Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐỖ PHƯỢNG NHƯ, MỘT VIOLIST TRẺ TÀI NĂNG

(NCTG) Nhạc cổ điển, do nhiều lý do dễ hiểu (không xuất phát từ Việt Nam; vì là nhạc “bác học” nên không dễ nghe, dễ học, dễ cảm…) cho đến nay vẫn chưa phải là thế mạnh của người Việt.

Nhóm tứ tấu "Dominant" (Đỗ Phượng Như đứng thứ hai, từ trái sang)

Tuy nhiên, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã “góp mặt” được với thế giới, ở một tầm vóc nào đó, một số tên tuổi đến nay đã trở thành quen thuộc với giới hâm mộ nhạc cổ điển thế giới như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Bùi Gia Tường, Bùi Công Thành, Đặng Ngọc Long, Bùi Công Duy… Trong số đó, từ nhiều năm nay, nổi lên một gương mặt trẻ: cây vĩ cầm Đỗ Phượng Như, nữ nghệ sĩ chúng tôi đã được tiếp xúc và thưởng thức tài nghệ trong chuyến đi mới đây tại thủ đô của Liên bang Nga.

Thời gian ở Nga, dù không có điều kiện tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam tại đây mà theo những con số ước đoán, có thể lên tới 150 ngàn người, chúng tôi đã có dịp xem một buổi hòa nhạc cổ điển của nhóm tứ tấu nổi tiếng của Nga “Dominant” mà thật bất ngờ: cây vĩ cầm số một lại là một cô gái Việt: Đỗ Phượng Như.

Ra đời và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, thân phụ là nghệ sĩ vĩ cầm (học ở Nga), thân mẫu là diễn viên ballett, các bác ruột bên nội và ngoại là nhạc sĩ Đỗ Nhuận và nhà văn Nguyễn Đình Thi, học đàn từ năm 4 tuổi, năm 12 tuổi, Đỗ Phượng Như đã đoạt giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Cuộc thi vĩ cầm quốc tế Wieniausky (Ba Lan).

Năm 14 tuổi, sau thời gian học tại Nhạc viện Hà Nội, Đỗ Phượng Như sang du học tại Nhạc viện Moscow mang tên Chaikovsky và tốt nghiệp xuất sắc với bằng đỏ tại đây (năm 1999); sau đó, cô cũng thi đỗ vào hệ Nghiên cứu sinh với số điểm tối đa 25/25. Trước khi là violinist số 1 của nhóm tứ tấu “Dominant” (thành lập năm 1995), Đỗ Phượng Như đã đạt được nhiều giải cao như Giải nhì cuộc thi quốc tế tại Đức (1990), Giải nhì cuộc thi quốc tế Kamo tại Paris (1991), Giải nhì cuộc thi Shato de Courcion tại Pháp (1993)…

Năm 1994, cô cũng đã tham dự cuộc thi âm nhạc cổ điển nổi tiếng mang tên  Chaikovsky. Tốt nghiệp với số điểm 5+, Đỗ Phượng Như đã được biểu diễn trong dịp Kỷ niệm khóa tốt nghiệp thứ 130 của Nhạc viện Chaikovsky lừng danh.

Nhóm tứ tấu của Đỗ Phượng Như, được đánh giá là nhóm đứng thứ hai tại Nga (sau nhóm của chính vị thày của họ!), đã tham gia biểu diễn tại nhiều liên hoan âm nhạc, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và Nga (đáng kể là Giải nhất cuộc thi Tứ tấu cho đàn dây mang tên nhạc sĩ vĩ đại Shostakovich tại Saint Peterburg), cũng như, đã thu được một số đĩa CD có tiếng vang.

Hiện tại, Đỗ Phượng Như làm việc tại hãng biểu diễn âm nhạc nổi tiếng của Nga, mang tên Hội khuyến nhạc Giao hưởng Quốc gia Moscow (The Moscow State Philharmonic Society). Trong lần tiếp xúc với cô và nhóm nhạc, chúng tôi còn được biết thêm một chi tiết thú vị: theo truyền thống, các nhóm tứ tấu ở Nga 10 năm trở lại đây rất hay mang tên người chơi cây vĩ cầm số 1; cũng như vậy, “Dominant” - tên nhóm tứ tấu của Đỗ Phượng Như - được ghép từ họ của Đỗ Phượng Như (Đỗ) và một danh từ âm nhạc.

Có dịp trò chuyện với Đỗ Phượng Như, nghệ sĩ violinist trẻ tuổi cho chúng tôi biết: theo đuổi nghệ thuật ở đâu cũng rất khó nhọc, cũng cần sự kiên trì, khổ luyện và… chút năng khiếu. Tuy nhiên, âm nhạc đã trở thành một phần của đời cô; ngay trong thời gian này, khi vừa có cháu nhỏ, cô cùng các đồng nghiệp trong nhóm tứ tấu vẫn tập luyện và trau dồi không ngừng, chuẩn bị cho đợt công diễn tại Anh Quốc mùa Thu 2006.

Lưu bút của nhóm tứ tấu "Dominant": "Tứ tấu "Dominant" gửi tới bạn đọc của báo "Nhịp cầu Thế giới", chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và đạt được mọi ước mơ của mình. Thân mến. Tứ tấu "Dominant"

Đối với riêng chúng tôi, ấn tượng sâu sắc và cảm động trong buổi diễn (được tổ chức trong một thư viện nhỏ của một nhà văn, nhà triết học Nga thế kỷ XIX, ngay tại phố Arbat cổ, tâm hồn và trái tim của dân tộc Nga) là bên cạnh những tác phẩm kinh điển của âm nhạc thế giới, nhóm tứ tấu “Dominant” đã chơi rất hay, rất có hồn và bay bổng, hai bản nhạc vào hàng “kinh điển” của tân nhạc Việt Nam là “Đêm đông” (Nguyễn Văn Thương) và “Hạ trắng” (Trịnh Công Sơn), mà các nghệ sĩ Nga - Việt đã kịp soạn trước khi chúng tôi đặt chân đến thủ đô Moscow.

Đây là một trong những kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đi lần này của chúng tôi!

Tác giả bài viết: Trần Lê