Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGÀY TẾT ĐI CHÙA VIỆT Ở CALI

(NCTG) “Thật ý nghĩa khi ngày Tết được gặp gỡ người Việt ở chùa Việt, ngắm nhìn trời cao, gió thoảng mùi hương Việt, ước nguyện những điều tốt lành. Tôi cảm nhận được cái quý giá người Việt khi xa quê mang theo. Đó là phong tục đi chùa ngày Tết, giữ gìn tinh thần đó cho tâm hồn mình, cho các thế hệ người Việt gần nhau, bên nhau” – ghi chép của nhà văn Hoàng Thị Vinh.


Xuân về, Tết Nguyên Đán người Việt thường đi lễ chùa. Ở California, Mỹ có những chùa Việt trải từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam như: chùa An Lạc, tịnh xá Ngọc Hòa, chùa Bảo Phước, chùa Liễu Quán, TP. San Jose; Thiền viện Vô Ưu, TP. San Martin; chùa Phổ Từ, TP. Hayward; chùa Phước Sơn, TP. Modesto; chùa Bảo Quang, TP. Santa Ana... Các chùa đều rộng rãi, khang trang, thực sự là nơi tu học, lễ bái và sinh hoạt cho các Tăng ni, Phật tử, những người mộ đạo trong vùng, khách hành hương đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Người đi lễ mặt ai cũng vui tươi hạnh phúc. Hương thắp ngoài trời mỗi người một cây thôi, trong điện thờ đã có hương thắp sẵn. Cái tôi nhớ và thấy thiếu đó là không có đông bạn bè đi cùng, thiếu vẻ cổ cũ rêu phong, cô tịch của chùa miền Bắc và miền Trung nước Việt. Bù lại, mọi người đến chùa ở đây có thể mua bánh chưng, các món ăn Việt để thưởng thức tại chỗ hoặc mang về. Điều làm tôi đặc biệt vui là rất nhiều gia đình đông đủ ông bà, bố mẹ, con cháu cùng đi. Tôi gặp nhiều bé gái mặc áo dài, bé trai áo dài khăn xếp. Mọi người thân thiện mỉm cười chào nhau.

Năm nay gia đình tôi không đi xa như năm kia, đến TP. Monterey có chùa Kim Sơn đẹp nổi tiếng. Năm nay cũng  không xuống San Jose đi các chùa Thiên Trúc, An Lạc, Bảo Phước như năm ngoái. Ngày mồng Một Tết các chùa đó rất đông người. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị Tết ở các chùa phía Nam Việt Nam bởi mùi hương, sự rộng rãi, xây mới của các chùa.



Năm nay chúng tôi đi chùa Kim Quang ở TP. Sacramento, thủ phủ bang California. Chùa Kim Quang rất rộng rãi, cảnh quan thân thiện. Sân chùa có nhiều tượng phật, tượng Phật Bà, Phật Di Lặc, nhiều cây cảnh, hòn non bộ rất đẹp. Chúng tôi đến vào buổi chiều sau giờ cúng Tất Niên. Giờ này ở Việt Nam đã là những giờ đầu tiên của Năm Mới Giáp Ngọ rồi. Cửa chính chùa giờ đó còn chưa mở. Trong vườn có hai người đang cắm hoa, sắp đĩa quả, dọn dẹp lối đi. Hoa bích đào, đào phai nở rộ lối đi.

Tôi mặc áo lấp lánh, có lẽ vì thế một con chim ong (harming bird) bay đến dừng ngay trước mặt tôi như chào hỏi. Chưa bao giờ tôi thấy con chim ong đẹp đến thế. Lông nó xanh biếc, cổ cườm khoang  hồng lấp lánh. Chúng tôi thắp hương trước tượng Phật, cầu nguyện một năm mới an bình cho gia đình mình, bạn bè, cộng đồng và thế giới. Bên tượng Phật Di Lặc một nhà sư đang chỉnh sửa mấy lọ hoa lan. Ông chỉ cành đào phai vui cười thân thiện nói với tôi: “Đào Bắc đấy cô!”. Nhà sư (buổi tối khi làm lễ tôi mới biết đó là thầy Thích Quang Nhơn) mời chúng tôi tối nay 7 giờ rưỡi đến xem chương trình văn nghệ của các phật tử, 11 giờ làm lễ. Ngày mai buổi sáng có múa lân, mọi người gần xa đến dâng hương.

Ở Mỹ các chùa thường có sân sau đủ rộng để dựng rạp, bàn ghế bày tiệc, để bán các món ăn ngày lễ. Ngày mai chùa làm cơm trưa mời khách. Một Phật tử đang trang trí phông màn cho buổi diễn tối nay đi đến chỗ chúng tôi đứng, nhắc lại giờ buổi diễn tối nay để chúng tôi không quên. Chồng tôi chào anh, hai người chúc Tết nhau bằng tiếng Việt.Tôi ngỏ ý hỏi thầy ngày mai liệu tôi có thể đến làm cơm cùng mọi người được không. Nhà sư vui vẻ nhận lời, nói: được, nhưng ngày lễ cô cứ dành thời gian trọn vẹn cho ngày lễ vì ở đây mọi người năm nào cũng cắt cử nhau, tổ chức nấu nướng rất tốt.



Thầy giới thiệu với chúng tôi chương trình hoạt động của chùa: hàng tuần giảng đạo, thứ bảy bằng tiếng Anh, chủ nhật - tiếng Việt. Giờ giảng tiếng Anh chủ yếu là cho các thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nói thạo tiếng Anh hơn; vợ, chồng các Phật tử người nước ngoài. Giờ giảng tiếng Việt học viên nói tiếng Việt, chủ yếu người có tuổi.Tôi và chồng tôi nhìn nhau cười vì không biết mình thuộc lớp nào. Thầy cũng mỉm cười với chúng tôi. Chúng tôi vào trong chùa, điện thờ trước giờ lễ được trang trí hoa rất đẹp. Không khí thanh tịnh, yên lành.

Buổi tối, dù mưa to chúng tôi vẫn đến làm lễ. Phòng lễ chật chỗ. Thầy trụ trì Thích Quang Duyên giảng những lời răn dạy của Phật, chúc mừng Năm mới bằng tiếng Việt trước, sau đó bằng tiếng Anh. Khách đến nhiều người là người Mỹ không nói tiếng Việt. Hết giờ, mỗi người được nhận phong lì xì ghi lời chúc của nhà Phật và một đồng xu, một quả quýt. Con gái bận đi học giờ tối, không đến được. Chúng tôi xin thầy cho được nhận lì xì thay cháu. Mọi người chào nhau, chúc mừng nhau vui vẻ.

Thật ý nghĩa khi ngày Tết được gặp gỡ người Việt ở chùa Việt, ngắm nhìn trời cao, gió thoảng mùi hương Việt, ước nguyện những điều tốt lành. Tôi cảm nhận được cái quý giá người Việt khi xa quê mang theo. Đó là phong tục đi chùa ngày Tết, giữ gìn tinh thần đó cho tâm hồn mình, cho các thế hệ người Việt gần nhau, bên nhau.

Xin chúc tất cả các bạn gần xa một Năm Mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc!

Chiều Ba mươi Tết và Giao thừa Giáp Ngọ 2014

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Thị Vinh, từ Sacramento, California