Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KHỦNG HOẢNG KINH TẾ, DÂN CHÂU ÂU THÍCH MÌ ĂN LIỀN VIỆT NAM

(NCTG) “Khủng hoảng kinh tế Châu Âu cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chúng ta, thế nhưng không phải là không có lối thoát. (...) Không một ai, một tổ chức nào ngăn cản hàng hóa của chúng ta. Chỉ có một điều duy nhất ngăn cản chúng ta, đó là ý chí và quyết tâm LÀM NHƯ THẾ NÀO VÀ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU”.

Anh Phạm Ngọc Chu tại Đại hội Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary (tháng 7-2
011) - Ảnh tư liệu

LTS: Ngày 8-6-2012, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Phát huy nguồn lực Kiều bào trong xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư” với sự hiện diện của một số đại diện Sở, Ngành có liên quan; đại diện Hiệp hội Doanh nhân TP.HCM; đại diện Hiệp hội Doanh  nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM...

Anh Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, Ủy viên Ủy ban Olympic Quốc gia Hungary, Tổng giám đốc Công ty Limexport là một trong những khách mời của Tọa đàm. Sau đây là nội dung bản tham luận của anh Phạm Ngọc Chu gửi tới hội thảo.

*

Hiện nay, khủng hoàng kinh tế Châu Âu đang ở vào giai đoạn quyết liệt và chưa có phương thuốc cứu chữa. Nhiều nước đang trong tình trạng nợ công cao như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… cộng với nguy cơ ngày một tăng của sự phá sản quốc gia tại Hy Lạp khiến đồng tiền chung Châu Âu Euro mất giá liên tục so với các ngoại tệ mạnh khác.

Euro mất giá một thì đồng tiền của các nước Đông Âu có nền kinh tế yếu kém mất giá mười, ví dụ như đồng tiền Koruna của Cộng hòa Czech, Złoty của Ba Lan, Forint của Hungary. Ngay người dân những nước này cũng chuyển đổi đồng nội tệ sang ngoại tệ mạnh để giữ, huống chi các nhà đầu tư.

Khủng hoảng kinh tế Châu Âu gần như làm suy yếu một số ngành nghề lớn như sản xuất ôtô, xây dựng, sản xuất hàng cao cấp, du lịch… Lượng người thất nghiệp ngày càng tăng cao, đời sống người dân đi xuống rõ rệt.

Hiện tại, có thể chia cư dân Châu Âu làm ba thành phần.

Thành phần thứ nhất là những người dân có thu nhập thấp. Thành phần này ở bất cứ chế độ nào, xã hội nào, nước nào thì đều không có tiền, họ kiếm được đồng nào thì tiêu hết đồng nấy nên chỉ tạo ra sức mua nhỏ cho xã hội.

Thành phần thứ hai là những người có thu nhập trung bình đến khá, tạo ra sức mua và trao đổi hàng hóa trong thị trường rất lớn. Tuy nhiên, thành phần này cũng dần dần mất đi trong xã hội bởi một số nguyên nhân sau:

¤ Những người thuộc thành phần này đa số sống bằng tiền ngân hàng, từ mua nhà, ôtô, tivi, tủ lạnh, đi du lịch... Càng ngày họ càng nghèo đi vì kinh tế yếu kém, đồng nội tệ mất giá, nhà băng tăng lãi suất, hạn chế cho vay nên đồng tiền họ làm ra quanh năm chỉ đủ trả nợ.

¤ Không nhìn thấy tương lai, tâm lý bị sa thải, thất nghiệp luôn luôn ám ảnh trong tâm trí, nên càng ngày họ càng giữ chặt túi tiền và hạn chế chi tiêu.

¤ Do thâm hụt ngân sách lớn nên nhà nước tăng thuế thu nhập và thuế lưu thông hàng hóa, khiến sức mua của họ giảm sút nhiều.

Thành phần thứ ba là thành phần có thu nhập cao trong xã hội. Ở bất cứ nước nào, chế độ nào, xã hội nào họ cũng không bị ảnh hưởng gì mấy do khủng hoảng kinh tế, họ vẫn chi, vẫn mua những mặt hàng mà họ thích. Thành phần này - cũng như thành phần thứ nhất – ít tạo ra năng lực sản xuất và trao đổi hàng hóa dồi dào cho xã hội.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm thay đổi đáng kể thị trường tiêu dùng và tâm lý mua bán của người dân, nên bản thân các doanh nghiệp chúng ta cũng cần phải thay đổi nhanh chóng cho phù hợp thị trường và người tiêu dùng.

Chúng ta cũng thừa hiểu tại sao doanh thu của Samsung lớn hơn Sony, chúng ta cũng biết các thương hiệu lớn như Nokia, Ericsson dần dần yếu đi trên thị trường... Những nhà sản xuất này đã không bám chặt vào tâm lý tiêu dùng và mua bán của người dân.

Hãng sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới Nestlé có một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường, đó là cà phê hòa tan 3 chấm 1, thường một gói pha đủ một ly cà phê có trọng lượng 18g. Giá cả nguyên liệu, năng lượng, thuế má tăng cao, thế nhưng Nestlé không muốn tăng giá sản phẩm ảnh hưởng sức mua ngoài thị trường mà họ giảm trọng lượng gói cà phê cho mỗi cốc từ 18g xuống 17,5g. Con số giảm 0,5 nhỏ nhưng đã đánh lừa người tiêu dùng rất lớn.

Khủng hoảng kinh tế Châu Âu cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chúng ta, thế nhưng không phải là không có lối thoát. Người dân Châu Âu vẫn ảnh hưởng thói quen của vài chục năm nay, họ vẫn ăn tiêu và sống bằng trợ cấp xã hội. Thị trường tuy bị khủng hoảng kinh tế, nhưng hàng ngày vẫn lưu thông một lượng hàng hóa lớn.

Tôi vẫn nhìn ra một số thuận lợi sau cho doanh nghiệp chúng ta.

¤ Thị trường Châu Âu mất dần tầng lớp người tiêu thụ hàng cao cấp, chuyển sang số đông tiêu thụ các mặt hàng bình dân, rất phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam. Hệ thống siêu thị của tôi bán mỳ ăn liền Việt Nam tăng nhiều so với những năm trước khủng hoảng kinh tế.

¤ Hiện nay trên thế giới có hơn ba triệu người Việt Nam sinh sống, đó là cầu nối lớn cho hàng hóa chúng ta ra nước ngoài. Đặc biệt các nước Đông Âu có một số công ty lớn do người Việt Nam làm chủ, có mạng lưới phân phối rộng trên toàn quốc, đưa hàng hóa vào các hệ Hypermarket, Supermarket…

¤ Tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều coi Việt Nam là thị trường lớn, thêm vào đó, người dân chúng ta chủ trương sống hòa bình và làm bạn với tất cả các nước trên thế giới - đây chính là lợi thế để chúng ta mang hàng hóa đi trao đổi.

¤ Trên thế giới, đang có một phong trào bài xích, tẩy chay hàng Trung Quốc vì hàng hóa nước này đi đến đâu cũng kéo theo một đám đông di cư theo, phá tan văn hóa phong tục tập quán dân bản xứ. Đây là cơ hội để hàng hóa của chúng ta có thể cạnh tranh và thay thế ở một chừng mực nào đó hàng Trung Quốc.

Điều tôi muốn nói cuối cùng: chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình rộng lớn, thông tin nhanh chóng, hàng hóa lưu thông thuận tiện. Không một ai, một tổ chức nào ngăn cản hàng hóa của chúng ta. Chỉ có một điều duy nhất ngăn cản chúng ta, đó là ý chí và quyết tâm LÀM NHƯ THẾ NÀO VÀ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU.

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chu, từ Budapest