NƯỚC MẮT CỦA NGƯỜI VIỆT DI TẢN CHIẾN TRANH TỪ UKRAINE
- Thứ sáu - 15/04/2022 03:23
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Có làm thuyền nhân thì mới biết sóng cồn cao bao nhiêu và biển rộng chừng nào. Có làm người tỵ nạn chiến tranh Ukraine thì mới thấu hết nỗi khổ của kẻ mất nhà mất cửa làm thân đi ăn chực ở nhờ” – chia sẻ của tác giả Thắng Lợi từ Berlin, CHLB Đức.
Lời Tòa soạn: Cuộc chiến xâm lược Ukraine do Liên bang Nga khởi động ngày 24/2 đã khiến hàng chục triệu cư dân Ukraine phải bỏ nhà cửa và mọi thứ đang có đi lánh nạn, trong đó, nhiều triệu người buộc phải rời quê hương qua Châu Âu qua các ngả Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania... là những quốc gia láng giềng. Đây là cuộc di tản lớn nhất, diễn ra trong thời gian ngắn nhất, của lịch sử hiện đại thế giới.
Trong dòng người rời đất nước Ukraine đang oằn mình trong đạn lửa chiến tranh, có nhiều người người Việt và gốc Việt: có những người đã định cư từ nhiều thập niên và cùng với con cháu, đã chọn nơi này là quê hương thứ hai, và cũng có không ít người mà Ukraine mới chỉ là “xứ tạm dung” đối với họ. Nhìn từ nhiều góc độ, sự ra đi của họ là một tấn thảm kịch, nhưng cũng có thể là cơ hội đối với một bộ phận.
Bài viết sau đây của tác giả Thắng Lợi, một người Việt phải rời Ukraine sau nhiều thập niên cư ngụ, sinh sống và hội nhập, nói lên những nỗi niềm và nhọc nhằn của người ra đi. Xin giới thiệu bài viết trên tinh thần đồng cảm với bà con Việt tại Ukraine - thể hiện tại mọi cộng đồng Việt xa xứ đã đón tiếp, đùm bọc bà con -, và trân trọng tinh thần anh dũng của những người dân Ukraine đã ở lại để bảo vệ tổ quốc (BBT).
(*) Một số thông tin nhắc tới trong bài về chính sách với người lánh nạn từ Ukraine có thể được thay đổi bởi các nước sở tại.
Trong dòng người rời đất nước Ukraine đang oằn mình trong đạn lửa chiến tranh, có nhiều người người Việt và gốc Việt: có những người đã định cư từ nhiều thập niên và cùng với con cháu, đã chọn nơi này là quê hương thứ hai, và cũng có không ít người mà Ukraine mới chỉ là “xứ tạm dung” đối với họ. Nhìn từ nhiều góc độ, sự ra đi của họ là một tấn thảm kịch, nhưng cũng có thể là cơ hội đối với một bộ phận.
Bài viết sau đây của tác giả Thắng Lợi, một người Việt phải rời Ukraine sau nhiều thập niên cư ngụ, sinh sống và hội nhập, nói lên những nỗi niềm và nhọc nhằn của người ra đi. Xin giới thiệu bài viết trên tinh thần đồng cảm với bà con Việt tại Ukraine - thể hiện tại mọi cộng đồng Việt xa xứ đã đón tiếp, đùm bọc bà con -, và trân trọng tinh thần anh dũng của những người dân Ukraine đã ở lại để bảo vệ tổ quốc (BBT).
(*) Một số thông tin nhắc tới trong bài về chính sách với người lánh nạn từ Ukraine có thể được thay đổi bởi các nước sở tại.
Có làm thuyền nhân thì mới biết sóng cồn cao bao nhiêu và biển rộng chừng nào. Có làm người tỵ nạn chiến tranh Ukraine thì mới thấu hết nỗi khổ của kẻ mất nhà mất cửa làm thân đi ăn chực ở nhờ. Xin nói thẳng luôn với mọi người là ai còn có khả năng ở lại mà an toàn, nhà cửa lành lặn, hết chiến tranh vẫn kiếm được đủ ăn thì không nên đi tỵ nạn làm gì cho khổ.
Ai đi di tản cũng khóc. Có người khóc nức nở. Có người khóc âm ỉ trong lòng!
Dưới đây tôi chỉ xin được nói mấy lời về những nỗi khổ của dân tỵ nạn Việt Nam từ Ukraine trong những ngày đầu:
1. Đừng tin vào các quảng cáo trên mạng xã hội. Nào là sang Châu Âu, Bắc Mỹ sẽ được phân nhà, nào là được ở căn hộ, nhà riêng. Không có đâu. Có chăng vài ba người trúng số độc đắc vì làm đơn đầu tiên.
Cảnh ở trong trại nằm một dãy giường dài, đi một nhà vệ sinh chung, tắm một nhà tắm chung là chuyện thường. Ăn uống thì không bị đói, nhưng toàn đồ Tây nên dân Việt Nam ta khó nuốt. Còn nghe nói là khi có thẻ định cư, tìm được việc làm, có tiền rồi thì mới đi thuê nhà và mới có mái ấm riêng cho gia đình mình.
Tất cả các nước đều như nhau hết, vì họ không có kế hoạch từ trước để tiếp nhận ngay một lúc hàng triệu dân tỵ nạn đến đất nước họ. Họ phải tìm trại dưỡng lão, nhà tù, cung thể thao, trường học... bỏ không để làm thành chỗ ở cho chúng ta ở tạm.
Cho nên khi đã có thẻ định cư rồi thì cũng đừng hy vọng gì nhiều về khả năng được phân nhà.
2. Khổ nhất là bọn nhỏ. Chúng trải qua đợi nằm hầm tránh bom, chúng chen nhau với người lớn trên tầu và nổi hoảng sợ lạc mẹ lạc bố, chúng đến một miền đất lạ không hiểu ngôn ngữ, chúng nhớ nhà, nhớ cô, nhớ trường, nhớ con búp bê, cái góc giường của chúng.
Nên ba phần tư trẻ ta đi di tản bị trầm cảm ở mức khác nhau. Hầu như đứa nào cũng ốm và đứa nào cũng đòi về nhà ở Ukraine. Chúng khóc và bố mẹ cũng khóc, vì về làm sao được nữa. Chúng lầm lì và ở trong phòng suốt ngày, đến bữa không muốn đi ăn. Tội lắm!
3. Công việc. Tìm được việc làm khi đã có thẻ định cư rồi không phải dễ đâu. Vì đa số bà con ta ở vào tuổi ngoài 50. Tuổi đó mà không có nghề, không biết tiếng như dân ta từ Ukraine sang thì rất khó có khả năng kiếm được việc làm. Đơn giản là không ai không thích nhận.
Còn đi làm chui không đóng thuế thì ngày làm 12-14 tiếng. Không đóng thuế thì sau này khó gia hạn thẻ định cư. Không có việc làm mà sống bằng trợ cấp thì khổ lắm. Khổ gần như mấy anh bán thịt gà, trồng rau… bên Ukraine.
4. Ngôn ngữ. Trời ơi, 50-60 rồi mà lại bắt đầu học đánh vần. Nó không vào được. Mà không biết tiếng thì không làm gì được. Điều đó ai cũng hiểu. Nhất là khi đi làm thủ tục giấy tờ. Không biết tiếng khó tìm được việc làm. Không biết tiếng đi ra đường là lạc đường.
Không biết tiếng là đủ cái khổ. Mà học thì nó không vào. Không biết tiếng thì khi Sở Di trú phỏng vấn để gia hạn thẻ định cư sẽ khó khăn. Tóm lại là một nỗi khổ lớn!
5. Phải thay đổi toàn bộ thói quen cuộc sống. Đang được tự do giờ giấc thích thì đóng cửa công đi về, bổng phải ghép vào chế độ làm việc ca ngày ca đêm. Không thể nghỉ làm thậm chí để đưa con đi chữa bệnh.
Đang ở trong cộng đồng Làng Sen, Làng Thời Đại vui vẻ nhộn nhịp, bổng dưng được sở di trú nước bạn phân về một làng nhỏ làm nghề nuôi heo, xung quanh không có một nhà Việt Nam quen, thì mọi người hiểu là buồn đến thế nào.
6. Mặc cảm. Tất cả người Việt Nam từ Ukraine sang Châu Âu đều có một mặc cảm, một nỗi xấu hổ rằng cách đây hơn một tháng mình có cuộc sống đàng hoàng, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, công việc, bổng nhiên trở thành kẻ ăn mày, ăn nhờ ở đợ nhà người ta, phải đi xin từ miếng bánh mì.
Tất cả người Việt Nam từ Ukraine sang Châu Âu đều bị tổn thương về tinh thần do chiến tranh và cuộc tỵ nạn đem đến. Và vết thương này không dễ lành ngay được, nên chúng ta rất yếu đuối.
Chúng ta khác thế hệ tỵ nạn chiến tranh những năm 70-80. Chúng ta không có ý chí. Chúng ta không đủ nghị lực làm lại từ đầu, chúng ta thua xa các thế hệ Việt kiều trước. Bởi vì chúng ta có cuộc sống bình thường, không thiếu thốn gì ở Ukraine cho đến tận 24/2/2022.
Tôi hy vọng là tình hình sẽ khá dần lên, chứ bây giờ rất nhiều người bỏ cuộc, tự mua vé máy bay bồng bế con cái về sống ở Việt Nam.
7. Cạm bẫy. Cộng đồng Việt Nam ở bất cứ nước nào cũng có các mặt phức tạp của nó. Ở hoàn cảnh của bà con ta rất dễ rơi vào các cạm bẫy. Hoàn toàn có thể bị đón lỏng hoặc rủ rê đi làm các công việc không hợp pháp, hoặc rơi vào tay các công ty môi giới đen. Hiểu được các khía cạnh này cũng khó phết đấy.
8. Nỗi lo về thủ tục giấy tờ. Đa số bà con Việt Nam ở Ukraine chưa có quốc tịch bản địa, chỉ có thẻ định cư, khi qua cửa khẩu thì cảnh sát họ đã thu luôn hộ chiếu Việt Nam và thẻ định cư. Mọi người ai cũng lo lắng.
Sở Di trú họ chỉ xét cấp quyền định cư cho các công dân Ukraine. Gần đây mới nghe nói là họ sẽ xét cả bố mẹ đang nuôi con dưới 18 là công dân Ukraine (đi cùng), bố mẹ già có con cái là công dân Ukraine, có giấy đăng ký kết hôn với công dân Ukraine. Còn các đối tượng khác là họ đóng dấu vào hộ chiếu bắt về Việt Nam.
Nhiều trẻ Việt có quốc tịch Ukraine nhưng chưa kịp làm hộ chiếu, chưa hoàn thiện giấy tờ, cũng rất lo lắng. Nhiều người qua biên phòng không có dấu vào EU, không có tờ visa cũng là cả một nỗi lo. Ở Đức thì bà con ta đã nộp giấy tờ, nhưng vì lượng người tỵ nạn rất đông nên phải chờ đợi rất lâu, sinh nản chí.
9. Vẫn là cơ hội cho những ai muốn đổi đời. Đó là điều tôi muốn khẳng định, đối với những ai có ý chí bắt đầu cuộc sống ở một nước văn minh Châu Âu.
Những ai còn trẻ khỏe và còn nhiều mơ ước. Là cơ hội học hành cho trẻ, cơ hội cho các cháu thanh niên được vào các trường đại học Châu Âu mà không phải nộp tiền. Cơ hội cho con em chúng ta trở thành công dân các nước tiên tiến. Cơ hội cho các tài năng Việt cất cánh.
Chưa bao giờ thế giới Phương Tây lại rộng tay đón chúng ta với lòng nhân ái và đồng cảm sâu sắc như thế này. Nếu ta không tận dụng thì không có lần thứ hai. Có một chữ NHƯNG như tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở trên: cần một ý chí !
Tôi cũng xin nhấn mạnh một điều là đồng bào ta từ Ukraine sang được bà con Việt kiều ở các nước sở tại vô cùng quan tâm giúp đỡ. Một tình thương yêu đồng cảm Việt ấm áp ngọt ngào thật khó tả. Đại Sứ quán Việt Nam cùng mọi đoàn thể cũng giúp đỡ hết sức chu đáo và cảm động.
Cuối cùng là một lời cầu mong cho tất cả bà con Việt tỵ nạn: Khỏe mạnh, Bình an, Ý chí, May mắn và Thành công!