Hội nghị Việt kiều lần 2: “GẶP GỠ ĐỂ KẾT NỐI VÀ ĐOÀN KẾT”
- Thứ ba - 09/10/2012 01:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Thành công của Hội nghị chính là ở sự gắn kết. Nếu chúng ta muốn giữ được cộng đồng, muốn giữ được tình đoàn kết thì cần có những dịp như thế này để kết nối với nhau”.
Anh Phạm Ngọc Chu phát biểu tại Hội nghị - Ảnh do nhân vật cung cấp
Như NCTG đã đưa tin, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ hai vừa được tổ chức tại TP HCM cuối tháng 9 vừa qua. Ngay sau khi Hội nghị kết thúc, PV NCTG ở Hà Nội đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với anh Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary, một thành viên năng nổ của cộng đồng Việt Nam đã có mặt trong sự kiện quan trọng nói trên.
- Chào anh Phạm Ngọc Chu, rất vui được gặp anh tại Hà Nội. Xin anh vui lòng cho độc giả NCTG biết một vài thông tin xung quanh kỳ hội nghị lần này.
- Chúng tôi về dự, xuống sân bay được Ban tổ chức tiếp đón ngay tại cổng rất trang trọng, lịch sự. Hội nghị lần trước tôi cũng tham gia, lần này tôi thấy Ban tổ chức làm việc còn chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Cộng đồng Việt Nam tại Hungary có 7 đại biểu về dự, đều là các doanh nhân ở Budapest. Trong số đó, có người có nhà máy dệt ở ngoại thành Hà Nội, có người có nông trường trồng nấm, còn tôi kinh doanh xuất nhập khẩu gạo, mì ăn liền Việt Nam.
- Nhiều người nói rằng những cuộc họp hành hội nghị thế này thường là nhàm chán, vì chỉ mang tính hình thức, anh nghĩ như thế nào? Cá nhân anh thu được điều gì mà anh coi là có ý nghĩa?
Quan điểm của tôi thế này, khi người ta tổ chức thì mình cũng nên tham gia. Đây là một sân chơi cho mình, tại đây mình có cơ hội gặp lại người cũ, bạn cũ, biết được người nọ người kia làm ngành gì. Điều này có những cái lợi rất cụ thể, chẳng hạn, tôi biết được một số địa chỉ các công ty du lịch ở Hồng Kông do người Việt làm chủ. Ở Hungary tôi quen nhiều người muốn đi du lịch Hồng Kông nhưng lại không biết các hãng tại đó. Thế là tôi có điều kiện làm cầu nối cho họ với nhau.
Một ví dụ khác. Trong dịp này, tôi được làm quen với một kiến trúc sư Việt định cư tại Thái Lan. Rất bất ngờ là tôi được anh cho biết, anh đã giúp cộng đồng Việt ở Cộng hòa Czech trong việc thiết kế miễn phí một ngôi chùa. Thiết nghĩ, nếu không có cơ hội gặp gỡ giữa người Việt sinh sống ở ngoài nước, rất khó có được những dịp hạnh ngộ như thế!
Thành thử, tôi vẫn thường nói thế này: bất kỳ hội nghị nào cũng có điểm bổ ích là Nhà nước đã tạo ra một sân chơi để chúng tôi - những doanh nhân Việt Nam sống xa quê hương, người ở châu Á, người ở châu Âu, châu Mỹ… - có dịp gặp gỡ, trao đổi. Sau những kỳ gặp mặt như thế này, tôi có được rất nhiều “mối” của người Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Như vậy, mỗi khi ai có hoặc cần đến lĩnh vực nào tôi đều có thể là cầu nối giúp họ đến với nhau. Hoặc chính với bản thân tôi cũng vậy. Thành công của Hội nghị chính là ở sự gắn kết. Nếu chúng ta muốn giữ được cộng đồng, muốn giữ được tình đoàn kết thì cần có những dịp như thế này để kết nối với nhau.
Vì thế, tôi cho rằng đây là một chiến lược lâu dài và lớn lao cho đất nước, cho cộng đồng và cho cả nền văn hóa Việt Nam. Chính những bước đi của chúng ta ngày hôm nay là bước đệm cho 5, 10, 20 năm sau. Cá nhân chúng tôi, trong khả năng có thể, cũng muốn tự tạo ra những cơ hội gặp gỡ như thế cho mình và các bạn hữu, đối tác.
Chẳng hạn, hồi tháng 2 vừa rồi tôi dẫn một phái đoàn doanh nghiệp Hungary đi “xuyên Việt” từ Bắc vào Nam. Mọi người hỏi tôi có kết quả gì không? Tôi bảo, trước tiên 100 người tiêu hết bao nhiêu ngoại tệ ở đây - đó là thành công về du lịch, khi tôi kéo được hàng trăm doanh nhân sang Việt Nam. Thứ hai, họ đến đất nước mình, thấy đẹp, họ về sẽ giới thiệu cho bạn bè, con cái đến đất nước mình - đó là thành công tiếp theo. Chưa nói đến chuyện họ còn đi lại nhiều lần, họ thấy nhiều hàng hóa, nhiều cái hay họ sẽ mua và sẽ giới thiệu tiếp.
- Đề tài anh trình bày đã thu hút được sự chú ý của cử tọa, xin anh cho biết đâu là bí quyết để làm được điều đó?
Tôi có quan điểm là đi ra đường phải ăn mặc đẹp, tôn trọng người bên cạnh, tôn trọng phố phường, tôn trọng người đi đường. Đi dự hội nghị mình phải mang tâm trạng phấn chấn của người được đi dự. Hơn nữa, đây là một hội nghị khoa học, xã hội, kinh tế hay gì đó, người ta yêu cầu mình làm tham luận, thì bài tham luận phải mang tính thực tế, cụ thể, phải có lập luận logic, chứ không phải là viết theo kiểu hoa văn mỹ tự, thưa gửi thế nọ thế kia.
Cạnh đó, bất kỳ hội nghị hội thảo nào đều có nhiều chủ đề mà người đến dự phải tự chọn cho mình một chủ đề thích hợp mà mình đã có sự chuẩn bị, đầu tư suy ngẫm, có những ý tưởng, những nét riêng. Tham luận “Các cộng đồng Việt Nam trong thế kỷ 22” là sự tìm tòi của tôi trong quá trình tôi đặt chân tới nhiều nước trên thế giới - đến nước nào tôi cũng cố gắng thâm nhập và tìm hiểu cộng đồng Việt Nam.
Những khi tham dự các hội thảo doanh nghiệp, tôi thường tham luận về chủ đề cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài đi đâu và làm gì trong tình hình kinh tế khó khăn này. Đó là chủ đề tôi nghiền ngẫm đã lâu nay, từ khi tình hình kinh doanh, chợ búa của bà con ở ngoài này rất khó khăn. Cũng trong quá trình tìm hiểu ấy, tôi cố gắng đúc kết, tìm ra một nét riêng của văn hóa người Việt sống ở nước ngoài.
So sánh người Việt ở nước ngoài với người Việt trong nước, và với cả các cộng đồng di dân khác, tôi cảm thấy người Việt sống ở nước ngoài rất đoàn kết. Như cộng đồng Ba Lan di dân cũng rất lớn, riêng thành phố Chicago có tới 2 triệu người gốc Ba Lan, rồi người Trung Quốc, người Hungary di cư cũng rất nhiều, nhưng tôi thấy cộng đồng người Việt là đoàn kết nhất. Đây là một ý mà tôi có đưa vào bài tham luận lần này.
Tại tư gia ở Hà Nội - Ảnh: Bích Ngọc
Sắp tới, ngày 26-10 chúng tôi sẽ lại cùng có mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 6 (tổ chức ở Praha, Cộng hòa Czech), đó cũng là biểu hiện sự đoàn kết. Một dịp cùng nhau nhìn nhận lại những khó khăn và tìm ra giải pháp trong thời buổi hiện nay.
- Anh có câu chuyện gì vui tại hội nghị không?
- Tôi có nhiều chuyện vui ở hội nghị lắm nhưng xin kể một câu chuyện thôi (cười). Chẳng hạn, mọi người cứ bảo tôi là thành đạt, nhưng thực sự tôi chả thành đạt mà chỉ chăm chỉ, kiên trì và nắm bắt được thời cơ thôi. Thời cơ rất quan trọng, tôi nghĩ trong đời người chỉ có khoảng 2-3 thời cơ, mình phải chớp lấy. Như tôi hay nói chuyện với lớp trẻ, tôi phân tích đời người có 3 giai đoạn.
Giai đoạn một là rèn luyện - mình học phổ thông, sau đó học đại học đến năm 25-30 tuổi, rèn luyện rồi tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Giai đoạn hai là phát triển - ở Châu Âu 25 tuổi là phát triển rồi, còn người Việt chậm thì cứ cho là 30-45 tuổi đi. Sau phát triển là lúc mình đủ chín muồi cả lý thuyết đến thực tiễn thì đến giai đoạn ba là tăng tốc, tối đa là tới 55 tuổi.
Các bạn sinh viên hỏi tôi: “Thế hết giai đoạn tăng tốc là giai đoạn gì?”. Tôi nói là giai đoạn suy thoái. Ý là tôi vẫn làm việc được nhưng tôi không thể làm được như chục năm trước nữa, tôi phải nhường chỗ lại cho lớp trẻ. Mọi người vỗ tay! (cười rất vui vẻ).
- Như báo chí đưa tin thì tình hình chủ quyền đất nước cũng rất được chú ý tại Hội nghị. Sống xa quê hương, anh có cảm xúc như thế nào với vấn đề này?
Hôm ở Hội nghị, một phóng viên phỏng vấn tôi thế này: “Người Việt Nam sống ở nước ngoài thì có làm việc gì để ủng hộ bạn bè về công tác đàm phán đa phương Biển Đông?”. Tôi đáp: “Vừa rồi, ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông - sang thăm Hungary có tặng tôi bức tranh Trường Sa rất lớn, rất đẹp. Tôi treo ở văn phòng, bạn nước ngoài đến chơi, tôi thường giới thiệu với bạn: “Đây là quần đảo Trường Sa của chúng tôi, đang bị Trung Quốc tranh chấp”.
Việc làm này của tôi cũng có tác dụng để gây cảm tình với các bạn quốc tế. Đó là những cái nhỏ nhất mà một cá nhân ở nước ngoài có thể làm được. Nếu mười người, một triệu người đồng tâm, sẽ như thế nào? Chúng ta cứ bắt đầu từ những việc nhỏ, ai cũng chung tay, từ việc nhỏ tích lại sẽ thành việc lớn để dần dần thế giới cũng hiểu ra vấn đề và ủng hộ việc đòi lại chủ quyền biển đảo của nước ta.
- Được biết anh cáng đáng khá nhiều chức vụ bên Hung như trong Hội Doanh nghiệp, trong Ủy ban Olympic Hungary, và trong doanh nghiệp cá nhân. Anh sắp xếp thời gian ra sao cho các tất cả công việc đó, và cho gia đình?
- Tôi rất thích những hoạt động xã hội, hồi trẻ tôi đã làm công tác Đoàn trên cương vị bí thư Đoàn. Trong một thời gian dài lo làm ăn, lại lấy vợ người Hung, tôi có rời xa và ít tham gia được công tác cộng đồng Việt. Nhưng rồi tôi thấy rằng tôi cần có cuộc sống với cộng đồng người Việt, cứ ở nhà mãi với vợ thì cũng chán, đi xa nhau cho nó nhớ, ở nhà mãi thì cãi nhau, nhưng đi sinh hoạt cộng đồng nhiều quá rồi kết quả là càng ngày càng cãi nhau to (cười rất sảng khoái). Thực sự, cộng đồng khiến con người ta vui lên, trẻ ra và cảm thấy hạnh phúc vì mình khám phá ra nhiều, được giao lưu.
- Thế thời gian anh dành cho gia đình như thế nào?
- Như đã nói ở trên, những người lớn tuổi như tôi đã hết giai đoạn tăng tốc và đến giai đoạn suy thoái, nghĩa là đã đạt được kết quả nhất định về kinh doanh, đã đến lúc muốn dành thời gian cho gia đình: có người sinh hoạt xã hội, có người làm vườn, có người nghiên cứu, sáng tác, v.v… Có nghĩa là mình vẫn sinh hoạt, và vẫn sắp xếp được thời gian dành cho gia đình.
- Vừa rồi anh có nói tới Diễn đàn ở Praha cuối tháng này. Anh sẽ mang cái gì đến Praha và anh mong muốn được gì sau kỳ Diễn đàn?
- Cộng đồng Việt Nam sống ở các nước Đông – Trung Âu đa số là kinh doanh chợ. Mà chợ búa bây giờ thì càng ngày càng khó khăn, do những công ty lớn, siêu thị lớn từ Tây Âu tràn ngập khiến thị trường của người Việt suy giảm. Thị phần của cộng đồng Việt Nam buôn bán tại chợ rất bị thu nhỏ, bây giờ không thể bán với số lượng lớn mà phải dần chuyển sang bán lẻ.
Về bán lẻ, tôi muốn chia sẻ cho mọi người, bán theo mô hình nào, loại hàng hóa gì. Hàng điện máy bây giờ tiêu thụ rất khó, quần áo khó khăn không bán được, sách vở cũng vậy vì ngày càng nhiều người sử dụng mạng Internet, rồi hoa tươi cũng thất bát. Chỉ cái mà cuộc sống hàng ngày chúng ta nhất thiết phải dùng như đồ mỹ phẩm, đồ ăn uống là còn khả dĩ.
Hơn nữa, chúng ta phải chuyển ra bán lẻ, tập trung đưa hàng tới khu dân cư để tiêu thụ, chứ ngồi ở chợ chờ đợi dân họ ra thì khó bán lắm. Đây cũng là nội dung tham luận tôi đang chuẩn bị cho Diễn đàn, mà tôi tạm đặt tựa là “Bán lẻ là vua thị trường” (cười).
- Vừa rồi anh nói đến chuyện chợ búa, cũng xin hỏi anh luôn, bây giờ bà con mình bên Budapest đang quan tâm đến việc chợ Tứ Hổ có thể sẽ bị đóng cửa. Có phải vì vừa rồi có xảy ra xô xát đâm chém trong chợ nên chính quyền họ dẹp không?
- Bên Châu Âu ít khi vì vấn đề an ninh, xã hội mà người ta dẹp một khu chợ đang hoạt động. Ví dụ nhiều người buôn hàng lậu, hàng giả thì đã có cảnh sát, thuế vụ xử lý. Giả sử nếu có ai mua khu đất đó để xây một công trình khác thì có thể họ dẹp, chứ chính quyền không bao giờ tự dưng phá - bên đó nền dân chủ rất cao...
- Vậy chợ có thể bị dẹp không?
- Bị dẹp. Nhưng có người nói với tôi thế này: có bán chác được gì đâu nên có dẹp cũng không sợ. Ngay chợ này ngày xưa người ta chen nhau mua bàn, mua ki-ốt trong chợ, giá rất cao mà nay bàn, quầy hàng cũng bỏ trống. Như vậy, bây giờ chỉ còn một số lượng nhỏ, nếu đóng cửa họ sẽ tự hòa nhập vào những trung tâm nhỏ hoặc lớn.
Nếu cách đây 10 năm mà dẹp thì đó là một sự loạn, bởi lúc đó có cả hàng nghìn người lao động - cả người Hung, người Việt, người Tàu, người Ấn Độ, v.v…, dẫn đến tình trạng thất nghiệp rất nhiều. Nhưng bây giờ có dẹp không phải là vấn đề, nó tự tan rã dần dần… không phải là sự kiện gì lớn.
- Một câu hỏi cá nhân: anh về Hà Nội đúng mùa thu, anh thấy mùa thu Hà Nội và mùa thu Budapest có khác nhau nhiều không?
- (Thở dài) À, mùa thu Hà Nội và mùa thu Budapest thì về thời tiết nó vẫn thế, vẫn se se lạnh về buổi đêm, có lá vàng rơi… chỉ khác là ở đây lá cây khác và kia là lá cây khác. Mùa thu Hà Nội tôi luôn cảm thấy hay hơn vì gắn liền với cuộc đời mình sinh ra và lớn lên. Khi tôi về nghe một bài hát hoặc đọc một cái gì về mùa thu mình cảm thấy nhơ nhớ mùa thu kia. Mùa thu kia thì tôi chưa có kỷ niệm nhiều lắm nhưng ở đâu cũng có lá vàng rơi cả. (cười)
- Nhưng nếu về cảnh thì bên kia đẹp hơn bên này rất nhiều?
Người nước ngoài đến thăm Việt Nam đều khen phong cảnh Việt Nam đẹp, bản thân tôi đã sống 30 năm ở nước ngoài, mà cũng đã từng sống trong hoàn cảnh nghèo khổ, về nhà nhìn những đường phố chật hẹp, những người bán vỉa hè, người gồng gánh tôi rất là thích, cứ lịm người đi.
Trên đường phố Hà Nội - Ảnh: Bích Ngọc
Có một lần tôi đọc một bài báo nói về dẹp người bán hàng rong trên vỉa hè. Không nên dẹp và không thể dẹp nổi một cách triệt để, bởi vì thế này, ở đâu cũng thế, cái đường bé hồi xưa xây cho năm người đi mà năm chục người đi thì hẳn là phải chen nhau chứ? Không phải chỉ người Việt mà người Châu Âu cũng thế thôi. Bên kia tiên tiến nhưng lúc tắc đường có khi người ta cũng sốt ruột bấm còi inh ỏi lên chứ.
Không thể dẹp nổi vì số lượng quá đông, bây giờ nếu dẹp cái này sẽ gây nên sự phẫn nộ của xã hội, khiến số người mất công ăn việc làm, thất nghiệp tăng lên. Nhưng ngoài ra, dẹp hàng rong cũng là phá bỏ một nét truyền thống rất hay của Thủ đô. Thử hỏi rằng, cảnh đẹp Hà Nội nếu không lồng vào cảnh quang gánh thì có phải Hà Nội nữa không?
- Anh có thích ăn ở vỉa hè không?
- Thích chứ!
- Anh thích nhất món gì?
- Ốc luộc nóng khêu (cười rất to). Thực sự ra thì người nào mà nghĩ dẹp cái vỉa hè, dẹp nền văn hóa Hà Nội đó là một người bị ảnh hưởng một văn hóa tự ti và lai căng. Cái đẹp của chúng ta là cái đẹp ở hàng rong và vỉa hè. Tôi còn nhớ, một lần dẫn một người bạn Tây đi ăn bún thịt nướng nhưng máy hút bị quên không mở nên khói vào hết trong phòng. Bạn tôi hỏi: “Sao ở đây khói thế?”. Tôi trả lời bạn: “Tôi đang tạo cho anh bầu không khí ăn uống ở Hà Nội” (cười rất sảng khoái).
Khi mình tự tin thì mình sẽ thấy có những cái bình thường không cần xấu hổ mà còn có thể hãnh diện.
- Tôi có thể mời anh ăn một món gì đó ở vỉa hè?
- Rất sẵn sàng, nhưng tôi mời chị và ở nơi không có khói nhé. (cười rất thoải mái)
- Cảm ơn anh về những chia sẻ ngày hôm nay. Câu hỏi cuối cùng, về Hà Nội đợt này anh có dự định gì làm cho Hà Nội không?
- Hai vị Quận trưởng Quận Long Biên (Hà Nội) và Quận trưởng Quận 18 (Budapest) có gặp nhau trong một buổi tiệc chiêu đãi của Đại sứ, và phía Budapest có nhã ý mời một số lãnh đạo Quận Long Biên sang thăm Hungary. Hiện tôi đang là cầu nối để kết nối hai quận với nhau.
- Sau đó sẽ tiến tới kết nghĩa như Quận Tây Hồ và Quận 16 (Budapest)?
- Đó là điều chúng tôi đang nỗ lực. Những năm gần đây, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary đã hỗ trợ để Quận Tây Hồ (Hà Nội) và Quận 16 (Budapest) trở thành hai quận kết nghĩa, hàng năm đều có những đoàn tham quan trao đổi văn hóa, kinh tế... song phương. Bước đầu sẽ là sang thăm nhau, nói chuyện với nhau và dần dần tìm hiểu về nhau. Khi đã hiểu nhau thì sẽ nghĩ dần đến những việc có thể giúp đỡ nhau để cùng phát triển. (cười)
- Xin cám ơn anh, chúc anh thành công với những mong muốn, tâm huyết của mình!