“NƯỚC MẮT RƠI VÌ HẠNH PHÚC” KHI TỚI TRƯỜNG SA
- Thứ sáu - 11/07/2014 19:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Hà cớ gì giữa hai phe trong quá khứ cùng một dân tộc, cũng vô cùng yêu đất nước này lại thù hằn lẫn nhau dai dẳng trong khi kẻ thù tham lam chung của chúng ta đang rình rập, dã tâm xâm lấn biển đảo của Tổ quốc Việt Nam này. Chế độ, chính kiến có thể khác nhau nhưng Tổ quốc là một” - Việt kiều Nguyễn Sỹ Tuyên.
Anh Nguyễn Sỹ Tuyên trong chuyến đi
Lời Tòa soạn: Anh Nguyễn Sỹ Tuyên, một kiều bào đã có nhiều năm học tập và sinh sống tại Cộng hòa Ukraine là một trong số các Việt kiều có cơ hội đặt chân đến Trường Sa, nơi tiền tiêu của đất nước.
Trở về, anh Tuyên đã có dịp chia sẻ với báo giới Việt Nam về những cảm tưởng của chuyến đi, cũng như những tâm tư tình cảm, ý kiến và đề xuất nhằm thực sự “nối vòng tay lớn” giữa người Việt, chân thành khép lại quá khứ, hóa giải những oan khiên để cùng nhau hướng về một mục tiêu tối thượng: bảo vệ Quê hương trước hiểm họa ngoại xâm.
Nội dung cuộc trao đổi với anh Nguyễn Sỹ Tuyên đã được trích đăng tại đây. Bản trên NCTG là toàn bộ cuộc phỏng vấn, do chính tác giả cung cấp. Chân thành cám ơn anh Nguyễn Sỹ Tuyên và trân trọng giới thiệu!
Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Việt ngữ tại Cali
PV: Thưa anh Nguyễn Sỹ Tuyên, như tôi được biết đây là Đoàn Việt kiều thứ ba ra thăm Quần đảo Trường Sa. Cảm nhận của anh, với tư cách là một Việt kiều, đến vùng biển đảo xa xôi ấy như thế nào?
- Trước đây, bao nhiêu năm tôi ao ước được đặt chân đến quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Tôi hiểu không phải muốn là được bởi ngoài chuyện tốn phí, còn là sự xa xôi, và những yêu cầu đặc biệt vì vị trí đặc biệt của Trường Sa. Trong nhà tôi bên Ukraine có treo một bản đồ Việt Nam và tôi hằng ao ước có ngày được đặt chân tới Trường Sa. Tôi cùng các con thường ngắm nghía không chán, phóng to bản đồ google earth từng hòn đảo dù không rõ lắm, để xem.
Cuối cùng ước mơ cháy bỏng ấy của tôi đã thành hiện thực. Tôi đã đặt chân lên Trường Sa! Không resort bốn, năm sao nào có thể cho tôi một trải nghiệm thiêng liêng và hạnh phúc như chuyến đi này, dù tôi đã từng đặt chân nhiều nơi trên địa cầu. Tôi đã bật khóc. Thật kỳ lạ! Người đàn ông ngoại tứ tuần như tôi từng nếm trải bao cay bùi của cuộc đời bỗng dưng nước mắt rơi vì hạnh phúc.
PV: Chắc chắn anh đã có kỷ niệm rất tươi đẹp và nhớ đời ở Trường Sa?
- Vâng, thưa anh. Tôi đã cùng mấy người cùng phòng từ Mỹ như anh Nguyễn Trọng Bình, bác sĩ Bùi Minh Tâm, rồi chị Nguyễn Thi Minh (Hungary), chị Trần Khánh Vân (Singapore)… quên hết mệt nhọc đi dọc ngang từng hòn đảo nổi, sờ những gốc cây, ôm cột mốc chủ quyền cũ (do Việt Nam Cộng hòa xây) và mới, y như ôm người thân lâu ngày gặp lại, say sưa ngắm nghía vườn rau chiến sĩ đảo trồng như ngắm cây cảnh. Hà hít những chú cún nhỏ được sinh ra ở Trường Sa Đông.
Tôi hiểu dường như là đối với những người xa xứ như tôi đến cuối đời, khó mà có cơ hội đến đó lần nữa. Bởi cơ hội phải nhường cho những đồng bào xa Tổ quốc khác cũng đang rất muốn về nước thăm Trường Sa.
Kỷ vật từ Trường Sa tôi đem về là một vỏ ốc rất đẹp do anh Đảo trưởng Đá Tây A tặng, và chiếc lá bàng khô từ đảo Song Tử Tây. Lá bàng khô, anh ạ. Vì theo quy định không được hái lá, quả bàng tươi hay nhặt đá đem về đất liền, để bảo vệ môi trường và giữ gìn diện tích đảo. Chiếc lá bàng khô tôi đã đặt lên bàn thờ ở bên Ukraine, coi đó là một phần Trường Sa của Tổ quốc.
Cùng một chiến sĩ gác đảo
PV:Tầu hải quân đã đưa đoàn Việt kiều đến đảo chìm Len Đao – nơi chỉ cách đảo chìm Gạc Ma (đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) 5,5 hải lý, tâm trạng anh thế nào?
- Trước khi đặt chân lên đảo chìm Len Đao, con tàu HQ 571 chở chúng tôi dừng lại ở vùng biển giữa Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma. Chúng tôi đã làm lễ tưởng niệm những binh sĩ Việt Nam đã hy sinh trong trận chiến không cân sức ngày 14-3-1988 chống quân Trung Quốc chiếm đoạt đảo Gạc Ma.
Trước đó, ở trên boong tầu, chúng tôi đã được Anh hùng, cựu Thuyền trưởng HQ-505 Vũ Huy Lễ - người đã ra lệnh lao tàu lên đảo Cô Lin và biến nó thành pháo đài chống quân Trung Quốc xâm lược hung tàn, kể về trận chiến không cân sức giữa những công binh Việt Nam và quân Trung Quốc tàn bạo năm ấy. Họ anh dũng chiến đấu dến hơi thở cuối cùng chứ không có chuyện đầu hàng quân thù.
Tàu chúng tôi đã hú ba hồi còi, tất cả ai cũng rưng lệ, lẵng lẽ thả hoa, thả đèn hoa đăng để tưỏng nhớ và vĩnh biệt những nguời anh hùng đã ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc.
Con xuồng CQ chở chúng tôi từng nhóm nhỏ lên đao chìm Len Đao. Các anh lính đảo và sĩ quan đón Việt kiều như đón người thân. Dù trước đó có đọc, xem TV về cuộc sống gian lao của họ nơi đảo chìm, nhưng tôi vẫn bất ngờ về cuộc sống của chiến sĩ đảo bó hẹp trong một không gian chật hẹp, bốn bề là trùng khơi. Chúng tôi chia tay với họ trong bịn rịn. Những cái băt tay, ôm nhau y như nguời ruột thịt khi xa nhau ngàn dặm…
PV: Trong chuyến đi Trường Sa, đoàn đã trao tặng hơn 800 triệu đồng do bà con Việt kiều đóng góp để xây nhà bia tưởng niệm trên đảo Song Tử Tây. Thật là cảm động! Trong đoàn của anh có cả những Việt kiều một thời cầm súng đứng ở phía bên kia, anh có nhận ra tâm trạng, suy nghĩ gì của họ khi đến với quân và dân ở huyện đảo Trường Sa?
- Trong đoàn ra Trường Sa có nhiều người từ các quốc gia khác nhau: Thái Lan, Lào, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Canada, Nga, Đông Âu… Chúng tôi đều do nhiều lý do khác nhau trong lịch sử mà định cư ở nước ngoài, nhưng luôn theo dõi tình hình biển đảo của Tổ quốc thứ nhất - nơi chúng tôi được sinh ra.
Nhiều người trong đoàn từng thuộc “phe thua cuộc” trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và họ từng có ác cảm với chế độ hiện nay thậm chí chống đối kịch liệt. Nhưng, tất cả thành viên trong đoàn đều vô cùng xúc động trước tình cảm mà các chiến sĩ Hải quân Việt Nam, từ trên tàu HQ 571 đến người lính trên các đảo ở Trường Sa, cũng như người dân thường trên các đảo nổi đã dành cho chúng tôi.
Trong quân phục của Hải quân Việt Nam
Bà Phùng Tuệ Châu (Hoa Kỳ) nhiều lần bật khóc khi đặt chân lên mỗi hòn đảo. “Tôi còn nợ Việt Nam, nợ các anh Hải quân Việt Nam nhiều lắm” - bà nghẹn ngào trong nước mắt. “Trước đây vì thiếu thông tin, mặc cảm vì hiềm khích, tôi vẫn nghĩ Việt Nam dâng đảo cho Trung Cộng nhưng đến tận đây tôi chứng kiến các đảo được các anh xây dựng đẹp đẽ và bảo vệ vững chắc”.
Anh David Nguyễn (Hoa Kỳ) cùng các anh Nguyễn Hữu Thắng (CHLB Đức), Bùi Văn Hòa (Lào), Đặng Thế Sáng (CHLB Đức) hát vang bài ca về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam do các anh tự sáng tác khi giao lưu cùng chiến sĩ đảo.
Chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần làm việc của các chiến sĩ trên tàu. Một ngày họ chỉ ngủ có vài giờ đồng hồ, họ nhường chỗ ở tốt nhất cho Việt kiều, nhưng bản thân họ ngủ dồn ở nơi chật chội. Chúng tôi cũng hết sức cảm phục tinh thần chiến đấu, kỷ luật của các chiến sĩ Trường Sa. Chấp nhận gian khổ, chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chúng tôi đã được nghe về sự anh dũng, lòng quả cảm vô song của các binh sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam Việt Nam qua hai trận chiến 1974 và 1988 chống Trung Quốc tàn bạo. Họ sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng chứ không có chuyện đầu hàng quân thù. Có lẽ chẳng có quân đội nào trên thế giới này gần gũi như Quân đội Nhân dân Việt Nam khi tất cả các sĩ quan cùng binh lính ăn cơm, hát múa với những người dân thường chúng tôi hết sức thân mật, chân tình.
PV: Anh thấy cuộc sống người lính đảo Trường Sa bây giờ thế nào?
- Cải thiện rất nhiều so với những hình ảnh tôi được thấy qua báo chí trước đây, thưa anh. Cả nước dành cho họ tình cảm và vật chất. Các đảo đều có điện gió hoặc điện mặt trời và được phủ sóng điện thoại. Cái gian khổ của họ là thiếu rau, thiếu nước ngọt, thiếu những bóng dáng phụ nữ, thiếu văn công.
Quần đảo Trường Sa nằm giữa trùng khơi đầy sóng, bão. Đặc biệt là nhà giàn DK1 chênh vênh nhỏ nhoi giữa biển. Kẻ thù Trung Quốc tham lam luôn rình rập, nhòm ngó. Nhưng họ vẫn hết sức yêu đời, trồng hoa, nuôi chim. Họ có kỷ luật tốt và luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đất nước. Tôi tin vào lòng dũng cảm và ý chí sắt đá của họ, của mỗi người dân Việt Nam. Điều ấy đã được minh chứng suốt trong chiều dài lịch sử giữ nước của dân tộc Việt.
Gần lắm, Trường Sa!
PV: Thưa anh, còn có điều gì đặc biệt trong đoàn ra Trường Sa của các anh không?
- Có, anh ạ! Ngoài Anh hùng, cựu Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ - người đã hạ lệnh lao con tàu HQ-505 lên đảo Cô Lin ngày 14-3-1988 và biến con tàu thành pháo đài quyết tử chống quân Trung Quốc hòng chiếm đảo thì còn có hai người phụ nữ đặc biệt.
Đó là bà Huỳnh Thị Sinh - vợ của trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng HQ10 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa và chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, con của Hạm phó Nguyễn Thành Trí - cùng hy sinh với trung tá Ngụy Văn Thà trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974.
Họ rất tự hào, thương tiếc người chồng, người cha đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa và cũng rất cảm động, thương yêu những người lính bây giờ đang làm công việc bảo vệ biển đảo như người thân của họ cùng các thế hệ ông cha đã từng thực thi ngày xưa.
PV: Trong những ngày nóng bỏng sự kiện dàn khoan HD - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép ở lãnh hải chủ quyển của Việt Nam trên biển Đông. Anh thấy các chuyến đi Trường Sa của Việt kiều có bị ảnh hưởng nhiều không?
- Có thể nói Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã làm rất tốt việc hòa giải dân tộc trong chuyến đi này. Đoàn kiều bào có nhiều người từng là “phía bên kia” cuộc chiến, “bên thua cuộc”. Có người trong số họ do lịch sử để lại, từng chống đối kịch liệt chính quyền Việt Nam hiện này, nhưng không thể nói họ không yêu nước. Tất cả họ đều vô cùng xúc động khi trở về Tổ quốc, được thăm biển đảo - nơi đang được giữ gìn và xây dựng vững chắc.
Đoàn kiều bào chúng tôi và các chiến sĩ Trường Sa đều hòa thành một khối NGƯỜI VIỆT hợp nhất, đã tổ chức lễ cầu siêu cho tất cả những binh sĩ Nam - Bắc Việt Nam, những thuyền nhân gặp nạn trên biển. Đó là việc làm hết sức cảm động và mong rằng Chính phủ vẫn tiếp tục chính sách đầy nhân văn này.
Tại đảo Song Tử Tây
PV: Là những Việt kiều, là con dân nước Việt xa Tổ Quốc, anh có đề nghị gì sau khi ra Trường Sa - quần đảo xa nhất của đất nước?
- Tôi xin đề nghị ba vấn đề:
Một là, xuất thân từ miền Bắc, lớn lên duới chế độ XHCN, tôi có ý nghĩ thế này. Chúng ta đang hòa hợp dân tộc sau cuộc nội chiến gần bốn mươi năm trước và đoàn kết dân tộc chống kẻ thù chung: giặc ngoại xâm bành trướng.
Từ nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, không nên dùng những từ miệt thị để chỉ những người thuộc Việt Nam Cộng hòa như: “ngụy”, “địch”… và thay vì dùng cụm từ “giải phóng Trường Sa” bằng “tiếp quản Trường Sa”. Lịch sử để lại khiến dân tộc Việt chúng ta chia rẽ, mất mát quá nhiều. Chiến tranh đã lùi xa. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, công bằng để thảm kịch không lặp lại.
Dân ta vốn có lòng nhân ái, vị tha. Xưa kia cha ông ta sau khi đánh thắng giặc xâm lược Trung Hoa, Mông Nguyên từng nhiều lần cấp ngựa, lương thực để họ trở về nước vậy hà cớ gì giữa hai phe trong quá khứ cùng một dân tộc, cũng vô cùng yêu đất nước này lại thù hằn lẫn nhau dai dẳng trong khi kẻ thù tham lam chung của chúng ta đang rình rập, dã tâm xâm lấn biển đảo của Tổ quốc Việt Nam này. Chế độ, chính kiến có thể khác nhau nhưng Tổ quốc là một.
Hai là, chúng ta yêu biển đảo, có trách nhiệm gìn giữ môi trường biển đảo của Việt Nam cũng như vùng biển quốc tế. Có một thực tế đau lòng là một số thủy thủ, thành viên trong đoàn vứt rác, chất thải rắn không thương tiếc xuống biển.
Tôi mong muốn các đoàn công tác sau này đặt nhiều hơn nữa các thùng rác trên tàu, trên đảo, dán các biển cảnh báo không xả rác bừa bãi. Khi tổ chức tưởng niệm các liệt sĩ không nên thả đèn hoa đăng bằng plastic, nên thay bằng vật liệu dễ hủy. Bởi các chất thải rắn phải mất vài trăm năm mới tự hủy khỏi môi trường. Tôi nghĩ được vậy, linh hồn những người đã khuất cũng được thanh thản.
Ba là, tôi muốn nói thêm về việc cần thiết công nhận ghi công lao những binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa. Công nhận liệt sĩ và có chính sách xã hội với thân nhân của họ.
PV: Cảm ơn anh Nguyễn Sỹ Tuyên đã tham gia cuộc phỏng vấn!
Ghi chú:
(*) Các hình ảnh trong bài là của tác giả Nguyễn Sỹ Tuyên.