Ngày hội Ðọc sách năm 2011: ẤN TƯỢNG VÀ NHỮNG BUỒN VUI
- Thứ bảy - 23/04/2011 15:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Thời buổi bão giá này mà nhiều bạn trẻ vẫm đam mê với sách, vẫn nhiệt tình xếp hàng trong tiết trời nóng bức để được đến với sách và với các tác giả, nhưng giá khâu tổ chức được thực hiện chu đáo hơn, tôn trọng bạn đọc hơn thì hay biết bao, và phần “diễn xuất” của các nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ sẽ còn đạt hiệu quả tốt hơn biết bao...”, chia sẻ của Bích Ngọc từ Hà Nội.
Văn Miếu trong Ngày hội Ðọc sách năm 2011
Cứ đắn đo mãi có nên đến dự Ngày hội Ðọc sách hay không? Vì có hay không ngày hội đó thì mình vẫn tốn tiền mua sách hàng tuần, hàng tháng và mình vẫn đọc sách hàng ngày - sách in và cả sách online. Ðắn đo vì nhà đang bận và rối bời rất nhiều việc, nhưng rồi vẫn quyết tâm đi vì ở đó có Thụy Anh, bạn mình, và sẽ được gặp chị Bảo Chân, một nhà thơ mà mình đã thuộc thơ chị từ hồi sinh viên.
Vậy là đi, đến nơi thấy rồng rắn đoàn người đứng xếp hàng chờ mua vé, cũng vội đứng vào phía cuối đoàn người nhưng cũng chỉ chốc lát phía sau lưng mình đã rồng rắn dài ra bao nhiêu. Phần lớn là sinh viên vì ai cũng cầm trong tay tấm thẻ để được giảm xuống 5 nghìn một vé. Có mấy sinh viên nữ không đứng trong hàng tần ngần phía ngoài, vài bạn hỏi:
- Sao không xếp hàng?
- Bọn tớ quên không mang thẻ!
Xếp hàng rồng rắn chờ mua vé vào cửa
Với mọi người 5 nghìn hay 10 nghìn không thành vấn đề, nhưng với sinh viên hình như là cả một vấn đề thì phải. Vì phải xếp hàng lâu nên mình nghe rõ mấy bạn đó đang bàn bạc với nhau là có nên vào hay không khi trên mạng nói là miễn phí vé vào cửa trong ngày hôm nay nhưng đến nơi thì thực ra không miễn phí.
Rồi mình cũng có tấm vé vào cửa, tung tẩy vào thẳng sân trong cùng, chưa đi dự ngày hội sách lần nào nên cũng vẫn chưa hình dung ra nó sẽ ra sao. Cứ nghĩ ở đó sẽ có rất nhiều quầy sách, trang trí đẹp và xếp hết sách lên trên giá cho mọi người xem và mua như những hôm triển lãm sách. Nhưng đến nơi thì không phải thế, toàn bộ sách được xếp trên bàn, trình bày khá đẹp và không thể len chân tiếp cận được vì người xem chật kín vòng trong vòng ngoài.
Khán giả trong Ngày hội
Phía xa trên sân khấu, đang có tiết mục trình diễn đọc truyện nhưng ồn mình không nghe được gì cả, đến gần sân khấu hơn mới nhận ra người dẫn chuyện là nhà văn Phong Điệp và hai diễn viên đang trình diễn truyện ngắn “Phố núi” theo lời dẫn chuyện của chị.
Rồi đến tiết mục trình diễn một trích đoạn trong tiểu thuyến “Kín” của tác giả Nguyễn Đình Tú, với phần biểu diễn minh họa của diễn viên Kim Oanh rất hay và xúc động. Mình dự định khi kết thúc trên sân khấu sẽ mua hai cuốn này về đọc.
Trình diễn trích đoạn tiểu thuyết với phần biểu diễn minh họa
Mình cũng nhìn thấy đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ngồi hàng ghế đầu tiên, chắc là dành cho các vị đại biểu. Lang thang khắp khuôn viên sân Thái Học, mình cứ luôn phải chú ý vì máy quay đặt khắp mọi chỗ, vớ vẩn là bị rơi vào hình ngay.
Rồi phóng viên phỏng vấn mọi người cũng đông, chỗ này va phải phóng viên đang phỏng vấn, lánh dịch ra thì lại rơi vào tầm ngắm của một máy quay nào đó, muốn chen chân vào các bàn bán sách cũng không được, vì chỗ nào cũng đông, mình có lợi thế cao mà cũng vẫn không thể nhìn qua vai mọi người xem họ bày những sách gì.
Phỏng vấn nhà văn, nhà thơ, dịch giả Thụy Anh
Ðến tiết mục trình diễn thơ của các nhà thơ Nguyễn Bảo Chân, Vi Thùy Linh và Hữu Việt, đây là tiết mục mình mong xem nhất. Bài thơ được thể hiện dưới sự trình diễn và giọng đọc truyền cảm của ba nhà thơ cùng tiếng violon đệm réo rắt đã cuốn hút khá nhiều khán giả hướng về sân khấu.
Sau đó, đến tiết mục tọa đàm về văn hóa đọc của bạn mình, TS, dịch giả, nhà thơ Thụy Anh và diễn giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Khi nhà thơ Hữu Việt vừa cất lời thì phía sau lưng khán giả ồ lên rất ồn, ngoái lại thấy rất nhiều người nhốn nháo xô ào về một phía. À, hóa ra là đến “giờ vàng” tặng sách miễn phí!
Phần trình diễn thơ của ba nhà thơ Bảo Chân, Vi Thùy Linh và Hữu Việt
Trên sân khấu, nhà thơ Hữu Việt và diễn giả Phạm Xuân Nguyên cố gắng nói rất to nhưng hình như không át nổi tiếng ồn phía sau. Cũng chẳng hiểu nhà thơ Hữu Việt hỏi câu gì thì thấy nhà phê bình nói về việc đọc sách là mua sách đọc, mua bất cứ lúc nào chứ không phải đợi đến lúc sách hạ giá hoặc phát miễn phí mới đổ xô đi mua như thế kia, và ông hất đầu về phía đám đông.
Mọi người cười ồ lên, còn mình cảm thấy cái gì tê tái... Mình hiểu hàm ý câu ông nói và cái hất đầu của ông, nhưng theo mình lẽ ra ông cũng không nên nói câu ấy. Phần lớn khán giả chen chúc nhau để được tặng sách là sinh viên, họ cũng là người tiêu dùng và trong hoàn cảnh hiện tại, khi mọi thứ đều khó khăn và phải chắt chiu từng đồng cho sách vở, họ có quyền chọn mua hay nhận sách lúc nào có lợi cho họ.
Tọa đàm về văn hóa đọc: nhà văn, nhà thơ, dịch giả Thụy Anh và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Mình nhớ đến mấy bạn sinh viên đứng tần ngần trước cửa Văn Miếu vì quên không mang thẻ mà phải đắn đo xem có nên vào hay không. Ngoài ra, nhìn về một khía cạnh khác, trong ngày hôm nay, phải coi giảm giá hay tặng sách cũng chính là một chiêu thức PR, quảng bá cho những cuốn sách đó - làm như vậy là có lợi cho tác giả và cho cả nhà xuất bản chứ không phải chỉ những bạn sinh viên kia là được lợi.
Đám đông phía dưới vẫn rất ồn và mình cũng không thể nghe được TS. Thụy Anh nói gì nữa.
Rồi người của Ban tổ chức cũng lên sân khấu đề nghị các bạn sinh viên phía dưới thể hiện là một người văn minh, lịch sự, trật tự xếp hàng chờ đến lượt nhận sách.
Cảnh đông đúc và chen lấn do khâu tổ chức còn luộm thuộm
Rồi lại người nữa của Ban tổ chức cầm mic nói về vấn đề bên Nhật xảy ra động đất mới đây mà người dân vẫn bình tĩnh đứng xếp hàng chứ không nháo nhào, cũng đề nghị các bạn học tập người Nhật. Và anh ta đề nghị các tình nguyện viên đến để “làm trật tự” đám ồn ào kia.
Một lần nữa mình lại cảm thấy có cái gì đó tê tái tiếp...
Tiếp tới, lại người nữa của Ban tổ chức lên nói rằng “các bạn yên tâm”, hứa là mỗi bạn đến đây ai cũng sẽ nhận được một quyển sách tặng vì giờ vàng tặng sách còn có cả buổi chiều nữa.
Mình ngoái xuống, cứ nghĩ rằng sau những gì người của Ban tổ chức nói, sẽ có rất nhiều sinh viên tự ái như mình bỏ về không xếp hàng nhận sách nữa, nhưng hình như họ không nghe rõ thì phải, họ vẫn chen lấn để có chỗ đứng chờ đến lượt nhận sách miễn phí.
Mình bỗng nghĩ, tình trạng nhốn nháo kia đâu chỉ lỗi tại các bạn sinh viên, những người đang chờ được phát sách miễn phí, mà lỗi chính thuộc về Ban tổ chức. Nếu Ban tổ chức bày ra thành nhiều bàn phát sách miễn phí, có qui định rõ ràng ngay từ đầu, yêu cầu mọi người xếp hàng thì sẽ không có, hoặc giảm thiểu được cảnh nhốn nháo kia.
Chung cuộc
Buổi đến dự hôm nay của mình, với mong muốn được nghe Thụy Anh nói và nghe chị Bảo Chân đọc thơ. May mắn là phần trình diễn của chị Bảo Chân không trùng với “giờ vàng” nên mình đã được thưởng thức trọn vẹn và cảm động. Nhưng đến phần của Thụy Anh thì mình không thể nghe được, mặc dù mình ngồi ngay hàng ghế đầu sát sân khấu - chỉ biết loáng thoáng Thụy Anh chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, và nói về Câu lạc bộ Ðọc sách cùng con của bạn...
Ra về hơi mệt vì nắng mới, vì đám đông quá đông và vì mình không xem được trọn vẹn những gì trên sân khấu. Và tâm trạng pha trộn buồn vui lẫn lộn. Thời buổi bão giá này mà nhiều bạn trẻ vẫm đam mê với sách, vẫn nhiệt tình xếp hàng trong tiết trời nóng bức để được đến với sách và với các tác giả, nhưng giá khâu tổ chức được thực hiện chu đáo hơn, tôn trọng bạn đọc hơn thì hay biết bao, và phần “diễn xuất” của các nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ lẽ ra đã đạt hiệu quả tốt hơn rất nhiều...