Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN THỊ THỰC

(NCTG) “Quốc sỉ của mỗi quốc gia phải được xây dựng trên sự tự trọng và liêm sỉ của từng cá nhân công dân”.

Ảnh chỉ mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Hôm qua tôi và bạn trai của con gái tôi lên ĐSQ Việt Nam ở Berlin để xin thị thực cho cháu vào Việt Nam vì cháu muốn thăm con gái tôi đang làm việc ở Sài Gòn.

Thấy trong thông báo dán tại Bộ phận Lãnh sự thì chỉ thấy mục cháu cần tìm là “Visa nhiều lần” cho đến 6 tháng là 70 Euro mà lại thấy cán bộ Lãnh sự yêu cầu cháu lệ phí là 150 Euro. Tôi hỏi thì được trả lời rằng, giá lệ phí đó là dành cho người gốc Việt, chứ còn người nước ngoài thì thay vì 70 Euro là 100 Euro và cộng với 50 Euro tiền gọi về nước xác minh ở bộ phận A18, nên tổng cộng là 150 Euro.

Những điều này chỉ được trả lời miệng chứ không hề có ở thông báo.

Tôi vô cùng chán nản bởi vấn đề mà gần 2 năm trước lại lặp lại hoặc là vẫn giữ nguyên từ trước đến giờ, như khi tôi đã từng gặp ông T.D.N. (lúc đó là Tham tán Lãnh sự của ĐSQ Việt Nam tại CHLB Đức), hay gặp ông Th. (tôi không rõ họ của ông), phụ trách Lãnh sự của Văn phòng ĐSQ Việt Nam tại Berlin từ hơn 10 năm trước để trình bày những điểm bất cập trong hoạt động của ĐSQ.

Xin kể lại sự việc hôm đó, một ngày tháng 2-2006, tôi lên xin thị thực nhiều lần (Visa Multi) trong vòng 1 tháng cho tôi và con gái tôi, bởi cả hai mẹ con tôi đều mang quốc tịch Đức.

Đánh dấu vào phần “Thị thực nhiều lần” trong đơn nhưng sau 1 tuần khi lấy kết quả thì hóa ra hai mẹ con tôi chỉ được “Thị thực một lần”. Ngạc nhiên quá, tôi hỏi và được một cô nhân viên tiếp khách trả lời: “Người Đức thăm thân (ý là thân nhân) thì chỉ được một lần”.

Khi tôi hỏi sao không thấy thông báo thì được cô trả lời: “Quy định như vậy”. Tôi bèn gọi điện thoại hỏi phòng du lịch bán vé cho tôi thì nhận được câu trả lời rất tự nhiên: “Ai bảo chị không làm dịch vụ”. Rồi chừng như thấy có điều gì bất ổn vì có lẽ cảm được sự sững sờ của tôi qua điện thoại nên cô ta nói tiếp: “Về nguyên tắc, ai cũng xin được thị thực nhiều lần chị ạ”.

Tôi lại quay lại xếp hàng, hỏi lại vẫn nhận được lời đáp: “Quy định vẫn như vậy!” và giọng trả lời đã sẵng dần lên. Tôi bèn đáp rằng tôi thấy cách trả lời, cách giải thích của cô như vậy là không thỏa đáng. Và lập tức nhận được câu phán: “Yêu cầu chị đứng sang bên kia, sẽ có người giải thích!”.

Ở cửa kia, tôi đặt câu hỏi cho anh nhân viên ra tiếp tôi:

- Vì sao tôi và con gái tôi không được thị thực nhiều lần? Bởi nếu quốc tịch Việt tôi đã không cần xin visa (dù là một lần). Chỉ vì có quốc tịch Đức nên chúng tôi mới phải xin thế này thì vì sao lại không được nhiều lần và không hề thấy thông báo như cô nhân viên kia nói rằng người Đức thăm thân nhân thì chỉ được visa một lần. Vô lý!

Chừng như thấy có vẻ không trả lời được, anh nhân viên kia trả lời:

- Vậy tôi sẽ làm cho chị nhưng giá lệ phí phải khác.

Tôi đáp:

- Vâng, cứ theo đúng lệ phí quy định - và tôi chỉ ra bảng giá thông báo ngoài cửa ĐSQ.

Thì anh ta nói:

- Lệ phí là 88 Euro cho mỗi người (Multi Visa cho đến 1 tháng) đấy.

- Nhưng sao ngoài bảng thông báo kia là thị thực nhiều lần (Visa Multi) cho đến dưới 1 tháng là 40 Euro anh nhỉ? Tại sao chúng tôi phải trả giá lệ phí hơn cả gấp đôi như vậy? - ngạc nhiên tôi hỏi lại anh ta.

Đáp:

- Vì chúng tôi phải gọi điện thoại về Việt Nam để xin ý kiến nên 88 Euro. Còn nếu chị tự gọi thì đúng là 40 Euro.

Nói thêm là trong vòng hai chục năm trở lại đây, tôi đã về Việt Nam khoảng 14-15 lần, còn con gái tôi thì 6-7 lần.

Tôi hỏi lại:

- Thế thì tôi phải gọi điện cho ai anh nhỉ?

Đáp:

- Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh.

Hỏi:

- Vậy anh cảm phiền cho tôi số điện thoại để tôi thử gọi xem vì mẹ con tôi về rất nhiều, hầu như năm nào cũng về, nhất là 5-7 năm gần đây anh ạ.

Đáp:

- Tôi không biết vì chúng tôi gọi đường dây riêng của Sứ quán.

Tôi sững sờ:

- Vậy hóa ra các anh thách đố người dân sao?

Anh ta nhắc lại:

- Vậy thế chị có đồng ý để chúng tôi gọi điện thoại không nào? Tức là mức lệ phí 88 Euro? (thay vì 40 Euro như thông báo quy định).

Ngay sau đó tôi đặt lịch hẹn lên làm việc với ông T.D.N, Tham tán Lãnh sự ĐSQ, để trình bày lại những điều mắt thấy tai nghe của hai ngày lên ĐSQ liên quan tới việc xin thị thực: cung cách trả lời trịch thượng, giải thích không rõ ràng thỏa đáng và rất ấm ớ, cách tiếp dân tùy tiện, gây phiền nhiễu, đặc biệt là khổ cho người ở xa, ở tỉnh khác, làm những ai ít khi lên “cửa quan” sợ hãi, lo lắng...

Đấy là đối với “dân mình”, nhưng cũng có vô vàn những điều mà người nước ngoài khi đến ĐSQ ta không tài nào hiểu được. Ví dụ, đứng trước tôi hôm đó có một người Đức xin thị thực thì bị thu lệ phí là 200 Euro. Chừng như đã biết hoặc đã được khuyến cáo nên anh ta bèn chìa cho nhân viên ĐSQ một tờ giấy in từ máy tính của mình ra và bảo: “Tôi vừa tra tối qua của International Visa Service trên mạng đây thì được biết mức lệ phí của thị thực cho tôi là 100 Euro. Vậy sao các ông bà lại thu của tôi 200 Euro?”.

Một lát sau thì thấy nhân viên ĐSQ bẽn lẽn không nói câu nào trả lại anh ta 100 Euro lấy thừa.

Một ví dụ khác: tự nhiên lấy tiền thừa, nói cách khác là không trả lại tiền thừa hoặc trùng trình cố ý không trả lại tiền thừa như 30 Euro thì lấy 40 Euro, 35 Euro thì lấy 50 Euro... Vô vàn những hành động, những cách cư xử rất thiếu văn hoá và ít liêm sỉ như vậy.

Bạn đọc khi đọc những dòng này chắc có thể tưởng tượng và hiểu được tình cảm cũng như cảm xúc của những người Việt chúng tôi hôm đó tại đấy: xấu hổ, ê chề... Và nếu thật sự cán bộ ĐSQ muốn thay đổi thì nên nghe tiếng nói của đại bộ phận cộng đồng Việt mà hầu hết đều vô cùng bức xúc về những việc được coi là “thường ngày ở huyện” này xảy ra ở ĐSQ Việt Nam.

Ông T.D.N. rất tâm đắc với những ý kiến, kiến nghị của tôi hoặc chí ít là ông cũng thể hiện như vậy khi tôi có những đề xuất như sau:

1/. Nhân viên tiếp dân của Lãnh sự quán phải được tu nghiệp những khóa nghiệp vụ để có thể tránh được những khiếm khuyết trong việc tiếp dân (khách) như bất lịch sự, thiếu tôn trọng, thiếu nghiêm túc và hay tùy tiện.

2/. Yêu cầu ĐSQ nên có những quy định cụ thể về việc visa cho thật rõ ràng, đầy đủ chi tiết về đối tượng, giá lệ phí... để tránh những việc làm mù mờ, nhập nhằng, thiếu trung thực... Và thực ra điều đó cũng giúp các nhân viên trực tiếp tiếp dân khỏi phải trả lời, giải thích những điều mà có lẽ cũng không thuyết phục được cả chính họ, để họ tránh được những tình huống khó khăn cho họ và bực bội cho người dân.

Chẳng hạn, cần ghi rõ những quy định sau:

- Giá lệ phí... dành cho người gốc Việt

- Giá lệ phí... dành cho người không phải Việt

- ĐSQ xác minh thì phải + thêm 50 Euro cho mỗi trường hợp, v.v... và v.v...

- Giá lệ phí là USD hay Euro? Trên bảng lệ phí thấy sau mỗi con số của giá lệ phí không hề thấy USD hay Euro. Chỉ có hết cả dãy xuống dòng thì đề một dòng chú thích “2% tổng số không quá 2.500 USD”. Như vậy làm sao tránh khỏi thắc mắc: đã đề giá lệ phí tính theo USD, sao lại yêu cầu trả bằng Euro?

- Phải có hóa đơn ghi rõ ràng số tiền về việc cụ thể như Visa 1 lần hay nhiều lần, thời gian bao lâu, bao nhiêu người... và dấu của ĐSQ. Cho đến bây giờ hiếm khi nào chúng tôi sau khi trả tiền mà có một cái hóa đơn với đúng nghĩa hóa đơn của nó một cách nghiêm túc, kể cả khi đã có đòi hỏi.

3/. Và những bảng thông báo về việc thị thực, hôn nhân... tối thiểu phải có cả tiếng Đức và tiếng Anh, như thế mới phù hợp với chức năng một Lãnh sự quán của một quốc gia. Bởi lẽ, để tạo điều kiện xuất nhập cảnh ra vào Việt Nam, đối tượng đâu có phải chỉ mỗi công dân Việt Nam?

Tôi nghĩ những bất cập ở ĐSQ Việt Nam là một trong những bức xúc đáng kể trong cộng đồng người Việt, mỗi khi đề cập tới vấn đề gì phải dính dáng đến ĐSQ. Nhưng khi nhắc đến chuyện góp ý thì mọi người đều bảo tôi: “Hơi đâu?!”, “Nói thì được cái gì, có khi còn gặp khó khăn mỗi khi mình có việc gì cần, vả lại phải thông cảm bởi vì họ chỉ sang có mấy năm mà còn đủ các nơi phải “giỗ chạp” khi sang, khi về”, v.v...

Ô hay, vậy thì vấn đề nhân cách, tự trọng, liêm sỉ của mỗi con người để đâu? Xin nhắc lại lời tôi đã trình bày với ông T.D.N.: “Quốc sỉ của mỗi quốc gia phải được xây dựng trên sự tự trọng và liêm sỉ của từng cá nhân công dân”. Mà với cung cách làm việc thế này thì dù ông T.D.N. bảo tôi “thôi mình đóng cửa bảo nhau” và dù cá nhân tôi rất tôn trọng ông thì tôi cũng vẫn phải “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” mà rút ruột viết bài này chỉ mong cho sự thay đổi (đâu có khó khăn gì) tối thiểu ở ĐSQ là thực hiện đúng quy định, quy định phải rõ ràng (USD hay Euro, đối tượng, giá lệ phí, thị thực...), phải có tiếng Anh, tiếng Đức, cung cách tiếp dân phải nghiêm túc, lịch sự...

Tóm lại, “danh có chính thì ngôn mới thuận” được.

Đến đây tôi lại phải đề cập đến vấn đề mới nhất, xôn xao trong cộng đồng Việt ở nước ngoài là vấn đề “miễn thị thực”. Bởi theo “Đại từ điển tiếng Việt” định nghĩa thì “miễn là bãi bỏ, hủy bỏ”. Còn việc “miễn thị thực” ở đây thực chất là việc thay đổi hình thức thị thực, nghĩa là thay vì thị thực từng lần thì đây là thị thực cho 5 năm. Dù có thuận tiện hơn cho những Việt kiều hay thân nhân họ về nước thì điều đó vẫn không có ý nghĩa là “miễn” mà chỉ là “sự thay đổi”.

Cho dù, đó là một sự thay đổi khả quan, có chiều hướng tích cực. Đáng mừng!

Tác giả bài viết: Hoài Thu Loos, từ Berlin – Hè 2007