NHỮNG NGƯỜI KHÔNG MUỐN LÃNG QUÊN
- Chủ nhật - 18/04/2021 04:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Nơi ấy, có những người thân, một gia đình “phía bên kia” mang dòng máu Việt, chưa bao giờ muốn lãng quên quá khứ, chưa bao giờ muốn cắt sợi dây gắn kết với quê hương, mà thậm chí còn tự tay kết nối nó, thắt chặt nó”.
Những đoạn tôi viết sau đây là những mảnh nhỏ chắp ghép trong trí nhớ của 3 năm trước, trong câu chuyện không dứt với ông anh họ mỗi tối, mấy anh em ra nằm hóng mát trên ban-công ngắm cảnh núi đồi hòn đảo Martinique đen thẳm. Hay trong câu chuyện ông bác rỉ rả kể trên những cung đường chở chúng tôi đi thăm nhà ông bà, và ra nghĩa trang, hay dọc ngang thăm hòn đảo to gấp đôi Phú Quốc này.
Chi tiết có thể không rất chính xác, chỉ là ghi theo lời kể, nhưng những cảm giác thì vẹn nguyên. Nó ấn tượng với tôi, vì là những góc, những số phận đi ra từ chiến tranh, từ chia cắt, những câu chuyện không có tiếng súng, không có chiến công hay máu chảy. Nhưng là những đời người, tình người, vắt qua hai thế kỷ, truyền qua mấy đời con cháu, vẫn đau đáu những nỗi niềm...
Patrick, ông anh họ bên chồng hơn chúng tôi nhiều tuổi, là con trai trưởng của bác gái lớn, người lo đón tiếp chúng tôi, và quán xuyến mọi việc cha mẹ và các em. Tuy to lớn vạm vỡ, nhưng anh lại rất đa cảm và dễ xúc động mỗi khi ngồi nói chuyện với chúng tôi về bố mẹ, ông bà. Có lẽ vì con đầu cháu sớm, anh kể hay được theo chân ông ngoại, và có nhiều thời gian biết về ông mình hơn lũ em sinh sau.
Ông ngoại anh là một cựu binh Pháp trên chiến trường Đông Dương. Anh kể, khi rời Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh, ông và vợ, cùng đàn con 4-5 đứa lênh đênh trên tàu nhiều ngày tháng, trở về lại hòn đảo quê nhà. May mắn hơn những cựu binh khác, ông có ruộng vườn rộng lớn cha mẹ để lại, nên quay về chăm sóc cơ ngơi, cùng làm thêm nghề đánh bắt hải sản, nên cuộc sống sau giải ngũ không mấy thiếu thốn.
Patrick nhớ nhất, là việc ông tuy hiền và gần gũi con cháu, nhưng có một điều “tối kỵ” với ông, là ông cấm lũ trẻ không được chơi bất cứ trò trận giả, hay cầm que gậy đùa nhau. Bắt gặp là ông không hài lòng. Ông chỉ chí thú công việc và gia đình, chẳng bao giờ kể về trận mạc thời ở Việt Nam. Chỉ có trong một nhóm cựu binh cùng lưu lạc trên chuyến tàu năm đó, là ông vẫn tụ họp gặp gỡ thường xuyên, đa phần để cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống mới nhiều khó khăn.
Về nhóm bạn cũ ấy, Jean, ông bác chồng tôi, người con cuối cùng được sinh ra tại Hải Phòng, vài năm trước khi gia đình lên tàu, lại chắp ghép cho chúng tôi những mảnh ghép khác. Jean kể, hồi đó, khi các sĩ quan và binh lính Pháp phải rời Đông Dương, họ được mang theo gia đình, vợ con. Ngặt một nỗi, người ta chỉ chấp nhận cho những người có giấy hôn thú.
Trong số nhiều sĩ quan xây dựng gia đình với vợ là người Việt, không ít người không kịp, hoặc đã không nghĩ đến chuyện làm giấy kết hôn, dù ăn ở có con với nhau. Bác tôi nhớ nỗi ám ảnh ngày con tàu đưa gia đình bác ra đi rời bến, nhìn lại trên bờ ke, có những người phụ nữ vật vã, gào khóc nhìn con tàu rời bến, mang theo chồng, và đau đớn nhất, là những đứa con thơ! Một sớm một chiều, một gia đình chia ly không hẹn ngày gặp lại, sinh tử bặt tin nhau.
Bác vẫn nhớ trong số đó, một cựu binh bế theo đứa bé mấy tháng tuổi, đứt lòng để người mẹ trẻ khóc ngất mờ xa. Mấy tháng trời lênh đênh trên biển, cả đoàn tàu và những người phụ nữ khác thay nhau chăm sóc đứa nhỏ. Đến khi tất cả cùng cập bến hòn đảo Martinique, có người cũng chỉ là không biết về đâu mà chọn ở lại đảo, như hai bố con nhà ấy. Từ đó, họ quần tụ với nhau như một gia đình lớn.
Những buổi tụ họp thường ở nhà bác tôi, vì là gia đình có cơ ngơi và điều kiện tốt nhất để đùm bọc đồng đội cũ. Tất cả, cùng chung nhau một mảnh ký ức ở dải đất nửa kia bán cầu, với những người vợ Việt đành theo chồng con mà sống kiếp lưu vong, bặt tin gia đình gần nửa thế kỷ. Họ hội họp thường xuyên, để cùng ăn những món ăn Việt, cùng tương trợ nhau để sinh tồn, để dạy lũ trẻ khôn lớn, nhất là những đứa trẻ lìa mẹ như em bé ấy.
Nhưng bác tôi kể, không chỉ có vậy, họ ngồi để cùng chia sẻ với nhau những tâm sự, thậm chí để bật khóc sau bao kìm nén, gắng gượng, dù là những người lính đã kinh qua trận mạc. Nước mắt của những người đàn ông phải gà trống nuôi con, phải đè nén nỗi đau mất vợ, hay phải gồng mình trên nương rẫy, ngoài nắng gió biển khơi để kiếm sống qua ngày.
Dẫn tôi về lại căn nhà của bố mẹ xưa, bác Jean đi men hàng dừa lùn đổ bóng xuống dọc bờ vịnh, mặt nước khá nông, có thể lội bộ khi nước xuống ra cả cây số. Bác kể cha bác, rồi chính bác, sáng lội ra xa thả lưới, tối đêm lại ra kéo lưới về, tôm cá ê hề, có lúc ra ngủ ngoài thuyền lênh đênh giữa vịnh. Đầu ngõ vào nhà, cây mít sai trĩu quả chẳng có người trảy trái. Dọc ven đường lộ, những tán bàng lúp xúp, hay hoa phượng đỏ in trên nền biển xanh thẳm ngoài kia.
Tôi thầm nghĩ, những người gốc Việt lưu lạc đến đây cũng bớt phần nhớ nhà, khi sống xa hàng chục ngàn cây số, được trong thiên nhiên, khí hậu mang nhiều bóng dáng quê hương. Bác lại dắt chúng tôi lúi húi sau bụi tìm cây na, bẻ được vài trái nhỏ dúi vào tay. Rồi chỉ ra góc vườn cạnh gian bếp nơi mẹ bác hay ngồi giặt giũ, nấu ăn, hồ hởi khi khoe những giống cây người mẹ Việt trồng cho đỡ nhớ quê hương xa biệt mấy chục năm bặt tin, cho không quên những thứ gia vị Châu Á.
Bác lim dim hồi tưởng những món mẹ nấu, và chắc hẳn, là cả dáng hình người mẹ Việt đang như vẫn ngồi đây thôi, để mỗi chiều tan học cậu con nhỏ lại quẩn quanh chân mẹ. Cái sự nhiệt thành với hai đứa cháu lần đầu mới gặp, và đôi mắt sáng long lanh khi nhắc đến Việt Nam, làm chúng tôi thấy gần gũi ông nhanh chóng.
Chi tiết có thể không rất chính xác, chỉ là ghi theo lời kể, nhưng những cảm giác thì vẹn nguyên. Nó ấn tượng với tôi, vì là những góc, những số phận đi ra từ chiến tranh, từ chia cắt, những câu chuyện không có tiếng súng, không có chiến công hay máu chảy. Nhưng là những đời người, tình người, vắt qua hai thế kỷ, truyền qua mấy đời con cháu, vẫn đau đáu những nỗi niềm...
Patrick, ông anh họ bên chồng hơn chúng tôi nhiều tuổi, là con trai trưởng của bác gái lớn, người lo đón tiếp chúng tôi, và quán xuyến mọi việc cha mẹ và các em. Tuy to lớn vạm vỡ, nhưng anh lại rất đa cảm và dễ xúc động mỗi khi ngồi nói chuyện với chúng tôi về bố mẹ, ông bà. Có lẽ vì con đầu cháu sớm, anh kể hay được theo chân ông ngoại, và có nhiều thời gian biết về ông mình hơn lũ em sinh sau.
Ông ngoại anh là một cựu binh Pháp trên chiến trường Đông Dương. Anh kể, khi rời Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh, ông và vợ, cùng đàn con 4-5 đứa lênh đênh trên tàu nhiều ngày tháng, trở về lại hòn đảo quê nhà. May mắn hơn những cựu binh khác, ông có ruộng vườn rộng lớn cha mẹ để lại, nên quay về chăm sóc cơ ngơi, cùng làm thêm nghề đánh bắt hải sản, nên cuộc sống sau giải ngũ không mấy thiếu thốn.
Patrick nhớ nhất, là việc ông tuy hiền và gần gũi con cháu, nhưng có một điều “tối kỵ” với ông, là ông cấm lũ trẻ không được chơi bất cứ trò trận giả, hay cầm que gậy đùa nhau. Bắt gặp là ông không hài lòng. Ông chỉ chí thú công việc và gia đình, chẳng bao giờ kể về trận mạc thời ở Việt Nam. Chỉ có trong một nhóm cựu binh cùng lưu lạc trên chuyến tàu năm đó, là ông vẫn tụ họp gặp gỡ thường xuyên, đa phần để cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống mới nhiều khó khăn.
Về nhóm bạn cũ ấy, Jean, ông bác chồng tôi, người con cuối cùng được sinh ra tại Hải Phòng, vài năm trước khi gia đình lên tàu, lại chắp ghép cho chúng tôi những mảnh ghép khác. Jean kể, hồi đó, khi các sĩ quan và binh lính Pháp phải rời Đông Dương, họ được mang theo gia đình, vợ con. Ngặt một nỗi, người ta chỉ chấp nhận cho những người có giấy hôn thú.
Trong số nhiều sĩ quan xây dựng gia đình với vợ là người Việt, không ít người không kịp, hoặc đã không nghĩ đến chuyện làm giấy kết hôn, dù ăn ở có con với nhau. Bác tôi nhớ nỗi ám ảnh ngày con tàu đưa gia đình bác ra đi rời bến, nhìn lại trên bờ ke, có những người phụ nữ vật vã, gào khóc nhìn con tàu rời bến, mang theo chồng, và đau đớn nhất, là những đứa con thơ! Một sớm một chiều, một gia đình chia ly không hẹn ngày gặp lại, sinh tử bặt tin nhau.
Bác vẫn nhớ trong số đó, một cựu binh bế theo đứa bé mấy tháng tuổi, đứt lòng để người mẹ trẻ khóc ngất mờ xa. Mấy tháng trời lênh đênh trên biển, cả đoàn tàu và những người phụ nữ khác thay nhau chăm sóc đứa nhỏ. Đến khi tất cả cùng cập bến hòn đảo Martinique, có người cũng chỉ là không biết về đâu mà chọn ở lại đảo, như hai bố con nhà ấy. Từ đó, họ quần tụ với nhau như một gia đình lớn.
Những buổi tụ họp thường ở nhà bác tôi, vì là gia đình có cơ ngơi và điều kiện tốt nhất để đùm bọc đồng đội cũ. Tất cả, cùng chung nhau một mảnh ký ức ở dải đất nửa kia bán cầu, với những người vợ Việt đành theo chồng con mà sống kiếp lưu vong, bặt tin gia đình gần nửa thế kỷ. Họ hội họp thường xuyên, để cùng ăn những món ăn Việt, cùng tương trợ nhau để sinh tồn, để dạy lũ trẻ khôn lớn, nhất là những đứa trẻ lìa mẹ như em bé ấy.
Nhưng bác tôi kể, không chỉ có vậy, họ ngồi để cùng chia sẻ với nhau những tâm sự, thậm chí để bật khóc sau bao kìm nén, gắng gượng, dù là những người lính đã kinh qua trận mạc. Nước mắt của những người đàn ông phải gà trống nuôi con, phải đè nén nỗi đau mất vợ, hay phải gồng mình trên nương rẫy, ngoài nắng gió biển khơi để kiếm sống qua ngày.
Dẫn tôi về lại căn nhà của bố mẹ xưa, bác Jean đi men hàng dừa lùn đổ bóng xuống dọc bờ vịnh, mặt nước khá nông, có thể lội bộ khi nước xuống ra cả cây số. Bác kể cha bác, rồi chính bác, sáng lội ra xa thả lưới, tối đêm lại ra kéo lưới về, tôm cá ê hề, có lúc ra ngủ ngoài thuyền lênh đênh giữa vịnh. Đầu ngõ vào nhà, cây mít sai trĩu quả chẳng có người trảy trái. Dọc ven đường lộ, những tán bàng lúp xúp, hay hoa phượng đỏ in trên nền biển xanh thẳm ngoài kia.
Tôi thầm nghĩ, những người gốc Việt lưu lạc đến đây cũng bớt phần nhớ nhà, khi sống xa hàng chục ngàn cây số, được trong thiên nhiên, khí hậu mang nhiều bóng dáng quê hương. Bác lại dắt chúng tôi lúi húi sau bụi tìm cây na, bẻ được vài trái nhỏ dúi vào tay. Rồi chỉ ra góc vườn cạnh gian bếp nơi mẹ bác hay ngồi giặt giũ, nấu ăn, hồ hởi khi khoe những giống cây người mẹ Việt trồng cho đỡ nhớ quê hương xa biệt mấy chục năm bặt tin, cho không quên những thứ gia vị Châu Á.
Bác lim dim hồi tưởng những món mẹ nấu, và chắc hẳn, là cả dáng hình người mẹ Việt đang như vẫn ngồi đây thôi, để mỗi chiều tan học cậu con nhỏ lại quẩn quanh chân mẹ. Cái sự nhiệt thành với hai đứa cháu lần đầu mới gặp, và đôi mắt sáng long lanh khi nhắc đến Việt Nam, làm chúng tôi thấy gần gũi ông nhanh chóng.
*
Tháng ngày, những đứa trẻ một nửa dòng máu Việt ấy lớn lên, khó khăn cũng vơi dần, nhưng những vết sẹo trong lòng người, nào ai biết đã hết nhức nhối? Chỉ biết, ông anh họ Patrick kể lại, những năm cuối đời, ông ngoại anh ít nói dần, và hay một mình nằm ngoài căn chòi trông ruộng, sống gần như ẩn dật tại đó. Nhưng câu chuyện hoá ra chưa dừng ở đó. Jean kể, vào khoảng những năm 2000, chợt ông được báo có người phụ nữ muốn liên lạc với ông.
Gặp trong điện thoại, ông ngỡ ngàng nhận ra người phụ nữ ở đầu dây bên kia là người mẹ trẻ năm xưa khóc ngất bên bến tàu. Nửa thế kỷ trôi qua, giờ ông mới được ghép nốt mảnh kia của cái gia đình ly tán ấy. Mấy chục năm chia cắt bặt tin, hoá ra người phụ nữ ấy chưa một ngày nguôi ý định tìm lại chồng con. Không biết bà đã sống ra sao những năm sau đó, chỉ biết bà đã tìm lấy một người chồng Pháp, để có cơ hội được ra nước ngoài, hòng lần tìm tung tích đứa con đỏ hỏn của mình năm ấy.
Nhọc nhằn vậy không biết bằng những cách nào, công sức của bà cuối cùng cũng được đền đáp. Để bà được nhìn lại đứa con rứt ruột sinh thành rồi lại rứt ruột chia ly. Jean rơm rớm nước mắt khi kể đến đó. Cái gia đình này sao có nhiều người đàn ông dễ rơi lệ? Vì là gen di chuyền? Hay bởi, những câu chuyện họ chứng kiến, và số phận một gia đình hai dòng máu của hai dân tộc, được kết nối, và cũng chia cắt bởi chiến tranh, khiến họ trở nên khác biệt, dễ động lòng?
Không biết có phải vì thương người mẹ nửa thế kỷ không biết tin tức gia đình còn hay mất, mà từ những năm sau đổi mới, Việt Nam bắt đầu nhận được bưu kiện, gia đình bác gái cả, và các anh em sau đó, trở thành một trung tâm lưu chuyển hàng hóa về miền quê ngoại xa xôi.
Anh Patrick lại kể, không những mẹ anh quyên góp đồ cũ, mà thậm chí còn dành dụm tiền lương dạy học, mua đồ như xe đạp, đồ dùng gửi về cho cách em và cháu họ bên nhà, dù còn chưa bao giờ gặp mặt. Anh cười, lũ con cháu còn phát ghen vì đồ gì mẹ cũng gom lại, bảo giữ về cho họ hàng bên ngoại còn nghèo khó, thậm chí mấy anh em còn chả được mẹ sắm sửa nhiều như thế. Rồi cứ ai về, hay đóng được kiện hàng, bác lại gửi về quê ngoại.
Nghe kể đến đây tôi lại nhớ những thùng hàng quý báu gia đình tôi nhận được những năm 80-90 khi bác tôi gửi từ Mỹ về cũng y như vậy. Cái thời người miền Bắc còn chưa biết đến một viên kẹo socola, mấy chị em tôi còn giữ từng cái hộp sắt tây sau khi chia nhau từng viên kẹo M&M, có cái tem óng ánh như giữ báu vật.
Cái hộp khoai tây chiên Pringles bác tôi gửi về, chúng tôi mang ra đếm từng cái chia đều nhau, nhấm nháp từng mẩu nhỏ tan trên đầu lưỡi. Toàn những hương vị xa xỉ thời trẻ con chỉ biết có kẹo hoa hồng ngày đó. Những cặp tóc, màu vẽ, toàn những thứ quý như một gia tài, và là niềm hãnh diện với bạn bè trang lứa. Còn mẹ tôi kể, một mảnh vải bác tôi gửi về, mẹ bán rẻ ngoài chợ đen đủ nuôi cả gia đình một tháng trời.
Gia đình tôi, hay gia đình mẹ chồng tôi hồi ấy, và chắc rất rất nhiều những người Việt có người thân phải rời quê hương, đã được hỗ trợ biết bao nhiêu qua những ngày đói khổ, nhờ những thùng hàng như thế. Gom góp cũng từ những người thân cũng không mấy phần khá giả, và chắc rằng biết bao khó nhọc để hoà nhập, ổn định bên xứ người, vẫn đau đáu không quên gửi tương trợ về cho người nhà.
*
Tôi xin kết thúc câu chuyện muốn kể ở đây, bằng một câu chuyện nhỏ, ngay giây phút đầu tiên đặt chân xuống sân bay. Trong chuyến thăm thân quyến ấy, tôi còn được đón tiếp nồng hậu bởi con gái bác Jean. Chị đón chúng tôi ở sân bay, rồi cứ tan làm về lại chạy sang thăm chúng tôi, lo bọn tôi ở với mấy ông bà già thì chán chết! Chị còn gửi cậu con trai bằng tuổi con gái tôi, để sang chơi cùng cho con có bạn. Hai anh em họ nhanh chóng thân nhau như hình với bóng.
Ngay ở sân bay, chị đã hào hứng khoe tên con trai mình: Haidan! Một cái tên nghe là lạ. Chị tự hào giải thích ngay, “là chữ ghép: “Hai” là Hải Phòng, là nơi bố chị sinh ra, và hay nhắc về, “Dan” là tên chồng chị”. Chính chị - một đứa con ngoài giá thú nhưng vẫn được bố công nhận và chăm sóc từ tấm bé – đã chọn cho con trai mình cái tên nhắc về quê cha mà chị chưa bao giờ đặt chân đến. Hải Phòng, là nơi những đứa trẻ dòng họ Bonard ra đời và sống những năm tháng tuổi thơ, bên người mẹ gốc Hà Nội theo chồng đóng quân ở thành phố cảng.
Tôi lập tức yêu quý chị ngay phút giây ấy, và thấy thân thiết như một người ruột thịt, dù tôi cũng chỉ là một đứa em dâu xa lắc. Và tôi cứ nhớ mãi cái tên cậu bé ấy, một cái tên thật đẹp, gạch nối của thế hệ thứ 4, vẫn không hề muốn quên, mà còn mong muốn giữ liên kết không thể chối bỏ với quê hương – nơi họ đã phải ra đi không ít phần ray rứt. Cậu bé sẽ không quên 1/8 dòng máu trong huyết quản, và nhớ về thành phố xa mà gần ấy, mỗi khi tự giới thiệu tên mình.
Rời hòn đảo xinh đẹp, mà chuyến lưu lại chỉ 1 tuần, tôi đã biết mình gắn bó với nó khác hẳn những nơi thăm quan du lịch khác, và mong ngày trở lại. Không phải chỉ vì màu xanh thẳm của biển trời Caribe, hay bạt ngàn cây trái nhiệt đới như ở nước mình. Trên hết, nơi ấy, có những người thân, một gia đình “phía bên kia” mang dòng máu Việt, chưa bao giờ muốn lãng quên quá khứ, chưa bao giờ muốn cắt sợi dây gắn kết với quê hương, mà thậm chí còn tự tay kết nối nó, thắt chặt nó.
Chỉ là một câu chuyện tôi may mắn được biết, nhưng chắc rằng, có rất nhiều tấm lòng như thế, và nhiều con người gốc Việt như vậy, dù ở bất kỳ đâu, xa cách bao nhiêu…