BÁNH CHƯNG XA XỨ
- Chủ nhật - 30/01/2011 00:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Bánh đã luộc xong, giờ đang nằm dưới cái thớt to tướng và một nồi nước vĩ đại nặng chịch. Không biết có ngon không. Chắc là sẽ ngon, vì ít nhất trông nó cũng vuông vắn và chắc chắn. Vì tự tay mình gói, mình luộc, mình nén. Vì nó sẽ có mùi lá dong và mùi lạt. Và vì mình đang ở một nơi rất xa, rất xa...”.
L. gọi điện bảo: “Mày ơi, thứ Bảy xuống nhà tao gói bánh chưng đi. Anh H. nhà tao vừa vác 100 cái lá dong ở Việt Nam sang. Lạt thì năm ngoái mẹ tao gửi sang cho vẫn còn. Nhớ cầm thêm 2kg gạo nếp và 2 gói đỗ nữa nhé”.
Thứ Bảy. Tôi hớn hở lái xe xuống. Cốp xe để 2kg gạo nếp, đỗ thì không có. Mang thêm cả nồi áp suất cho L. luộc bánh chưng. Cái nồi áp suất này là nồi Liên Xô, nặng chình chịch. Mẹ tôi lần qua chơi đã kỳ công vác sang, nhưng tôi chưa dùng một lần nào cả. Lý do hết sức đơn giản: sợ.
Tới nhà L. buổi trưa, thấy gạo nếp đã ngâm, đỗ đã đồ và nắm thành từng nắm nhỏ vàng mịn, thịt đã thái và ướp sẵn chút mắm muối hạt tiêu. Lá dong xanh ngắt đã rửa và tước sẵn, lạt để bên cạnh. Tôi nhớ ngày xưa mỗi lần gói bánh chưng rất cực. Ngày ấy nhà tôi ở tầng 5 khu tập thể, nơi nước máy không bao giờ lên tới nơi. Gạo nếp, đỗ xanh, lá dong đều phải mang đi rất xa để vo và đãi, rửa. Trời gần Tết rất lạnh, tay chân bao giờ cũng tê cóng.
Sau đó còn phải lau lá dong, tước gân lá nữa, rất mất công. Bố tôi gói bánh rất đẹp. Bố gói bằng tay, không bao giờ cần khuôn mà cái nào cái nấy vuông chằn chặn. Xem bố gói nhiều, tới lúc tôi cũng phải xắn tay vào gói. Cũng vuông và đẹp. Bố tôi hài lòng, giống như hài lòng với món nem tôi làm, cuốn chặt tay và đều giống bố.
Lá dong anh H. mang sang nhỏ. Nhà nào cũng xí phần để gói nên phải tiết kiệm. Mỗi cái bánh chưng chỉ được dùng 2 lá bé xíu. Bánh gói cũng nhỏ, khoảng bằng cái CD. Một cái 1,5 bát gạo, 1 nắm đỗ và 2 miếng thịt. Phải quay mặt lá xanh vào bên trong, chỗ tiếp xúc với gạo cho bánh xanh. Lá kia quay mặt ra ngoài để luộc lên cho đẹp.
Nhìn cái đầu tiên anh H. đùm đùm gói gói như nắm xôi mà tôi cười ngặt nghẽo. Tới chừng nhúng tay vào gói mới thấy khó vì lá nhỏ quá, lại phải gói sao cho chặt tay, mà lại nhẹ tay kẻo lá rách. Để biến cái đống tùm lum đó thành một chiếc bánh vuông vắn quả không phải là đơn giản. Tuy nhiên tới khoảng cái thứ ba thì sẽ quen tay, mọi việc sẽ suôn sẻ và nhanh hơn rất nhiều.
Bọn trẻ con chạy lăng quăng xung quanh, cầm lạt vung vẩy. L. bảo: “Nhắt đâu, ra đây xem papa gói bánh chưng này. Cả năm chỉ có một lần thôi. Chỉ Tết mới có thôi”. Thằng bé 7 tuổi bỏ đống đồ chơi chạy lại ngó: “Wow! C'est génial!” (Ồ! Hay quá) rồi chạy mất hút.
Tôi và anh H. vừa gói vừa dỏng tai nghe Thúy Nga Paris, đúng đoạn kể chuyện vụn vặt gì đó, nghe loáng thoáng thì hình như là có cậu người Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi. Cậu kể chuyện về Việt Nam đi chơi với một cô người Việt. Cô rủ cậu đi ăn cháo lòng. Tới quán nào, cậu cũng ngó vào rồi bảo cô gái: “Hết rồi em ạ, không còn cháo lòng nữa đâu”.
Tới 3, 4 quán liền, cô gái nói: “Ko thể có chuyện đó được. Làm sao mà đi tới quán nào anh cũng kêu là hết cháo lòng vậy? Anh có hỏi người ta chưa?”. “Khổ quá đi em, người ta không còn đồ để nấu cháo lòng thì làm sao mà có món cháo lòng cho em được chứ?”. “Ủa chứ sao anh biết người ta hết đồ?”. “Thì em coi bảng người ta đề kìa: HẾT LÒNG PHỤC VỤ QUÝ KHÁCH”.
L. xếp bánh vào nồi và châm bếp. Tôi nhớ ngày xưa, các nhà trong khu tập thể hay hẹn nhau gói bánh cùng ngày rồi luộc chung. Bánh các nhà được đánh dấu, bỏ vào những cái nồi rất to rồi để ở cầu thang. Củi cháy bập bùng, nổ tanh tách. Trẻ con được thức đêm rất khoái chí. Chúng tôi hay mang khoai, sắn vùi vào lửa để ăn. Bọn con gái bê một đống táo ra khứa để làm mứt táo. Tôi thì thích làm mứt quất vì đẹp, chứ các loại mứt đều không ăn vì không thích đồ ngọt.
Bánh chưng luộc xong, bố tôi nén rất kỹ rồi buộc lủng lẳng trên giàn vì sợ chuột gặm. Hồi đó tôi rất ghét ăn bánh chưng. Cứ sau Tết là phát khổ sở vì bánh chưng. Hết bánh chưng luộc tới bánh chưng rán. Sau thì chỉ rán. Tôi hay ấn bẹp dí bánh xuống, rán cháy cạnh, ăn cho đỡ chán. Cứ mỗi buổi trưa ăn cơm, 12 đứa ngoại trú mở cặp lồng là 12 cái cặp lồng bánh chưng rán.
Bên này phải mua bánh chưng. Bánh gói bằng một lớp lá, bọc ni-lông và buộc dây nhựa đỏ ở ngoài. Mỗi lần có ai đó sang sau Tết vài ngày, cho cái bánh chưng cầm từ Việt Nam sang là ăn thèm ăn thuồng, không rán bao giờ. Gạo nếp thơm và rền, mùi đỗ xanh, thịt, hạt tiêu thơm lựng.
Tôi cầm 4 cái bánh về nhà để luộc vì 30 Tết là thứ Ba, mọi người vẫn đi làm, sẽ không gặp nhau để lấy bánh được.
Bánh đã luộc xong, giờ đang nằm dưới cái thớt to tướng và một nồi nước vĩ đại nặng chịch. Không biết có ngon không. Chắc là sẽ ngon, vì ít nhất trông nó cũng vuông vắn và chắc chắn. Vì tự tay mình gói, mình luộc, mình nén. Vì nó sẽ có mùi lá dong và mùi lạt. Và vì mình đang ở một nơi rất xa, rất xa...
Bánh chưng luộc xong, bố tôi nén rất kỹ rồi buộc lủng lẳng trên giàn vì sợ chuột gặm. Hồi đó tôi rất ghét ăn bánh chưng. Cứ sau Tết là phát khổ sở vì bánh chưng. Hết bánh chưng luộc tới bánh chưng rán. Sau thì chỉ rán. Tôi hay ấn bẹp dí bánh xuống, rán cháy cạnh, ăn cho đỡ chán. Cứ mỗi buổi trưa ăn cơm, 12 đứa ngoại trú mở cặp lồng là 12 cái cặp lồng bánh chưng rán.
Bên này phải mua bánh chưng. Bánh gói bằng một lớp lá, bọc ni-lông và buộc dây nhựa đỏ ở ngoài. Mỗi lần có ai đó sang sau Tết vài ngày, cho cái bánh chưng cầm từ Việt Nam sang là ăn thèm ăn thuồng, không rán bao giờ. Gạo nếp thơm và rền, mùi đỗ xanh, thịt, hạt tiêu thơm lựng.
Tôi cầm 4 cái bánh về nhà để luộc vì 30 Tết là thứ Ba, mọi người vẫn đi làm, sẽ không gặp nhau để lấy bánh được.
Bánh đã luộc xong, giờ đang nằm dưới cái thớt to tướng và một nồi nước vĩ đại nặng chịch. Không biết có ngon không. Chắc là sẽ ngon, vì ít nhất trông nó cũng vuông vắn và chắc chắn. Vì tự tay mình gói, mình luộc, mình nén. Vì nó sẽ có mùi lá dong và mùi lạt. Và vì mình đang ở một nơi rất xa, rất xa...