Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SUY TƯ NHÂN MÙA KHAI TRƯỜNG

(NCTG) “Trong khi đợi có điều gì đó lớn lao xảy ra để thay đổi phương pháp của chương trình giáo dục chính thống, chính bố mẹ nên là người tiên phong giảm áp lực cho con. Và để giảm áp lực cho con thì chính bố mẹ phải tự thoát ra khỏi cái áp lực ấy lên chính mình.”

Áp lực học thêm đến với nhiều trẻ em ngay từ cấp tiểu học - Ảnh: Hồng Vĩnh (“Tiền Phong”)

Cuối tuần, tôi rủ chị bạn đi shopping thì chị bảo không đi được vì phải đưa con gái đi luyện viết chữ đẹp chuẩn bị vào lớp 1, rồi đưa con trai đi học lớp kỹ năng sống.

Mấy cô bạn thân đều có con sắp đi học lớp 1, cô nào cũng than thở tối đi làm về đã mệt lại phải ngồi trông con tập viết, chưa đi học chính thức mà cô giáo đã bắt về nhà phải viết 4 trang giấy ô ly, mỏi rã rời cả tay. Sáng ngày ra con phải dạy sớm từ 6 giờ để chuẩn bị ăn uống, đi học cho khỏi tắc đường, người bé mà đeo cái cặp ít nhất là 2 cân, đủ loại sách vở. Bọn trẻ vừa ngồi xe vừa ngủ gật trên đường.

Vào lớp 1 là để học cho biết đọc biết viết hay vào lớp 1 là để xem ai đã viết giỏi viết tốt? Ai đã biết đọc thành thạo? Tôi cũng chẳng hiểu nữa, chỉ biết giờ này đi học mà chưa biết đọc biết viết thì coi như là kém cỏi, tụt hậu so với các bạn. Vì thế cực chẳng đã, bố mẹ phải ép con học cho bằng bạn bằng bè.

Trẻ con mới 6 tuổi, tuổi ăn tuổi chơi mà đã phải lao đầu vào học. Học quên cả chơi, ban ngày đi học bán trú, tối về làm bài tập, cuối tuần lại học thêm năng khiếu, ngoại ngữ, căng thẳng chẳng kém gì người lớn. Có hôm đang mãi lướt nét, chị bạn nhắn tin “em vào Yahoo chat ngay chị nhờ tí, có việc gấp lắm”. Tôi vội vàng vào chat, thì hóa ra chị nhờ giải gấp mấy bài toán cho thằng con lớp 2.

Đời thủa nhà ai, có một tối mà cô giao về nhà 10 bài toán đố kiểu như đánh đố cả bố mẹ học sinh, bố đi vắng, mẹ giải mãi không được, phải nhờ tôi, tôi lập tức lấy bút, giấy, cả mẹ tôi nữa, bò ra giường để giải mà mãi chưa xong. Sau đó tôi vội post lên Facebook, nhờ cậu bạn đang làm việc tại London, là cựu sinh viên Bách khoa cũng lao vào để giải, người lớn thì đã quên cách làm của trẻ con, thành ra loay hoay mãi mới xong. Nghĩ lại mà cười ra nước mắt cái vụ giải cứu Toán lớp 2 đó.

Học thì đã nặng, nhưng bố mẹ còn phải lo thêm khoản chạy trường, chạy lớp. Nghe nói trường này trường kia là trường điểm, chất lượng tốt lắm nên nhà nào cũng cố lo cho con vào. Bắt đầu là nhờ vả các mối quan hệ, khi có đầu mối rồi thì phải có tiền - bạn bè tôi có người đã phải trả đến 1.600 đô-la Mỹ để con được vào một trường tiểu học công lập có tiếng tại một quận nọ.

Còn hộ khẩu trái tuyến mà muốn học trường gần nhà, dù không tên tuổi gì cũng mất ít nhất là 5 triệu VND. Trường càng điểm, càng có tiếng thì càng đông người xin vào, vì thế mà tiền lo chạy cũng tăng dần lên. Nếu không lo chạy trường thì con bạn phải khá xuất sắc để thi vào các trường tư thục có chất lượng cao. Trường tư thục thì không mất tiền để vào trường, nhưng lại xét đầu vào.

Học sinh phải trải qua các bài sát hạch chỉ số IQ, kỹ năng phân tích, suy nghĩ lô-gich, kiểm tra thể lực, v.v… Những trường này lại có mức học phí khá cao, nếu bố mẹ thu nhập bình dân thì khó mà kham nổi. Trường tư thì có ưu điểm là ít học sinh, còn trường công thì có lớp lên đến trên… 60 học sinh. Thử tưởng tượng một cô giáo mà giảng bài cho hơn 60 học sinh ngồi kín lớp, lại ở tuổi hiếu động như vậy thì chất lượng dạy và học sẽ thế nào?

Học chưa đủ, thời buổi này con người phải biết đàn ca sáo nhị, phải biết đánh võ, phải biết ngoại ngữ, phải biết vẽ vời cho tâm hồn phong phú chứ? Thế là các bố mẹ lại tiếp tục nhồi con vào các lớp năng khiếu vào cuối tuần. Cả tuần có 7 ngày thì hầu như là học và ngồi sau xe máy bố mẹ chở đi học. Đến người lớn cũng chóng cả mặt, ù cả tai, chưa nói gì đến các con.

Tôi biết trong số bạn bè tôi, nhiều người rất cố gắng để giảm tối đa áp lực học hành cho con. Nhưng nhà trường và cô giáo lại không tha, nếu như cứ cho 10 bài tập về nhà và viết 4 trang ô ly như trên. Tại sao họ phải ép học sinh học nhiều như vậy? Số lượng kiến thức phải hợp lý với thể trạng và tâm lý của trẻ chứ?

Tôi không muốn so sánh hệ thống giáo dục ở Việt Nam và hệ thống giáo dục nước ngoài, vì lại bị cho là so sánh khập khiễng, điều kiện của ta còn khó khăn, làm sao đua theo được, v.v… Tuy nhiên, những ví dụ tôi nêu ra sau đây hoàn toàn là những điều chúng ta có thể làm được. Khi chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học, học sinh cần được chuẩn bị về tâm lý, kiến thức, nhưng chuẩn bị thế nào thì nhà trường và cha mẹ phải hiểu rất rõ và thực hiện đúng.


Khi học hành không còn là gánh nặng, mà còn là niềm vui với trẻ em: thời khóa biểu được trình bày tươi vui trên tường một lớp 7 tại một “trường điểm” của Hungary - Ảnh: Trần Lê


Cách học ở mầm non là vừa học vừa chơi, vì thế khi chuyển giao sang tiểu học, thầy cô và cha mẹ phải thực hiện một cách từ từ, để cho trẻ không bị sốc và quá tải. Phải tạo tâm lý thích thú đi học, đi học là niềm vui mỗi ngày thì trẻ mới có thể tiếp thu tốt các kiến thức mới và ở cấp độ khó hơn.

Ở chương trình tiểu học trường quốc tế, những buổi đầu tiên học sinh chủ yếu làm quen với thầy cô và bạn bè, giới thiệu bản thân, tập viết tên mình, tập các nề nếp, nội quy của lớp. Họ cũng cho trẻ làm quen với chữ cái, nhưng bằng những cách thân thiện như tô vẽ các chữ cái, trang trí thành một bức tranh chẳng hạn.

Riêng bài tập về nhà mỗi hôm không dành quá 30 phút, chỉ là làm vài phép toán đơn giản, hay viết vài từ vào chỗ trống, hay bố mẹ chỉ cần đọc cho con một cuốn sách là xong. Đặc biệt, chương trình của một số trường theo hệ thống giáo dục Âu Mỹ không sử dụng sách giáo khoa như của ta, chỉ có một chương trình khung theo chuẩn - các thầy cô tự soạn, lựa chọn từ các nguồn sách, tài liệu để làm sao học sinh đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn kiến thức của năm học đó là được.

Như thế, bài học trên lớp hay về nhà thường dưới dạng handout (tờ phát tay), vì thế tránh được tình trạng cặp sách nặng trĩu đủ loại sách vở. Các cô giáo Việt Nam vẫn hay nói, chỉ sau 2 tháng là các cháu đều biết đọc biết viết, vậy tại sao phải tạo áp lực nặng nề đến thế cho học sinh? Ngay cả việc tập viết, tôi nghĩ chỉ cần tập cho các cháu viết thẳng hàng, sạch sẽ, đều chữ là được.

Có cần thiết phải viết đúng từng nét uốn cong, chữ nghiêng chữ thẳng đúng theo mẫu, mà để viết được như thế, các cháu phải viết rất lâu, mỏi tay, mỏi lưng, mỏi mắt, bảo làm sao tỉ lệ học sinh cận thị ngày một tăng cao. Suy cho cùng, chữ viết đẹp liệu có đi cùng với sự cẩn thận, nhanh nhẹn, thông minh, hay thành công trong việc học tập sau này hay không? Tôi dám chắc không có cô giáo nào dám khẳng định như khẩu hiệu “Nét chữ, nết người” mà trường nào cũng hô hào.

Tôi chỉ nghĩ, việc học là việc của cả đời, những năm đầu đời là vô cùng quan trọng để chúng ta hình thành thái độ của trẻ đối với việc học tập. Trẻ vui, thoải mái, học vừa đủ kiến thức, có ý thực tự giác học tập thì sẽ tốt hơn rất nhiều là học để đối phó, học chỉ lấy thành tích học sinh tiên tiến, học sinh giỏi mà quên đi các kỹ năng khác như sống tự tin, tự lập, tự giác, hòa đồng và lạc quan.

Trong khi đợi có điều gì đó lớn lao xảy ra để thay đổi phương pháp của chương trình giáo dục chính thống, chính bố mẹ nên là người tiên phong giảm áp lực cho con. Và để giảm áp lực cho con thì chính bố mẹ phải tự thoát ra khỏi cái áp lực ấy lên chính mình.

Mong một năm học mới sẽ đến nhẹ nhàng hơn với các con của chúng ta!

Tác giả bài viết: Mai Quỳnh Anh, từ Hà Nội