Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÙI TẾT

(NCTG) “Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa mặt đất, trong phòng khách mùi hương trầm và mùi lá dong tỏa hương ngào ngạt. Đó là “mùi Tết”! Cái mùi đã khiến tôi quay quắt nỗi nhớ quê nhà” - ghi chép của nhà văn, nhà báo Bích Yến về những dịp lễ tết xa quê hương.

Những bông tuyết nơi xa quê

Năm đầu tiên, tôi đón Noel và Tết Tây ở châu Âu với gia đình nhà chồng. Tôi còn nhớ là tôi đã hét rất to khi thấy tuyết rơi, lúc đó vợ chồng tôi đang cùng nhau chuẩn bị bữa tối. Tôi luộc rau muống và rang tôm, những thứ tôi vừa mua từ cửa hàng thực phẩm Việt Nam tại Vienna.

Những bông tuyết trắng li ti xoay tròn hối hả rơi xuống mặt đất, có bông vương trên những cành cây, bông lại bám lấy những quả hồng già trong bụi… Tôi mở cửa sổ vốc một nắm đưa lên nhấm thử. Nó tan nhanh trong miệng tôi y như những chiếc kẹo bông thời thơ ấu, chỉ khác là mùi lạnh của tuyết tan biến một cách nhanh chóng và khó nắm bắt.

Đó không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết...

Lần đầu tiên tôi chạm vào tuyết là cách đây vài năm. Khi đó, Hội Hữu nghị Áo – Việt và Tổng liên đoàn Lao động Cộng hòa Áo đã mời hai nhà văn, nhà báo Việt Nam đến Áo trong một chương trình giao lưu văn hóa. Lúc đó, tôi vừa bước xuống sân bay Vienna thì tuyết đã rơi ở đó. “Nàng” lạnh lùng kiêu kỳ ôm choàng lấy tôi. Mọi người bắt đầu kéo mũ tránh né cái “bắt tay”, “xoa đầu” “niềm nở” của tuyết còn tôi thì để mặc cho tuyết rơi đầy đầu, đầy mặt... Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước chân ra thế giới, thật muộn và thật chậm!

Em luộc rau kỹ thế” - chồng tôi vừa nói vừa chạm vào vai khiến tôi giật mình. Chúng tôi cùng dọn cơm. Những món ăn Việt tỏa hương ngòn ngọt. Tôi cắt một quả chanh vắt vào bát nước rau muống rồi tìm đũa nhưng không có đôi nào. Cuối cùng chúng tôi đành ăn rau muống với dĩa và thìa…

Ăn tối xong mẹ chồng giục chúng tôi đến Cung điện Schönbrunn để xem không khí Noel. Trước đó mấy ngày chồng tôi khuân một đống quà về bảo: “Đây là quà của vợ chồng mình sẽ tặng mọi người trong nhà, em bọc cẩn thận nhé”. Riêng món quà của tôi thì anh bảo là anh sẽ trao vào đêm Giáng sinh. Bố mẹ chồng tôi cũng đã trang hoàng xong cây thông, con tuần lọc, đèn trang trí trong nhà ngoài ngõ, quà cáp, đồ ăn… sẵn sàng chuẩn bị cho Noel.

Và đêm Noel tới… tôi và con trai phải ngồi im trong phòng ngủ cho đến khi có tiếng chuông mới được bước chân vào phòng khách. Trong tâm trạng chờ đợi, tôi hồi hộp hướng tai ra ngoài và nghe thấy những tiếng “uỵch”, “á”, “từ từ”… có vẻ rất nặng nhọc vẳng lên từ ngoài cầu thang. Một lúc lâu sau thì yên tĩnh. Đèn điện trong nhà vụt tắt, nhạc Giáng sinh rộn ràng cất lên.

Chồng tôi mở cửa và đề nghị mẹ con tôi nhắm mắt rồi anh dẫn vào phòng khách. Khi tôi mở mắt ra thì tay đã chạm vào cây thông. Những cành thông điệu đà, lõa xõa những cây nến xanh, những quả trang trí màu xanh và trắng... Rất nhiều quà được đặt dưới gốc cây. Có một cái hộp rất to, rất cao được để riêng một góc. Hóa ra nó chính là “thủ phạm” khiến chồng tôi và bố đã vất vả mang vác nãy giờ.


Lễ Giáng sinh trong gia đình

Mọi người bắt đầu trao quà cho mẹ con tôi và chờ đợi chúng tôi mở ra xem. Rất nhiều quà, có những thứ đắt tới hàng trăm triệu đồng mà ông nội tặng cháu trai. Đến lượt tôi mở cái hộp quà to kia. Nó làm tôi vui sướng đến nghẹn ngào. Đó là chiếc bao cát tập võ, giống như cái bao của tôi ở Việt Nam. Anh đã tôn trọng cả sở thích “rất kỳ” của tôi.

Sau đó chúng tôi trao quà cho bố mẹ. Các thành viên trong gia đình trao quà cho nhau rồi cùng ăn tối. Trên bàn ăn có cả món Tây và Việt. Chúng tôi ăn tối trong ánh nến và mọi người đề nghị tôi kể về không khí Giáng sinh ở Việt Nam. Tôi không theo đạo Thiên chúa nên chỉ kể những gì mình đã quan sát thấy trong những dịp Noel ở Hà Nội. Đêm Giáng sinh “đầu đời” của tôi ở châu Âu lãng mạn và dễ thương như thế đấy.

Hơn một tháng sau thì đến Tết Âm lịch, tôi đã rất nhớ nhà. Nhớ đến phát khóc vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi ănTết ở nơi xa. Chồng tôi đã cố gắng an ủi tôi. Anh đưa tôi đến cửa hàng bán đồ Việt để chuẩn bị một cái Tết thật giống nơi quê nhà. Tôi cũng mua sắm được vài thứ, gạo tám thơm, miến, măng, mộc nhĩ, xôi, gà, nước mắm, củ kiệu và vài món đồ làm nem… đến khi nhìn quanh thì không thấy bánh chưng mà chỉ có 2 chiếc bánh tét nằm gọn lọn cạnh quầy thu ngân.

Chúng tôi phải xếp hàng khá lâu. May mắn đến lượt tôi chiếc bánh vẫn còn đó. Tôi hỏi cô thu ngân xem có bánh chưng hay không. Cô ấy trả lời: “Chị phải gọi điện đặt trước Tết thì mới có. Năm nay chúng em gom khách đặt bánh rồi lấy hàng của bà con bên Séc về cho họ chứ không bán sẵn như mọi năm”. Thấy tôi đang lưỡng lự, một vài khách hàng xếp sau lưng tôi chỉ vào cái bánh tét và nói “nếu chị không mua thì để cho tôi nhé”. Tôi vội vàng nhặt một chiếc bánh và trả tiền rồi rời cửa hàng Việt.

Chúng tôi tiếp tục đến Metro để mua sắm thêm. Khi tôi đi ngang qua quầy hoa quả thì nhìn thấy những bó lá chuối xanh tươi nằm co ro trong một cái hộp lớn. Giá niêm yết, 5 Euro/1 bó. Tôi đã dừng lại ở đó rất lâu bởi lá chuối đã khiến tôi nhớ tuổi thơ và nhớ bà nội.

Hồi đó, mỗi độ Tết về cả nhà tôi thường quây quần gói bánh chưng. Đợi cho ông và các chú gói bánh xong thì bà nội gom những tàu lá chuối còn thừa và chặt thêm những tàu lá chuối xanh non trong vườn, bó lại thành từng bó rồi mang ra chợ bán. Bà cho tôi số tiền đó để mua sách và bánh rán. Sau này bố đưa cả nhà tôi ra thị xã sinh sống (nơi bố làm việc), tôi chỉ mong nhanh đến Tết và nhanh được nghỉ hè để về thăm ông bà.

Mỗi lần tiễn chúng tôi, bà lại ra đầu ngõ vẫy tay cho đến khi chiếc ô tô đi khuất. Những lần đó tôi đã khóc hết nước mắt. Về sau, khi bà mất (cũng vào dịp gần Tết) gia đình tôi đã không kịp nhìn mặt bà lần cuối. Lúc về đến nhà tôi chỉ còn thấy chiếc áo bông của bà treo trên tường… Đến khi ông tôi mất cũng là vào ngày mồng 1 Tết…

Vì thế, mỗi dịp Tết về còn khiến tôi nhớ bà, nhớ ông da diết. Tôi cầm một bó lá chuối lên ngắm nghía, hóa ra nó đến từ Việt Nam. Không phải lá chuối của bà nội mà sao cổ họng tôi nghẹn ứ thế này.


Cùng gia đình nhà chồng trong ngày Tết cổ truyền dân tộc


Tối ba mươi Tết, lần đầu tiên trong đời tôi tự nấu được mâm cơm cúng Tất niên. Tôi gọi điện về Việt Nam xin bố mẹ chép cho bài cúng rồi vợ chồng con cái quần áo chỉnh tề khấn lạy ông bà, tổ tiên. Chồng tôi cũng để chế độ chat qua camera cho gia đình ở Việt Nam xem. Đến khi tàn hương thì mời bố mẹ chồng dùng cơm cùng. Cả nhà chồng tôi đều rất thích món nem và phở Việt Nam, hôm nay họ lại được thưởng thức thêm món miến măng, nộm, bánh tét… nên rất vui. Mọi người rất cảm động vì tôi đã giới thiệu không khí Tết Việt với cả nhà.

Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa mặt đất, trong phòng khách mùi hương trầm và mùi lá dong (tôi đang luộc lại chiếc bánh tét) tỏa hương ngào ngạt. Đó là “mùi Tết”! Cái mùi đã khiến tôi quay quắt nỗi nhớ quê nhà. Ăn xong, bố mẹ chồng tôi xuống phòng khách tầng 1, đốt lò sưởi để đọc sách. Bỗng nhiên nghe tiếng tôi hét “ôi khói, khói”. Bố chồng tôi hốt hoảng hỏi: “Con không thích mùi khói à, bố xin lỗi nhé, để bố tắt ngay đây”. Tôi bảo: “Không, bố cho thêm củi đi. Mùi củi lửa khiến con cảm thấy như đang được ở Việt Nam”.

Vậy mà thấm thoát đã hết năm, Tết lại sắp về rồi. Vợ chồng tôi đang bàn tính chuẩn bị Noel và Tết Dương lịch với ông bà nội ở Áo và lên kế hoạch chuẩn bị về Việt Nam ăn Tết với ông bà ngoại. Đây cũng là lần đầu tiên bố mẹ tôi được gặp cháu. Cu tí mới hơn một tuổi. Tôi mong sao sau này nó cũng sẽ có những ký ức về ông bà như tôi đã từng có.

Chồng tôi vừa gãi đầu vừa hỏi: “Liệu anh có thể mang theo áo dài để mặc vào dịp Tết ở Việt Nam hay không?”. Tôi phì cười, bất giác nhìn thấy anh đang cầm cuốn “Đường về nhà” (*) của nhà văn Rose Tremain, “cái này nữa, cho em”. Anh biết đó là một trong những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích và đã mang theo khi rời xa Việt Nam.

Ghi chú (của NCTG):

(*) Nguyên tác “The Road Home” (2008), bản dịch tiếng Việt của Thanh Vân, NXB Văn học ấn hành năm 2010.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thị Bích Yến, từ Vienna, 2012