“CHO MỘT CHRISTCHURCH, MỘT NEW ZEALAND KIÊN CƯỜNG VÀ NHÂN ĐẠO!”
- Chủ nhật - 24/03/2019 16:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bạo lực, khủng bố, kỳ thị - Đó không phải là chúng tôi và là thứ chúng tôi có. Thứ chúng tôi có là sự nồng hậu, cởi mở, chan hòa, thấu cảm, chia sẻ, và yêu thương”.
Đã hơn một tuần từ khi xảy ra vụ nổ súng kinh hoàng ở hai thánh đường Hồi Giáo tại Christchurch, New Zealand - thành phố hoa viên xinh đẹp, êm đềm của một đất nước được đánh giá là thanh bình bậc nhất thế giới, tách biệt về mặt địa lý với các nước Anglo trong khối Thịnh Vượng Anh. Vì New Zealand vốn được coi là thiên đường của những ai muốn chìm đắm trong vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, với những con người thân thiện, hiền hòa, và một nền giáo dục đa văn hóa tuyệt vời, nên sự việc trên là một cú shock lớn không chỉ với những ai đã và đang sinh sống tại xứ sở này, mà còn gây chấn động toàn cầu.
Tôi vẫn nhớ ngày thứ Sáu 15-3-2019 đen tối ấy là một ngày mưa lạnh từ sáng sớm. Tôi đưa con gái đi học vẫn phải dùng hai chiếc ô mới tránh được những cơn mưa và gió rất mạnh. Nhưng tầm giữa trưa thì thời tiết khá khẩm hơn, trời hung hửng nắng. Vẫn như mọi ngày, tôi ăn bát mỳ vội vàng và lại làm công việc của một nghiên cứu sinh giai đoạn cuối với đọc và gõ bàn phím. Tầm 2h30 chiều, sắp đến giờ đón con gái, tôi thấy có mail mới trong hòm thư và đó là từ thầy hiệu trưởng trường của con. Tôi bàng hoàng khi đọc dòng chữ “mass shooting” (xả súng lớn) nhưng lại được trấn an vì thầy báo rằng bọn trẻ và nhà trường đều an toàn và chưa có điều gì phải lo lắng.
Lập tức, tôi tra cứu thông tin để xem tình hình qua “Stuff”, tờ báo địa phương tôi hay đọc. Tin tức cũng chưa có nhiều vì sự việc mới chỉ diễn ra gần 1 tiếng trước, nhưng tôi tin rằng đó không phải là một vụ đơn giản. Nhấp nhổm không yên, tôi đi bộ nhanh ra trường học đón con và chứng kiến một bầu không khí trầm lặng, yên ắng đến khó ngờ. Các nhóm phụ huynh đứng đợi tản mát ở các góc sân trường và bàn tán với nhau hoặc nói chuyện điện thoại. Vẻ mặt ai cũng dường như bất an và rối bời và tôi thảng thốt nhận ra, sự việc có thể nghiêm trọng hơn những gì tôi đọc trên tin. Tôi nói chuyện với vài phụ huynh, tra cứu thêm thông tin, xem live news trên các trang hiện hữu, và nỗi lo của tôi cứ thế dâng lên.
Tôi vẫn nhớ ngày thứ Sáu 15-3-2019 đen tối ấy là một ngày mưa lạnh từ sáng sớm. Tôi đưa con gái đi học vẫn phải dùng hai chiếc ô mới tránh được những cơn mưa và gió rất mạnh. Nhưng tầm giữa trưa thì thời tiết khá khẩm hơn, trời hung hửng nắng. Vẫn như mọi ngày, tôi ăn bát mỳ vội vàng và lại làm công việc của một nghiên cứu sinh giai đoạn cuối với đọc và gõ bàn phím. Tầm 2h30 chiều, sắp đến giờ đón con gái, tôi thấy có mail mới trong hòm thư và đó là từ thầy hiệu trưởng trường của con. Tôi bàng hoàng khi đọc dòng chữ “mass shooting” (xả súng lớn) nhưng lại được trấn an vì thầy báo rằng bọn trẻ và nhà trường đều an toàn và chưa có điều gì phải lo lắng.
Lập tức, tôi tra cứu thông tin để xem tình hình qua “Stuff”, tờ báo địa phương tôi hay đọc. Tin tức cũng chưa có nhiều vì sự việc mới chỉ diễn ra gần 1 tiếng trước, nhưng tôi tin rằng đó không phải là một vụ đơn giản. Nhấp nhổm không yên, tôi đi bộ nhanh ra trường học đón con và chứng kiến một bầu không khí trầm lặng, yên ắng đến khó ngờ. Các nhóm phụ huynh đứng đợi tản mát ở các góc sân trường và bàn tán với nhau hoặc nói chuyện điện thoại. Vẻ mặt ai cũng dường như bất an và rối bời và tôi thảng thốt nhận ra, sự việc có thể nghiêm trọng hơn những gì tôi đọc trên tin. Tôi nói chuyện với vài phụ huynh, tra cứu thêm thông tin, xem live news trên các trang hiện hữu, và nỗi lo của tôi cứ thế dâng lên.
Thầy hiệu trưởng bước lại gần từng nhóm phụ huynh giải thích sự việc và mong có sự hợp tác cùng phụ huynh. Khi ấy, tất cả các trường học và các cơ quan chính phủ, thậm chí các đơn vị tư nhân cũng trong tình trạng “lockdown” - tức là đóng toàn bộ, “nội bất xuất ngoại bất nhập”, một phần để giữ an toàn cho người bên trong và để cảnh sát khoanh vùng, lùng soát tội phạm nhanh chóng và hiệu quả. Các học sinh của trường đều được đưa vào trong hội trường lớn với các thầy, cô và kéo rèm kín mít, đảm bảo an toàn. Thầy hiệu trưởng cũng mong muốn chúng tôi trở về nhà, hoặc vào trong phòng khách của nhà trường ngồi đợi lệnh của chính phủ, và tránh tụ tập đông người để phòng ngừa nguy cơ khủng bố.
Lặng lẽ đi về, con đường trở về nhà tuy ngắn nhưng lòng tôi không thấy an tâm như mọi khi. Qua báo, tôi biết rằng chính phủ và cảnh sát khuyến khích người dân ở trong nhà vì mức độ an ninh quốc gia đã được đưa lên mức nghiêm trọng. Về tới nhà, tôi gọi điện cho chồng đang đi làm, các em ở cùng nhà (một em người đạo Hồi gốc Pakistan và một em người Việt Nam) và những người bạn đang sinh sống tại Christchurch. Họ đều bình an nhưng ai cũng lo sợ và hoảng loạn.
Đợi đến giờ được đi đón con mà lòng như lửa đốt, tôi cập nhật tin tức và biết con số thương vong dần dần tăng, và kẻ khủng bố đã bị bắt song còn quá nhiều ẩn khuất đằng sau hành động của hắn, khiến tôi lo ngại và hoang mang. Tôi lần tìm đọc từng mẩu tin, thậm chí đã xem live stream của video xả súng không phải vì hiếu kỳ mà tôi thực sự muốn biết mức độ nghiêm trọng của vụ việc và phân tích tình huống hành vi, tâm lý tội phạm dưới góc độ tâm lý học giáo dục. Là một nhà sư phạm và nghiên cứu về giáo dục học, có lẽ tôi bị ảnh hưởng nhiều từ nghề nghiệp của mình. Tôi đã lờ mờ nhận ra động cơ của tên khủng bố và thấy vừa căm phẫn, vừa xót xa cho hắn. Tôi đã nghĩ nếu hắn có được một người bạn - người có cái nhìn rộng mở hơn song hành cùng hắn trong suốt bao nhiêu năm du hành khắp nơi từ Á đến Âu, nếu hắn được giáo dục trong một môi trường thúc đẩy liên kết liên văn hóa, hay đơn giản hắn có một người bạn là người theo đạo Hồi thôi thì có lẽ hắn đã khác.
Tôi cũng nhận ra chính phủ New Zealand đã có những hành động rất hiệu quả, nhanh chóng và tích cực đến cộng đồng người Hồi giáo và toàn dân trong nước. Chúng tôi đã trải qua ngày đen tối nhất của New Zealand ban đầu bằng cảm giác bất an, lo sợ, song sau đó là cảm giác thương xót, đau đớn, nhưng vững vàng, đồng cảm và yêu thương. Đêm hôm đó, tôi không thể ngủ được, tiếng mưa lại rơi và tôi nhớ đến những sinh mạng bị tước đoạt ngay trong lúc họ đang cảm thấy được che chở nhất - tại thánh đường linh thiêng của họ. Có lẽ họ đã rất hồ hởi khi trời hửng nắng sau cơn mưa rất to buổi sáng sớm để đi lễ, đi cầu nguyện và hứng khởi cho hai ngày nghỉ cuối tuần với những hoạt động cùng bạn bè, người thân. Tôi xót thương họ như ông trời cũng nhỏ những giọt lệ mưa trong đêm hôm ấy.
Cậu em ở cùng nhà với tôi là một người theo đạo Hồi Pakistan, kém tôi 2 tuổi. Có lẽ thật khó tin khi cậu ấy đã ở chung nhà với gia đình tôi suốt 3 năm qua. Nếp sinh hoạt của người Hồi giáo khác mình, đặc biệt là trong ăn uống nhưng chúng tôi vẫn sống với nhau rất hòa hợp, yêu thương và chia sẻ với nhau. Tôi vẫn thi thoảng nấu ăn cho cậu ấy với những nguyên liệu cậu ấy ăn được. Trong vụ nổ sung kinh hoàng ấy, có một vài người bạn của cậu ấy đã bị chết thảm. Cậu ấy là một trong số những người Hồi giáo may mắn thoát chết trong vụ khủng bố hôm ấy vì lúc đó cậu ấy cầu nguyện tại một thánh đường nhỏ trong trường đại học (thánh đường Hồi giáo thứ ba, ngoài hai thánh đường bị tấn công).
Có lẽ kẻ khủng bố đã có kế hoạch chọn nơi này là địa điểm cuối cùng để tấn công nhưng không thành vì hắn bị bắt sau khi kết thúc vụ tấn công tại thánh đường thứ hai. Mấy hôm nay nhìn cậu ấy như người mất hồn, buồn rõ trên mặt, đêm cũng không ngủ được, tôi càng cảm nhận sâu sắc nỗi đau và tình cảm của người đạo Hồi dành cho nhau và chúng mình dành cho nhau. Ngày hôm qua tôi đã ôm cậu ấy và vỗ về an ủi như em trai, nấu vài món ăn cậu ấy có thể ăn được và ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm tối. Xung quanh nơi tôi ở, có rất nhiều người theo đạo Hồi và đến từ các nước khác nhau. Họ đều rất hiền lành, tốt bụng và chừng mực.
Có lẽ vì không còn nhiều thời gian sinh sống ở nơi đây nữa nên tôi càng thêm xót xa, thương mến Christchurch của mình - thanh bình, xinh đẹp, hiền hoà và thân thiện. Nghiên cứu về giáo dục New Zealand, tôi hy vọng giáo dục quốc tế của đất nước không vì vụ việc này mà đi xuống, và sinh viên quốc tế hệ phổ thông, cao đẳng, đại học, sau đại học vẫn chọn nơi đây là điểm đến an toàn. Tôi cảm thấy được trấn an và vô cùng cảm động trước tình yêu, sự đoàn kết, nỗ lực tuyệt vời của chính phủ Jacinda Arden và các ban ngành, của toàn dân New Zealand bất kể nguồn gốc, tôn giáo trên khắp cả nước, của địa hạt Canterbury, của thành phố Christchurch, của trường Đại học Canterbury của tôi, của trường con gái.
Tất cả cho tôi một cảm xúc sống thật đặc biệt khi viết những trang luận án về giáo dục quốc tế, về xã hội và nhân văn. Tôi nhận ra vẻ đẹp của khoa học mà mình đang theo đuổi sao thật thực, thật “đời”. Tiếng nói luôn văng vằng bên tai tôi suốt một tuần nay: “It is not who and what we are. It is what we are: welcoming, open, inclusive, compassionate, sharing, and loving” (Bạo lực, khủng bố, kỳ thị - Đó không phải là chúng tôi và là thứ chúng tôi có. Thứ chúng tôi có là sự nồng hậu, cởi mở, chan hòa, thấu cảm, chia sẻ, và yêu thương). Luận án của tôi chắc chắn sẽ thêm một dòng trong phần Tri Ân (Dedication): “Cho một Christchurch, một New Zealand kiên cường và nhân đạo” (*).
(*) Tác giả là Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục, Đại học Canterbury, New Zealand.