TRUNG THU NGÀY XƯA VÀ BÂY GIỜ
- Thứ ba - 06/09/2011 08:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Buổi sáng mùa thu trong lành, ngồi ở một quán café nhỏ và yên tĩnh giữa một khu vườn rộng và chợt nghe: tùng rinh rinh cắc tùng rinh rinh. Ngẩn người và vội vàng xem lịch, chỉ còn 2 tuần nữa là Trung thu về rồi.
Quà Trung thu thời bao cấp - Ảnh tư liệu
Dường như mỗi tuổi mỗi khác. Những háo hức ngày xưa giờ nhường chỗ cho những băn khoăn không biết mua bánh hiệu gì biếu khách, mua quà gì cho con nhân ngày Trung thu khi hàng ngày, hàng tuần hay hàng tháng chúng đều có những món quà từ bố mẹ, ông bà, người thân hay đôi khi còn là từ những người bạn của bố mẹ.
Ký ức chợt ùa về. Những trống con, những đầu sư tử, những đèn ông sao lấp lánh trong đếm trăng rằm ở khu tập thể mờ mờ vì điện yếu ngày xưa. Trẻ con ngày ấy đợi Trung thu trước cả tháng. Thu thập hạt bưởi, xiên dây thếp, phơi khô đợi đúng đêm trăng rằm, tẩm tý xăng làm mồi rồi đốt. Khói khét lẹt nhưng nụ cười thì bừng sáng. Đôi khi, lấm lem cả những vệt đen đen trên tay, khẽ quệt lên mặt và đứa nọ nhìn đứa kia phá lên cười – tưởng như chỉ có bạn mới đang là hề.
Trung thu ngày xưa, bánh nướng bánh dẻo chẳng ê hề, chẳng có nhiều sự lựa chọn như bây giờ. Không có bánh trên mẹt nếu chưa đến rằm tháng 8. Khác với bây giờ, chỉ cần thích ăn, thèm ăn hay muốn ăn là có thể chạy ra đầu phố, mang về một chiếc tùy sở thích. Nào là nhân đậu xanh thập cẩm – nào là nhân vi cá – nào là nhân khoai môn trứng mặn hay bây giờ còn có cả những loại dành riêng cho những người ăn chay – những người mỡ máu (chứng bệnh của sự thừa chất). Ngày xưa, chỉ có bánh nhân thập cẩm và bánh chay. Đôi miếng mứt bí, dăm ba vụn thịt, vài sợi dừa bào và đôi chút hạt dưa lột vỏ cùng đôi lát lá chanh thái mỏng, thật nhỏ. Thế mà sao thấy thơm thế, ngon vậy và thèm thuồng khẽ cắn từng miếng, chỉ sợ sẽ hết chẳng còn gì nhâm nhi.
Một cửa hàng Trung thu ở Hà Nội năm 1987- Ảnh tư liệu
Trung thu ngày xưa, có quả bưởi già rám nắng mùa thu xếp cạnh đôi quả hồng ngâm nhiều khi vẫn còn chát. Thêm ba bốn lạng cốm xanh bày trên ban thờ rồi cả nhà quây quần bên nhau chờ lúc trăng lên đỉnh đầu cũng phá cỗ. Người già – bố mẹ ngồi bên nhau ngắm trăng, nhấp ngụm trà xanh, nhẩn nha miếng bánh và chuyện trò rôm rả. Trẻ con tung tăng bên nhau, rước đèn quanh xóm. Đứa nào nhà có điều kiện thì có đầu sư tử, ít hơn có đèn ông sao, ít hơn tý nữa thì có bơ sữa bò đục lỗ, xâu thêm dây thép và một chiếc que, thắp thêm ngọn nến là có thể xách đi tung tăng xóm.
Cả đoàn đến vài chục đứa trẻ đi dọc xóm, hát vang những bài chỉ dành cho Trung thu, cho mùa thu. Nào là: chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu, nào là Tết Trung thu em rước đèn đi chơi… Vài vòng quanh xóm rồi ghé lại sân một nhà nào đó, ngồi nghe người lớn kể chuyện sự tích chú Cuội – nghe xong cả lũ cố nhìn lên mặt trăng và tưởng tượng: chỗ nào có cây đa, chỗ nào có chú Cuội và chỗ nào có chị Hằng. Trăng rằm tháng 8, trong như cái mâm, sáng rõ trên nền trời bởi vì phía dưới không có đèn cao áp, không có đèn pha ô tô hay những ánh đèn điện rõ mồn một. Tuổi thơ ngày ấy, sáng bừng trong đêm chỉ nhờ ánh trăng rằm.
Trung thu thời hiện tại: hàng hóa ê hề - Ảnh: B.H. (“VnExpress”)
Trung thu bây giờ đường phố ồn áo và náo nhiệt. Nhưng là những vội vàng chọn quà đi biếu xén; là ồn ào góc phố vì tiếng còi xe, ánh đèn pha loang loáng. Là những hững hờ với đèn ông sao bởi vì trông rõ là thô kềnh kệch khi xếp cạnh những búp bê Barbie hay siêu nhân Ben 10. Trống cơm e dè nép vào một bên để cho đèn lồng chạy bằng pin, lại còn phát ra nhạc chiếm lĩnh nguyên cả quầy hàng. Đầu sư tử treo cao tít đến khuất cả tầm nhìn vì còn để chỗ cho những mặt nạ nhựa đủ kiểu ăn theo những bộ phim hoạt hình đang thịnh hành trên truyền hình hay những hình thù ma quỷ biến dạng như trong các bộ phim ma của Mỹ.
Đường phố thì vẫn đông, người vẫn đi lại nhưng người trẻ thì ra phố để nhân ngày Trung thu, tụ tập, quậy phá và nô đùa với nhau – chỉ còn những người già ngồi nhà, cố ngước mắt lên tìm ánh trăng rằm nào hắt qua được những tòa nhà cao vút, rọi được xuống những đoạn đường vắng đèn cao áp, thưa người đi lại. Bây giờ, muốn nhìn trăng tròn, muốn thấy ánh trăng dát vàng, có lẽ phải lên núi.
Bóng trăng tròn lướt qua ngọn tre
Trăng lấp lánh ánh vàng xóm quê
Trông trăng thanh sáng ngời, em hát cười
Trăng trông em đang múa hát, trăng cũng cười…
Trăng lấp lánh ánh vàng xóm quê
Trông trăng thanh sáng ngời, em hát cười
Trăng trông em đang múa hát, trăng cũng cười…