NHỮNG CÂU HỎI CỦA MỘT BÉ GÁI 6 TUỔI
- Chủ nhật - 05/06/2011 02:47
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Chắc chắn là từ hôm nay mình sẽ không lúc nào yên với câu tự vấn: mình sẽ phải làm gì cho đúng trong lúc này để con cháu mình thoát được nỗi lo truyền kiếp ngàn năm đã thấm vào máu ngay từ lúc bé thơ?” - suy nghĩ của nhà thơ Hoàng Hưng từ TP HCM.
Sáng nay, một cô giáo tiểu học hiền lành, bạn của các con tôi, tới thăm gia đình. Vừa xong màn chào hỏi, cô nói ngay: “Cô chú ơi, có chuyện này thật khó tin, cháu muốn cô chú nghe.”
Chuyện về con bé con của cô giáo, mới 6 tuổi. Đó là chuyện xảy ra buổi sáng ngày 2-6, sau ngày Thiếu nhi Quốc tế. Sáng hôm ấy, cô đang lúi húi nấu ăn thì con bé cầm tờ báo “Tuổi Trẻ” tập đọc các tít như thói quen hàng ngày của cháu. Cháu bỗng la lên và chạy tới chỗ mẹ: “Mẹ ơi, con sốt ruột quá! Mẹ ơi!”. Hỏi sốt ruột chuyện gì, thì cháu cầm tờ báo lên đọc: “Mẹ nghe nè! Tàu Trung Quốc bắn phá ngư dân Việt Nam. Tham vọng Trung Quốc tại biển Đông.”
Thường ngày, trong gia đình cô giáo chẳng hề nói chuyện chính trị chính em (cũng là thói thường của đa số gia đình Việt Nam lâu nay, chuyện chính trị là cái gì rất xa lạ, của ai đó lo, vả lại còn rất nguy hiểm, dễ bị vạ). Nhưng cô giáo nhớ là đôi lần, con bé, sau khi tập đọc báo, có hỏi: “Mẹ ơi, tại sao Trung Quốc lại muốn chiếm nước mình hả mẹ?”. Coi là câu hỏi trẻ thơ, cô cũng chỉ trả lời quấy quá, rồi gạt đi với câu nói quen thuộc: “Đó là chuyện người lớn, con nít không cần biết.”
Nhưng thái độ của con bé hôm nay rất bức xúc, khiến cô giáo phải ngưng nấu ăn và ra ngồi bên con. Nó dồn dập hỏi mẹ:
- Thế tại sao bộ đội nước mình không ra đánh đi, lại để cho dân làng chết? Dân làng đâu có ở đó được nữa, phải đổi qua nước khác ở.
Cô bảo: “Mẹ không có biết chuyện này, để mai mốt hỏi bộ đội ha.”
- Như vậy là bộ đội không có yêu thương nước của mình, như thế ở nước mình tất cả ai cũng phải chạy đi, đợi chừng nào bộ đội đánh Trung Quốc thì mới về được.
Cô hỏi: “Thế tại sao phải đánh Trung Quốc?”
- Tại vì Trung Quốc chiếm nước mình thì mình phải đánh chứ.
- Đã chiếm đâu. Chưa chiếm mà.
- Thì đuổi (ngư dân) tức là chiếm rồi.
Thấy con bé lý luận như người lớn, cô hỏi thử: “Đánh đuổi tàu Trung Quốc lỡ tàu Trung Quốc bắn chết thì sao?”.
Cháu hỏi lại: “Tàu Trung Quốc có bao nhiêu?”.
- Chắc là nhiều lắm
- Còn bộ đội nhà mình? Có nhiều bằng không?
- Con hỏi vậy ý là sao?
- Con sợ Trung Quốc chiếm nước mình.
- Chiếm nước mình thì mình đánh lại.
- Nhưng bộ đội không chịu ra biển Đông đánh thì còn bộ đội nào nữa?
- Biển Đông ở đâu con có biết không?
- Con biết, biển Đông ở Mũi Né. (Con bé có 2 lần được đi chơi Mũi Né với bố mẹ và lớp học).
Cháu lại hỏi tiếp: “Bộ đội mình biến đi đâu mất mà không chịu chạy ra biển Đông đánh giặc?”.
- Chắc là có chứ con!
- Báo chỉ ghi là “Tàu Trung Quốc bắn đuổi ngư dân Việt Nam” thôi mà. Con có thấy báo nói là các chú bộ đội đánh trả khi nào đâu?
Cháu chứng minh bằng cách nói mẹ giở từng trang báo để tìm, nhưng đúng là không thấy.
Cháu băn khoăn: “Bây giờ làm sao đây?”.
Cô hỏi con nghĩ xem có cách gì không? Cháu suy nghĩ rồi reo lên: “A! Hay là mình dụ nó ra một nơi có cá mập cho cá mập ăn thịt.”
Cô bật cười hỏi: “Cá mập ăn thịt ai kia?”
- Ăn thịt tàu Trung Quốc!
Cháu nói tiếp: “Mai mốt nếu con còn thấy tin về tàu Trung Quốc thì con sẽ báo cho mẹ biết liền nha.”
Cô hỏi: “Sao con quan tâm chuyện này quá vậy?”
- Vì con sợ Trung Quốc chiếm nước mình, thì mình sẽ phải lên rừng ở giống nước ta với nước Mỹ trên tivi đó.
- Mẹ chả hiểu con nói gì, nước ta với nước Mỹ là sao?
- Trên tivi đó, hồi trước xem đó.
Cô giáo đoán là cháu mấy lần coi trên tivi phim tài liệu có cảnh bộ đội trong rừng đánh nhau với Mỹ.
Cô giáo thật sự lúng túng trước những câu hỏi của con bé. Cô phải hứa sẽ đi hỏi các chú bộ đội rồi trả lời con sau. Lúc đó cháu mới chịu thôi và đi ăn cơm.
*
Câu chuyện của cô giáo khiến tôi vừa mừng vừa tủi, vừa hổ thẹn. Mừng vì đến một đứa bé 6 tuổi cũng đã biết lo vận nước trong khi không ít người lớn bàng quan, chỉ lo chạy chức chạy tiền hoặc mũ ni che tai yên phận. Tủi, thẹn và đau đớn nữa, vì cảm thấy mình như bất lực. Có điều chắc chắn là từ hôm nay mình sẽ không lúc nào yên với câu tự vấn: mình sẽ phải làm gì cho đúng trong lúc này để con cháu mình thoát được nỗi lo truyền kiếp ngàn năm đã thấm vào máu ngay từ lúc bé thơ?