Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TÂM SỰ NGÀY MẤT ĐIỆN

(NCTG) “Tiết thu đã đến nhưng oi nực lắm, mất điện mất quạt còn khổ hơn nhiều. Vậy mà cứ phải nghe ông Đoàn Chuẩn than vãn “mùa thu không đến bao giờ” có khổ không cơ chứ”.

Minh họa: Internet

Tôi ghét nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Để nói cho hết: tôi ghét cả Nguyễn Đình Thi, tôi ghét nốt Phong Nhã, và rất nhiều nhạc sĩ khác nữa không thể đủ thì giờ kể hết tên ra đây – vì khu nhà tôi vừa bị cắt điện, tất nhiên không báo trước, mà cục pin đểu của Tàu trong laptop chỉ đủ chạy khoảng 20 phút nữa thôi. Và tôi đặt quyết tâm sẽ viết xong bài này trước khi con người trôi ngược lại vào cõi u mê không Internet.

Thứ nhất: tại sao lại nói chuyện ghét. Chuyện yêu thì ai cũng nói ra rả suốt ngày. Nào là yêu người yêu nghề yêu quê hương yêu thơ phú yêu trăm thứ bà dằn. (Thôi chết, viết là “bà dằn” hay “bà rằn” nhỉ? Từ điển tiếng Việt trên mạng thì không tra được vì mất Internet). Chuyện ghét ít người nói đến, thường cũng không xổ ra giấy mà văng tục chửi một câu cho nhanh. Nhưng tôi, tôi ghét lắm thứ, trong đó có các thành phần nêu ở trên.

Thứ hai: cớ gì ghét ông Đoàn Chuẩn? Thực ra tôi nể và quý ông ấy lắm. Ông là phụ huynh một đứa bạn cùng lớp ở cấp III, có bữa bị thầy chủ nhiệm ép sáng tác một bài để lớp tham dự hội diễn văn nghệ. Tôi không nhớ ca từ, đại khái có câu “con chim nó hót, nó hót trên cành” mà bọn tôi chữa lại thành “nó hót trong quần” đâm ra nhớ lâu. Mà hồi ấy cũng ít ai biết được các bài tiền chiến của Đoàn Chuẩn bị cấm lưu hành nên cũng chỉ nghe nói ông là một nhạc sĩ chung chung, chuyên dạy vỡ lòng ký xướng âm, thi thoảng chơi guitar Hawaii và dương cầm. Cả hai thứ đều là đồ xa xỉ chứ không bình dân như guitar thùng mua đầu ngõ Tô Tịch (toàn sai nhạc) hoặc sáo trúc bán bên hông đền Bà Kiệu (ông khoét sáo bị thong manh nhưng khoét nhanh lắm, khi thu tiền bao giờ cũng thổi thử và tặng khách hàng bài “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”).

Thứ ba: (giời ơi nhanh nhanh kẻo hết pin) các ông Nguyễn Đình Thi và Phong Nhã thì tội vạ gì? Vâng, xin đáp ngay. Nhà tôi ở vào địa thế thuận lợi và nghe được loa của ba phường. Tôi đoán các phường được phát vài cái CD để lên sóng cho dân nghe, song người điều hành vốn lười nên sau khi đọc qua quýt tin tiêm chủng chó mèo hay gọi vệ sinh đường phố thì đút cái CD vào cho nó tự hát đến hết giờ. Thường là mỗi đĩa chạy chừng 4 tuần liền, không bị thay. Vậy là từ đầu tháng đến giờ, sáng sáng sáng sáng sáng nào tôi cũng được hay bị nghe “Gửi gió cho mây ngàn bay” từ phía Đông Bắc vọng lại. Phía Tây là rầm rập bài “Người Hà Nội”, còn từ đâu đó văng vẳng tiếng gọi da diết đau thương anh Kim Đồng ơi, anh Kim Đồng ơi, khi anh qua đời, khi anh qua đời....

Kể ra mấy bài này nghe không dở, nhưng khổ nhất là ba bài bị phát cùng lúc, đè lên nhau, kèn cựa nhau, lấn át nhau, tùy hướng gió mà trầm bổng xa gần, câu được câu mất. Tiết thu đã đến nhưng oi nực lắm, mất điện mất quạt còn khổ hơn nhiều. Vậy mà cứ phải nghe ông Đoàn Chuẩn than vãn “mùa thu không đến bao giờ” có khổ không cơ chứ. Hy vọng trời thu mát mẻ thế là tiêu tan. Trong lúc đó Nguyễn Đình Thi vẫn ngoan cường ca ngợi “Hà Nội cháy, khói lửa ngợp trời”. Giời ơi, nóng quá, khói lửa làm gì. Tôi cúi xuống bóp ống đồng còn ê ẩm bị ngã xe đạp tuần truớc. Vừa tập tễnh đứng dậy kiếm lọ dầu gió để bóp thì nghe tiếp “đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng” của ông Phong Nhã. Rồi lại “anh vẫn đi” nữa chứ. Ai đi? Tôi thì không đi được là chắc. À, anh Kim Đồng vẫn đi. Khổ quá, ba đài cùng lúc thì nghe rõ lời làm sao được. Ô tô xe máy ngoài đường chẳng đủ đinh tai nhức óc hay sao mà còn cứ “đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng”?

(Thôi chết, pin sắp cạn rồi). Giời ơi là giời, mấy bài thơ lục bát của báo “Khoa học và Tổ quốc” đặt, tôi viết xong rồi nhưng không có Internet thì gửi làm sao đây. Thôi, đạp xe đến tòa soạn nộp vậy. Chưa đi đã hình dung ra khuôn mặt khó đăm đăm của cô thư ký tòa soạn (“Bố già âm lịch này không biết gõ máy tính, lại bắt mình phải chép lại đây”). Anh Kim Đồng ơi, anh sống khôn chết thiêng, cho Người Hà Nội này xin ít điện để làm việc và quạt mát đi, còn nếu thủy điện Hòa Bình thiếu nước thì anh cho xin vài ngọn gió hây hây Cho Mây Ngàn Bay vậy... (tiên sư khỉ, hết pin rồi, giời ơi là giời).

Tác giả bài viết: Lê Quang, từ Hà Nội