Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


9.171 KM ĐƯỜNG BAY VÀ NỖI NHỚ NHÀ

(NCTG) “Nếu đất nước nào cũng phát triển giàu mạnh như nhau, thể chế chính trị xã hội đều ổn định như nhau, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa đều tốt như nhau thì người Việt Nam cứ yên trí sống ở Việt Nam, không phải vật vã chen chúc vào trật tự xã hội khép kín của phương Tây thế này”, chia sẻ của Khánh Linh từ Paris.


Bố mẹ ơi,

Sáng nay nói chuyện với bố mẹ qua yahoo chat, nghe mẹ tíu tít kể lịch đi biếu quà Tết họ hàng ra sao, về thăm mộ các cụ hai bên ngày nào, con gái bố mẹ lại tủi thân muốn khóc rồi. May mà năm nay anh trai con đã sắp xếp được để từ Đức về ăn Tết với Bố Mẹ. Con đã phải cố để tỏ ra cứng rắn và “chỉ đạo từ xa” rằng Bố phải cố mua được cành đào cho anh trai con ngắm, Mẹ phải đưa anh con đi lại bằng taxi cho an toàn đấy nhé.

Nhưng vào những giờ phút thế này con chỉ muốn bỏ hết, vứt hết để về với bố mẹ thôi. Con muốn về đi ăn bữa thịt chó tất niên với Bố, để nhận phong bì lì xì to và uống ly champagne đêm 30 Tết, để đưa Mẹ đi Chùa sáng mồng 1.

Không, thậm chí con muốn về hẳn với đời tự do sung sướng của con khi ở nhà với bố mẹ. Sáng mở mắt ra đã có buffet tự chọn phở cháo bún miến của mẹ rồi. Chiều chiều tan giờ làm thì lê từ quán cà phê này sang quán cà phê khác, chán chê mới về ăn tối. Xong thì nào đi xem kịch, nào nhà hát nhớn, nào triển lãm, nào phim ảnh.

Tuần có 7 buổi tối thì có đến già 4 buổi con lượn ngoài phố. Đấy là chưa kể hàng tháng con bay lượn như chim từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi ra Sài Gòn. Việc chăm sóc con nhỏ con khoán hoàn toàn cho Mẹ. Làm mẹ trẻ con mà nhàn hạ như con thì ối gái thích đẻ con một mình mẹ nhỉ.



Mấy năm trước khi sang Châu Âu công tác và gặp một vài nhóm người Việt ở Đức, con cứ băn khoăn không hiểu làm sao họ có thể sống mãi cuộc đời như thế: đi làm từ tờ mờ sáng đến tối mịt. Thú vui duy nhất là cuối tuần tụ tập nấu nướng tán phét và say. Lần tụ tập nào cũng là dạ dày luộc, dạ dày xào, và lại dạ dày quay… Không du lịch, không phim ảnh, không kịch cọt, không triển lãm, không sách truyện gì sất.

Thậm chí bố mẹ bên này còn không có cả thời gian để nói chuyện với con cái mình. Con cứ thấy sao mà họ tội nghiệp, họ đáng thương đến thế. Con tự nhủ thà mình quanh năm chen lấn xô đẩy trong khói bụi xe cộ Hà Nội còn hơn là phải sống đời tha hương buồn tẻ như người Việt xứ người. Thế mà giờ đây con đang ngồi cách xa bố mẹ đến chính xác là 9.171 km đường bay và cũng đang tự hỏi “mình vác con trai tha hương thế này để làm gì?”.

Khi quyết tâm mang cháu sang Tây, con đã tự lừa dụ mình rằng cuộc sống ở nhà thế này thì bế tắc lắm, bởi không khí thì ô nhiễm khói bụi, chất lượng giáo dục thì mông lung mơ hồ, giá trị đạo đức, văn minh xã hội thì thế nọ thế kia. Hồi mới sang, dù Châu Âu không phải là quá xa lạ với con, nhưng con cũng hoan hỉ ghê lắm.

Đường phố thì sạch tinh, con người thì xếp hàng từ tốn, nói cảm ơn xin lỗi ríu rít suốt ngày như cái máy. Trật tự xã hội thì đâu vào đấy, chế độ phúc lợi xã hội thì tuyệt hảo. Trường lớp giáo dục thì khỏi phải chê câu nào. Con hỉ hả vì chỉ vài tháng sau cháu ngoại ông bà đã nói được tiếng Tây như gió, được đi thăm hết bảo tàng này đến khu rừng nọ, lại còn đi trượt tuyết nữa chứ.

Chưa hết choáng ngợp với không khí Tây con đã vội trở lại Hà Nội thăm Bố Mẹ. Năm ấy trở về với không khí tắc đường quen thuộc, với tiếng ồn và khói bụi quen thuộc, những khuôn mặt căng thẳng quen thuộc, những câu chửi thề quen thuộc của đồng bào, con đã gào lên chê bai hết nhời hết nhẽ. Nhưng quay lại Tây chỉ được vài ba ngày là con quên hết, con lại muốn bay về.

Hà Nội vẫn thế, vẫn đầy mâu thuẫn giữa yêu thương và trách móc, giữa ồn ào ngoài kia phố xa và bình yên trong này gia đình, giữa căng thẳng của đồng bào “tham gia giao thông” và hồn hậu đáng yêu của các bà các chị ngoài chợ. Thế nên con xa Hà Nội để quay về vì yêu, rồi lại xa vì chút dỗi hờn.



Mỗi lần con nhụt “ý chí chiến đấu”, Mẹ lại động viên con cố gắng vượt qua mọi thử thách vì tương lai của cháu bà. Rằng ngày xưa, xưa lắm cái ngày nhà mình còn nghèo, bố có cơ hội đi làm bác sĩ ở Angeria và Angola (nếu bố đi lúc đấy thì nhà mình sẽ có đầy tiền), nhưng bố đều từ chối vì cả hai lần đều sát đến kỳ thi vượt cấp quan trọng của con. Thôi thì vì trót giương cao ngọn cờ truyền thống học hành của gia đình mình, con phải cố nhịn những niềm vui khi được sống ở quê nhà để làm một người Mẹ cho tử tế. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư có chiều sâu mà.

Nếu đất nước nào cũng phát triển giàu mạnh như nhau, thể chế chính trị xã hội đều ổn định như nhau, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa đều tốt như nhau thì người Việt Nam cứ yên trí sống ở Việt Nam, người Châu Phi cứ nói cười nhảy múa thoải mái ở Châu Phi mà không bị kỳ thị, không phải vật vã chen chúc vào trật tự xã hội khép kín của phương Tây thế này. Nếu được thế chắc chẳng có ai muốn rời bỏ đất nước mình, làng quê bản quán của mình, gia đình thân yêu của mình để tha hương xứ khác đâu bố mẹ nhỉ.

Trong đêm Giao thừa cả nhà quây quần bên nhau nhớ uống hộ con và cháu một ly champagne thật đầy nhé. Năm nay con không về nhưng một ngày kia rất gần con sẽ về hẳn để lo một Tết này và nhiều nhiều cái Tết khác cho bố mẹ. Cố khỏe chờ con về, hai trái chuối 75 tuổi còn xanh nõn của con ơi!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Khánh Linh, từ Saint Cloud, Paris – ngày 23-1-2011