Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHÂU ÂU MỞ RỘNG: ĐI ĐÂU – LÀM GÌ?

(NCTG) Cơ hội và thách thức, suy ngẫm và những ứng phó trong hoàn cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp phải những khó khăn đáng kể là chủ đề của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 4, được tổ chức tại Berlin (CHLB Đức) trong thời gian 11/13-9-2009.

Anh Phạm Ngọc Chu (ngoài cùng, bên phải) cùng một số đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 3 (Balatonfüred, tháng 9-2008)

Trong dịp này, một số phân tích, nhận định và chia sẻ xung quanh chủ đề trên sẽ được anh Phạm Ngọc Chu, Ủy viên BCH Hội Doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Hungary đề cập tới trong tham luận của mình, mà NCTG xin đăng tải dưới đây.

Tham luận của anh Phạm Ngọc Chu cũng điểm qua tình hình hoạt động của Hội DN Việt Nam tại Hungary cùng một số DN lớn khác, có những đóng góp quan trọng trong sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại nước bạn.

*

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là Hungary. Hàng ngày, các cơ quan truyền thông dồn dập đưa tin các nhà máy đóng cửa, các công ty phá sản, giảm biên chế, hàng ngày con số thất nghiệp ngày càng tăng, chợ búa ngày một ế ẩm, gây nên sự hoang mang lớn đến người dân, trong đó có cộng đồng Việt Nam sinh sống tại Châu Âu nói chung, và Cộng hòa Hungary nói riêng.

Đứng trước tình hình đó, nhằm đưa ra được những suy tính và ứng phó trong tình hình mới, sau một thời gian dài chuẩn bị, BCH Hội Doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Hungary đã đứng ra tổ chức một hội thảo khoa học chuyên đề mang tên “Châu Âu mở rộng: Đi đâu? Làm gì?” vào ngày 16-3-2009 tại Budapest.

Tại hội thảo, chúng tôi đã mời các chuyên gia kinh tế xuất sắc để phân tích thị trường, mổ xẻ về cuộc khủng hoảng kinh tế, về sự lấn chiếm thị trường của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, cũng như, phân tích những mặt hàng nên mua, bán trong tình hình hiện tại. Hội thảo cũng có sự hiện diện của chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích và dự báo hệ thống tiền tệ Đông Âu, dự báo giá cả ngoại tệ, v.v… Cũng trong hội thảo, chúng tôi còn mời một số công ty lớn tại Hungary do người Việt làm chủ để trình bày, trao đổi kinh nghiệm tránh khủng hoảng suy thoái kinh tế…

Hội thảo chuyên đề của chúng tôi rất vinh dự được sự tham dự của anh Hoàng Mạnh Huê (Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam tại Châu Âu), cùng các anh trong BCH Lâm thời của Hiệp hội như anh Hoàng Xuân Bình từ Ba Lan, anh Nguyễn Đồng Hải từ Slovakia… Trong phát biểu của mình, các anh đều đánh giá cao chất lượng hội thảo và mong sẽ triển khai được ý tưởng tổ chức này ở các nước khác. Hôi thảo đã có dư âm tốt và vang xa, có nơi đề nghị chúng tôi tổ chức thêm một lần nữa, nhưng vì điều kiện thời gian chưa sắp xếp được nên chúng tôi chưa thực hiện được đề xuất này.

Qua hội thảo, cá nhân tôi có một số nhận định như sau.

Trước hết, xin cho tôi được điểm qua đôi chút về những gì tôi hiểu về khái niệm “chợ” của Châu Âu. Từ nhiều thế kỷ trước, ngay từ khi có nhu cầu trao đổi hàng hóa đơn thuần, chứ chưa sử dụng tiền bạc, thì chợ ở Châu Âu đã được đặt tại các tụ điểm trung tâm, đông dân cư, gần các nhà thờ. Khi ấy, chợ còn mang tính hội chợ với nhiều hoạt động không nhất thiết mang tính kinh doanh, như có những sân khấu biểu diễn nghệ thuật, xiếc... thu hút cư dân. Như thế, qua nhiều thế kỷ, tất nhiên khái niệm chợ của Châu Âu có nhiều biến đổi, nhưng thực ra nó cũng không khác lắm với mô hình các trung tâm thương mại, buôn bán và giải trí hiện tại.

Chợ Việt Nam ở Châu Âu thì lại khác, nó không phải là thành phần của nền văn hóa Châu Âu, mà xuất hiện trong lịch sử cùng sự hiện diện của người Việt tại Đông Âu thập niên 80 thế kỷ trước. Khởi đầu với hai bàn tay trắng, nhiều khi buôn bán lặt vặt với tính chất “buôn thúng bán mẹt”, tận dụng từng mảnh đất nhỏ làm nơi bày hàng, lắm lúc phải bán trao tay, để rồi thế hệ những doanh nhân đầu tiên về sau có được những chiếc bàn, những ki-ốt để kinh doanh. Phương thức làm ăn ấy đã từng rất có lãi, khiến không ít người giàu lên nhanh chóng, vì nhiều lý do:

• Thị trường Đông Âu thời ấy quá lớn, hàng hóa thiếu thốn, cái gì bán cũng được

• Luật chơi chưa chặt chẽ, có rất nhiều kẽ hở có thể tận dụng

• Nhà nước và các ban ngành sở tại chưa thể quản lý chặt chẽ được cách làm ăn của người dân, đặc biệt là khi ở nhiều nước, các đảng phái lo tranh giành quyền lực nên chính quyền chưa thể có chính sách nhất quán trong vấn đề này

Tuy nhiên, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các quốc gia XHCN cũ đi theo con đường kinh tế thị trường, những hệ cửa hàng, siêu thị, đại siêu thị mọc lên như nấm, thị trường và sự phân bổ hàng hóa có sự thay đổi nhanh chóng. Nhất là từ 5-10 năm nay - khi Đông Âu đã đầy ắp hàng hóa, sự cạnh tranh gay gắt khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ của bản xứ cũng bị xóa sổ, phải đi làm thuê cho những tập đoàn đa quốc gia, hơn nữa, ngân sách quốc gia bị thâm thụt khiến không chỉ các tập đoàn kinh tế lớn, mà cả những người buôn bán nhỏ cũng bị kiểm tra gắt gao - thì người Việt Nam đi chợ theo phương thức cũ đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ngày càng cấp thiết, câu hỏi được đặt ra là, mô hình nào phù hợp cho hoàn cảnh người Việt kinh doanh tại Đông Âu hiện tại?

Theo tôi, cần nhìn nhận một số thực tế như sau:

1. Chợ bán buôn (chợ cái) phải trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa lớn, hiện đại và văn minh, thu hút đông đảo cư dân bản xứ đến mua hàng và thưởng thức nền văn hóa Á Đông. Về lâu dài, những cơ sở này có thể trở thành trung tâm thu hút du khách.

2. Đối với rất đông bà con kinh doanh nhỏ, đi chợ lẻ, có thu nhập không ổn định, luôn bị căng thằng vì những nỗi lo như chợ bị đóng cửa, bị các cơ quan hữu quan “càn quét”, v.v..., qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có một giải pháp khác rất hay và sáng sủa, nhưng đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ. Đó là, mở cửa hàng phục vụ cho dân bản xứ tại các khu dân cứ (có thể là tại thành phố hay nông thôn), mà tôi gọi một cách dân dã là “mở cửa hàng ngoài phố”.

3. Châu Âu luôn duy trì một ngành công nghiệp sản xuất dây chuyền khổng lồ, cho nên họ thiếu những bàn tay lao động chuyên năng. Có thể hướng các anh chị em đi vào các ngành dịch vụ như ẩm thực, sửa sang sắc đẹp, sửa xe cộ, v.v… Khi Đông Âu gia nhập Liên hiệp Châu Âu, đã có một làn sóng di chuyển lao động sang Tây Âu, xã hội thiếu nhiều lao động phổ thông, cho dù có nhiều nghề mang lại thu nhập không tồi như nấu ăn, thợ mộc, thợ nề, trông trẻ, dọn nhà, là quần áo…

4. Châu Âu bây giờ đã là một, không còn biên giới, giao lưu thuận tiện, thế nhưng thị trường chưa phải là đồng nhất, hàng hóa vẫn có sự chênh lệch lớn. Cần nhận ra rằng sự chênh lệch giá cả, hoàng hóa không phải do chênh lệch giữa mặt bằng đời sống, mà là do sự sản xuất và tiêu thụ hàng hóa từng vùng có khác nhau. Tôi thấy chưa có sự trao đổi hàng hóa mạnh mẽ giữa cộng đồng Việt Nam, còn trao đổi học tập kinh nghiệm thì càng không có.

*

Tại Hungary, có rất nhiều DN Việt Nam thành đạt, là chủ các công ty lớn, đã đi sâu và thâm nhập 100% vào thị trường bản địa. Những DN này có đội ngũ tiếp thị (marketing) dày đặc, có đội xe tải chuyên dụng và có tổng kho (logistics) lớn. Xin được nêu vài ví dụ:

1. Công ty ĐẠI ĐÔNG Á chuyên kinh doanh mỹ phẩm, các mặt hàng xa xỉ phẩm và thuốc tẩy, làm sạch,

2. Công ty VIMPEX chuyên kinh doanh thuốc lá, kho, bãi, trung tâm thương mại…

3. Các công ty VITEXIM, ANHTONI chuyên bán rượu bia, đồ uống các loại,

4. Các công ty VIMEXCO, CHIMPEX chuyên bán đồ ngọt và cà phê,

5. Công ty GNT chuyên kinh doanh các mặt hàng văn phòng phẩm và dụng cụ văn phòng,

6. Công ty THỊNH MAI chuyên xuất nhập khẩu mặt hàng may mặc, quần áo,

7. Công ty VINAMARKET chuyên mua các cửa hàng rồi cho thuê,

8. Một số công ty lớn khác chuyên về kinh doanh tiền tệ, chứng khoán, khách sạn, du lịch…

Những DN này thực ra đều có doanh thu rất lớn, có tầm cỡ trong nền kinh tế Hungary. Thế nhưng, do làm ăn minh bạch, tuân thủ các luật định trong kinh doanh nên phần còn lại sau khi đã trừ thuế hàng năm của họ không thật nhiều. Bù lại, các anh đã được các tổ chức chính trị, xã hội của Hungary luôn chào đón một cách nhiệt liệt vì họ đã tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, đã đóng góp lượng tiền thuế rất lớn cho ngân sách địa phương.

DN Việt Nam tại Hungary rất phong phú với nhiều ngành nghề khác nhau, đã thâm nhập vào thị trường Hungary như những con “hổ lớn” không đi kiếm mồi một nơi, chính vì vậy họ rất đoàn kết, không phân biệt kẻ giàu người nghèo, không phân chia bè phái. Các chủ DN lớn thường giữ cương vị đứng đầu các hội đoàn, trong công việc ấy, các anh không tham vọng chính trị hay kinh tế, nỗ lực làm việc chỉ vì lợi ích và sức mạnh của cộng đồng. Mỗi khi có việc lớn, tất cả đã đoàn kết cùng nhau thực hiện, như trong kỳ Diễn đàn DN Việt kiều Châu Âu lần thứ ba tại Balatonfüred (tháng 9-2008), các đại hội thể thao, lễ tết truyền thống, và sắp tới chúng tôi sẽ chào đón phái đoàn Thủ tướng Chính phủ sang thăm chính thức Hungary một cách trang trọng và hoành tráng.

Những DN Việt Nam tại Hungary luôn sẵn sàng liên kết với các bạn, nhằm trao đổi mạnh mẽ về hoàng hóa và kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, trong đó có cả kinh nghiệm xây dựng thương hiệu lớn của người Việt Nam tại Châu Âu. Bởi lẽ, nói một cách dễ hiểu, thương hiệu chính là “màu cờ sắc áo”. Theo tôi, sắp tới, BCH Hiệp hội DN Việt kiều tại Châu Âu cần hướng tới các hội nghị chuyên đề về tham nhập thị trường, về thương hiệu, về tiếp thị… Chứ tôi thấy nếu chỉ nói quá nhiều về “chào mừng”, “liên kết”, “liên doanh”, v.v…, nếu chúng ta không làm việc một cách thiết thực và đúng hướng thì Diễn đàn của chúng ta có khi sẽ biến thành nơi để chúc tụng, chào hỏi và… du lịch!

Một điều không thể thiếu được: muốn tồn tại, chúng ta phải đoàn kết, chống chọi với các tập đoàn đa quốc gia đang tung hoành khắp Châu Âu. Một cửa hàng chúng ta chỉ mua được 1 paleta hàng, nhưng 100 cửa hàng liên kết lại, chúng ta sẽ mua được với giá rẻ hơn rất nhiều, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn. Mô hình này đã rất thành công tại Hungary với thương hiệu “DDA illatszer”, một hệ thống với hơn 100 cửa hàng ở khắp nước Hung, có màu sắc riêng, biểu trưng (logo) riêng, phương thức tiếp thị riêng cùng một tổng kho hiện đại. (Ở đây, tôi nói một con số lớn cho dễ nắm bắt, chứ thực ra 2-3 cửa hàng là đã có thể liên kết được với nhau theo mô hình này).

Vì thời gian có hạn, tôi xin được dừng lại ở đây. Chúc Diễn đàn thành công và xây dựng được chiến lược “Đoàn kết là sức mạnh”!

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chu