Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG (2)

(NCTG) “Một phần trăm là quà tặng cuộc sống mang đến. Còn chín mươi chín phần trăm là cách bạn biến cuộc sống thành quà tặng cho chính mình.”

SHMILY

Ông bà tôi đã kết hôn được gần nửa thế kỷ, và hai người chơi một trò chơi đặc biệt của riêng họ từ khi gặp nhau lần đầu tiên.

Mục đích trò chơi ấy là viết từ “shmily” ở những nơi bất ngờ nhất để người kia có thể nhìn thấy. Họ thay nhau đặt những từ “shmily” ở khắp căn nhà và ngay khi một người tìm ra, thì đến lượt người ấy đặt lại một lần nữa.

Họ đã vội vàng vạch từ “shmily” bằng những ngón tay ở giữa lọ đường và thùng bột để đợi khi người kia đang chuẩn bị làm bữa tối.

Họ để từ ấy bị thấm đẫm bởi những giọt sương ở trên những ô cửa sổ nhìn ra phía đầu hè, nơi bà tôi thường cho chúng tôi ăn những chiếc bánh pút-đinh tự làm vẫn còn ấm màu xanh.

“Shmily” được viết trên đám hơi nước đọng trên gương sau khi tắm, nơi nó có thể hiện lên sau mỗi lần tắm. Có lần, bà tôi còn mở ra cuộn giấy vệ sinh và viết chữ “shmily” vào trang cuối cùng của nó.

“Shmily” có thể hiện ra ở bất cứ đâu. Là một dòng chữ nhỏ được viết vội được tìm thấy trên những chiếc chắn bùn hay trên ghế ngồi của xe, hay ghi lại trên bánh xe.

Những chữ đó còn được đặt vào trong giày hay dưới gối. “Shmily” được viết ở những làn bụi trên mặt lò sưởi hay trên đống tro tàn trên đống lửa. Từ bí mật này giống như những đồ đạc, là một phần trong ngôi nhà của ông bà tôi.

Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới thực sự hiểu được và thích thú với trò chơi của ông bà. Tôi luôn luôn hoài nghi về sự tồn tại của một tình yêu đích thực, một tình yêu lãng mạn và dài lâu.

Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghi ngờ mối quan hệ giữa ông bà. Họ đã yêu nhau từ những thứ nhỏ nhất. Nó lớn hơn cả những trò chơi nhỏ trong tình yêu của họ; đó là một cách sống. Mối quan hệ của ông bà tôi đã dựa trên sự cống hiến và sự yêu thương tha thiết, một thứ mà không phải ai cũng may mắn có được.

Ông và Bà nắm tay nhau bất cứ lúc nào họ có thể. Họ hôn nhau khi họ đụng vào nhau trong chiếc bếp nhỏ xíu. Họ có thể nói tiếp câu nói của người kia và cùng nhau làm những ô chữ - cũng như sắp xếp chữ - hàng ngày. Bà tôi thường nói nhỏ với tôi là ông thật quyến rũ biết bao, thật đẹp trai dù ông ngày càng già. Bà khẳng định là bà thực sự biết “làm cách nào để chọn được những điều đó”. Trước mỗi bữa ăn họ thường cúi đầu và nói lời cảm ơn, thật kỳ diệu với những lời chúc phúc của họ: một gia đình tuyệt vời, sự may mắn, và có được nhau.

Nhưng, có một làn mây đen đã che phủ lên cuộc đời của ông bà tôi: bà tôi bị ung thư vú.

Bà tôi mắc phải căn bệnh này từ mười năm trước. Như bình thường, ông luôn luôn ở bên cạnh bà mọi lúc mọi nơi. Ông luôn luôn vỗ về bà trong căn phòng màu vàng. Căn phòng được sơn thế vì như vậy bà có thể luôn luôn được bao quanh bởi ánh nắng mặt trời, thậm chí khi bà quá ốm không ra ngoài được.

Giờ đây, căn bệnh ung thư lại khiến cho toàn cơ thể bà bị đau. Với một cây gậy và bàn tay vững chãi của ông, họ vẫn cùng nhau đến nhà thờ mỗi buổi sáng. Nhưng bà tôi ngày càng yếu đi cho đến khi, cuối cùng, bà không thể rời khỏi căn nhà thêm nữa.

Trong lúc đó, ông tôi vẫn đến nhà thờ một mình, ông cầu nguyện Chúa che chở cho người vợ của ông. Nhưng rồi một ngày, điều tất cả chúng tôi đều lo lắng cũng đến. Bà đã ra đi.

“Shmily”. Chứ đó được viết bằng màu vàng trên chiếc ruy-băng màu hồng ở những bó hoa trong lễ tang của bà. Khi đám đông thưa dần và chỉ còn những người cuối cùng còn lại, các cô dì tôi, các chú bác tôi, các anh em họ và những thành viên khác của gia đình tới tập trung bên bà một lần cuối. Ông tôi đã bước đến quan tài của bà, và với giọng run run, ông cất tiếng hát, dành cho bà.

Qua những giọt nước mắt và nỗi buồn vô tận, bài hát vang lên, một bài hát ru sâu lắng và khàn khàn. Với nỗi đau của riêng mình, tôi cũng không bao giờ có thể quên được khoảnh khắc ấy. Bởi vì tôi biết rằng, cho dù tôi không thể đo được tình yêu bao la của họ, nhưng tôi cũng đã có được một đặc ân khi được chứng kiến vẻ đẹp không gì sánh nổi của nó.

SHMILY = See How Much I Love You: Hãy xem anh (em) yêu em (anh) nhiều như thế nào.

(Khuyết danh)

NHỮNG BỨC THƯ TÌNH

Mùa Giáng sinh năm đó, tôi cùng chồng và hai con gái cùng tới Spencer (West Virginia) thăm bố mẹ tôi. Trong chuyến đi ấy, tôi quyết định sẽ xem xét cẩn thận gác mái trong ngôi nhà. Bố mẹ tôi sống trong ngôi nhà trên núi từ năm 1953, vì vậy kiểm tra gác mái là một chuyến đi trở về những dòng ký ức của riêng tôi.

Tôi kéo những cầu thang gập xuống và trèo lên chiếc thang di động đó lên tầng thứ ba đầy bụi, lạnh lẽo với sàn gỗ đã mục. Tôi nhìn quanh và nhận thấy một chiếc giỏ có nắp rất cũ kỹ có hình dạng giống như thùng rượu ở trong góc. Tôi nhớ hình như chiếc giỏ ấy chứa đầy những bức thư đã cũ mà bố mẹ tôi đã viết cho nhau từ hồi Đệ nhị Thế chiến. Tôi mở nắp chiếc giỏ ra và ở đó, những bức thư chất thành đống cao, đã nhạt phai nhiều và bụi phủ do không ai đụng đến chúng từ khi bị quăng lên đây.

Thật đáng tiếc nếu như cứ để chúng như thế này. Tôi quyết định đọc và sắp xếp những bức thư theo ngày tháng, rồi tôi hỏi bố mẹ cho tôi mang chúng về nhà tôi ở Illinois. Bố mẹ tôi đồng ý và ngay sau khi trở về nhà, tôi bắt đầu một kế hoạch nho nhỏ của tôi. Kho tôi mở mỗi bức thư, tất cả đều đã phai dần theo thời gian, tôi nhận ra mọt trang mới mà trước kia tôi chưa từng nhận ra trong những chương riêng tư của cuộc đời bố mẹ.

Trong quân ngũ, bố tôi có quân hàm trung úy thứ nhất, thuộc đơn vị bộ binh 117, sư đoàn 30. Thư của ông đầy thông tin về những chiến tuyến mà ông đã đi qua, như việc đến bờ biển Omaha, và họ tiếp tục tiến lên chiếm lợi thế trong trận chiến. Ông viết về những điều thường nhật, với người dân, với tù binh Đức, người tị nạn, những hố cá nhân, mũ sắt và nhiều thứ nữa. Tôi bị lôi cuốn theo những bức thư như nam châm vậy. Mỗi bức thư của mẹ tôi đều được đóng dấu bằng một nụ hôn của bà với màu son môi đỏ tươi năm 1944. Bố viết rằng ông cũng đã hôn lên những dấu môi đó của mẹ trên bức thư. Tôi nghĩ chắc là họ phải nhớ nhau nhiều lắm! Những bức thư đều đặn này đã lấp vào những chỗ trống trong cuộc sống cô đơn và bị chia cắt bởi chiến tranh.

Tôi đọc xong những bức thư viết trong 6 tháng và nhận ra rằng ít nhất là còn 11 tháng nữa không thấy thư đâu cả. Vậy thì chúng ở đâu nhỉ? Mẹ tôi không nhớ chính xác là chúng ở đâu, bà nói, có lẽ mẹ đã để lại chúng trong ngôi nhà thời thơ ấu của mẹ; bà đã sống ở đó với bà ngoại khi bố ra nước ngoài. Nếu vậy thì có nghĩa là chúng đã mất đi mãi mãi.

Chỉ 6 tuần sau ngày Giáng sinh, trở về nhà, bố tôi ốm rất nặng và phải đưa ông vào viện. Lần này, ông phải đương đầu với một cuộc chiến khác. Một đơn thuốc cho chứng viêm khớp được kê ra cho trường hợp của bố, và nó gần như đã hủy hoại ông. Ông đã bị thẩm tách thận khi tôi quyết định bay về West Virginia thăm ông. Và khi tôi ngồi bên cạnh giường của bố, chúng tôi đã nói về những bức thư. Ông nói với tôi rằng, trong cảnh xa nhà như thế, nhận được thư với những nụ hôn đầy son môi có ý nghĩa với ông nhiều như thế nào.

Khi đi, tự nhiên tôi thoáng nghĩ trong đầu rằng hôm sau là ngày Valentine. Nhưng tôi nhanh chóng gạt bỏ ý nghĩ này. Bố tôi không ở trong tình trạng để có thể đi mua quà tặng cho ngày Lễ Tình nhân. Bố mẹ tôi đã kết hôn được 56 năm rồi. Mẹ tôi sẽ hiểu rằng năm nay, ngày Lễ Tình nhân của bà cần phải bỏ qua.

Đêm hôm đó, mẹ tôi và tôi quay lại gác mái để tìm những bức thư bị mất. “Có thể chúng ở trong va-li cũ hồi học đại học của mẹ”, mẹ tôi nói trong khi bà tìm những chiếc chìa khóa. Bà mở một chiếc va-li lớn đã 60 tuổi. Trên cùng là những chiếc quần áo đã cũ từ lâu lắm rồi. Chúng tôi bắt đầu lục lọi và ở dưới đáy rương, chúng tôi thấy một chiếc hộp đựng card màu vàng. Mẹ nói bà chẳng nhớ là có gì trong đó. Cả hai chúng tôi đều nín thở khi tôi chầm chậm mở nắp hộp. Đúng rồi, những bức thư thất lạc đã lâu, chúng đều nằm ở đây! Chúng đều được chia ra bởi ngày tháng và được cột cẩn thận bằng những sợi dây bằng cotton rất cũ.

Chúng tôi đem những bức thư xuống tầng dưới và tôi bắt đầu đọc lướt qua chúng. Trên bọc thư là một chiếc phong bì to nằm riêng và tôi mở nó ra: đó là một tấm thiệp Valentine mà bố đã gửi cho mẹ năm 1944.

Ngày hôm sau, tôi và mẹ đến thăm bố trong bệnh viện. Ngồi bên giường bố, tôi nói đùa, rất nhẹ nhàng, “Hôm nay là ngày lễ Valentin và con biết là bố sẽ rất bận rộn, nhưng con có cái này cho bố”. Ông vô cùng ngạc nhiên khi tôi đưa cho ông chiếc phong bì cũ. Ông cẩn thận mở tấm thiệp và khi nhận ra nó, đôi mắt ông giàn giụa nước.

Và ngày Lễ Tình nhân năm đó chẳng hề thiếu gì hết. Bố tôi, với một giọng đọc tràn đầy cảm xúc, đọc thông điệp tràn đầy yêu thương mà ông đã gửi cho mẹ tôi cách đây 56 năm trước. Và lần này, ông có thể trực tiếp nói với mẹ.

(Sarah H. Giachino)

Tác giả bài viết: Bạch Trà st. và dịch - Còn tiếp