SAVOIR-VIVRE: NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP (3)
- Thứ sáu - 09/02/2007 21:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Loạt bài viết sau đây của Phạm Minh Trang về nghệ thuật giao tiếp (savoir-vivre) sẽ rất hữu ích đối với mỗi chúng ta trong những năm tháng sống bên trời Âu. Tuy nhiên, người viết có lưu ý rằng những qui tắc về savoir-vivre xuất phát từ mong muốn biểu lộ sự tôn trọng đối với người khác và làm cho cuộc sống trở nên thân thiện dễ chịu hơn. Bởi vậy, thiếu sự tôn trọng chân thành xuất phát từ nội tâm thì tất cả những quy tắc này sẽ chỉ còn là sự màu mè giả tạo, rườm rà vô nghĩa. (BBT)
* BẮT TAY
Bắt tay khi chào hỏi là một cử chỉ thường gặp nhất và đã trở nên quá quen thuộc đối với chúng ta. Tuy nhiên, cái bắt tay có thể biểu lộ nhiều điều. Để biểu lộ sự thân thiện và lòng kính trọng với người đối diện, chúng ta nên đưa cả bàn tay ra bắt với một cái siết nhẹ có sinh khí, đồng thời nhìn vào mặt đối phương và mỉm cười. Không nên đưa tay hờ hững hay siết tay quá chặt, cầm tay người kia lắc quá mạnh, lúc bắt tay mắt lại nhìn đi chỗ khác, tay kia còn đút túi hay cầm thuốc lá.
Nguyên tắc là khi bắt tay, phụ nữ đưa tay cho nam giới bắt, người già đưa tay cho người trẻ, cấp trên đưa tay cho cấp dưới. Phụ nữ khi bắt tay nam giới không nên đưa tay cao quá. Nếu người phụ nữ đưa tay hơi cao và lòng bàn tay úp xuống, có nghĩa là muốn được hôn tay.
Khi bắt tay, không nên để tay kia trong túi quần
Khi hai cặp nam nữ gặp nhau, hai người phụ nữ bắt tay nhau trước, sau đó hai người phụ nữ bắt tay hai người đàn ông, rồi cuối cùng mới là hai người đàn ông bắt tay nhau. Khi gặp một người quen trong bàn tiệc, chúng ta không nên vươn tay qua bàn để bắt tay mà chỉ cần gật đầu chào là đủ. Nếu thực sự muốn bắt tay thì nên đi vòng qua bàn đến bên người đó để làm việc này.
Khi bắt tay, nam giới phải bỏ găng tay ra. Đối với phụ nữ thì điều này không bắt buộc.
* CÚI CHÀO
Cúi chào cũng là một cử chỉ chào hỏi thường gặp ở các nước phương Tây. Động tác cúi chào phải biểu lộ sự ấm áp, tôn trọng, chân thành. Người đàn ông khi cúi chào khẽ nghiêng mình, bỏ mũ, nếu đang hút thuốc thì bỏ thuốc ra khỏi miệng, không đút tay vào túi quần khi cúi chào. Phụ nữ cúi chào bằng cách gật đầu nhẹ kèm một nụ cười và không cần bỏ mũ.
Thế hệ đứng tuổi vẫn thường giữ cách chào "kinh điển"
Nam giới cúi chào phụ nữ trước, người trẻ cúi chào người già, cấp dưới cúi chào cấp trên, sinh viên cúi chào giáo sư.
* GIỚI THIỆU
Khi giới thiệu hai người chưa quen biết, cần giới thiệu rõ họ tên, nghề nghiệp. Sẽ là rất mất lịch sự nếu khi giới thiệu mà phát âm sai tên. Nếu cần thiết, chúng ta có thể giới thiệu thêm chức danh hoặc học hàm, học vị.
Giới thiệu nam giới với phụ nữ, người trẻ với người già, cấp dưới với cấp trên, giới thiệu khách mới đến với những người đã có mặt. Nếu có một người đi riêng lẻ và một cặp vợ chồng, thì bất kể người đó là nam hay nữ cũng phải giới thiệu người đó với cặp vợ chồng. Nếu là hai cặp vợ chồng, thì giới thiệu cặp trẻ hơn với cặp già hơn.
Người được giới thiệu nếu đang ngồi thì phải đứng lên. Phụ nữ có thể làm động tác này một cách tượng trưng.
Khi giới thiệu nam giới với một người phụ nữ đang ngồi, người phụ nữ không phải đứng dậy, chỉ cần đưa tay ra cho người đàn ông.
* PHÉP LỊCH SỰ NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ
Khi lên tàu xe, nam giới để phụ nữ lên trước, nam giới theo sau và giúp phụ nữ ngồi vào chỗ. Khi xuống, nam giới đi trước dẫn đường và giúp phụ nữ bước xuống. Nếu tàu xe quá đông, chúng ta không nên câu nệ mà nên tìm cách lên xuống một cách nhanh nhất để tránh làm phiền đến người khác. Trên tàu điện, xe buýt, chúng ta nên nhường chỗ cho người tàn tật, người già, trẻ em và phụ nữ.
Bao giờ cũng phải đợi cho mọi người xuống hết rồi mới đến lượt chúng ta bước lên tàu xe. Không chỉ đối với các phương tiện công cộng, mà ở bất cứ đâu những người đi ra cũng có quyền ưu tiên hơn người đi vào. Ví dụ khi vào cửa hàng hay thang máy, chúng ta phải nhường cho những người đi ra trước.
Trên nguyên tắc, phụ nữ đi ở phía bên phải của nam giới, tuy nhiên quyền lựa chọn (đi bên nào) thuộc về "phái yếu"
Khi đi trên vỉa hè, phụ nữ đi phía bên phải của nam giới. Nếu là một nhóm 3 người, thì chỗ ở giữa được coi là chỗ được ưu tiên nhất. Ngoại lệ là khi hai phụ nữ đi cùng một nam giới, thì người nam đi ở giữa để có thể bảo vệ được cho cả hai người. Nếu là nhóm đông thì không dàn hàng bốn, hàng năm mà phải chia ra thành từng nhóm 2-3 người một.
Khi đi taxi, nam giới mở cửa xe cho phụ nữ lên trước, rồi lên sau và ngồi cạnh người phụ nữ ở ghế sau. Lúc xuống xe, nam giới xuống trước mở cửa và giúp phụ nữ bước xuống. Khi ngồi vào xe, người phụ nữ ngồi nghiêng xuống ghế xe trước rồi mới rút hai chân lên xe và xoay người sang trái để ngồi cho thẳng, nếu mặc váy thì dùng tay phải giữ váy. Khi xuống xe, người phụ nữ xoay người sang phải, đưa hai chân ra khỏi xe và đứng lên, dùng tay trái để giữ váy. Lúc này người nam dùng tay phải giữ chắc cửa xe và đưa tay trái ra để giúp người phụ nữ đứng lên.
Nếu đi xe riêng, người lái xe được coi là người chủ, những người trên xe là khách. Người lái xe chịu trách nhiệm về an toàn và sự thoải mái của mọi người. Những người đi trên xe không nên hướng dẫn, chỉ trích hay kêu ca về trình độ lái xe của người lái, không nên hét lên để „báo động”. Trong trường hợp người lái xe là chủ thì chỗ ngồi danh dự nhất trong xe là ghế trước bên phải, cạnh lái xe. Tiếp theo là chỗ bên phải ghế sau, rồi đến chỗ bên trái của ghế sau và cuối cùng là chỗ giữa của ghế sau.
Nhưng trong các cuộc tiếp đón chính thức hoặc khi người chủ không lái xe thì chỗ ngồi danh dự nhất là phía bên phải của ghế sau, thứ hai là phía bên trái của ghế sau, thứ ba là chỗ giữa của ghế sau và cuối cùng là ghế trước bên trái cạnh lái xe.
(*) Một tư liệu khá hữu dụng và tương đối đầy đủ về văn hóa cư xử, là bài viết của bà Balázs Béláné, giáo viên trường Trung học Chuyên nghiệp Kinh tế Noslopy Gáspár (Kaposvár), mà độc giả thạo tiếng Hung có thể tham khảo tại địa chỉ sau. Các hình minh họa được trích từ bài viết trên (NCTG)