CÒN MỘT DÒNG CHẢY MANG TÊN “TẾT”
- Thứ năm - 11/02/2016 00:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Để rồi mỗi dịp Xuân về, lại nghe trong mình chút cồn cào mang tên Tết. Như một dòng sông không bao giờ cạn. Vẫn lặng lẽ chảy về nơi ta gọi là cố hương…”.
Cuối năm lòng người bao giờ cũng bâng khuâng buồn. Buồn vì cái gì, chẳng biết. Nhớ điều gì, không hay. Chỉ biết đi buồn, đứng buồn, ăn cũng buồn mà ngủ cũng thấy buồn...
Ấy là khi Tết về...
Có một dòng chảy ngầm đâu đó mang tên “Tết”, len lỏi vô thức trong lòng người xa xứ. Nó khiến ta, cứ mỗi khi năm hết, đông qua, xuân về, bỗng chùng xuống trong nhớ nhung hoài niệm. Mà nhớ gì, mong gì, trong khi bên này cái gì cũng đầy đủ, chất lượng sống hơn đứt quê hương mình.
Lang thang rồi thế nào cũng phải quay về chợ Việt. Ở đó, một ốc đảo rất Việt với tất cả màu sắc và hương vị của quê nhà. Kể cả những tiếng chửi thề văng tục mà vào những ngày năm cùng tháng tận, ta bỗng nhiên thấy gần gũi bớt phần xét nét bởi đơn giản đó là tiếng Việt.
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời (...)
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. (1)
Chợ Tết của người xa xứ nơi nào cũng y chang nhau. Bánh chưng chất cao như núi, mứt xanh đỏ nhuộm phẩm nhức hết cả mắt. Quất vàng khè chen chúc với hoa đào quốc nội đi máy bay từ Việt Nam sang thâm xì vì lạnh. Đào Ý đuồn đuỗn khẳng khiu như bó đũa hiên ngang bên cạnh những cúc, những lay ơn từ Hà Lan đáp xuống. Rồi măng ngâm sẵn đóng từng gói trong túi ni-lông, gà bản xứ nguyên đầu nguyên chân khỏa thân nằm đợi ngậm bông hồng nấp sau nải chuối. Và người, chao ơi là người...
Ấy là khi Tết về...
Có một dòng chảy ngầm đâu đó mang tên “Tết”, len lỏi vô thức trong lòng người xa xứ. Nó khiến ta, cứ mỗi khi năm hết, đông qua, xuân về, bỗng chùng xuống trong nhớ nhung hoài niệm. Mà nhớ gì, mong gì, trong khi bên này cái gì cũng đầy đủ, chất lượng sống hơn đứt quê hương mình.
Lang thang rồi thế nào cũng phải quay về chợ Việt. Ở đó, một ốc đảo rất Việt với tất cả màu sắc và hương vị của quê nhà. Kể cả những tiếng chửi thề văng tục mà vào những ngày năm cùng tháng tận, ta bỗng nhiên thấy gần gũi bớt phần xét nét bởi đơn giản đó là tiếng Việt.
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời (...)
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. (1)
Chợ Tết của người xa xứ nơi nào cũng y chang nhau. Bánh chưng chất cao như núi, mứt xanh đỏ nhuộm phẩm nhức hết cả mắt. Quất vàng khè chen chúc với hoa đào quốc nội đi máy bay từ Việt Nam sang thâm xì vì lạnh. Đào Ý đuồn đuỗn khẳng khiu như bó đũa hiên ngang bên cạnh những cúc, những lay ơn từ Hà Lan đáp xuống. Rồi măng ngâm sẵn đóng từng gói trong túi ni-lông, gà bản xứ nguyên đầu nguyên chân khỏa thân nằm đợi ngậm bông hồng nấp sau nải chuối. Và người, chao ơi là người...
Có lẽ ai cũng như mình chăng, thèm mùi Tết, nhớ Tết, mong tiếng người. Quanh năm ứ thừa chất đạm, vẫn nhất thiết phải vác cho đủ bộ. Vẫn là những thứ ấy thôi, mâm cỗ ngày tết không thể thiếu những nem, những chả những giò và cả những vàng hương về đốt trong ba ngày Tết. Không phải vàng in trên giấy bản mà là đô-la photocoppi màu và hương thì nồng nặc mùi nước hoa rất hãi.
Mình ngó vào khay gà. Người người đứng xếp hàng đợi rước cho bằng được chú gà trống còn zin (theo lý thuyết) với giá trên trời là 11 Euro, đắt gấp ba lần gà Đức trong siêu thị. Mấy chị người làm, mắt môi hây hây râm ran kháo chuyện, riêng ngày 30 Tết đã bán bay... một ngàn con gà như thế.
Mỗi lần nhìn cảnh chen chúc mua gà cúng Giao thừa, mình đều liên tưởng đến mấy câu thơ Tết sống như bức tranh vẽ trên giấy dó:
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem. (2)
Phật thủ to bằng nắm tay và chuối tây đồng hạng 20 Euro. Bánh chưng vẫn nguyên giá 6 Euro như năm ngoái. Lá dong xanh mướt đi máy bay sang, 10 Euro/bó đã được vét sạch, thậm chí ngay cả lá đông lạnh các bà nội trợ cũng không tha. Sau nửa vòng trái đất, những chiếc bánh chưng khoác thêm lớp màng mỏng và những dây buộc xanh đỏ vì mỏng lá, đói lạt. Bánh chưng Made in Germany.
Còn bó đào Ý cuối cùng có chú em rước nốt, may mình chộp được quả ảnh. Để mắt còn được ngắm màu hoa đào chỉ lướt qua trong giây lát.
Còn đây là hoa anh đào của Đức, sẽ nở ra hoa màu trắng. Hôm trước vào vẫn còn thấy cả một rừng, dù được bán 9,5 Euro, hôm nay đã hết bay. Hỏi một cô bé phụ việc đây là hoa gì, bé thản nhiên: “Hoa đào cô ạ. Đây, nó nở ra màu đỏ như thế này này”. Miệng nói, tay chỉ vào bó đào Ý đỏ như son bên cạnh.
Tự nhiên thấy buồn. Sao lại thế hả cháu? Sang đến đây rồi vẫn gian dối thế. Hoa anh đào trắng thì không thể nở thành hoa đào màu đỏ được. Người Đức họ cũng buôn cũng bán nhưng là buôn thật bán thà. Còn người mình...
Đằng sau những bịch mứt tết nhập từ quốc nội sang là những chất phẩm màu gì? Sao cứ nhất định phải mứt tết xanh lè như nhát ma, mà không phải là sô-cô-la bản địa trứ danh? Sao cứ phải măng ngâm sẵn với những thứ giời ơi đất hỡi gì đầy khả nghi, mà không phải là rau dưa ở các siêu thị Đức?
Ăn có lẽ không phải để lấy ngon, mà để gợi nhớ. Ngắm mấy cô cậu choai choai đi cùng bạn Đức, xì xồ và ngọng nghịu vác hộp mứt đứng trong dòng người xếp hàng chiều Tất niên, thấy lòng tự nhiên ấm áp lạ.
Rồi lại là bát canh măng hầm nhừ kỳ công, lại đĩa bóng xào thập cẩm nhìn đã no con mắt, lại nồi cá trắm hay thịt kho Tầu ăn với miếng bánh chưng mềm quánh chân răng. Lại những bát những đĩa lọm cọm nấu ninh cả chiều tối chỉ để vơi đi nỗi niềm Tết nhất.
Mà Tết, đâu phải là nhất. Nó là những kỷ niệm rưng rức gắn liền với ấu thơ cùng bao nhiêu hủ tục nhiêu khê của một thời chưa xa.
Mới cách đây độ hơn chục năm thôi, mình chẳng bao giờ ngó ngàng đến Tết nhất. Thoát được giấc mơ đầy ám ảnh khá kinh hoàng của thời xếp hàng mua cho được mấy ô phiếu Tết. Thoát được những chiều đông heo hút gió về tê tái bàn tay bợt đi vì đãi đỗ rửa lá, hay những tối chùn chân đứng canh mẻ bánh quy gai xốp đầu Ô vì sợ có đứa nào tráo mất nhúm bột quả trứng hiếm hoi...
Đã tưởng Tết chỉ còn trong ký ức mờ xa...
Vậy mà Tết vẫn về, mỗi năm mỗi sâu hơn, đậm hơn, chỉ đợi Xuân về là ùa ra, không sao cưỡng lại được.
Tết của mình, đâu phải của Tây. Nên ai đi làm cứ đi làm, ai đi học cứ đi học. Lũ trẻ chẳng có niềm vui manh áo mới hay phong bao lì xì như trẻ con ở quê nhà. Nhưng chúng đã biết chờ mẹ vớt bánh để ăn miếng bánh đầu tiên, biết theo bố mẹ đi chùa đêm Trừ tịch. Biết xếp hàng chờ ăn bát cơm chay lấy thảo, và biết động lòng thả vào bàn tay người ăn xin đồng bạc lẻ trên phố đông…
Để rồi mỗi dịp Xuân về, lại nghe trong mình chút cồn cào mang tên Tết. Như một dòng sông không bao giờ cạn. Vẫn lặng lẽ chảy về nơi ta gọi là cố hương…
Ghi chú:
(1) Ca khúc “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy
(2) Bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.
Bài và ảnh: Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin (Đức)
* Dù ở trong nước hay xa quê, chắc chắn bạn có những cảm xúc về ngày Tết truyền thống. Hãy chia sẻ với NCTG.