Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BIỂU TÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NHỮNG KHIẾM KHUYẾT

(NCTG) “Tôi tự hỏi, tại sao người Việt luôn luôn lặp lại những khuyết điểm giống nhau trong các cuôc biểu tình” là băn khoăn của một ký giả tự do người Đức, bà Marina Mai, nhân cuộc biểu tình gần đây nhất của người Việt ở Berlin nhằm phản đối chính sách ngoại giao ngang ngược của chính quyền Trung Quốc tại Biển Đông.

Người Đức tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Berlin ngày 9-7-2011 - Ảnh: Giang Phạm

Nhưng không chỉ đặt câu hỏi, mà nhà báo này còn vạch ra những điểm yếu "cố hữu" mà bà nhận thấy trong các cuộc biểu tình do người Việt tổ chức ở nước ngoài, mà cụ thể  là CHLB Đức, nơi đã có ít nhất ba cuộc tuần hành được tổ chức kể từ khi Bắc Kinh gia tăng những động thái thù địch trên Biển Đông đối với Việt Nam.

Biểu tình để thể hiện lòng yêu nước, ý nguyện đồng lòng bảo vệ cương vực đất nước là điều cần thiết và đáng khích lệ đối với người Việt xa xứ, tuy nhiên, làm sao để người dân bản địa quan tâm, ủng hộ và nhìn thấu dã tâm của Trung Nam Hải không phải là điều dễ làm. Những chia sẻ của nhà báo Marina Mai rất đáng để chúng ta tham khảo, xét trên khía cạnh đó.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết thông qua bản dịch của Lê Văn Cát, một thành viên thuộc nhóm chủ trương cuộc biểu tình và tuần hành được thực hiện thành công chiều 17-9 vừa qua tại München (CHLB Đức). Tựa đề do NCTG tạm đặt.

*

Thứ Bảy vừa qua (*), ở Berlin lại có một cuộc biểu tình của người Việt Nam. Lại xoay quanh - làm sao khác được - vấn đề “biển đảo”. Tiếc là những người khởi xướng đã quên mời giới báo chí đến. Do đó, tôi chỉ có thể kể lại những gì một nữ nhân chứng tình cờ đã viết cho tôi.

Biểu tình đã diễn ra khoảng một tiếng đồng hồ ở quảng trường Alexander Platz với xấp xỉ 100 người tham dự, mang theo nhiều lá cờ của Nam Việt Nam (cờ vàng có sọc). Sau đó là cuộc tuần hành, trước tiên đi đến ĐSQ Trung Quốc ở gần cầu Jannowitzbrücke và sau đó đi đến ĐSQ Việt Nam nằm cạnh công viên Treptower Park. Một hành trình vĩ đại kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.

Theo ý kiến của nữ nhân chứng thì khâu tổ chức kém. Không có tài liệu thông tin bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Chất lượng của micro-phon kém đến nỗi người dân Berlin không hiểu ra nổi biểu tình về chuyện gì. Lại như đã nhắc ở trên: không có báo chí.

Sáng kiến đi xuyên qua trung tâm thành phố để đến ĐSQ Trung Quốc đương nhiên là hay. Thực ra đi như vậy, nếu được tổ chức tốt và số người tham dự đông hơn, cuộc biểu tình hẳn đã gây được sự chú ý.

Tôi tự hỏi, tại sao người Việt Nam luôn luôn lặp lại những khuyết điểm giống nhau trong các cuộc biểu tình.

Khuyết điểm thứ nhất: hai nhóm người Việt ở hai nửa của thành phố không thể làm chung với nhau được việc gì cả. Ví dụ vào trung tuần tháng 9 (**) vừa qua tại München cho thấy điều đó có thể làm được: ở đó, người ta đã thỏa thuận với nhau trước là không sử dụng lá cờ, mà dùng tấm phông với bản đồ Việt Nam.

Những thuyền nhân, những sinh viên và thợ khách ngày trước đều có thể tìm thấy mình trong biểu tượng này. Và họ cũng đã tham dự cuộc biểu tình. Cả người Đức cũng có thể dễ dàng biết đến cái bản đồ hơn là một lá cờ. “Lá cờ có sọc” thì chỉ những người quen thuộc mới biết. Ngay cả lá quốc kỳ chính thức dùng trong ngày hôm nay cũng không thuộc “kiến thức tổng quát” tại Đức.

Nhìn tấm bản đồ, người ta dễ biết ngay, ai đang biểu tình và vì lý do gì!


Hình ảnh cuộc biểu tình ngày 1-10-2011

Khuyết điểm thứ 2: là sự “bất chấp” xã hội Đức. Tại sao lại đi biểu tình nhỉ? Phải chăng để bày tỏ cho công chúng về chuyện gì! Nếu vậy thì cần phải làm cho người tại chỗ hiểu chứ.

Như vậy, cần có tài liệu thông tin bằng tiếng Đức với lời lẽ đơn giản (dễ hiểu) (ở đây, ít ai biết đến chuyện gây hấn ở biển Nam Trung Hoa (südchinesisches Meer) hoặc biển Đông Nam Á (südostasiatisches Meer)), cần loa phát thanh những điều dễ hiểu bằng tiếng Đức hoặc bằng tiếng Anh ở các khu du lịch, hoặc bằng tiếng Hoa ở trước ĐSQ Trung Quốc.

Và cần truyền thông tin chuyên nghiệp đến báo chí, cũng như cần người trách nhiệm khâu báo chí để tiếp xúc với đại diện báo chí tại chỗ, và người này chỉ lo mỗi một chuyện này thôi, chứ không còn phải lo khâu tổ chức tổng quát cũng như lãnh cả khâu phối hợp với cảnh sát nữa. Người này cũng cần nói được tiếng Đức và quen mặt người tham dự biểu tình, để có thể giới thiệu với báo chí những nhân vật cần tiếp xúc.

Về chuyện phối hợp với cảnh sát: chừng nào các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa - và điều này đến nay hầu như luôn xảy ra - thì không có gì nhiều để phối hợp cả. Cuộc biểu tình ở quảng trường Potsdamer Platz trước đây mấy tuần (***) đã bị một người quấy rối. Và đáng tiếc là khi những cảnh sát lớ ngớ dọa đuổi người đàn ông ấy ra khỏi chỗ biểu tình thì không có vị nào trong Ban tổ chức (BTC) có mặt để giải thích thêm.

Thế là cô nhân chứng và tôi đã phải giải thích lý do tại sao người ấy đã quấy rối. Cho dù chúng tôi không thuộc BTC cuộc biểu tình.

Khuyết điểm thứ 3: là biểu tình vào ngày thứ Bảy. Có thể là dễ vận động một số người đi biểu tình vào ngày này hơn vào các ngày trong tuần. Nhưng vẫn có thể vận động đi ngày Chủ nhật cơ mà. Hơn nữa, nhiều người Việt buôn bán vẫn xem thứ Bảy là ngày kiếm sống quan trọng nhất trong tuần.

Đối với giới báo chí, thứ Bảy là một “không - ngày”. Nhiều tờ nhật báo không ra vào ngày Chủ nhật. Và ai lại muốn đọc trên tờ báo ra ngày thứ Hai cái tin vài người Việt đã đi biểu tình hai ngày trước đó?

Ngay cả nhiều đài phát thanh cũng chỉ cho chạy vào cuối tuần một chương trình thu gọn không có tính cập nhật, cho nên một buổi tổ chức vào ngày thứ Bảy chỉ có thể đến được trong chương trình Berliner Abendschau thôi. Và ở đó thì cái “cây chắn” được đặt khá cao.

Về “cây chắn”: viêc truyền thông có tường trình về một sự việc hay không, tùy thuộc không những vào đề tài, mà còn tùy thuộc vào số người tham dự. Về đề tài, có thể nói thẳng: việc gây hấn ở đảo biển xa xôi không gây hấp dẫn. Như vậy chỉ còn do số người tham dự thôi: bắt đầu 500 người trở lên báo đài mới chú ý đến.

Điều tiên quyết là người ta nắm biết trước được, thực sự sẽ có khoảng 500 người xuống đường đi biểu tình. Bắt đầu 1.000 người trở lên, báo đài có uy tín thông thường sẽ có bài tường trình. Nhưng chỉ đạt được con số 1.000 người khi nào thợ khách qua từ thời DDR (CHDC Đức), thuyền nhân và sinh viên cũng đứng chung nhau tổ chức, chứ không phải đối kháng nhau.

Dù sao, người Việt đã có cùng ý kiến về vấn đề “biển đảo”. Có thể không phải về tất cả chi tiết, nhưng ít ra tất cả các nhóm đều cho rằng, các đảo thuộc về Việt Nam, chứ không phải thuộc về Trung Quốc. Và đó đã là một điểm chung!

Ghi chú (của ND):

(*) Biểu tình ngày 1-10-2011 ở Berlin.
(**) Biểu tình ngày 17-9-2011 ở München.
(***) Biểu tình ngày 9-7-2011 ở Berlin.

Tác giả bài viết: Marina Mai – Lê Văn Cát chuyển ngữ