Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHÈ SEN LÚC NỬA ĐÊM

(NCTG) “Đứng suốt hơn hai tiếng đồng hồ để nấu chè lúc nửa đêm, mà sao nàng không thấy mệt. Có phải ức triệu tế bào nàng đã được thắp sáng bằng ánh sáng diệu kỳ của ký ức ngày xưa?”.


Đêm qua, sau khi bọn trẻ con đã đi ngủ mới lọ mọ nấu chè. Ban đầu thì chỉ tính làm cho xong, vì nguyên liệu chuẩn bị từ chiều tối, nếu không nấu thì phí quá. Nào ngờ, những công đoạn tỉ mẩn cho một nồi chè sen long nhãn đã kéo nàng về phía ngược chiều thời gian, trở lại những bến bờ kỷ niệm của chuyến tàu ký ức vụt tới lúc nào không mảy may báo trước.

Ngâm long nhãn cho nở, nấu hạt sen cho mềm, nhìn đồng hồ đã là 12 giờ đêm. Mười hai giờ đêm – khoảnh khắc ấy, trong căn bếp nhỏ ở cách quê nhà nửa vòng trái đất, những kỷ niệm cũ xưa bỗng từ đâu ào tới choán ngập tim óc nàng. Mười hai giờ đêm còn đèn đuốc sáng trưng nấu nướng gợi nhắc nàng nhớ tới những đêm giao thừa bình yên và hạnh phúc với mẹ và em gái những năm xưa ở thành Vinh.

Nhớ những đêm giao thừa hai chị em cố cưỡng cơn buồn ngủ để xem mẹ làm mứt, để đứng đợi bác thợ may hàng xóm may nốt cho xong bộ quần áo mới cho hai đứa diện Tết hay chạy qua coi ké nhà chú hàng xóm nấu bánh chưng. Nhớ những đêm giao thừa mẹ bắt đầu hướng dẫn con gái làm mứt: mứt gừng, mứt cà rốt, mứt khoai tây, mứt bí… Nhớ những đêm giao thừa hai chị em thay nhau canh nồi mứt bên bếp lửa, vừa làm vừa tranh thủ chơi ô ăn quan. Nhớ những đêm giao thừa, ba mẹ con hồi hộp chờ đốt pháo. Mẹ cầm một thanh nứa thật dài, rón rén châm lửa vào cái ngòi pháo, hai chị em nép sau lưng mẹ, vừa háo hức, vừa sợ hãi chuẩn bị… bịt tai đón tiếng pháo đầu tiên của năm mới. Nhà không có đàn ông, nhưng năm nào tiếng pháo của ba mẹ con cũng giòn vang khắp xóm. Ôi, nhớ mẹ - người đàn bà phải gồng mình lên để làm đàn ông suốt mấy chục năm ròng…

Cứ mỗi lần kỳ cụi nhặt một hột sen đặt vào lòng một miếng long nhãn, một kỷ niệm lại quay về. Nàng đếm được 138 hột sen. Ôi chao, bao nhiêu là kỷ niệm. Mùi thơm ngùi ngùi của hạt sen đang tỏa khói và mùi ngòn ngọt của miếng long nhãn ngâm kéo nàng về quê hương nhanh hơn cả cánh cửa thần kỳ của Đôremon. Nàng cứ tưởng nàng đang đứng trong căn bếp ngày xưa của ngôi nhà cũ ở Vinh. Nàng cứ tưởng sau khi nấu xong nồi chè hạt sen long nhãn này, nàng sẽ bê lên mời bà ngoại một bát, mời mẹ một bát và mang sang nhà cô hàng xóm một bát. Tuổi thơ êm đềm ấy, còn gì ngọt ngào hơn! Ngay cả nồi chè sen nàng nấu sắp xong cũng chẳng thể giúp nàng nếm lại vị ngọt thần tiên ấy.

Chồng nàng thấy vợ đứng chôn chân trong bếp lúc quá khuya thì bỏ sách xuống chạy vào xem. Chàng ngạc nhiên nhìn vợ đang lựa từng hột sen mềm nhưng không bị vỡ đôi, cẩn thận đặt vào lòng những miếng long nhãn màu trắng đục. Chàng hỏi: Sao em phải nhồi hạt sen vào nhãn như thế? Đang trong dòng hồi ức cuộn trào, nàng không nhìn chồng, vẫn chăm chú vào hạt sen và long nhãn, như thể rời mắt khỏi nó là kỷ niệm biến tan đi hết và trả lời rất nhanh: Em đang nấu chè. Chồng nàng đứng ngắm nghía một lúc, rồi chắc chàng cảm thấy nàng đang ở trong một tâm thế khác lạ nên không dám phiền thêm. Chàng chỉ buông thêm một câu: Em lao động vất vả quá! rồi đi ra ngay chứ không một tiếng phàn nàn vợ thức quá khuya (như bình thường chàng vẫn hay như thế!).

Làm mãi rồi cũng xong khâu nhồi hạt sen vào long nhãn. Nấu đường phèn với nước, thả từng hạt sen đã được bọc long nhãn vào nồi, chờ cho nước sôi thì vớt bọt. Nhìn đồng hồ đã hơn 1 giờ sáng. Đứng suốt hơn hai tiếng đồng hồ để nấu chè lúc nửa đêm, mà sao nàng không thấy mệt. Có phải ức triệu tế bào nàng đã được thắp sáng bằng ánh sáng diệu kỳ của ký ức ngày xưa? Có phải trong suốt hai tiếng đồng hồ quay ngược về quá khứ cùng nồi chè hạt sen, nàng sống bằng một thứ tinh thần khác?

Bắc nồi chè nóng ra khỏi bếp, đặt vào chậu nước lạnh cho nhanh nguội để còn cho vào tủ lạnh. Nồi chè nghi ngút khói thơm ngọt, những hồi ức đẹp đẽ của nàng cũng theo đó mà tản mát vào đêm mùa hè dịu lạnh của Berkeley.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)