Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ NHÀ

(NCTG) “Vậy là “đấu tranh đến cùng” của mình chẳng có tác dụng gì”.
VỀ NHÀ
Mẹ bị kẹt lại Hà Nội bốn tháng vì Covid, nghe đài báo tin người Hà Nội đã được về quê, về quê chỉ “thực hiện khai báo y tế theo quy định; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc” mẹ nhất định phải về ngay. Con cháu ở Hà Nội đông vui nhưng mẹ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ vợ chồng chú Thi - mự Nhâm, nhà hàng xóm thân thiết trên con dốc vắng.

Chiều thứ Sáu, em trai nghỉ làm sớm, lái xe chở mẹ về, rủ mình về cùng cho vui. Mười giờ đêm về đến quê, ghé vào nhà chị gái ăn bát cháo gà nóng. Nhà chị gái cách nhà mẹ một cây số. Mười hai giờ đêm thì về nhà, lau dọn nhà cửa sau bốn tháng không có người ở, hơn hai giờ sáng ba mẹ con mới tắt đèn đi ngủ. 

Điện thoại réo vang, đánh thức cả nhà dậy, cảm giác như vừa mới chợp mắt, đêm miền núi đầu mùa đông ngoài trời vẫn tối đen. Anh rể gọi, cho biết chú Thi vừa gọi cho anh, hỏi sao mẹ về mà không khai báo y tế. Chú Thi là xóm trưởng. Chú không gọi trực tiếp cho mẹ mà thông qua anh rể. Chú Thi trách mẹ về sao không báo trước để tổ Covid đến kiểm tra nhà đủ điều kiện cách ly không, tình trạng nước xả thế nào, có bảo đảm an toàn Covid không.

Mẹ gọi báo với chú rằng về lúc nửa đêm, trạm xá đóng cửa nên không khai báo được, lát nữa sẽ đi. Không được đi, bác ở yên đó, bảy giờ sáng tổ Covid sẽ đến. Mẹ kêu hai chị em dậy dọn dẹp trong nhà ra ngõ, tổ Covid sắp đến. Chờ mãi không thấy tổ Covid đến, mẹ gọi báo chú, chú bảo mẹ chủ động gọi cho trạm xá. Người trên trạm xá yêu cầu mẹ đến khai báo y tế chứ không ai đến nhà đâu, quy định đến nhà người ta bỏ lâu rồi. Mẹ lại hỏi ý kiến chú. Thêm ba, bốn cuộc gọi đi gọi tới nữa, thì chú quyết định mẹ ra trạm xá khai báo y tế.

Mẹ đi rồi, mình quét xong ngõ, vào nhà ăn sáng, rồi đi ra ngõ ngồi nhìn sang ngõ chú Thi. Mọi khi mình đã chạy ào sang nhà chú mự uống nước chè xanh, nhưng tình hình như thế này thì không được. Mự Nhâm đi dưới dốc lên, thấy mình, hỏi uống nước chè xanh không thì lấy cốc ra đây. Mự vào nhà xách ấm nước chè xanh mới om đi ra. Mình đặt cốc ở giữa hai ngõ rồi lùi lại một đoạn phía ngõ nhà mình, mự tiến ra rót nước vào cốc, đợi mự lùi lại phía ngõ nhà mự, thì mình tiến lên lấy nước. Mự ngồi ngõ bên kia, mặc áo bảo hộ, khẩu trang, đội nón, tay xách ấm nước, chờ mình uống xong cốc nước lại rót tiếp.

- Thủ tướng nói sống chung với dịch rồi mự ơi.

- Không biết. Ở đây chưa. Đây vẫn đang thực hiện khoảng cách 10 mét.

- Mọi người tiêm 2 mũi rồi, tét 3 lần âm tính trước khi về rồi, Hà Nội vùng xanh, về xe riêng, không phải xe công cộng, mự đừng sợ, cứ 5k là được.

- Không biết đâu, trên đường về đi qua bao nhiêu người, biết ai bị ai không.

- Cách 2 mét là được mự ơi, xa quá khó nói chuyện.

- Không được, 2 mét là thành phố đất chật, ở ta đất rộng cứ trên 10 mét cho chắc.

Uống đủ hai cốc nước chè xanh nóng bỏng, mự rót thêm cốc nữa bảo mình mang vào nhà cho em trai. Có hai người chạy xe máy dưới dốc lên, họ là người từ các huyện đến gặp chú Thi nhờ xem bói.

Mẹ đi khai báo y tế về một lúc thì chú Thi và chú bí thư xóm đến, mang theo một văn bản gì đó, đọc cho mẹ nghe và bắt mẹ ký vào. Đến chiều, chị em mình ra núi Động Mận thắp hương, về đến ngõ thấy chú Thi đã treo biển đỏ. “Địa điểm cách ly y tế - Công dân đến/về từ vùng có dịch Covid-19. Nghiêm cấm tiếp xúc gần với người cách ly. Từ ngày 30/10 - 7/11.”

Sáng Chủ nhật là giỗ bà nội. Tinh mơ, cũng như hôm qua, anh rể gọi điện báo chú Thi vừa gọi thông báo là ngày hôm nay gia đình anh không được xuống giỗ bà nội, nếu xuống tổ Covid sẽ đến lập biên bản và phạt tiền. 

Anh rể và các cháu không dám xuống, nhưng chị mình thì phải xuống, bởi vì mẹ con mình không đi ra ngoài được, nhờ chị mua đồ làm giỗ. Chị liều đánh xe xuống, chỉ dám đứng trong nhà bếp. Nghe tiếng xe máy dưới chân dốc là mấy mẹ con phấp phỏng lo sợ. Chị mình sợ bị phạt tiền. Cảm giác luôn có người rình chụp ảnh bắt quả tang. Bởi vì chuyện này đã từng xảy ra với một gia đình khác.
 
cachly3

Về quê cho kịp làm giỗ bà mà phải cúng giỗ trong cảnh thế này mẹ tủi thân, mẹ vừa thắp hương khấn bà vừa khóc to. 

Mẹ con dọn mâm ăn trong bếp. Cho kín đáo. Mười giờ sáng hai chị em lên xe ra Hà Nội. Kết thúc một ngày về quê.

Ra đến Hà Nội thì biết tin mẹ bị tăng huyết áp. Mẹ mình từng bị tai biến một lần. Bị tâm lý hai ngày nay, suốt đêm không ngủ được, mẹ bị tăng huyết áp cũng dễ hiểu thôi. 

Chị gái mình không được xuống, phải gọi y tế trạm xá đến nhà. 

Cho đến lúc chú Thi đăng thông báo lên trang Facebook thì trong xóm mới biết mẹ con mình về. Bởi vì xóm làng mình dân thưa thớt, nhà mình lại ở trên dốc, cả ngày không có ai đi qua ngõ ngoài vợ chồng chú Thi, vài năm nay thêm những người đi xem bói. Chị mình dẫn các đường link trên báo cho chú biết chú đã làm sai. Chú xóa hết các bình luận. Mình kết bạn Facebook với chú Thi ba năm rồi nhưng nay là lần đầu tiên tương tác. Chú chặn luôn Facebook mình.

Chú xóm trưởng đã làm sai. Mình muốn nói một cách thật tình cảm, để chú nhận ra điều đó, để hành xử một cách có hiểu biết với những việc khác. Nhưng chú không cho mình cơ hội đó. 

Bạn nói, chuyện vặt ở quê, bỏ qua đi, đấu lý với các ông cấp xóm khác gì đem dao đi giết kiến. 

Mẹ mình cũng nói, thôi đi con ơi, họ làm vậy là đúng rồi đó, phép vua thua lệ làng con ơi.

Mình gọi điện cho ông chủ tịch xã trình bày đầu đuôi sự việc từ lúc về cho đến lúc chị em mình ra khỏi quê. Mình chấp nhận việc mẹ tự cách ly 7 ngày theo yêu cầu của xóm, nhưng yêu cầu họ phải gỡ biển cách ly y tế. Vì mẹ mình không phải F0, F1. Họ không gỡ.

Mình quyết định phải “đấu tranh”.

Mình nhờ một bạn làm báo. Anh bạn mình chỉ hỏi, các anh dựa vào văn bản nào mà làm như vậy. Họ nói những lời thanh minh nghe rất tội nghiệp và tấm biển được gỡ ngay sau cuộc điện thoại kết thúc. Mình nghe mà buồn quá. Tình làng tưởng là nồng thắm năm - sáu mươi năm nay vậy mà thua một cuộc điện thoại của một anh xưng là nhà báo.

Dù sao mình cũng có chút mừng khi chú Thi gỡ tấm biển và sang nhà nói lời thông cảm với mẹ. Mừng vì nghĩ rằng mình đã làm được việc tốt, hy vọng từ đây những ông xóm trưởng bớt đi những việc làm thô thiển. Nhưng đến cuối buổi chiều thì ý nghĩ đó sụp đổ. Tấm biển lại được treo trước cửa một nhà khác, khi nhà đó có người từ Vinh về. Họ gỡ biển ở nhà mình đâu phải vì nhận ra việc đó  sai, chỉ là ngại anh nhà báo.

Vậy là “đấu tranh đến cùng” của mình chẳng có tác dụng gì.

Mình mất công như vậy đâu phải vì chuyện xảy ra với nhà mình.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Sơn Khê, từ Hà Nội - Tháng 11/2021