao nhiêu tiền vé một chiều hả cậu?”. “Cũng tùy ạ. Nếu rình vé rẻ thì tầm độ 500, 600 USD. Còn 700 USD thì lúc nào cũng có ạ”. “Thôi thế này nhé, bọn tớ cứ gửi cho cậu 700 USD, cậu mua cho nó cái vé cho nó về”. “Vâng, nhưng các anh phải làm công tác tư tưởng để anh ấy quyết về đấy”. “Ừ, chuyện ấy để bọn này lo”.

Bẵng đi ít lâu, mình hỏi ông xã, chuyện anh... ra sao. “Ôi giời, bây giờ ông ấy muốn mang cả thằng con về nữa”. “Sao lại cả thằng con, các anh bạn ở nhà cũng đồng ý thế à?”. “Không, anh ấy muốn thế. Sợ nó phải đi bộ đội, ra Donbas đánh nhau, nên gia đình gom góp tiền để nó trốn về Việt Nam”. “Hừ, đánh bố thì không sợ, lại sợ đánh người ngoài. Mà chưa học xong, về Việt Nam thì sẽ làm gì? À, mà có đấy. Làm hotboy đi, cao to, lai Tây làm hotboy được đấy!”.

Ông xã mình phì cười vì kiểu lập luận của mình. Thế rồi hôm nay hai bố con họ về Việt Nam thật. Đến quá trưa, bố Bảo Linh quay lại đón mình ra công ty, trên đường đi chàng kể lể. Mấy vị đi từ Kherson lên có thế mà cũng không nên thân. Thằng cháu anh T. (một cậu bé nhân tiện cũng về cùng) bị bọn công an ở bến xe liên tỉnh nó vặt 50 USD. Nó bắt vào khám người thấy có ít tiền, nó hỏi sẽ cho nó bao nhiêu, thế là đành cho 50 USD!

Mình cáu quá, За что? (cho vì cái gì?), không có mồm mà cãi à? Rồi chợt nhớ ra, các ngài sang Ukraine như đi vào chỗ không người, tưởng có lợi là đi, có biết chữ bẻ đôi nào đâu!

Sáng 4-3 mình tỉnh dậy, đầu đau như búa bổ. Cúm rồi. Nằm liệt luôn ở nhà, Buổi trưa bạn quý Hà “mèo” inbox hỏi, “Kiev dạo này thế nào? Cửa hàng có gì bán không? Có đủ thức ăn không?”. Ôi trời ơi là câu hỏi! Thế mới biết chiến tranh thông tin là như thế nào! Mà bạn quý mới chỉ rời Kiev có chưa đầy hai tháng thôi. Lại sắp sang rồi nên hỏi để chuẩn bị tinh thần cần lao vượt khó. Mình bảo, “chỉ sợ không có tiền mua để thôi!”.

Đến chiều, chợt nhớ ra hôm sau là Rằm tháng Giêng. Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng. Mình nuốt liền hai viên thuốc rồi mặc quần áo chạy sang siêu thị cạnh nhà mua hoa quả để thắp hương. Đứng trong siêu thị, nhìn giá cả, chợt nhớ đến câu trả lời Hà “mèo” buổi trưa: “Chỉ sợ không có tiền để mua thôi”. Hàng hóa vẫn chẳng thiếu thứ gì. Nhưng lương không tăng, người dân sẽ sống sao đây! Khi mình mới chuyển về đây, thu nhập 1.000 USD của mình, ba mẹ con sống vất vả, tính toán chi ly từng tý. Bây giờ mà 1.000 USD thì có mà chi tiêu thoải mái con gà, chỉ có điều với số tiền ấy, giá trị quy ra đô-la chỉ còn chưa đến một phần ba.

Hôm nay, 5-3, Rằm tháng Giêng. Mình vẫn nhớ Tết 1998 mình về đón Tết ở Việt Nam, mẹ nói, dạo này rằm tháng Giêng người ta hay cúng bánh trôi bánh chay để cầu mong cả năm mọi việc được thuận lợi, trôi chảy. Thế là mình dậy sớm, trong lúc hai đứa Bảo Linh và Cún còn đang vươn vai ngáp ngủ chiến đấu với bản thân thì mẹ Giang đã đồ đỗ và nhồi bột. Bảo Linh lái xe chở em cùng cái giá vẽ to bằng người đi học cũng là lúc mình nặn chiếc bánh chay đầu tiên.


Bánh trôi, bánh chay ngày Rằm nơi xa quê - Ảnh do tác giả cung cấp


Vừa làm mình vừa miên man nghĩ, cầu Trời - Phật - Thánh - Thần phù hộ độ trì để năm 2015 Ất Mùi này mọi việc của mẹ con mình trôi chảy! Cầu cho hòa bình thịnh vượng đến với đất nước Ukraine của bọn mình! Cầu cho không còn người bạn nào bị ám sát! Ước cho ở Việt Nam bò không còn đi lạc vào nhà chủ tịch huyện để những người mang chăn ấm đến cho các bé miền núi có thể yên tâm rằng xã hội đã đổi thay, các bé đã có chăn ấm hơn, bữa ăn có thịt, có dép để đi trong những ngày giá rét!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Giang, từ Kiev