ĐÃ ĐẾN LÚC KHÔNG THỂ IM LẶNG!
- Thứ năm - 28/10/2004 10:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sinh viên ngoại quốc ở Saint Petersburg xuống đường phản đối những phần tử dân tộc cực đoan đã gây nên cái chết của Vũ Anh Tuấn - Ảnh: svlen.com
Theo những tin tức của cảnh sát địa phương cho hay, Tuấn bị tấn công khi em đang về nhà từ một ga tàu điện ngầm, sau khi dự sinh nhật bạn ở ký túc xá trường Y Saint Petersburg mang tên Pavlov. Người sinh viên xuất sắc này (từng là thủ khoa Đại học Thủy lợi Hà Nội) đã bị chừng 18 thanh niên đầu trọc, mặc quần áo đen và mang ủng, tấn công và cho dù đã cố gắng vùng chạy, nhưng chỉ được vài mét thì thì em bị chặn lại và bị đâm liên tiếp mười mấy nhát khiến em chết ngay tại chỗ.
Thực chất, Vũ Anh Tuấn không phải là người Việt đầu tiên bị bạo hành, hay bị thiệt mạng ở Liên bang Nga. Qua những bài viết, những tin nhắn... dồn dập trên các forum điện tử, chúng ta được biết, đối với người Việt ở Liên bang Nga, từ nhiều năm nay, tệ bạo hành của cảnh sát và các băng đảng đầu trọc cực đoan, là thứ xảy ra như cơm bữa! Nhưng việc một sinh viên hiền hậu, được bạn bè rất yêu quý, bị chết thảm thương, và việc những thông tin về cái chết của Tuấn được lan truyền rất dồn dập thông qua mạng Internet, đã khiến biến cố vừa rồi biến thành một giọt nước cuối cùng trong một ly nước đã quá tràn!
Đã đến lúc chúng ta không thể im lặng!
Bao nhiêu năm, chính quyền sở tại của Nga - và cả các đại diện ngoại giao của Việt Nam - hầu như đã không làm được gì đáng kể và thực tế, ngoài những lời trấn an này nọ, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng Việt Nam tại Nga, trong đó, có không ít sinh viên, những gương mặt ưu tú của đất nước, sang nước bạn với mơ ước trau dồi kiến thức để làm một cái gì đó cho Tổ quốc, cho gia đình và bản thân.
Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử các du học sinh theo diện học bổng của Việt Nam tại nước ngoài, nhóm bạn hữu của Vũ Anh Tuấn tại Saint Peterburg đã có một nghĩa cử, một hành động rất quả cảm và cương quyết: một mặt, chu đáo lo hậu sự cho bạn, mặt khác, tuyên chiến với những nhóm dân tộc cực hữu bằng cách kiến nghị lên chính quyền thành phố, yêu cầu nhà chức trách phải có những biện pháp thích hợp để đảm bảo an ninh cho họ, và để công lý phải được thực hiện với nhửng kẻ sát nhân.
Đồng cảm với Vũ Anh Tuấn
Và, trong cuộc đấu tranh đầy cam go ấy, các bạn sinh viên ở Saint Peterburg đã được giới trẻ Việt Nam trên toàn thế giới ủng hộ. Sử dụng những phương tiện truyền thông thời đại "toàn cầu hóa", khi cả thế giới biến thành một ngôi làng thu nhỏ, ai ai cũng có thể là bạn hữu của nhau, liên tục, những thông tin về cuộc đấu tranh - có thể không cân sức - giữa sinh viên Việt Nam (và sinh viên ngoại quốc nói chung) ở Saint Petersburg với chính quyền thành phố và cơ quan công lực nơi này, được cập nhật hàng ngày hàng phút, và những tấm lòng, những sự chi viện từ xa, không thiếu!
Một sự kiện mang tính biểu tượng: trang chủ đăng tải những thông tin về Tuấn, về cái chết và cuộc đấu tranh giành công lý cho anh (http://vuanhtuan.info/), viết bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Nga, Pháp, Nhật, lại do Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp khởi tạo; trang kiến nghị trực tuyến (Petition Online) để lấy chữ ký của mọi đồng bào Việt Nam trên thế giới do một nữ sinh viên ở Singapore lập nên và nhiều, rất nhiều chữ ký (viết tay và điện tử) vẫn đang được chuyển đến Saint Peterburg như những trái tim Việt trước cảnh "một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ".
Chúng ta còn có thể im lặng được nữa không?
Phỏng theo ý một câu nói rất nổi tiếng của ngoại quốc (phê phán thái độ dửng dưng, thờ ơ trước đồng loại), một bạn trẻ ở nước ngoài đã viết một cách tự trào: "Chúng tấn công người Việt tại Nga. Tôi không làm gì vì tôi đang sống tại Úc, một đất nước thanh bình và tự do. Chúng tấn công người Việt tại Đức. Tôi không làm gì vì tôi đang sống tại Úc, một đất nước thanh bình và tự do. Chúng tấn công người Việt tại Mỹ. Tôi không làm gì vì tôi đang sống tại Úc, một nước thanh bình và tự do. Bà con ơi, cứu tôi với. Bọn phân biệt chủng tộc đốt nhà tôi!" Chúng ta có nên chờ đến giây phút chúng ta bị nạn, và không còn ai để cầu cứu?
Cảnh tượng đau lòng: người bạn gái thân thiết của Vũ Anh Tuấn trước di ảnh của anh (Saint Petersburg, 2004)
Tại Hungary, đầu trọc chưa phải là "quốc nạn" như tại một số nước XHCN cũ khác như (Đông) Đức, Nga..., cho dù trước đây, cũng đã có một vài sinh viên Việt Nam bị chúng hành hung. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất nên lên tiếng ủng hộ các bạn trẻ Saint Petersburg, vì phần nào, cuộc đấu tranh của các bạn cũng để cho chúng ta, những người đang sống nơi xứ lạ, được hưởng quyền bình đẳng và không bị kỳ thị bởi bất cứ lý do nào!
Cái chết của Vũ Anh Tuấn đã làm nên một điều kỳ diệu; khiến thanh niên Việt Nam trên toàn thế giới đoàn kết lại và cùng đồng cảm về phân phận của mình. Vĩnh biệt Tuấn, như vậy, sự ra đi đầy đau đớn của bạn đã không vô ích. Và bạn đã có thể yên lòng là bạn đã "chết mà không hối hận là chết được nhắm mắt xuôi tay" (*), vì bạn không đơn độc! (**)
Ghi chú:
(*) "Thế nào mà chẳng được. Miễn là cuộc sống thoải mái, vui vẻ... Thế là OK rồi. Chết mà không hối hận là chết được nhắm mắt xuôi tay đấy. Còn hơn ối người không được như vậy..." (Lời Vũ Anh Tuấn viết cho bạn bè một ngày trước khi qua đời).
(**) NCTG xin cám ơn Ban quản trị trang chủ svlen.com của các sinh viên Việt Nam tại Saint Petersburg đã cho phép đăng tải tin tức và hình ảnh về cái chết của Vũ Anh Tuấn, cũng như về cuộc đấu tranh của các bạn đòi công lý cho Tuấn. NCTG cũng đã gửi danh sách các chữ ký của bà con Việt Nam kinh doanh tại Trung Tâm Châu Á đến địa chỉ cần thiết, để hỗ trợ các bạn sinh viên Saint Petersburg.