NGƯỜI ĐẶC BIỆT HAY CÔNG DÂN THẾ GIỚI
- Thứ sáu - 08/04/2016 04:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Và bởi vì tôi không tìm được chỗ đứng cho riêng mình ở cả ba quốc gia, ở cả ba dân tộc, nên dần dần tôi càng ngày càng ước mơ được đến các quốc gia khác, đến những nền văn hóa khác, tìm nơi tôi thuộc về”.
Lời Tòa soạn: Nhằm khuyến khích giới trẻ trau dồi tiếng mẹ đẻ của mình, từ năm 2008, mỗi năm Câu lạc bộ Phần Lan, Hội giáo viên dạy tiếng Phần Lan và Nha Giáo dục Quốc gia Phần Lan đồng tổ chức cuộc thi viết dành cho học sinh trung học trên toàn quốc. Dưới đây là bài viết của Võ Quỳnh Lê, khi đó là học sinh lớp 11 (hiện nay đang làm việc ở London), đoạt giải nhì năm 2010.
Võ Quỳnh Lê sinh ra tại Hà Nội, theo bố mẹ rời Việt Nam ra nước ngoài sinh sống từ năm sáu tuổi. Sau ba năm sống và học tại Hungary, Lê chuyển sang Phần Lan từ năm 2002. Năm 2012 Lê tốt nghiệp Trung học, hệ IB tại Trường Trung học Ressu danh giá của Phần Lan, và theo học Quan hệ Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London LSE.
Sau khi nhận bằng BSc năm 2015, Lê ở lại trường làm trợ lý tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á. Tháng 2-2016, sau gần 14 năm xa Hungary, Lê đã trở lại thăm Budapest, và có ý định viết tiếp phần hai của bài viết trên (có nhan đề gốc là “Gần như là người Phần Lan”).
Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã đánh giá như sau về bài viết: “Gần như là người Phần Lan” là bài viết của nữ sinh người nhập cư Việt Nam - Hung - Phần Lan, một sự bày tỏ chính kiến trung thực, thẳng thắn, mới mẻ dựa trên những trải nghiệm thực tế, với những suy nghĩ và cảm xúc của một thanh niên buộc phải nhiều lần thay đổi môi trường sống và có lẽ cả thế giới quan và nhân sinh quan của mình.
Bản tiếng Việt của bài viết rất đáng suy ngẫm này do TS. Bùi Việt Hoa dịch từ nguyên bản tiếng Phần Lan. Trân trọng giới thiệu (NCTG).
Võ Quỳnh Lê sinh ra tại Hà Nội, theo bố mẹ rời Việt Nam ra nước ngoài sinh sống từ năm sáu tuổi. Sau ba năm sống và học tại Hungary, Lê chuyển sang Phần Lan từ năm 2002. Năm 2012 Lê tốt nghiệp Trung học, hệ IB tại Trường Trung học Ressu danh giá của Phần Lan, và theo học Quan hệ Quốc tế tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London LSE.
Sau khi nhận bằng BSc năm 2015, Lê ở lại trường làm trợ lý tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á. Tháng 2-2016, sau gần 14 năm xa Hungary, Lê đã trở lại thăm Budapest, và có ý định viết tiếp phần hai của bài viết trên (có nhan đề gốc là “Gần như là người Phần Lan”).
Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã đánh giá như sau về bài viết: “Gần như là người Phần Lan” là bài viết của nữ sinh người nhập cư Việt Nam - Hung - Phần Lan, một sự bày tỏ chính kiến trung thực, thẳng thắn, mới mẻ dựa trên những trải nghiệm thực tế, với những suy nghĩ và cảm xúc của một thanh niên buộc phải nhiều lần thay đổi môi trường sống và có lẽ cả thế giới quan và nhân sinh quan của mình.
Bản tiếng Việt của bài viết rất đáng suy ngẫm này do TS. Bùi Việt Hoa dịch từ nguyên bản tiếng Phần Lan. Trân trọng giới thiệu (NCTG).
Dưới tác động của toàn cầu hóa, có những người sinh ra mà không thật dễ dàng gọi tên một nơi nào đó là quê hương của mình. Với họ, việc xác định điều ấy khó khăn hơn so với nhiều người khác.
Chặng đường tôi trải qua để trở thành một người như vậy bắt đầu từ trước khi tôi sinh ra, vào năm 1980. Năm đó người mẹ 18 tuổi của tôi nhận học bổng sang Hungary. Bên cạnh việc học ngôn ngữ và văn học Hungary, còn vì những lý do nào đó - cho đến nay vẫn còn rất bí ẩn đối với tôi - mẹ lại chọn thêm ngôn ngữ và văn hóa Phần Lan làm chuyên ngành phụ.
Học xong chương trình của bốn năm trong ba năm, mẹ đến Phần Lan để thực tập tiếng. Đó là năm 1986, chuyến tàu khởi hành từ Moscow đi Helsinki đã thành khởi nguồn của bao nhiêu sự kiện sau này, và làm thay đổi cuộc đời không những của mẹ, mà còn của cả gia đình tôi. Năm 1994 tác phẩm dịch đầu tiên của mẹ, sử thi “Kalevala” bằng tiếng Việt đã ra mắt bạn đọc sau năm năm vật lộn, và khi ấy đứa con đầu lòng của mẹ cũng vừa tròn một tuổi.
Năm 1995, cả gia đình cùng mẹ sang Phần Lan mười tháng. Đó là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. Chuyến đi đó đã nói lên chính sách di chuyển của gia đình tôi: mẹ đi trước, và cả gia đình theo sau. Sau gần một năm phiêu lưu tại Phần Lan, chúng tôi lại trở về Việt Nam sống bốn năm, để rồi đến hè 1999, gia đình tôi, lúc đó đã có bốn thành viên, lại xếp hành lý và lên đường, qua trạm trung chuyển là Phần Lan rồi sang Hungary.
Lúc đó tôi sáu tuổi, và bởi vì tôi không nhớ những gì xảy ra trước đó, cuộc đời tôi - theo tôi - lúc đó mới bắt đầu.
Ba năm sống ở Hungary là thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Tôi có bố mẹ thương yêu. Ban ngày khi tôi đi học thì bố mẹ đi làm còn tối thì ở nhà với tôi. Tôi có em gái rất đáng yêu, người cùng tôi xây những tòa lâu đài cổ tích trong căn hộ nhỏ hai buồng mà gia đình sống. Tôi có rất nhiều bạn, cả Việt lẫn Hung. Tôi là người bình thường, như bất kỳ ai. Tôi cũng không rõ nhưng kỷ niệm rất đẹp đó của tôi thực sự có phải vì ở Hungary mọi việc đều tốt đẹp hơn, hay tại vì tôi quá ít tuổi nên không thể thấy bất cứ sự méo mó nào trong thế giới hoàn hảo của tôi.
Mùa hè năm 2002, lần đầu tiên tôi mới hiểu tôi đang sống ở nước ngoài, và tôi khác những người xung quanh. Gia đình tôi vừa chuyển từ Hungary qua Phần Lan mấy tuần trước đó. Bố mẹ tôi có việc nên đi vắng, chỉ có tôi và em gái ở trong căn hộ trong nhà cao tầng tại khu Suvela của thành phố Espoo. Chúng tôi chơi rất vui trong căn phòng tràn đầy ánh nắng, cho đến khi nghe tiếng động mạnh ở ngoài ban công.
Một lát sau chuông cửa reo, và tôi ra mở cửa mà không hề nhớ đến những lời dặn của bố mẹ, vì cứ nghĩ đó là bố mẹ tôi về. Nhưng trước cửa chỉ là một bạn gái xa lạ, và sau bạn lấp ló một cậu con trai. Họ nói điều gì đó, nhưng tôi không hiểu gì, vì lúc đó tôi chỉ biết có “chào” và “cám ơn” (của tiếng Phần Lan - ND). Tôi bắt đầu thấy sợ, bởi lúc đó mới nhớ, chính ra mình không được mở cửa. Thế là tôi chỉ lắc đầu, và đóng sập cửa.
Lát sau, tiếng đá ném đập vào cửa sổ và rơi xuống ban công. Tôi chạy đến bên cửa sổ, vì không dám bước ra ngoài ban công để nhìn, và thấy hai đứa bé lúc trước đứng phía dưới ném sỏi và những cành hoa dại lên phía nhà của chúng tôi. Có lẽ sự việc chỉ diễn ra trong đôi ba phút, nhưng quãng thời gian đôi ba phút đấy cũng khiến cho đứa trẻ chín tuổi và em gái sáu tuổi của nó vô cùng hoảng sợ, bởi chúng thấy chúng đang bị đe dọa mà không hiểu lý do vì sao.
Sau này chúng tôi mới biết, quả bóng của những đứa trẻ đó chẳng may rơi vào ban công nhà chúng tôi, và chúng chỉ muốn lấy nó lại. Còn tôi thì lại đóng sập cửa ngay trước mũi chúng. Chúng tôi vẫn ở khu nhà đó với chúng, và phải mất đến bốn năm tôi mới nhận ra hai đứa đó ít tuổi hơn tôi, và tôi cũng không có lý do gì để sợ chúng.Trước khi nhận ra điều này, tôi luôn thu mình thật nhỏ mỗi khi có việc phải đi qua nơi chúng có mặt.
Nếu nói việc xảy ra trên đây đã làm tôi bị tổn thương thì cũng hơi quá. Tôi học nói và viết tiếng Phần Lan thành thạo trong vòng nửa năm nhờ những giờ dạy ngôn ngữ cho trẻ người nhập cư ở trường, và từ đó mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Một khi đã biết diễn đạt suy nghĩ của mình, tôi trở thành người bình thường như bất cứ ai khác. Trước đó tôi không tài nào hiểu nổi tại sao bức tường ngôn ngữ lại có thể bứt cá nhân từng người ra khỏi cộng đồng.
Bây giờ, sau tám năm sống ở Phần Lan, tôi thường xuyên nghe các bạn mình nói, tôi đậm chất Phần Lan như thế nào. Các bạn cũng nghĩ tôi là người Phần Lan như các bạn. Nhưng hiếm có người Phần Lan nào lại nghe thấy những từ mơ hồ “tsing-tsang-tsong” thoáng qua khi đi trên phố, hay mỗi mùa hè đến lại ngồi hàng tiếng đồng hồ tại trụ sở cảnh sát để đợi gia hạn giấy phép cư trú.
Thật khó tưởng tượng mình là thành viên của cộng đồng, nếu như thỉnh thoảng lại được nhắc nhở rằng chính ra mình không thuộc về đó. Có lẽ tôi là người hoang tưởng, nhưng cứ mỗi lần bị đối xử bất nhã ở quầy trả tiền, tôi lại nghĩ đó chỉ vì tôi là người nước ngoài, cho dù họ có lẽ không ám chỉ tôi khi chỉ trích người nước ngoài.
Hè năm ngoái, sau một thời gian dài nộp đơn và chờ đợi, tôi được nhận quốc tịch Phần Lan. Tin đó vừa khiến tôi mừng, nhưng cũng thấy buồn. Mừng, bởi vì mọi việc ở Phần Lan sẽ suôn sẻ hơn, nếu là công dân Phần Lan. Buồn, bởi vì sự công nhận này trên giấy tờ khiến tôi chính thức thành người Phần Lan.
Thực ra tôi không ác cảm với người Phần Lan. Họ là những người rất thân thiện, giống như bất cứ nhóm người nào khác. Nhưng bản thân tôi là người Phần Lan, điều đó luôn đem lại cảm giác không thật. Mặc dù tôi đã sống ở Phần Lan một thời gian rất dài, và trong tôi cũng có nhiều tính cách cơ bản của người Phần Lan, như rất sợ chốn đông người, hoặc quá giản dị, nhưng tôi vẫn không coi mình là người Phần Lan.
Tôi như giấc mơ, đồng thời là cơn ác mộng của những người chống đối dân nhập cư: bề ngoài đã hoàn toàn thích nghi, nhưng về mặt tinh thần lại là người ngoài cuộc. Người ta vẫn nói tiền thuế thu được đã bị lãng phí vào việc trả trợ cấp xã hội cho người nước ngoài, những kẻ đến đây bắt người Phần Lan nuôi. Nhưng cũng lãng phí gần như thế, khi đã tốn tiền thuế để đào tạo người lao động trong chín năm, để rồi lại đánh mất, bởi vì người lao động không muốn ở lại Phần Lan.
Mỗi một lần gia hạn cư trú hàng năm lại khiến cho tôi cảm thấy tôi thuộc tầng lớp thấp hơn trong xã hội, bởi vì tôi buộc phải xin phép cho sự hiện diện của mình ở đây, buộc phải chứng minh tôi không làm điều gì xấu tổn hại đến xã hội Phần Lan. Mặc dù việc xin gia hạn giấy tờ chỉ là một phần của thủ tục hành chính, nhưng vẫn làm cho sự tự tin của tôi bị lung lay.
Chắc chắn nhiều người nhập cư cũng có cảm nhận như vậy: nơi quê nhà họ có thể là những người có bằng cấp cao và thành công trong cuộc sống, nhưng ở đây họ chỉ là người không được mong đợi, những người không có giá trị gì và chỉ luôn đem lại rắc rối. Những lúc đó tôi lại thấy những đứa trẻ hôm nào ném đá vào cửa sổ chỉ vì sự hiểu lầm, mặc dù tôi không làm điều gì xấu. Và mặc dù giờ đây khi đã là công dân Phần Lan, tôi không cần phải xin gia hạn cư trú nữa, nhưng vẫn không thể nào quên được cảm giác ngày đó.
Phần Lan là ngôn ngữ tốt nhất của tôi. Tôi thường xuyên nghĩ bằng tiếng Phần Lan, và vốn từ Phần Lan của tôi cũng giàu có hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác. Cho đến nay tôi đã sống ở Phần Lan thời gian dài nhất trong cuộc đời mình. Nếu có ai đó hỏi tôi, nơi nào tôi cảm nhận là tổ quốc của mình, Phần Lan lại đứng thứ ba - vị trí cuối cùng - trong danh sách của tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy như có lỗi.
Tôi không thấy Phần Lan là quê hương mình, bởi vì tôi không bao giờ cảm nhận tôi là người được chờ đón ở nơi đây. Tôi không thấy tự hào về người Phần Lan, hay về những thành công của họ. Tôi không thấy người Phần Lan gần gũi hơn, giả dụ như người Brazil hay người Nigieria, cho dù tôi đã sống trong xã hội này đến năm thứ bảy.
Ngay đến Hungary cũng đứng trước Phần Lan trong danh sách của tôi, cho dù tôi không còn nói tiếng Hung nữa. Ở đó tôi đã cảm thấy mình ở đúng chỗ, mình thuộc về số đông. Nhưng là vào lúc đó. Tôi biết, nếu bây giờ tôi quay lại Hung, tôi sẽ thấy những vấn đề mà tôi đã gặp ở Phần Lan, và miền đất trong ký ức của tôi không tồn tại, chưa bao giờ tồn tại. Nó chỉ có trong tâm trí của đứa trẻ con là tôi ngày nào.
Vùng đất tôi cảm thấy mình thuộc về nhiều nhất là Việt Nam, nơi tôi sinh ra. Những tháng hè tôi ở đó thật hoàn hảo, làm tôi cảm thấy mình được trở về nhà. Phố xá, con người, thức ăn, những ngôi nhà, tất cả đều thật quen thuộc và thân thiết. Nguyên nhân chính khiến tôi cảm nhận vậy vì gia đình lớn của tôi, tất cả họ hàng đều ở Việt Nam. Khi tôi ở đó tôi cảm nhận được đó là tôi được mong chờ và đón đợi.
Nhưng điều rất buồn, buồn nhất là tôi cũng không thuộc về nơi đó nữa. Ở Việt Nam tôi không dám rời nhà ra đường một mình, và tôi sợ phải qua đường. Tiếng nói của tôi lẫn vào giọng là lạ lơ lớ, và tôi không biết trả giá thế nào. Có lẽ tôi cũng không sống được ở Việt Nam, vì vẫn cảm thấy không thuộc vào cộng đồng. Ở đó tôi cũng khác người, không thật sự năng động hoặc không chăm chỉ hoặc không biết đề phòng như những người khác.
Việc không thuộc vào một cộng đồng nào hay một nơi nào nhất định về mặt địa lý không khiến tôi trở nên bất hạnh, mà buộc tôi quyết tâm và nghị lực hơn. Sau khi chuyển sang Phần Lan tôi ước muốn mình phải thật giỏi trong khả năng có thể, bởi vì tôi nghĩ phải chứng minh cho những người thiếu thiện cảm, rằng tôi có quyền sống ở Phần Lan, tôi không làm gánh nặng cho bất kỳ ai ở đây.
Và bởi vì tôi không tìm được chỗ đứng cho riêng mình ở cả ba quốc gia, ở cả ba dân tộc, nên dần dần tôi càng ngày càng ước mơ được đến các quốc gia khác, đến những nền văn hóa khác, tìm nơi tôi thuộc về.
Nhưng thực ra tôi không tin rằng tôi sẽ tìm được một nơi nào như thế, và tôi đã thực sự làm quen với điều đó. Tôi đâu cần phải thuộc về một nơi nào nhất định. Bản sắc được sinh ra bằng cách khác. Liệu có quá lời không nếu tôi có thể coi mình là công dân thế giới. Trong tôi chất Phần Lan, Hung và Việt Nam cũng như nét văn hóa của cả ba quốc gia hòa trộn.
Và như vậy sự khác biệt lại trở thành một ưu thế.Tôi đã từng sống ở hai quốc gia khác, và hiện nay đang ở quốc gia thứ ba, tiểu sử này chắc không ai có, hoặc nếu có, cũng khó có thể có được một hoàn cảnh và những trải nghiệm như tôi. Là công dân thế giới tôi không phải là người khác biệt, có chăng là người đặc biệt mà thôi.