Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


RƠI GIẤY TỜ

(NCTG) “Phải tìm cho ra đứa nào ăn cắp ví. Chắc chắn là người trong ngõ này và có bán hàng ở chợ. Chắc chắn mất ví ở chợ rồi, chỉ có móc chứ không thể rơi được”.

Minh họa: Internet

Trưa qua chị hàng xóm đến nhờ mình đánh máy cho tờ giấy thông báo rơi giấy tờ. Chị nói chị bị mất cái ví từ lúc nào không rõ, bây giờ mới phát hiện ra nên cũng không biết là mất ở đâu, thôi thì cứ làm mấy chục tờ thông báo thế này, dán một số trong ngõ nhà mình, một số ngoài chợ và một số ở cơ quan là những nơi chị đã lui tới, hy vọng mong manh là sẽ có người mang trả lại mình.

Mình cũng hỏi thăm về số tiền trong ví, chị nói có mấy triệu, nhưng cái chị cần lúc này là toàn bộ giấy tờ của chị - bằng lái, chứng minh thư, đăng ký xe máy, thẻ ATM, bảo hiểm y tế… - còn tiền chị chấp nhận mất chứ đống giấy tờ kia giờ đi làm lại cũng vỡ mặt.

Mình làm xong tờ thông báo, sau mọi thông tin cần thiết in phía trên tờ giấy, chị nhắc mình dòng cuối cùng in thật to: “Tôi xin cảm ơn và hậu tạ!”.

Mình in cho chị cũng phải đến hai chục tờ, rồi chị cảm ơn và đi về. Chiều về rẽ vào chợ mua thức ăn, thấy sản phẩm của mình được dán từ cổng chợ cho đến tận hàng tôm cá tít sâu trong chợ. Đến gần đường lớn nhà mình cũng lại thấy thông báo được dán tít từ ngoài đường lớn vào đến tận ngõ nhà mình. Dừng xe trước cổng nhà thì thấy bờ tường đối diện cũng có dán một tờ như thế.

- Khiếp thật, thiên la địa võng kinh quá!

Mình nói với chị hàng xóm khi chị thò đầu ra chào lúc thấy mình đỗ xe ở cổng. Mình cũng hỏi chị xem đã có tin tức gì chưa, chị đáp chưa nhưng vẫn hy vọng.

Sáng nay, sớm lắm, mình vừa dậy đã nghe thấy ồn ào ngoài ngõ, thò đầu ra thấy trước cửa nhà chị hàng xóm có mấy người đi tập thể dục buổi sáng về đứng đó, đang nói ra nói vào cùng chị.

- Chắc chắn người ăn cắp trong ngõ nhà mình rồi. Không thể ở nơi khác được.

- Đúng là người ngõ mình, thì mới biết nhà chị ấy ở đâu chứ?

Mình cũng mon men chạy ra hóng hớt xem chuyện gì, thì ra vừa nãy mấy bác đi tập thể dục về qua cổng nhà chị hàng xóm, thấy có cái ví để trước cửa mới gọi chị ra nhận, vậy là ai đó nhặt được chiếc ví đã để trả lại chị nhưng chỉ đặt trước cổng thôi. Mọi người cùng chị kiểm tra ví, giấy tờ còn nguyên nhưng tiền thì không còn đồng nào. Mình bảo chị:

- Thế là may rồi, tìm lại được giấy tờ là may rồi, khao đi thôi.

Đám đông vẫn đang bàn tán xôn xao lắm:

- Khao gì mà khao, phải tìm cho ra đứa nào ăn cắp ví. Chắc chắn là người trong ngõ này và có bán hàng ở chợ. Chắc chắn mất ví ở chợ rồi, chỉ có móc chứ không thể rơi được.

- Đúng rồi, giờ thấy dán giấy tìm nên đặt ví ở cổng cho mà nhận.

- Nhất định người ngõ này mới đặt ở đây, ngõ ngoài họ vào đây làm gì?

Cứ như thế, những người trong ngõ bán hàng ở chợ được lôi ra bình luận, phân tích, mổ xẻ để xem ai là thủ phạm vụ trộm. Mỗi người một câu, mỗi người một ý vẫn chưa ra đâu vào đâu thì một chị nhà cuối ngõ đi giao đậu về tới nơi, thấy mọi người đứng đông đúc chị dừng xe tươi cười hỏi:

- Đúng ví của em không?

Chị hàng xóm nhìn chị đưa đậu gật đầu:

- Vâng, đúng ví của em ạ.

Chị đưa đậu vẫn xởi lởi:

- Sáng sớm đi đổ rác thấy cái ví này ở chân thùng rác - chị hất ngược tay ra phía ngoài, nơi để thùng rác công cộng - thấy em báo mất ví nên chị nhặt về để cửa nhà em, vội nên chị cũng chưa mở ra xem có phải của em không. Đúng là may rồi! Chúc mừng em, chị phải về đưa chuyến nữa đây cho kịp người ta bán hàng.

Chị đi rồi, đám đông im một lúc rồi lại ồn ào lên:

- Chả tin!

Lại mỗi người một câu, mỗi người một ý, ai cũng phân tích lập luận hệt như quan tòa. Mình quay vào thấy con trai đứng ở cửa, nó bảo:

- Thế lần sau nhìn thấy ví rơi thì miễn nhặt mẹ nhỉ?

Tác giả bài viết: Bích Ngọc, từ Hà Nội