Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHỊ HOÀI THU - NHƯ TÔI BIẾT

Là chị em họ, lại đang cư ngụ ở hai quốc gia kể ra cũng không xa nhau là mấy ở cái thời hiện đại này, nhưng trong vòng 25 năm nay, tôi và chị Hoài Thu - chủ nhiệm, đồng thời là linh hồn đề án VINAPHUNU - chỉ thấy nhau có dăm lần, mà “gặp nhau lần nào cũng vội”.

“Người phụ nữ Berlin” (bên phải) trên cương vị một đầu bếp thượng thặng


Đầu 1989, vào lúc bức tường Berlin còn chưa sụp đổ, từ Đức, chị cùng anh trai (anh Tấn Hồ) và hai cháu sang thăm tôi, lúc đó còn là sinh viên năm thứ hai Đại học Kỹ thuật Budapest. Dạo ấy, Vân Ngọc (Aymi Tran) bé tí, mới sang Đức vài năm mà đã nói tiếng Đức... nhoay nhoáy với Tố Lan, con anh Hồ, để lại ấn tượng và sự thích thú rất lớn trong tôi.

Trong mấy buổi, chúng tôi hay ngồi, hay nằm ngả ngớn trong cái phòng CLB của tầng 10 ký túc xá nơi tôi ở, nghe nhạc và tán gẫu... thế sự, chuyện như pháo rang. Tôi còn nhớ như in một câu chuyện thực ra cũng không lấy gì làm đặc biệt, nhưng giờ đây mỗi lần nghĩ lại tôi thường khó kìm nổi bật cười.

Ấy là khi anh Hồ nhắc lại câu nói của Lenin, nhưng hơi chệch đi một chút: “Không có sách thì không có trí thức!”. Rồi anh bồi thêm: “Mà không có trí thức thì cũng không có sách!”. Chỉ đến lúc ấy, chị mới đính chính, bộ dạng vô cùng nghiêm trang mà cũng hết sức tức cười: “Tri thức, tri thức chứ không phải trí thức!”. Rồi chị phá lên cười khoái trá.

Rồi thời gian trôi đi. Đều đặn, chị vẫn hay gửi thư cho tôi (mà tôi, vì còn trẻ, và ham chơi, không phải bao giờ cũng hồi âm chị kịp thời), thư nào cũng rất tình cảm, quan tâm đến tôi như thời tôi còn trẻ con. Có bận chị bảo để chị đan áo len gửi sang cho tôi, “trời bên này lạnh lắm, phải cẩn thận giữ sức khỏe”. Nhưng dạo ấy tôi còn... thanh niên, đời nào chịu mặc áo len, mất... tư thế lắm. Cứ phải là bờ-lu-dông loại ngắn, trông trẻ trung cơ. Hoặc là áo “bò” phong phanh, trông bùi bụi. Tôi cũng không nhớ đã khất chị thế nào, để chị tạm hoãn vụ gửi áo len.

1989 - tường Berlin sụp đổ. 1990 - nước Đức thống nhất. Hai biến cố trọng đại của phe XHCN thời đó, ngay lúc đó, đã có mối liên hệ và những hệ lụy khăng khít với Hungary, mảnh đất nơi tôi đã trải qua những năm tháng có ý thức của thời thanh niên và đến giờ, đã trở thành quê hương thứ hai của tôi và gia đình. Và đây cũng là những biến động đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến những điểm chung trong tâm tưởng của tôi và chị.

Bẵng đi cả chục năm, năm 1997, tôi mới gặp lại chị tại Budapest. Nhớ nhất là bận cùng chị đi dạo dọc bờ sông Danube, đoạn đối diện Quốc hội Hungary, chị xuống tấn quay phim, rất... ngông nghênh, rồi cất giọng hát rất tự nhiên một bài “nhạc chế” nhí nhảnh mà đến giờ tôi đã quên điệu. (Tư thế ngang nhiên giữa trời Âu này của chị khiến tôi nhớ lại hồi nhỏ, khi còn ở Việt Nam, chị và anh Hồ có học võ “tổng hợp” và có truyền cho tôi một chút - tương truyền anh chị còn đánh tan 1 băng... cắp, nhưng với sự thận trọng của người làm báo, tôi hứa sẽ xác minh lại chi tiết này trước khi chính thức công bố).

Lại gần 10 năm nữa trôi qua, tháng 8-2006, lần đầu tiên tôi mới có dịp qua Berlin, gặp chị trong những ngày đang chuẩn bị gấp rút cho kỷ niệm 15 năm VINAPHUNU. Cũng là tranh thủ trong đợt đi làm việc, nên tôi chỉ ở được với chị vỏn vẹn 1 ngày, tuy nhiên, 1 ngày ấy đã được tận dụng rất triệt để với nhiều chương trình phong phú đủ loại. (Khi về nhà, tôi viết được ngay hai bài báo về nước Đứcvề VINAPHUNU, cũng nhờ chưa đầy 20 giờ mà tôi ở bên chị trong bận ấy).

Tối hôm trước, tôi ăn bữa tối ở nhà chị, trò chuyện và tấn công tủ sách của chị. Sáng hôm sau, tôi được Vân Ngọc dẫn đi bát phố Berlin một vòng từ khá sớm, tất nhiên là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi, nhưng cũng khá đầy đủ mọi danh thắng, đặc biệt là những nơi chốn lịch sử mà tôi đã được đọc, được mục sở thị trên TV. Chiều, tôi đến thăm và dự liên hoan ở CLB, gặp gỡ vợ chồng nhà văn Lê Minh Hà - Đỗ Quang Nghĩa mà tôi đã có dịp làm quen qua thư từ, bài vở và sách báo từ 12-13 năm trước, nhưng khi ấy mới có may mắn gặp mặt.

Đã được nghe chị kể nhiều về công việc của chị, qua thư từ và những lần trò chuyện qua điện thoại, biết chị đã được nhận những phần thưởng cao quý của Tiểu bang Berlin và Nhà nước CHLB Đức, nhưng thực sự trong lần tới Berlin năm ấy, tôi mới ý thức được hết những gì chị đã làm trong 15 năm, với tất cả tấm lòng, sự chuyên nghiệp và cố gắng ở mức cao nhất. Phải, khởi thủy là tấm lòng, những sau đó, rất cần một ý thức chuyên nghiệp và nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi trong công việc, để chị và VINAPHUNU đạt được những thành quả, như đã.

Trên góc độ một người làm báo và có tham gia các công tác xã hội, cộng đồng tại Hungary, tôi thấm thía và đánh giá được nỗ lực ấy của chị. Và tôi cũng hiểu rằng, cho dù không bao giờ nói ra, chẳng mấy khi kêu than, nhưng chắc chắn chị đã có những giờ khắc cô đơn, mà có lẽ cũng không ít, trong ngần ấy thời gian, với trạng thái luôn phải gồng mình, luôn phải cố gắng vượt sức mình. May mắn là chị đã có những cộng sự, những người bạn ở bên, như tôi được đọc trong cuốn kỷ yếu 10 năm VINAPHUNU, ghi nhận một chặng đường đã qua...

Tuy nhiên, trên khía cạnh một con người cá nhân, điều tôi khâm phục nhất là khả năng phấn đấu, tự hoàn thiện mình của chị. Vốn tự mãn với sức đọc và tìm tòi, mày mò này nọ của mình, vậy mà tôi vẫn cảm thấy còn thua chị rất xa, ở tầm hiểu biết, ở cách nắm bắt những vấn đề mà chị đọc được trong sách. Bên cạnh trí nhớ tuyệt vời khiến chị có thể đọc làu làu một đoạn cổ văn hay một tràng thơ Đường, thơ Tống, đáng nói là chị có thể vận dụng những ý tưởng trong đó vào câu chuyện thường ngày, khiến bất cứ một cuộc trò chuyện thông thường nào cũng trở nên thi vị hơn, văn hóa hơn và ở một tầm vóc cao hơn.

Nhưng ấn tượng hơn nữa với tôi là chị không hề là con người của sách vở. Trong công việc và khi tiếp xúc với những đối tượng khác nhau, bao giờ chị cũng có cách ứng xử, trò chuyện uyển chuyển và phù hợp, mà vẫn giữ được cá tính và quan điểm của mình. Và cạnh đó, chị còn là một bậc thày trong nội trợ, ẩm thực: mình chị cũng có thể làm nên một “bếp tập thể” rộn ràng (như nhà văn Lê Minh Hà đã viết) với bao nhiêu món xào, nấu, rang, kho, nướng... theo đúng phương châm “vì dân phục vụ”, “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” tại CLB, mà tôi đã có mấy dịp chứng kiến.

*

Lần gặp chị gần nhất ở Berlin, dịp Phục sinh 2009, sở dĩ tôi kể riêng dưới đây vì muốn nhắc đến một hai mẩu chuyện cụ thể trong rất nhiều câu chuyện mà tôi còn nhớ và có thể kể về chị.

Bận ấy, chúng tôi đi cùng vài gia đình bạn bè nên cũng chỉ ở chỗ chị được chưa đầy một ngày. Tôi có dịp tranh thủ đi lại một vòng Berlin, dừng lại lâu hơn ở một vài điểm lịch sử mà trước nay tôi vẫn có sự quan tâm và tìm hiểu đặc biệt, như Cổng Brandenburg, hay điểm kiểm tra quân sự, ranh giới Đông - Tây một thời Checkpoint Charlie... Tự nhiên, tôi cảm thấy Berlin có những nét đẹp, kiêu hùng riêng, điều mà lần trước, do quá để tâm đến nét lịch sử, tôi đã không nhận ra. Khi chia sẻ với chị “phát kiến” này, chị chỉ cười và bảo: “Berlin đẹp với tất cả sự nặng nề của nó!”. Một câu nói mà ngẫm lại, tôi thấy quá đúng.

Chị vốn là con người duy mỹ và tôi đã được chứng kiến mấy lần điều đó ở chị. Đó là khi chị cảm thấy xót xa khi một bức “tranh chữ” còn lại trong cuộc triển lãm đầu xuân, ai đó tự tiện sờ soạn, lấy xuống xem và không đặt vào vị trí cũ của nó. Lần khác, chị hào hứng đứng thuyết giảng một tràng trước cả đoàn chúng tôi về sự xuống cấp của tiếng Việt, thông qua một lỗi chính tả, một cách dùng từ của báo chí, mà chị coi là điều tối kỵ. Không biết, trong cảnh đời bon chen và bươn chải như hiện tại, còn bao nhiêu người giữ được tình yêu văn hóa một cách duy mỹ, có thể khiến người ngoài ngạc nhiên, như chị?

Một chuyện khác, không phải trong bận tới thăm chị nhắc đến ở trên, nhưng cũng khiến tôi nhớ mãi. Ấy là sự khiêm tốn và thận trọng của chị khi nói đến những điều cần sự cẩn trọng. Đấy là hồi đầu năm 2009, khi tôi cần nhận xét và tham khảo ý kiến chị - trên tư cách một người sinh sống ở Đức mấy chục năm ròng, cả trong thời “bao cấp” lẫn thời gian chuyển biến đến tận giờ, thông thạo tiếng Đức, am hiểu nước Đức, người Đức và văn hóa Đức - về một số vấn đề của 20 năm nước Đức thống nhất, theo “đặt hàng” của một tờ báo lớn ở nhà.

Đáng nói là ngay cả trong những vấn đề tưởng là “ruột” này đối với chị, chị đã không “phán” phăng phăng như không ít người tỏ vẻ “hiểu biết” mà tôi đã gặp. Ngược lại, chị rất từ tốn, nói rằng, có một số điều chị không rành, không thạo, vì trước nay không phải là tâm điểm sự chú ý của chị. Một số điều khác, chị nói với tất cả sự suy xét chín chắn, trên nhiều góc độ, có đầu có đuôi, công bằng và không thiên vị, thiên kiến với quá khứ... Cuộc trao đổi dài dài, tôi có đưa được vài ý vào bài viết, nhưng rồi hình như chủ đề bài viết vẫn còn quá mạnh ở Việt Nam, nên rốt cục đã không được duyệt đăng.

*

Tháng 9 này, chị và các anh chị em VINAPHUNU kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Là người ở xa, chỉ thi thoảng góp được đôi chút thông qua dăm ba bài viết, thông tin giới thiệu hoạt động của CLB, nhưng với tôi, đây cũng là dịp vui kèm cảm giác bồi hồi, vì tôi hoàn toàn cảm nhận và đồng cảm được những gì chị và các đồng sự đã làm cho đồng bào, cho cộng đồng Việt Nam xa xứ.

Chắc chắn, sẽ có nhiều bài viết “chính thống” về hai thập niên chồng chất gian nan, thử thách, nhưng cũng đầy ý nghĩa mà chị và CLB đã trải qua. Hai mươi năm hoạt động tích cực trên xứ người, một chặng đường đủ dài đối với các tổ chức của người Việt (mà lắm khi “sáng nở tối tàn”), và cũng đã bằng một phần mấy của đời người - đáng ghi nhận và đáng có hình thức kỷ niệm xứng đáng với những nỗ lực ấy.

Đôi ba kỷ niệm của tôi với chị, lan man theo kiểu nhớ đâu viết đấy, tất nhiên hoàn toàn mang tính cá nhân và chắc không tránh khỏi những nét chủ quan - bởi chúng tôi là chị em. Dầu vậy, hy vọng rằng những độc giả đã tiếp xúc với chị, quen biết chị trong công việc và đời tư, sẽ nhận ra được hình ảnh chị qua những dòng này. Đây âu cũng là mong muốn của tôi, bởi kỷ niệm là những gì còn đọng lại và những điều tôi viết về chị chắc chắc sẽ đọng lại mãi mãi với tôi.

Còn về những gì chị đã làm cùng các anh chị em khác, thiết tưởng, nhiều người có “phận sự” hơn tôi đã và sẽ thuật lại, trong những trang “chính sử” của VINAPHUNU...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, Budapest 5-4-2011