Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chị Hoài Thu: “CHỈ HỘI NHẬP ĐƯỢC MỚI SỐNG ĐÚNG NGHĨA…”

(NCTG) Trong số những tham luận trong ngày đầu của Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài (19-11-2013), phát biểu của chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm VINAPHUNU (Berlin, CHLB Đức) tuy xếp cuối cùng, nhưng đã được toàn cử tọa vỗ tay không ngớt.

Chị Loos Nguyễn Thị Hoài Thu

Được BTC đặt cho nickname “Hoài Thu 5 phút”, người điều hành tổ chức VINAPHUNU với bài phát biểu gói gọn trong 5 phút đã thu hút cả hội trường do nội dung và cách trình bày mới mẻ, hấp dẫn và hiệu quả.

Tuy nhiên, đằng sau 5 phút ấy là cả một chuỗi những nỗ lực liên tục và không mệt mỏi trong gần một phần tư thế kỷ của một phụ nữ giàu lòng nhân ái, đã được chính quyền bản địa nhiều lần vinh danh và tưởng thưởng.

Có mặt tại sự kiện này, PV NCTG đã có cuộc trao đổi thân mật với chị Hoài Thu, một gương mặt tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam xa xứ.



Chụp ảnh kỷ niệm với đại biểu đến từ Nam Phi

- Là một đề án độc lập được Chính phủ Tiểu bang Berlin ủng hộ và tài trợ, VINAPHUNU hoạt động đã hơn hai chục năm nay, đã đạt được rất nhiều thành quả “nhỡn tiền”.

Nhưng dường như đây là lần đầu, hoạt động ấy chính thức được chính quyền trong nước đánh giá cao. Vậy bí quyết gì khiến chị “chinh phục” được cả sự quan tâm và thừa nhận từ trong nước?


Theo tôi “chinh phục” là khi phải cố gắng để đạt được mục đích mình đặt ra. Nếu vậy thì tôi nghĩ không cần bí quyết gì cả, mà chính những hoạt động và kết quả đạt được trong suốt chặng đường 22-23 năm của VINAPHNU đã chinh phục được hầu hết tất cả những ai đã từng biết đến tổ chức này.

Không chỉ ở Đức, mà tại nhiều nước Đông Âu, Tây Âu, Mỹ… cũng như trong nước, rất nhiều lần VINAPHUNU đã được nhắc đến trên phương tiện truyền thông đại chúng thông qua những bài báo, phóng sự hoặc phỏng vấn trên báo, đài, TV…

Chẳng qua, lần này là lần đầu - như tôi biết - Hội nghị Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức và VINAPHUNU được mời về dự để chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn, cũng như mô hình hoạt động trong tập hợp phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài.

- Tổ chức của chị có những gì khác biệt về căn bản so với những tổ chức phụ nữ cộng đồng thường thấy ở Đức và các nơi khác? Sự hiệu quả trong công việc có xuất phát từ những khác biệt đó?

Theo tôi, một tổ chức phụ nữ bao giờ cũng có những nét chung do đặc thù giới tính, điều khác biệt ở mỗi tổ chức thể hiện ở chỗ nó chú trọng điều gì? Lấy điều gì làm trọng tâm?

Điều khác biệt lớn nhất của VINAPHUNU với các tổ chức phụ nữ khác, có lẽ là ở chỗ chúng tôi đặt trọng tâm vào văn hóa và vấn đề hội nhập, bởi chỉ có hội nhập được thì mới có thể sống với đúng nghĩa là sống mà thôi, nếu không chỉ có thể gọi là tồn tại.

Vì vậy, như tôi đã trình bày trong bản tham luận gửi Hội nghị lần này, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, song song cùng những giờ Tư vấn luật, Tư vấn xã hội, các khóa học tiếng Đức, VINAPHUNU còn có rất nhiều hoạt động với mục tiêu hội nhập.

Chúng tôi thường xuyên tham gia các hội thảo, thảo luận, tham gia những hoạt động chính trị, xã hội của Đức, hay những sự kiện văn hóa lớn hàng năm của thủ đô Berlin. VINAPHU cũng hay tổ chức tham quan các phòng tranh, triển lãm, tìm hiểu lịch sử Đức, v.v…

Để có một hành trang tốt cho sự hội nhập, VINAPHUNU đã nâng cao kiến thức của mình bằng một thư viện tiếng Việt với hơn mười nghìn ấn bản được phân loại rất chuyên nghiệp và thường xuyên cập nhật bổ sung, gây ngạc nhiên cho khách đến thăm CLB.

Đồng thời, chúng tôi luôn quan tâm và trau dồi những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Từ rất sớm, VINAPHUNU đã mở những khóa học nữ công gia chánh cho thành viên, và tà áo dài tha thướt của phụ nữ Việt Nam cũng đã có mặt trong các chuyến đi Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, tại lâu đài Bellevue khi CLB là khách của Tổng thống, hay ở Tòa Thị chính Đỏ lúc là khách của Thị trưởng Berlin...

Như thế, có thể nói VINAPHUNU là một tổ chức phụ nữ Việt Nam mà những hoạt động văn hóa và hội nhập được đặt lên hàng đầu. Một điểm khác biệt nữa mà VINAPHUNU cũng tự hào: chúng tôi là một tổ chức rộng mở, không bó hẹp trong phạm vi địa phương.

Ở đây hiếm có sự dị biệt giữa các vùng miền mà thường các tổ chức Việt Nam khác hay gặp phải. CLB là nơi gặp gỡ của mọi người đến từ ba miền Bắc - Trung- Nam, dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Hoa..., và cũng là tụ điểm gặp gỡ Đức - Việt cùng chung vui.

Công tác từ thiện của VINAPHUNU cũng không chỉ dừng lại trong các hoạt động giúp đồng bào ở Việt Nam, mà lan rộng sang nhiều nơi khác: chúng tôi còn làm để hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ khác, hay cho trẻ em Lào, Campuchia, nạn nhân động biển ở Thái Lan, trường học nữ ở Ấn Độ...

Tất cả những khác biệt trên đã đem lại cho VINAPHUNU một diện mạo khác với những gì thường có ở đa số các hội đoàn Việt Nam thuần túy khác. Các thành viên của chúng tôi giỏi giang, khéo léo, hiểu biết và tự tin. Và chúng tôi tự hào về chính chúng tôi!

- Chị có nghĩ có thể coi VINAPHUNU như một mô hình hoạt động của phụ nữ Việt Nam tại vùng Đông - Trung Âu, và có thể phát triển để nhân rộng lên?

Thật sự ở đây tôi chỉ có thể phát biểu và có những chia sẻ trong trường hợp của chúng tôi, ở nước Đức, bởi ở các quốc gia khác tôi không dám võ đoán.

Mỗi quốc gia có những chính sách khác nhau với ngoại kiều và ở chính quốc gia ấy, chính sách ở từng thời điểm cũng có thể đã khác. Đó là chưa kể đến những yếu tố chủ quan khác như vấn đề nhân sự, làm thế nào để tồn tại bền vững khi đã thành lập, v.v…

- Câu hỏi cuối cùng: với những thành công của VINAPHUNU, cá nhân chị “được” và “mất” gì trong hơn hai chục năm qua?

Cái “được” của một người làm công việc xã hội là điều rất dễ nhìn thấy: niềm vui giúp được một con người, một số phận, thấy công việc của mình có kết quả cụ thể, CLB ngày càng vững mạnh, các thành viên có được sự tự tin, độc lập, đoàn kết, tinh thần vui vẻ, các cháu đem lại niềm tự hào cho cha mẹ, những giải thưởng và sự ghi nhận của cộng đồng và xã hội Đức...

Nhưng cái mất cá nhân là điều khó nhìn thấy hơn bởi nó không dễ nói ra, bởi nhiều khi nó khó mà chỉ ra một cách thẳng thắn rõ ràng. Nhưng tôi quan niệm rằng, ở đời không bao giờ chỉ “được” và với tôi, cái “mất” nhiều khi là tiền đề của cái được.

Ví dụ, ngay sự thành công của VINAPHUNU cũng không hoàn toàn là sự dễ chịu với nhiều người. Và “được” hay “mất”, thiết nghĩ, suy cho cùng cũng là tùy quan niệm của mỗi cá nhân…

- Xin cám ơn những chia sẻ của chị, chúc mừng thành công của chị và VINAPHUNU!

Tác giả bài viết: Bích Ngọc thực hiện