Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG (1)

(NCTG) “Quà tặng cuộc sống” là tên gọi chung của rất nhiều câu chuyện được lan truyền rộng rãi trên mạng Internet, mà một phần đáng kể là khuyết danh.

Tuy nhiên, cho dù những câu chuyện ấy là khuyết danh, cho dù tác giả chúng là hữu danh hay vô danh đi nữa, tựu trung, tất cả đều nhằm hướng thiện, hướng đến những cái đẹp mong manh, nhưng bất ngờ và kỳ ảo mà mỗi chúng ta có thể nhận ra và tạo dựng trong cuộc sống thường nhật, cho mình và cho mọi người.

Để rồi, chúng ta chợt nhận ra rằng, giữa những nhọc nhằn, những cạm bẫy của cuộc sống, chúng ta vẫn có thể tự tìm cho mình những niềm vui, những quà tặng để thấy rằng tồn tại trên đời này là có ý nghĩa. Như ai đó đã từng nói: “Một phần trăm là quà tặng cuộc sống mang đến. Còn chín mươi chín phần trăm là cách bạn biến cuộc sống thành quà tặng cho chính mình.

Hy vọng rằng, chùm “Quà tặng cuộc sống” sau đây, do Bạch Trà sưu tầm và dịch, sẽ là một món quà ý nghĩa như thế đối với tất cả độc giả NCTG, trong dịp Giáng sinh và Năm mới sắp tới (NCTG).

NỤ CƯỜI RẠNG RỠ

Vài phút cuối cùng trước đêm Giáng sinh, tôi đang đi mua hàng tại một cửa hàng đồ chơi và quyết định chọn mua búp bê Barbie cho mấy đứa cháu gái.

Một cô bé mặc rất đẹp cũng háo hức nhìn vào đám búp bê Barbie đó. Cô bé cầm chặt một nắm tiền trong bàn tay bé nhỏ. Khi thấy một cô Barbie xinh đẹp, cô bé quay lại và hỏi bố xem có đủ tiền để mua không. Ông vẫn nói “có”, nhưng cô bé vẫn tiếp tục nhìn và nhắc đi nhắc lại câu hỏi quen thuộc “Con có đủ tiền không?”

Khi cô bé nhìn con búp bê, một cậu bé đi ngang qua các lối đi và bắt đầu lựa chọn trong đống trò chơi Pokemon. Cậu bé ăn mặc rất gọn gàng, nhưng quần áo rõ ràng khá rách rưới, với một chiếc áo khoác nhỏ tới hai cỡ. Cậu bé ấy cũng đang cầm tiền trong tay, nhưng trông có vẻ như chẳng đến năm đô-la.

Cậu bé cũng đi với bố, tay vẫn nhặt đồ chơi video Pokemon. Mỗi lần nhặt một đồ lên và nhìn bố, ông bố cậu bé lắc đầu, “không”.

Dường như cô bé đã chọn được búp bê Barbie cho mình, mặc đồ rất đẹp, một cô búp bê quyến rũ khiến cho bất cứ bé gái nào trong khối nhà này thèm muốn. Tuy nhiên, cô bé dừng lại và trông thấy hành động trao đổi của cậu bé và cha của cậu. Khá là thất vọng, cậu bé không chọn các trò chơi video nữa mà kiếm một đồ chơi trông giống như một cuốn tranh dán. Sau đó, hai bố con cậu bé đi qua gian hàng khác của cửa hàng.

Cô bé đặt lại búp bê Barbie lên giá, và chạy ra chỗ để trò chơi Pokemon. Cô bé hào hứng nhặt một chiếc nằm trên cùng trong đống đồ chơi và chạy ra quầy thanh toán, sau khi đã nói chuyện với bố. Tôi nhặt những thứ cần thiết và xếp hàng sau họ. Sau đó, cậu bé và bố đã đứng xếp hàng ngay sau tôi, niềm thích thú hiện rõ lên khuôn mặt cô bé.

Sau khi đồ chơi đã được trả tiền và được cho vào túi, cô bé đã đưa lại nó cho nhân viên thu ngân và nói thầm điều gì đó vào tai cô. Cô nhân viên thu ngân đã mỉm cười và để gói đồ chơi sau quầy tính tiền.

Tôi trả tiền cho những đồ mà tôi mua và sắp xếp lại các thứ trong ví khi cậu bé đến quầy tính tiền. Cô nhân viên thu ngân tính tiền cho cậu bé và sau đó nói: “Chúc mừng cháu, cháu là khách hàng thứ một trăm của cửa hàng trong ngày hôm nay, và cháu nhận được một món quà!”.

Và thế là, cô đưa cho cậu bé món đồ chơi Pokemon, cậu bé chỉ còn biết nhìn chằm chằm vào đó với sự hoài nghi. Cậu bé nói: “Đây đúng là thứ mà cháu thích!”.

Cô bé cùng với bố đã đứng ở ngoài cửa trong suốt thời gian đó, và tôi nhìn thấy cô bé nở một nụ cười to nhất, đẹp nhất và rạng rỡ nhất mà tôi từng thấy trong đời. Sau đó, bước ra khỏi cửa, còn tôi theo ngay sau họ.

Khi tôi quay lại xe với những ngạc nhiên về những điều tôi vừa mới chứng kiến, tôi đã nghe người cha hỏi con gái ông là tại sao cô bé làm như vậy. Tôi sẽ không bao giờ quên được những điều cô bé nói với ông.

Bố này, có phải Nana và PawPaw muốn con mua một thứ khiến cho con vui không?”.

Ông nói: “Tất nhiên là chúng muốn rồi, con yêu”.

Và cô bé trả lời: “Thì con vừa mua rồi đấy thôi!”. Với câu trả lời, cô bé cười khúc khích và nhảy chân sáo về phía xe của họ. Dường như cô bé đã quyết định lựa chọn câu trả lời cho câu hỏi của riêng mình: “Con có đủ tiền không?”.

Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi đã được chứng kiến ý nghĩa thực sự của ngày Giáng sinh trong cửa hàng đồ chơi đó, dưới dạng một bé gái, người đã nhận thức về ý nghĩa của mùa Giáng sinh nhiều hơn hầu hết mọi người lớn. Tôi biết thế! Và tôi cầu chúa ban phúc cho cô bé và bố mẹ, giống như cô đã ban phúc cho tôi và cậu bé kia trong ngày Giáng sinh ấy.

(Sharon Palmer)

MỘT NGƯỜI ANH NHƯ THẾ

Paul nhận được quà Giáng sinh của anh trai là một chiếc xe ô tô. Trong đêm trước Giáng sinh, khi Paul vừa ra khỏi văn phòng, một đứa trẻ lang thang đang đi lại xung quanh chiếc xe mới bóng loáng, vừa trầm trồ thán phục.

Nó hỏi: “Thưa chú, đây là xe của chú à?”.

Paul gật đầu và trả lời: “Anh của chú đã tặng quà Giáng sinh cho chú bằng chiếc xe này”.

Cậu bé kinh ngạc: “Ý chú là anh trai chú đã tặng nó cho chú, và chú không mất tiền mua à? Ôi trời, cháu ước là...” - cậu bé ngập ngừng.

Tất nhiên là Paul biết nó đang chuẩn bị ước điều gì. Chắc là nó ước nó có một người anh như thế. Nhưng những gì cậu bé nói khiến cho Paul choáng váng thực sự.

Cậu bé nói tiếp: “Cháu ước là cháu có thể trở thành một người anh như thế”.

Paul nhìn cậu bé trong nỗi bàng hoàng, rồi bỗng nhiên anh hỏi cậu bé: “Cháu có muốn đi nhờ trên chiếc xe của chú không?”.

Ồ, có chứ ạ, Cháu rất thích!”.

Sau một chuyến đi ngắn, cậu bé quay sang với đôi mắt sáng ngời, và nói: “Thưa chú, chú có thể đưa cháu về trước cửa nhà cháu không ạ?”. Paul đã mỉm cười một chút. Anh cho là đã hiểu những gì thằng bé muốn. Chắc là nó muốn khoe với hàng xóm là nó đã được chở về nhà trên một chiếc xe ô tô to như thế. Nhưng một lần nữa, Paul lại sai.

Chú dừng lại chỗ có hai bậc thang kia được không ạ?” - cậu bé yêu cầu. Rồi nó chạy lên cầu thang. Một lúc sau, Paul nghe thấy tiếng cậu bé quay lại, nhưng bước đi không nhanh lắm. Nó mang theo một đứa em bị què chân. Đặt đứa em xuống bậc thang cuối cùng, sau đó cậu bé vòng tay qua cậu em và chỉ vào chiếc xe: “Kia kìa, Buddy, giống như anh vừa nói với em lúc ở trên gác đó. Anh trai chú ấy đã tặng quà Giáng sinh là một chiếc xe cho chú ấy, và chú ấy chẳng mất một xu nào cả. Rồi một ngày nào đó, anh sẽ tặng em một chiếc xe như thế... lúc ấy em sẽ tự mình thấy tất cả những điều tuyệt vời qua cửa sổ của ngày Giáng sinh về những thứ mà anh đã nói với em”.

Paul đã bước ra khỏi xe và nhấc cậu bé lên chỗ ngồi phía trước trên xe của anh. Cậu anh với đôi mắt ngời sáng trèo lên bên cạnh và cả ba người bọn họ bắt đầu một chuyến đi đáng nhớ trong kỳ nghỉ lễ.

Lễ Giáng sinh năm ấy, Paul đã hiểu được Đức Chúa Jesus đã có ý gì khi Người nói: “Người ta hạnh phúc hơn khi cho đi...”.

(Khuyết danh)

TÌNH YÊU VÔ GIÁ

Một người nông dân cần phải đem bán mấy chú cún con. Ông đã vẽ một hình quảng cáo có hình 4 chú chó và treo nó lên một tấm bảng thông báo cạnh sân của ông.

Khi ông đóng chiếc đinh cuối cùng vào bảng thông báo, ông cảm thấy bị kéo mạnh áo. Ông nhìn xuống và gặp đôi mắt của một cậu bé. “Thưa ông” - cậu bé nói. “Cháu muốn mua một trong số những con cún của ông”.

Được rồi” - người nông dân nói, khi ông lau mồ hôi trên lưng và trên cổ. “Bố mẹ của những con cún này loài rất tốt, vì vậy, chúng rất đáng giá đấy cháu”.

Cậu bé cúi đầu xuống một lúc. Sau đó cậu bé thọc sâu vào trong túi, lôi ra một vốc đầy tay toàn tiền xu và đưa nó cho người nông dân. “Cháu có 39 xu. Như vậy có đủ để xem qua bọn cún không ạ?”.

Chắc chắn rồi” - người nông dân đáp, rồi ông huýt gió một tiếng. “Lại đây nào, Dolly” – ông gọi.

Từ trong góc sân dành cho chó, Dolly từ dưới chạy lên và sau nó là 4 quả bóng đầy lông nhỏ nhắn xinh xắn.

Cậu bé dán mặt vào chiếc hàng rào bằng sắt. Đôi mắt nó sáng rực lên, lấp lánh niềm vui. Một quả bóng xinh xắn nữa chậm chạp đi ra, trông con cún này nhỏ hơn. Nó đang trượt xuống dốc. Sau đó với dáng vẻ vụng về, chú cún con đi khập khiễng về phía những con khác, nó cố gắng để chạy kịp... “Cháu muốn con kia” - cậu bé nói, và chỉ về phía chú cún nhỏ.

Người nông dân quỳ xuống bên cạnh cậu bé và nói: “Con trai à, cháu sẽ không thích con cún đó đâu. Nó sẽ không bao giờ có thể chạy và chơi đùa cùng với cháu như những con khác có thể”.

Lúc đó, cậu bé bước lùi khỏi hàng rào, cúi xuống, và bắt đầu xắn một ống quần lên. Lúc đó, cậu đã để lộ ra những ống trụ bằng thép chạy dài hai bên chân, nối với một chiếc giày đặc biệt. Cậu bé nhìn người nông dân, và nói: “Ông thấy đấy, cháu không chạy được, và nó cần có một người có thể hiểu được nó”.

Nước mắt tràn trên má, người nông dân đã cúi xuống và ôm chú cún nhỏ lên. Ôm nó cẩn thận và đưa nó cho cậu bé.

Bao nhiêu ạ?” – cậu bé hỏi.

Bác không tính tiền cháu” - người nông dân trả lời. “Tình yêu vô giá cháu ạ”.

(Khuyết danh)

TÔI KHÔNG THỂ

Tôi là một ví dụ điển hình của một đứa trẻ “Tôi không thể” – đứa trẻ trên áp phích quảng cáo luôn luôn nói câu “Tôi không thể”.

Cho dù mẹ tôi bảo gì hay nhờ tôi làm bất cứ điều gì, thì ngay lập tức tiếng tôi rên rỉ đáp lại: “Con không thể.” Và kết quả là, rất ít khi tôi có thể hoàn thành bất cứ một công việc hay mục tiêu gì.

Một buổi tối, mẹ tôi gọi tôi vào phòng sinh hoạt chung của gia đình, trong đó, mẹ đang đọc một bài báo trong tạp chí “Truyền hình”. Ngoài bìa của tạp chí là bức ảnh Marlo Thomas, đang tỏa sáng trong vở hài kịch tình thế nổi tiếng “Con gái là thế” (That Girl). Mẹ tôi biết đó là một trong những chương trình yêu thích nhất của tôi và Marlo là một trong những thần tượng nhí của tôi trong thế giới show biz.

Mẹ muốn con đọc bài báo này” – mẹ nói. “Đây là bài báo viết về Marlo Thomas. Cô bé ấy kể rằng một bài thơ đơn giản mà bố bắt cô đọc thuộc đã thay đổi cuộc sống của cô như thế nào. Cô ấy đã chuyển từ câu nói quen thuộc “Con không thể” thành “Con có thể”. Theo bài báo, cô ấy đã có thể thay đổi cách sống, và cuối cùng là thay đổi nghề nghiệp, chỉ bằng cách học những nguyên tắc trong bài thơ này”.

Cảm giác như có một âm mưu giữa mẹ tôi và Marlo Thomas, tôi cầm cuốn tạp chí nhỏ từ tay mẹ và nhìn xuống những trang báo bóng nhoáng. Đó là Marlo, trông cô thật là đáng yêu và tràn đầy sức sống. Nụ cười của cô tỏa sáng và mái tóc chấm vai quen thuộc được tạo mẫu hoàn hảo. Tôi nghĩ Marlo thật cừ! Bên cạnh bức ảnh của cô là bài thơ mà mẹ tôi vừa nói đến, một bài thơ đơn giản có cái tên: “Tôi có thể”.

Mẹ muốn con học thuộc bài thơ đó” - mẹ tôi nói như đinh đóng cột.

Mẹ....” - tôi đau hết cả bụng. “Con không thể thuộc bài thơ đó. Nó quá dài!

Nó không quá dài đâu con ạ, con có thể thuộc được. Mẹ muốn con thuộc làu nó vào giờ này ngày mai.”

Không ai nên nói “không” với mẹ tôi. Bà sẽ trả lời lại ngay bằng câu sau: “Khi mẹ bảo con nhảy, con lại hỏi là nhảy cao bao nhiêu”. Mẹ tôi là Nữ hoàng của Dogwood Drive. Tôi luôn luôn thần tượng mẹ, nhưng thế này thì quá lắm rồi!

Tôi nhún vai, quay đi và lê bước về phòng ngủ của tôi với cuốn tạp chí cầm hờ hững trên bàn tay phải nhỏ bé. Với trái tim nặng trĩu, tôi quẳng mình lên giường, đặt lưng lên chiếc ga bằng cotton và bắt đầu nhiệm vụ.

Không thể là kẻ thù của tham vọng” - tôi bắt đầu đọc. Tôi nhắc lại dòng đó. Tôi nhắc đi nhắc lại dòng đó cho đến khi nó ăn sâu vào trong đầu tôi. “Một kẻ thù luôn rình rập để phá hoại ý chí của bạn...”. Tôi tiếp tục đọc cho đến buổi tối hôm sau, khi tôi có thể tự hào là mình đã đọc thuộc lòng được bài thơ đã tiếp tục trở thành lý tưởng sống của tôi.

Lời nói “Tôi có thể” đã giúp tôi vượt qua những giây phút khó khăn nhất trong đời. Lời nói “Tôi có thể” đã động viên tôi có thể hoàn thành mọi công việc mà tôi đã từng cho là năm ngoài khả năng của mình. Một bài thơ đơn giản được học thuộc lòng từ năm 7 tuổi đã giúp tôi rất nhiều, cho đến năm tôi 77 tuổi. Có khi còn lâu hơn thế.

TÔI KHÔNG THỂ
(Edgar A. Guest)

Không thể là kẻ thù của tham vọng
Một kẻ thù luôn luôn rình rập để phá hoại ý chí của bạn
Nó chỉ bị xua tan bởi một người đầy trách nhiệm
Và chỉ chịu khuất phục bởi sự can đảm, kiên nhẫn và sự khéo léo
Vì vậy hãy căm thù nó từ sâu trong tâm can mình
Bởi dù chỉ một lần được chào đón, nó sẽ phá hủy bất cứ ai
Và câu trả lời đối với con quỷ này là “Tôi có thể”

Tác giả bài viết: Bạch Trà st. và dịch - Còn tiếp