Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN TRẺ EM VIỆT ĐƯỢC “ĐI TÂY”

(NCTG) Hiện tượng cha mẹ gửi con nhỏ “đi Tây” đang ngày một tăng. Gửi trẻ đi nước ngoài, sang Châu Âu là gửi luôn cả kỳ vọng cải thiện kinh tế, cải thiện giáo dục cho đứa con được “đi Tây”, và cả kỳ vọng thay đổi cuộc sống kinh tế cho gia đình tại Việt Nam.
Trẻ em luôn là nạn nhân trong làn sóng di dân bất hợp pháp - Minh họa: blog.xfree.hu
Xét cho cùng, trong trường hợp này, cha mẹ muốn cho con nhỏ (*) đi để giải quyết mọi khó khăn mà người lớn không giải quyết được trên chính quê hương mình. Thông thường, đây là một nghĩa vụ không tưởng đối với trẻ em ở nơi mà các em muốn tới.

Các vị phụ huynh thường quyết định gửi con đi nước ngoài sau khi được các manh mối không rõ từ đâu mời chào tại Việt Nam. Cũng không hiếm trường hợp, các gia đình đẩy con “đi Tây” vì có người trong làng hoặc họ hàng hứa hẹn sẽ hỗ trợ trẻ khi sang tới vùng đất mới.

Các manh mối thường hứa “đưa đi” nhưng không hề thông báo về nguy cơ phạm pháp, về những hiểm trở trên đường “đi Tây” bất hợp pháp qua một số nơi vốn là tụ điểm của tội phạm buôn người, hãm hiếp, của các phi vụ phi pháp từ lạm dụng lao động tới nghiện ngập và tệ nạn xã hội.

Nếu may mắn được người cùng cảnh chở che thì những em bé côi cút này vẫn rất thiệt thòi và tổn thương vô cùng!

Người thân của các em, nhất là những ai từng phải nếm trải thảm cảnh vượt rừng bất hợp pháp, dẫu ít nhiều biết về mạo hiểm trên đường đi, vẫn coi đó là “có thể chịu được”. Có điều, các bậc cha mẹ không trực tiếp gánh phần mạo hiểm đó mà để con mình gánh chịu.

Mạo hiểm duy nhất mà phụ huynh nhận về mình là các khoản nợ để trang trải cho môi giới, trong khi đó, trẻ em phải đánh đổi cả tuổi thơ, sức khỏe, tính mạng và trên hết, tổn thương tâm lý nặng nề. Chưa kể trẻ em không ngại ngần nhận luôn cả trách nhiệm trang trải nợ nần do cha mẹ.

Trên đường đi, các em phải một mình đối diện mọi bất trắc và luôn đeo một nỗi âu lo rằng chúng “được” cha mẹ ưu tiên cho đi nước ngoài. Bởi sự ngây thơ trong trắng, trẻ luôn tự đặt cho mình vai trò “phụng sự” cha mẹ.

Giả dụ các em nếu may mắn không bị cuốn vào băng đảng tệ nạn, không bị lạm dụng lao động hoặc lạm dụng tình dục trên đường đi thì cũng rất nhiều khả năng bị cản trở pháp lý, nhất là tại Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung.

Các nước Phương Tây như Anh và Đức có thể nới lỏng chút ít về pháp lý cho di dân bất hợp pháp nhưng xu thế đang dần thắt chặt, thể hiện qua việc họ khá thường xuyên trao trả di dân bất hợp pháp cho các nước vành đai như Ba Lan, Lithuania... với lý do quốc gia EU đầu tiên di dân đặt chân tới phải chịu trách nhiệm giải quyết pháp lý cho đương sự.

Riêng đối với trẻ em dưới 18 tuổi, phải xa rời cha mẹ là điều mà người Phương Tây không chấp nhận. Luật pháp Phương Tây bảo vệ trẻ em bằng cách ưu tiên hỗ trợ các em đoàn tụ gia đình. Nếu không có thân nhân là gia đình gần nhất tại Ba Lan thì cần nhanh chóng cho trẻ đoàn tụ với gia đình gần nhất tại Việt Nam.

Không có chuyện Ba Lan “tạo điều kiện” cho trẻ tiếp tục vượt biên trái phép để đoàn tụ với họ hàng ở một nước EU kế tiếp như nhiều người hy vọng hoặm lầm tưởng. Và đây là điều trái với nguyện vọng của trẻ và gia đình các em.

Các câu chuyện ôm nghèo kể khổ như “mồ côi từ nhỏ”, “cha mẹ ngược đãi”, “bị cha mẹ đánh đập nên được chú giúp tiền đi vượt biên”... họa chăng chỉ có thể hữu ích ở Anh Quốc. Có điều là, trước khi sang tới nước Anh, trẻ phải vượt biên trót lọt qua Đông Âu, điều này ngày một khó.

Nếu bị thẩm vấn ở Ba Lan thì những câu chuyện như trên thật sự không được coi là thật. Các cuộc thẩm vấn thường đi tới kết luận khá chính xác về độ tuổi của đương sự và như thế, người lớn giả mạo trẻ em tiếp tục bị giam giữ để sau một thời gian bị trục xuất về Việt Nam.

Đối với người thành niên bị lạm dụng, luật pháp có ưu tiên. Nhưng đối với trẻ em, luật pháp yêu cầu trẻ vị thành niên phải có người chịu trách nhiệm pháp lý (giám hộ). Người đó thường là chánh án tòa, chứ ít khi là “ai đó thân thích”, bởi trách nhiệm đối với trẻ trước pháp luật là vô cùng nặng nề.

Giả dụ trẻ em cố ý tiếp tục vượt biên trái phép hoặc không may gặp nạn, người chịu trách nhiệm trước pháp luật, thậm chí có thể bị soi xét theo luật định.

CHXHCN Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận về quyền hạn của trẻ em với Cộng hòa Ba Lan mà theo đó, phía Việt Nam chấp nhận trẻ em Việt Nam về nước kể cả khi chúng không có thân nhân tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là các em “mồ côi”, “cha mẹ ngược đãi” sẽ có nhà nước CHXHCN Việt Nam lo cho.

Các nhà hoạt động tại những tổ chức phi chính phủ, dẫu rất cảm thông với tình cảnh éo le của các em, dẫu rất muốn giúp xây dựng tương lai tốt cho các em nhưng sự thật, họ vẫn cho rằng nơi chốn hợp lý nhất của các em phải là bên cạnh cha mẹ, kể cả cha mẹ nghèo, ít học, tần tảo hay neo đơn.

Dẫu các tổ chức phi chính phủ là nơi tụ hội những người nhiệt thành nhất trong việc hỗ trợ di dân bất hợp pháp, thì cũng tại đây, ngoài các cản trở pháp lý, người ta còn phải đối diện với thử thách lương tâm, phải trả lời câu hỏi ai thật sự là người phải chịu trách nhiệm về quyết định của cha mẹ đối với trẻ nhỏ và phải làm gì để cái giá mà các em phải trả trở nên thấp nhất.

Tạo điều kiện cho các em tiếp tục vượt biên thì trái luật, tạo điều kiện cho các em về Việt Nam thì trái với nguyện vọng của các em và gia đình. Để các em được ở lại Ba Lan thì các em lại chê Ba Lan nghèo, không có chế độ ban phát, chỉ cho đi học thôi thì làm sao trả nợ giúp cha mẹ...

Quả là nan giải!

(*) Hiểu là người ở độ tuổi vị thành niên.

Tác giả bài viết: Tôn Vân Anh, từ Warszawa (Ba Lan)