Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN “CON Ở”

Những năm gần đây, kể từ khi Việt Nam “hội nhập”, “làm bạn với tất cả”, báo chí hay có những lạm bàn về những “khác biệt văn hóa” - hay so sánh “văn hóa ứng xử” giữa “ta” và “người” - rồi đưa ra kết luận này nọ, đọc rất lý thú, hay ho.

Chợ Bốn Con Hổ (Budapest), nơi kinh doanh của nhiều “ông bà chủ” Việt Nam


Bản thân tôi cũng để ý một câu chuyện như thế, thuộc loại đời thường và có thể gọi là phổ biến, ở bên này.

Số là, những năm gần đây, để có người giúp việc và thuận tiện hơn trong công việc buôn bán, bà con Việt Nam kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại ở Hungary thường thuê nhân công người Hung, hoặc gốc Hung (Romania, Nam Tư...) để bán hàng.

Một người quen lâu năm của tôi, rất thành công trong kinh doanh, có dạo cũng thuê một “con ở”, “đầy tớ” như vậy, như cách diễn đạt của chị. Nói thêm, chị là người rất tháo vát, năng nổ, dám nghĩ dám làm, từ khi chưa hề biết một chữ bản xứ nào, cặm cụi làm ăn, sau gần 20 năm bươn trải đến giờ đã trở thành một “đại gia”, hoặc gần gần như vậy. Nghĩa là trên một góc độ nào đó, hoàn toàn có thể coi chị là một tấm gương cho sự cố gắng, nỗ lực của dân ta trên xứ người.

Người giúp việc mà chị thuê là một phụ nữ trung niên người Hung, có lẽ trên dưới lục tuần, đã về hưu ít lâu. Trông cách ăn mặc và đi đứng, nói năng của bà, thì có lẽ bà không thuộc hàng những người Hung quá nghèo khổ, phải đi làm thuê cho bà con ta ngoài chợ. Về sau, có lần bà thổ lộ, về hưu ngồi không cũng buồn, bà muốn đi làm cho vui, cho những ngày già có ý nghĩa, bên cạnh việc có thêm chút thu nhập hàng ngày, không phải ỷ vào con cái.

Bao giờ bà cũng ăn vận lịch sự, tỏ ra có thẩm mỹ, và cho rằng đã là người bán hàng thì phải để khách có cảm tình bởi sự nhã nhặn và bặt thiệp của mình. Cái cách ấy, khác với sự xô bồ, ồn ã của nhiều người Ru gốc Hung, sang Hung kiếm kế sinh nhai và đi làm cho người Việt. Và tất nhiên, khác với “phong thái” tất bật của “cô chủ” người Việt, lúc nào cũng đau đầu với những phi vụ “đánh hàng”, nhập hàng, không còn hơi sức và thời gian đâu để lo quần áo, cư xử cho tử tế, đúng mực với khách.

Hình như không ông bà chủ nào thích “ô-sin” của mình – vốn bị coi là mang phận “con ở” - lại... “trí thức” hơn mình (1). Có lẽ đây là cái khổ của bà Hung. Bà có lối ăn nói rất từ tốn, có học (bà từng kể rằng ở nhà, chưa bao giờ bà nói nặng, hay dùng từ gì có thể xúc phạm đến con cái, nói gì đến những ngôn từ rất nặng nề mà dân Việt mới bập bẹ tiếng Hung cũng hay học thuộc để có dịp thì “phát ra” với khách). Điều này ngược hẳn với “cô chủ”, do ở Hung lâu nên nói “bồi” rất thạo, nhưng với bất cứ ai cũng chỉ biết cách xưng hô “mày”, “tao” mộc mạc, mà đương nhiên coi đó là sự thường.

Những lúc vắng khách, nông nhàn, tạm được nghỉ ngơi, thay vì túm năm tụm ba tán chuyện thị phi, đồn đại “con nọ với thằng kia”, bà Hung thường nói chuyện điện ảnh, văn hóa..., rất xa lạ với môi trường chợ búa!

Một số mâu thuẫn khác thì bắt nguồn từ sự khác biệt trong quan niệm, hay nói màu mè là “văn hóa doanh nghiệp Đông - Tây”. Trái với “cô chủ”, thấy khách vào cửa hàng là phải bật dậy, chạy ra săn đón, mời chào ồn ào, lắm khi phản cảm, bà Hung chủ trương giữ một khoảng cách nhất định với khách, nhiệt tình nhưng nhã nhặn, tránh tạo cho khách cảm giác bị quấy rầy, ép buộc hay “định hướng dư luận” trong sự lựa chọn và sở thích của họ.

Đi bán hàng, nhưng bà Hung không biết cách chửi bậy, mắng nhiếc khách, và tỏ ra hoảng hốt khi thấy mấy người Việt bán ở quầy bên cạnh chửi khách như hát hay, những lúc khách không mua, hoặc “dám” nhiễu sự đòi thử quần áo, ý kiến ý cò này nọ. Rồi, bà còn phạm một sai lầm thảm khốc, khi bày tỏ quan niệm cho rằng, làm việc cũng chỉ nên có giờ giấc thôi, cũng cần có thời gian cho những sinh hoạt về “phần hồn” - hoàn toàn ngược với “cô chủ” tham công tiếc việc, quan niệm “chủ” ở đến bao giờ thì “đầy tớ” làm đến lúc ấy, đã thuê người thì phải tận dụng đến cùng, không có chuyện nghỉ ngơi.

Là người có lòng tự trọng nên bà Hung ngầm cảm thấy phật ý và bị xúc phạm, tuy không nói ra, mỗi khi “cô chủ” ăn nói với bà kiểu mắng nhiếc, trống không, vênh vác, hoặc đơn thuần là dùng lời lẽ kiểu mệnh lệnh. Hễ “cô chủ” đến cửa hàng là bầu không khí căng thẳng hẳn: chị sai cái nọ, nạt cái kia, “cải cách” liên hồi, với ý “mình đã thuê “đầy tớ” thì không thể để “nó” ngồi yên”.

Có lẽ cũng vì những bực mình như vậy mà khoảng thời gian bà “cộng tác” với “cô chủ” không được dài: chắc hẳn, lúc chia tay, bà không có được ấn tượng tốt về một “sứ giả” của Việt Nam ở nước ngoài, là doanh nhân thành đạt nọ.

Câu chuyện nhỏ, nhưng ít nhiều cũng tiêu biểu cho một trong những hình thức “giao lưu” ít ỏi giữa một bộ phận không nhỏ bà con ở đây với người bản xứ. Hẳn nhiên, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây khó tránh được những bất đồng, khác biệt, cái đó ai cũng biết. Trong những dị biệt giữa “ta” và “người”, có cái xuất phát từ sự khác nhau giữa hai quan niệm, hai nền văn hóa (có thể khó khắc phục), nhưng cũng có cái bắt nguồn chính từ sự thiếu văn hóa của chính chúng ta, ảnh hưởng không ít đến sự nhìn nhận của người dân sở tại với cộng đồng Việt.

Công bằng mà nói, bà con Việt Nam dạo này cũng có một số nỗ lực hội nhập, như tham gia hay tổ chức các hoạt động từ thiện đối với trẻ em, hay người gặp cảnh khó khăn ở Hung. Năm kia, một hội từ thiện đầu tiên của người Việt ở Hungary đã được thành lập. Những cố gắng ấy là rất quý, nhưng e rằng kết quả sẽ không là bao, nếu từng thành viên của cộng đồng, trong đời sống hàng ngày, không có được tinh thần “nhập gia tùy tục” để có cách hành xử thích hợp với người dân bản địa...

(1) TS Ngữ văn, nhà báo Nguyễn Huy Hoàng ở Liên bang Nga có kể chuyện một chị (nguyên) là cựu sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, sang Moscow làm ô-sin cho một nhà nọ, đang yên đang lành không có vấn đề gì, đột nhiên can tội tày đình là nảy ra ý xin được đi chụp ảnh Hồng Trường! Thêm vào đó, “khi ông chủ bà chủ đã ngon lành giấc điệp, chị còn nhiều lần cao hứng bật đèn làm thơ và ghi nhật ký” (trích bài báo) - nên rốt cục chị bị mời khỏi nhà.

(*) Bài viết đã lược đăng trên “Tiền Phong”.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Hoàng Tuấn, từ Budapest