Một năm ngày mất của Annie Lê: TƯỞNG NHỚ VÀ CẢM NHẬN
- Thứ hai - 27/09/2010 16:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “… ngoài việc đề phòng, rèn luyện khả năng tự vệ, chọn bạn chơi, hay quan tâm tìm hiểu tính tình đồng nghiệp, bạn bè..., chúng ta nên để tâm hơn chút nữa trong việc giáo dục con cái và nuôi dạy chúng thành những công dân có thói quen hành xử bình tĩnh, đúng mực”.
Annie Lê (1985-2009)
Ngày 8-9-2009, chỉ hơn một tuần sau khi năm học 2009-2010 bắt đầu, Annie Lê, cô sinh viên người Mỹ gốc Việt bé nhỏ, thông minh, đầy triển vọng của khoa Dược, Đại học Yale đã bị Raymond Clark, kẻ cùng làm việc ở phòng thí nghiệm với cô, sát hại một cách tàn bạo, mà theo lời cảnh sát và báo chí miêu tả là một vụ “bạo lực ở nơi làm việc”.
Cái chết của cô còn đau xót hơn nữa vì nó xảy ra chỉ 5 ngày trước ngày cưới của cô, khiến cho gia đình, người yêu, bạn bè và cả những người không quen biết như tôi cũng hết sức bàng hoàng, tiếc thương.
Cảm giác của tôi cách đây một năm khi nghe tin này là hết sức sợ hãi, vì mấy ngày đầu tiên, còn chưa biết chính xác cô mất tích vì lý do gì, hay nếu không còn sống thì thủ phạm là ai, còn đang lẩn quất nơi đâu, hình thức giết người như thế nào, v.v... Ở một môi trường mà an ninh công cộng được cho là đương nhiên thì một sự kiện như vậy gây chấn động rất lớn đối với tâm lý sinh viên, nhân viên, giáo sư và tất nhiên là cả gia đình của họ nữa.
Tôi có một con gái nhỏ nên việc ngày ngày phải đưa cháu đi học bằng xe buýt của trường và dẫn đi chơi, đi dạo ngoài sân hay tại khuôn viên trường là một sinh hoạt bình thường và mang lại cảm giác thư giãn. Vậy mà, vào những ngày ấy, khi cảnh sát còn chưa tìm ra thủ phạm, chúng tôi tất thảy đều kinh hoàng, lo lắng, giữ rịt con mình ở trong nhà, lái xe đến trường thay vì đi bộ hay đón xe buýt, thậm chí chiều tối cũng không dám ra ngoài đổ rác!
Cuối cùng thì mọi ngờ vực lo lắng cũng kết thúc khi người ta phát hiện ra xác Annie Lê và bắt giữ kẻ tình nghi số 1 Raymond Clark. Mọi người tuy vẫn sốc vì cảm giác sợ hãi xen lẫn thương tiếc, nhưng cũng nhẹ nhõm đi phần nào vì biết rằng đây là hành động sát nhân mang tính bột phát cá nhân ở nơi làm việc, chứ không phải hành động có tổ chức hay bệnh hoạn ngoài công cộng.
Nghi can Raymond Clark - Ảnh: AP
Một năm đã trôi qua. Tuần trước, chúng tôi vừa tụ tập trò chuyện và tưởng niệm Annie Lê. Trong nỗi buồn cho sự ra đi quá sớm của một cô gái đầy năng lực, có cả sự sốt ruột, bực bội vì đã một năm trôi qua từ khi Clark bị bắt, tòa án New Haven vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng của quá trình tố tụng và xét xử hắn.
Clark, trong một nỗ lực nhằm trì hoãn sự kết án, đã chối tội. Mặc dù cảnh sát và tòa án có đủ bằng chứng chống lại hắn và có thể kết luận hắn là kẻ giết người, theo luật định, khi nghi can chối tội, vụ án phải xét xử theo hướng khác với những thủ tục khác, nên việc kết án thường bị kéo dài và đây là điều khiến gia đình và bạn bè của nạn nhân hết sức bất bình.
Điều này khiến tôi chợt so sánh một cách chua chát đến một vụ án ở Việt Nam, trong đó ba thanh niên bị kết tột cướp của và hiếp dâm một cách oan uổng. Họ bị tòa án Hà Tây kết án tù giam tổng cộng 41 năm và mãi sau 10 năm chôn vùi tuổi xuân trong nhà tù mới được chứng tỏ là vô tội và trao trả tự do. Xin nhường cho người khác có hiểu biết hơn về pháp luật đưa ra bình luận về sự khác biệt trong hệ thống luật pháp và thủ tục tố tụng ở hai nước Mỹ và Việt Nam.
Việc trì hoãn xét xử Clark có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định kiện Đại học Yale của gia đình Annie Lê. Trong một tuyên bố gần đây, họ cho biết có thể sẽ kiện Yale vì đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra kỹ lưỡng thân nhân, tính cách, gốc gác của Clark trước khi thuê hắn làm việc (một số thông tin cho thấy Clark là một người cục cằn, hay gây gổ từ thời còn đi học).
Thêm nữa, vào ngày Annie Lê bị mất tích, chuông báo nguy cơ hỏa hoạn vang lên trong tòa nhà cô làm việc một lần, nhưng gia đình cho rằng cảnh sát đã không đáp lại hay phản ứng kịp thời hay điều tra kỹ về hiện tượng báo cháy này (theo qui định thì khi có chuông báo như thế, tất cả nhân viên trong tòa nhà đều phải ra khỏi tòa nhà).
Tôi không biết rõ căn nguyên lời kết tội này, nhưng rất có thể, người ta cho rằng, đáng lẽ cảnh sát và nhân viên cứu hỏa phải ghi lại toàn bộ số người chạy ra và phát hiện ra là không có Annie Lê trong số đó, để có sự nghi ngờ sớm hơn, điều tra phát hiện kịp thời hơn. Xin nói thêm là chuông báo cháy rất hay xảy ra, đôi khi chỉ vì một chút khói khi đun nước, nên nhiều khi mọi người sinh… nhờn, chủ quan, không buồn chạy ra khỏi nhà, hoặc nhân viên chữa cháy cũng chỉ kiểm tra có phần lấy lệ.
Theo quan điểm của tôi, việc kiện cáo trường Yale sẽ có ít cơ hội thành công vì những bằng chứng về cá tính Clark quá “ngẫu nhiên” và mang tính truyền khẩu chứ dường như chưa hề có bằng cứ văn bản cụ thể nào, nên bộ phận quản lý nhân sự của Yale chưa chắc đã thừa nhận là thiếu sót trong việc rà soát lý lịch Clark.
Việc kết tội nhân viên chữa cháy thiếu cẩn trọng và chú ý đến sự vắng mặt của Annie Lê có lẽ cũng sẽ đi đến kết luận tương tự vì theo kinh nghiệm bản thân, chưa bao giờ khi tôi chạy ra khỏi một tòa nhà vì có chuông báo cháy mà lại có ai đó ghi tên, điểm danh tôi hay bất kỳ ai khác cả!
Sinh viên Đại học Yale tưởng nhớ Annie Lê - Ảnh: Arnold Gold
Dù sao, Annie Lê đã mất rồi và Tập đoàn Tài chính Yale (Yale Corporation) đã làm một việc có ý nghĩa để tưởng niệm cái chết của cô bằng cách thành lập một quỹ học bổng mang tên Annie Lê trị giá 100.000 USD dành cho các sinh viên xuất sắc của trường Yale theo học lĩnh vực sinh học và y-sinh học. Tôi nghĩ đây là việc làm ý nghĩa nhất để cái tên Annie Lê luôn được nhớ đến với niềm thương tiếc, khâm phục và biết ơn trọn vẹn vì những kỷ niệm đẹp đẽ mà cô đã để lại trong lòng gia đình, bạn bè, các thầy cô giáo và giáo sư trong quãng đời ngắn ngủi 24 năm của cô.
Cầu mong Annie Lê yên nghỉ bình yên! Quan trọng hơn, tôi mong sao tất cả chúng ta và những người thân đều sẽ được sống trong bình yên, an toàn. Qua vụ việc Annie Lê, tôi nhận ra một thực tế đáng ngại là bạo lực có thể xảy ra bất cứ đâu, trong bất cứ khoảnh khắc nóng giận không kiềm chế được, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy thoái hiện tại khiến nhiều người phải lo âu, căng thẳng.
Vì vậy, ngoài việc đề phòng, rèn luyện khả năng tự vệ, chọn bạn chơi, hay quan tâm tìm hiểu tính tình đồng nghiệp, bạn bè..., chúng ta nên để tâm hơn chút nữa trong việc giáo dục con cái và nuôi dạy chúng thành những công dân có thói quen hành xử bình tĩnh, đúng mực.