BÁO CHÍ TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI
- Thứ hai - 31/07/2017 05:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo chí cộng đồng ở nước ngoài với những đặc thù của nó có những thuận lợi và khó khăn gì, đối tượng độc giả ra sao, hướng phát triển như thế nào, v.v... là chủ đề chuyên mục “Góc nhìn” hôm 31-7-2017 của Kênh truyền hình VTV4.
Xem bản tin ở đây.
Với sự tham dự của ba nhà báo đến từ Hoa Kỳ, Cộng hòa Áo và Hungary, câu chuyện được xoay quanh nhiều chủ đề liên quan tới báo chí cộng đồng, được cho là nở rộ trong những năm gần đây. Sau đây là phần trao đổi của BTV Đức Minh của Kênh VTV4 với TBT tờ “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG), Budapest.
Với sự tham dự của ba nhà báo đến từ Hoa Kỳ, Cộng hòa Áo và Hungary, câu chuyện được xoay quanh nhiều chủ đề liên quan tới báo chí cộng đồng, được cho là nở rộ trong những năm gần đây. Sau đây là phần trao đổi của BTV Đức Minh của Kênh VTV4 với TBT tờ “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG), Budapest.
- Với nhiều năm kinh nghiệm làm báo tại nước ngoài thì theo nhà báo, độc giả, khán giả của báo chí, truyền hình tiếng Việt tại nước ngoài thường là những đối tượng như thế nào? Nguyên nhân tại sao họ lại là lượng độc giả chính?
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì tại Đông Trung Âu, độc giả, khán giả của báo chí, truyền hình Việt ngữ (trong và ngoài nước) thường là đối tượng trung và cao niên, hoặc các du học sinh từ Việt Nam, và sẽ trở về nước trong 5-6 năm.
Lý do rất đơn giản: giới trẻ thế hệ thứ hai, sinh ra và trưởng thành bên này, hoặc không còn quá quan tâm tới các vấn đề Việt Nam, hoặc ít thông thạo sinh ngữ và có thể, hay đã quen đọc báo chí nước ngoài, nên sự thu hút của truyền thông Việt ngữ với họ không còn thật đáng kể.
Người trung và cao niên, hay giới du học sinh là bộ phận thường có quan hệ mật thiết với trong nước, ở một mức độ nào đó còn để tâm tới tình hình Việt Nam. Một bộ phận trong số họ không thật thông thạo sinh ngữ bản địa, ko có quá nhiều cơ hội tham khảo những nguồn tin khác.
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi thì tại Đông Trung Âu, độc giả, khán giả của báo chí, truyền hình Việt ngữ (trong và ngoài nước) thường là đối tượng trung và cao niên, hoặc các du học sinh từ Việt Nam, và sẽ trở về nước trong 5-6 năm.
Lý do rất đơn giản: giới trẻ thế hệ thứ hai, sinh ra và trưởng thành bên này, hoặc không còn quá quan tâm tới các vấn đề Việt Nam, hoặc ít thông thạo sinh ngữ và có thể, hay đã quen đọc báo chí nước ngoài, nên sự thu hút của truyền thông Việt ngữ với họ không còn thật đáng kể.
Người trung và cao niên, hay giới du học sinh là bộ phận thường có quan hệ mật thiết với trong nước, ở một mức độ nào đó còn để tâm tới tình hình Việt Nam. Một bộ phận trong số họ không thật thông thạo sinh ngữ bản địa, ko có quá nhiều cơ hội tham khảo những nguồn tin khác.
Vì vậy, đối với họ các nguồn tin Việt ngữ - đặc biệt là nguồn từ trong nước - vẫn được xem là nguồn ưu tiên, mang tính chủ đạo, bên cạnh tin tức qua các mạng xã hội, các diễn đàn trên Liên mạng, giờ đây nhiều khi đã “vượt mặt” những nguồn vốn được coi là “chính thống”.
- Theo anh thì hiện nay bà con ta ở nước ngoài mong muốn cập nhật những thông tin gì và theo phương thức như thế nào?
Ở đây chỉ nói tới bộ phận được coi là nhóm đối tượng tiềm năng của báo chí Việt ngữ trong và ngoài nước, tôi nghĩ rằng ngoài những thông tin kiểu “vui khỏe trẻ trung” mà ai cũng có nhu cầu ít nhiều, thì đa phần bà con muốn những thông tin chính trị, xã hội, kinh tế... đa chiều và trung thực.
Đây chính là điều mà bà con ngoài này rất mong mỏi ở người làm báo Việt ngữ, đặc biệt là trong những vấn đề lớn, gây sự chú ý của đất nước, như biên giới hải đảo, môi trường, tham nhũng, v.v... Đã quen theo dõi truyền thông nước ngoài, nên sự đòi hỏi với báo chí Việt lại càng cao.
Phương thức thì tất nhiên ai cũng muốn có tin nhanh, sắc, cập nhật, chứ bây giờ không phải là lúc ngồi chờ dăm bảy ngày cho một tin mà mạng xã hội đã đưa từ rất sớm. Và tin cần cụ thể, đi đúng trọng tâm, không cần dài dòng văn tự hoặc sáo rỗng, không có nội dung gì đáng quan tâm.
Ngoài ra, còn một mảng tin tức nữa mà bà con cũng rất quan tâm, là về chính cuộc sống nơi xứ người của bà con với những niềm vui, nỗi buồn, trăn trở, những khó khăn bươn chải, những tâm tư và mong muốn... Đây là đề tài cốt yếu của báo chí cộng đồng, và rất nên tập trung làm tốt.
- Từ kinh nghiệm cá nhân, nhà báo có thể cho biết về nghề làm báo trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay như thế nào?
Xin được hạn chế trong khu vực Trung Âu, tôi thấy làm báo là một cái nghề mệt nhọc và cả... nguy hiểm. Đa số người làm báo vì say mê, hoặc vì muốn góp một tay cho sinh hoạt của cộng đồng. Ít người được đào tạo bài bản hoặc có nghề, mà làm báo chỉ say mê thôi thì khó có được sản phẩm tốt.
Một cái “mệt” đáng kể khác là nhìn chung, làm báo tại các cộng đồng Việt ở Trung Âu không mang lại thu nhập, lợi tức gì đáng kể cho người làm, chưa kể nhiều người còn phải tự bỏ tiền túi cho đam mê này của mình. Đa phần ai cũng phải làm những nghề khác để mưu sinh và theo đuổi nghề báo.
Trong hoàn cảnh như thế thì khó làm được báo hay, tốt, và với người làm báo có lương tâm và ý thức được điều đó, thì đây cũng là sự trăn trở thường trực. Chưa nói tới chuyện, làm báo cộng đồng, khoảng cách giữa người làm báo, người viết và độc giả nhiều khi quá gần gũi, và cũng quá... xô bồ.
Khi ấy, không còn khoảng cách cần thiết để đôi bên thực hiện đúng chức năng và bổn phận của mình, theo thông lệ. Không ít người (thường là thân nhân người làm báo) đã than, làm báo không thấy có... lợi gì, chỉ rước hại vào thân... thì đây cũng là một hiện thực của câu chuyện báo chí cộng đồng.
- Có thể thấy cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu, thị hiếu của độc giả, khán giả cũng có nhiều thay đổi và tính phản biện của báo chí cộng đồng tại nước ngoài cũng tăng lên. Vậy thưa anh, anh đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Cá nhân tôi cho rằng, phản biện (bao hàm phản biện xã hội và phản biện chính sách) là một nội dung hết sức quan trọng - nếu không muốn nói là quan trọng và cần chú trọng nhất của báo chí, truyền thông chính luận. Vì đó là đóng góp của báo chí cho cộng đồng, và xã hội.
Nói về nhu cầu và thị hiếu của từng độc giả thì rất đa dạng, nhưng tôi nghĩ có thể tạm kết luận rằng càng ngày, càng ít người quan tâm hay hào hứng với những bài báo tô hồng, chỉ thiên về khen ngợi, ca tụng, hoặc một chiều, tạo cảm giác độ xác tín không cao, ít gây tin cậy cho người đọc.
Hơn nữa, độc giả ở ngoài này, ít nhiều cũng quen thuộc với cách làm tin, làm báo của các nước bản địa, thường rất thẳng thắn và nghiêm khắc với những quyết sách của chính quyền vốn ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của họ. Báo chí cộng đồng, muốn có người đọc, cần nâng cao tính phản biện.
Không chỉ đối với báo chí cộng đồng, phản biện và xác tín, theo tôi nghĩ, cũng là nét làm nên “thương hiệu” của một số tờ báo trong nước, khiến bà con ở ngoài này còn chú ý theo dõi và có thiện cảm, trong khi cùng một vấn đề, hiện đã có nhiều lựa chọn nếu bạn đọc muốn tiếp cận thông tin.
- Cũng giống như ngành truyền hình của chúng tôi hiện nay đang phải đối diện với cạnh tranh của truyền thông đa phương tiện, vậy với báo chí cộng đồng thì xu thế này sẽ mang lại những lợi ích và khó khăn gì? Là người chuyên làm về báo mạng, xin nhà báo cùng chia sẻ với chúng tôi ý kiến về vấn đề này?
Lợi ích thì có thể rất rõ, khi thông tin tràn ngập và được đưa, phát tán và lan truyền rất nhanh, nhất là khi với sự phát triển của các mạng xã hội trên Internet thì mỗi người dân đều có thể trở thành một nhà “dân báo”, đưa tin và hình ảnh, clip - điều mà trước đây không ai hình dung hay nghĩ tới.
Không chỉ báo chí trong nước, mà nhiều tờ báo cộng đồng bên này cũng tận dụng triệt để điều này, khi một tỷ lệ không nhỏ bài vở, tin tức trên mặt báo được tổng hợp, hay nhiều khi “cóp” y nguyên từ mạng xã hội. Cá nhân tôi nghĩ, đây là cách làm báo dễ dãi, cho dù nó “tiện lợi” cho người làm.
Khó khăn đối với người làm báo, theo tôi, lại chính ở chỗ nguồn thông tin quá dồi dào, nhưng vàng thau lẫn lộn, và người làm báo ở ngoài này phải tiếp nhận, kiểm định và đưa tin từ một khoảng cách rất xa, thiếu vắng hơi thở của cuộc sống, của những sự kiện chính trị, xã hội diễn ra ở quê hương...
Trong hoàn cảnh ấy, tính xác tín của các nguồn tin luôn luôn khiến người làm báo phải cẩn trọng và chừng mực. Dung hòa được những lợi thế của mạng, với yêu cầu nghiêm cẩn trong xử lý tin tức và thông tin, tôi nghĩ luôn là thách thức lớn đối với người làm báo cộng đồng ở ngoài này.
- Từ thực tế tại môi trường sinh sống và tác nghiệp của chính mình, thưa anh, theo anh chúng ta cần làm gì để báo chí cộng đồng tiếp cận được giới trẻ gốc Việt tại nước ngoài nhiều hơn?
Trước hết, phải làm sao để giới trẻ gốc Việt có cảm hứng với tiếng Việt, không coi việc tìm hiểu và học tiếng Việt như một sự bắt buộc (vì truyền thống, vì là con em người Việt, v.v...), mà bởi qua đó các em có thể làm giàu thêm kiến thức văn hóa và có ích trong đời sống thực tế của mình.
Vì nếu không biết tiếng Việt, hoặc không quan tâm tới những vấn đề của Việt Nam và của cộng đồng Việt xa xứ, thì các em cũng không thể, hay không cần đọc báo Việt ngữ. Ngược lại, báo chí cộng đồng tiếng Việt nếu quá kém, trì trệ, thì chắc chắn sẽ không phải sự lựa chọn của các em.
Câu hỏi được đặt ra rất khó có câu trả lời thấu đáo, tôi còn nhớ gần hai chục năm trước, đã có những nhận xét bi quan cho rằng báo chí sách vở Việt ngữ ở ngoài này sẽ chỉ tồn tại chừng nào thế hệ thứ nhất của người Việt ở nước ngoài còn sống. Tuy nhiên, vẫn có thể và nên cố gắng.
Bởi lẽ, báo chí cộng đồng, ít nhiều ghi lại những nét nhọc nhằn, khó khăn và cả những thành công nhất định của người Việt trong quá trình hội nhập, sẽ là nguồn tư liệu bổ ích đối với các em khi cần tìm về bản thể của mình, để trả lời câu hỏi “là ai?”, “từ đâu đến?”, “sẽ trở thành gì”...
Với suy nghĩ như thế, tôi cho là vẫn có thể lạc quan với tương lai của báo chí cộng đồng...
(*) Bản tin đã đăng trên Kênh VTV4.