Người Việt ở Ba Lan: ĐI NGHE TƯ VẤN NGOẠI KIỀU
- Thứ tư - 15/01/2014 12:02
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Cư trú hợp pháp được coi là điều kiện tối thiểu và tiên quyết để ổn định cuộc sống ở nước ngoài, nhưng người Việt rất ngại trực diện với những vấn đề pháp lý, kể cả khi được tạo cơ hội tìm hiểu để gần gũi hơn với pháp luật”.
Buổi tư vấn được sự hỗ trợ tiếng Việt của một điều phối viên kiêm phiên dịch
Một trong những sự kiện gây chú ý trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan thời gian qua là lời mời tham dự buổi tìm hiểu pháp lý của chi nhánh Ba Lan của Quỹ Nhân quyền Helsinki.
Không chỉ phổ biến về luật pháp cho người nước ngoài mang thẻ tạm trú, Ban tổ chức chương trình còn sẵn sàng tư vấn pháp lý tại chỗ cho cử tọa.
Cho dù Quỹ Nhân quyền Helsinki là trụ sở rất quen thuộc đối với nhiều người ngoại quốc cũng như bản xứ, nhưng với hầu hết người Việt thì đây là lần đầu tiên có cơ hội "giáp mặt" với tổ chức nhân quyền quốc tế rất có uy tín này.
Cuộc gặp diễn ra vào chiều thứ Bảy tuần qua tại trụ sở của Quỹ ở trung tâm thủ đô Warszawa, như là một nỗ lực tạo điều kiện cho bà con người Việt có thể tham gia mà không phải bỏ bê công việc.
Trụ sở của Quỹ hôm đó vắng tanh, chỉ có hai nhân viên, một luật sư, một điều phối viên và một người bảo vệ kiên nhẫn làm việc.
Chậm hơn dự định gần nửa tiếng, cuộc nói chuyện bắt đầu với khoảng hơn mười người tham dự. Một số người do không thông thạo đường đi lối lại và bận bịu công việc nên tới giữa và cuối buổi mới đến, chiếm hết các chỗ trống còn lại của phòng họp.
Đúng như thông báo, cuộc gặp được đảm bảo phiên dịch tiếng Việt toàn phần. Ngoài luật sư của Quỹ, những người tham dự còn được gặp chuyên viên của Ủy ban Tỉnh Mazowiecki, bà Barbara Mingin, người đã thâm niên làm việc tại cơ quan Tỉnh từ năm 1991.
Đề tài được tập trung khai thác là thủ tục gia hạn cư trú đối với người ngoại quốc hiện mang thẻ tạm trú sắp hết hạn. Tuy nhiên, nhanh chóng, chủ đề bàn luận được chuyển sang các đề tài liên quan tới gia đình, thân nhân, cũng như khả năng được ổn định cư trú theo diện dài hạn.
Cho dù là hình thức trao đổi pháp lý mới mẻ đối với hầu hết người Việt, nhưng có vẻ như những người có mặt đã rất nỗ lực tận dụng cơ hội để đưa ra những câu hỏi cụ thể và ăn khớp. Do vậy, cuộc nói chuyện luôn cuốn hút cử tọa và đã kéo dài hơn khuôn giờ mà Ban tổ chức hoạch định.
Cư trú hợp pháp và những thủ tục pháp lý đối với người Việt ở nước ngoài là một trong những vấn đề được quan tâm nhất, nhưng cũng là vấn đề gặp mâu thuẫn lớn nhất trong cách hành xử và thái độ của người trong cuộc.
Người Việt ở Ba Lan là một thí dụ. Cư trú hợp pháp được coi là điều kiện tối thiểu và tiên quyết để ổn định cuộc sống ở nước ngoài, nhưng người Việt rất ngại trực diện với những vấn đề pháp lý, kể cả khi được tạo cơ hội tìm hiểu để gần gũi hơn với pháp luật.
Những nỗ lực phổ biến pháp lý miễn phí cho người Việt vẫn thi thoảng được một số các tổ chức phi chính phủ uy tín của Ba Lan thực hiện, nhưng có lẽ phải nhiều năm nữa người Việt mới quen thuộc với sự hỗ trợ này.
Ngoài việc phổ biến phương thức gia hạn cư trú, nhóm tổ chức buổi gặp mặt cũng đã giới thiệu về luật mới về người nước ngoài, sẽ có hiệu lực từ tháng 5-2014. Đã có một số ý kiến, yêu cầu từ phía những người tham dự yêu cầu nhóm điều hành tổ chức một buổi gặp tương tự để phổ biến rộng hơn về việc thực thi luật mới.
Cuộc gặp mặt diễn ra trong bầu không khí thân mật, có nước uống, bánh ngọt ngon miệng. Cử tọa tin tưởng, thoải mái khi được nghe tư vấn, và tỏ ra tiếp thu. Ra về ai cũng nhiệt thành cảm ơn.