THẦY THÂN
- Thứ hai - 02/09/2013 07:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Trong trường là thầy, ra ngoài không được gọi là thầy mà gọi là anh. Nghe rõ chưa?”.
Thầy Thân (thứ ba từ trái sang) ngày gặp lại - Ảnh: Bích Ngọc
Thầy Thân chủ nhiệm lớp K13A (trường Điện ảnh Việt Nam) là người miền Trung, mình không nhớ rõ và chính xác cả họ tên thầy nhưng lại rất nhớ trên tay thầy có vết xăm: 56 hay 57 gì đó.
Buổi học đầu tiên thầy làm cho một tràng dài tiếng miền Trung, rất khó nghe. Cả lớp im phăng phắc không ai nói gì. Đang thuyết trình rất hào hứng thầy dừng lại hỏi:
- Sao cả lớp im lặng vậy?
Mình ngồi ngay bàn đầu vội giơ tay (thói quen từ thời học phổ thông):
- Thưa thầy, bọn em không hiểu thầy nói gì ạ!
Mặt thầy đỏ lựng, hít một hơi dài, thầy nói chậm và to hơn để học sinh hiểu được. Nhưng nhiều khi, quên, thầy lại say sưa giảng như nhanh như tên bắn, và lúc đó, ngồi ngay bàn đầu, cánh tay mình lại giơ lên, và thầy biết, lại nói chậm lại.
Khi đã nghe quen giọng của thầy rồi và cũng đã thân với thầy, một buổi trưa cả hội đang đứng chờ bên ngoài phòng ăn của trường, thì thầy đỗ xịch xe trước mặt hội mình:
- Ngọc, đi với thầy một chút.
Một đứa trong hội trả lời:
- Bọn em chưa ăn thầy ạ!
Chẳng nói chẳng rằng, thầy leo lên phòng riêng ở tầng ba và lôi xuống một cái đài chạy băng cassette to đùng. Nhiệm vụ của mình là ngồi sau xe ôm cái đài đó cho thầy. Trước khi đi thầy dặn:
- Trong trường là thầy, ra ngoài không được gọi là thầy mà gọi là anh. Nghe rõ chưa?
Khà khà, cái này thì khó nha. Khi đến chỗ bạn thầy rồi mình không thể gọi thầy là anh được. Đành cứ im lặng vậy thôi. Đến khi trả mình về ký túc xá, thầy nheo mắt dặn mình:
- Làm thân con gái phải biết từ chối. Không phải ai rủ cũng đi như vừa rồi đâu đấy.
Rồi thầy vừa lắc đầu vừa cười khoái trá. Đúng là thầy thật. Bảo đi với với thầy, tin tưởng là thầy thì mới đi. Đi về rồi lại bị mắng vì tội nhận lời đi.
- Được rồi. Lần sau em sẽ trả lời “không” thầy nhé!
Một lần thi hết môn, bọn mình lên giảng đường sớm, thầy đến chỗ cả hội rồi ân cần hỏi:
- Ôn hết chưa? Còn vướng mắc gì cần hỏi không?
- Không thầy ạ. Trong đầu hết rồi. Cực kỳ tự tin luôn!
Cả hội đồng thanh trả lời.
- Được. Thầy dặn này: nếu mà thầy hỏi thì chỉ được trả lời “có” đấy nhé. Không được trả lời “không” đâu.
- Vâng ạ!
Trong lòng vui sướng vô cùng, không ngờ thầy ưu ái hội mình thế. Hy vọng cả hội đều rơi vào bàn của thầy. Cầu được ước thấy, đến lượt mình thì là thầy và thầy Minh hỏi.
Bốc thăm câu lý thuyết và mình trả lời trôi chảy, hai thầy nhìn nhau gật gù. Đến câu hỏi phụ, thầy Minh định hỏi thì thầy Thân giành lấy, để tôi. Thầy bảo mình vẽ mạch hình cầu. Mình vẽ luôn lập tức, quá đơn giản.
Thầy bảo rằng:
- Giờ tôi đấu cái cầu dao này lại và bỏ cái tụ này đi, mạch có chạy không?
- Ô thế thì đoản mạch rồi còn gì, chạy sao nổi?
Thầy nghiêm mặt:
- Em nên suy nghĩ kỹ trước khi trả lời.
Nhớ lời thầy dặn là chỉ được trả lời “có”, không được nói “không”. Hay đây là cái bẫy cho mình nhỉ? Rõ ràng trong sách trường hợp đó là đoản mạch. Chả nhẽ mình nhầm sao?
Đúng lúc đó thầy Minh đứng dậy lấy cốc nước, mình mạnh dạn trả lời:
- Có thầy ạ!
Khà khà khà, toàn người thầy rung bần bật theo điệu cười. Rồi bỗng im bặt:
- Em bị trừ điểm vì tội nghe lời thầy! Chỉ được trả lời “có” với thầy trong trường hợp khác thôi đấy!
Rồi cái môn An toàn điện nữa chứ. Thầy cũng dạy môn đó, hôm thi lý thuyết mình được 9. Đến hôm thực hành, vào phòng máy rồi thầy bảo mình:
- Ngọc nâng cái đuôi đèn hình của máy lên.
Mình đến gần và chuẩn bị cho tay vào chỗ đuôi đèn hình thì bị giật tung người. Mình hét ầm lên:
- Thầy định giết em à?
Thầy nghiêm mặt:
- Em bị điểm 0 nhé. Lần này thì không oan uổng tí nào. Nguyên tắc trước khi làm là phải kiểm tra xem máy có cắm điện không? Thầy dạy điều đó rồi.
Thầy giáo của mình lạ thế đấy. Ra trường gần hai chục năm rồi, cũng đôi khi gặp lại các thầy cô giáo bộ môn, nhưng riêng thầy chủ nhiệm thì chưa một lần gặp lại. Không hiểu giờ gặp lại, thầy còn nhận ra mình không nhỉ?
Nhớ lắm, những kỷ niệm đã qua không bao giờ trở lại!