Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGUỒN GỐC NGÀY PHỤ TỬ

Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao
Trên đồng xa có muôn ngàn cây lúa
Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca
Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa
Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời
(“Chỉ có một trên đời” - Trương Quang Lục)

Trẻ em Việt Nam có lẽ không mấy ai không biết những câu hát trên, ngợi ca người mẹ và tình mẫu tử. Có lẽ cũng không mấy ai không biết đến Ngày mẫu tử, đã trở thành ngày lễ truyền thống ở hầu hết mọi quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, sự tồn tại của một Ngày phụ tử để vinh danh các ông bố thì không phải ai cũng biết, cho dù ai cũng chỉ có một người cha...

Cần nói ngay rằng tại Hoa Kỳ, từ rất nhiều năm nay, Ngày phụ tử - Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu (năm nay vào ngày 17-6) - đã chính thức được phê chuẩn là ngày lễ quốc gia. Tập tục ấy, cũng như nhiều lễ hội khác, đã được lan truyền từ Mỹ sang Châu Âu để đến giờ, nhiều quốc gia của Lục địa già đã kỷ niệm Ngày phụ tử như một ngày lễ bán chính thức. Tại Hungary, từ năm 1994, tổ chức United Way (tỉnh Borsod) cũng đã mở một phong trào nhằm "hội nhập" ngày lễ này trong khuôn khổ những lễ hội truyền thống của nước Hung.

Nguồn gốc của Ngày phụ tử không thật rõ ràng. Có người cho rằng, ngày lễ được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ một cuộc hội họp tôn giáo tại miền Nam Virginia vào năm 1908, nguồn khác thì lại cho rằng khởi thủy của nó là ở Vancouver (Washington). "Tam sao thất bản", một nguồn thứ ba khẳng định Ngày phụ tử, thoạt tiên, do ông Harry Meek, chủ tịch CLB Sư tử (Chicago), tổ chức lần đầu cùng hiệp hội của ông vào năm 1915 và sở dĩ ông chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu, vì ngày nghỉ ấy gần nhất với sinh nhật... của ông!

Một điều chắc chắn, cú hích lớn nhất để biến Ngày phụ tử, từ một lễ kỷ niệm mang tính địa phương được lan truyền khắp Hoa Kỳ, thuộc về một phụ nữ tên là Sonora Smart Dodd. Thân phụ của bà, một cựu chiến binh thời Nội chiến Mỹ, sau khi mất người vợ trẻ, đã một mình nuôi dạy 6 đứa con thơ dại. Với lòng biết ơn người cha, đầu tháng 6-1909, bà Dodd đã xin người linh mục địa phương làm một buổi lễ thánh cho các ông bố vào ngày 5-6, ngày sinh của thân phụ bà. Tuy nhiên, vị linh mục không thể chuẩn bị được cho buổi lễ thánh trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, nên ông đã dời thời điểm đến ngày 19-6, là ngày Chủ nhật thứ ba của tháng. Từ dịp ấy, tại tiểu bang Washington, hàng năm, cứ đến ngày Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu, người ta lại kỷ niệm Ngày phụ tử: trẻ em làm bánh ngọt cùng các món tráng miệng đặc biệt và đến thăm cha, nếu họ không sống trong cùng một gia đình.

Sau đề xướng của bà Sonora Smart Dodd, các tiểu bang và các tổ chức ở Mỹ tìm cách để Quốc hội thừa nhận Ngày phụ tử như một ngày lễ chính thức của đất nước. Năm 1916, tổng thống Woodrow Wilson chấp thuận sáng kiến này và tự tổ chức Ngày phụ tử trong gia đình, nhưng phải đến năm 1924, tổng thống Calvin Coolidge mới đưa Ngày phụ tử lên tầm một sự kiện quốc gia, nhằm "làm sâu sắc thêm tình phụ tử và để thừa nhận tầm quan trọng của nhiệm vụ người cha". Năm 1966, tổng thống Lyndon B. Johnson ký một sắc lệnh ấn định việc kỷ niệm Ngày phụ tử vào Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu. Đến năm 1972, sự kỷ niệm Ngày phụ tử chính thức được đưa vào đạo luật.

Ở Hoa Kỳ, Ngày phụ tử là dịp truyền thống để trẻ em tặng cha những món quà đặc biệt, các em nấu nướng (nhiều khi ngoài trời) và mang đến cho cha, nếu họ không ở cùng một gia đình. Đàn ông Mỹ thường không thích những biểu hiện, những thông điệp bị coi là quá ủy mỵ; thay vào đó, trẻ em hay gửi những tấm thiệp vui nhộn, hóm hỉnh để mang lại nụ cười cho cha. Những tấm thiệp với nội dung tri ân tình phụ tử và vai trò của người cha trong gia đình cũng rất được ưa chuộng, trong số đó, có lẽ thông dụng nhất là một số danh ngôn sau:

Người cha sáng suốt chính là người cha biết rõ về con mình” (William Shakespeare)
Ai là cha tôi, điều đó không mấy quan trọng. Quan trọng hơn cả, ai là người khiến tôi nghĩ đó là cha tôi” (Anne Sexton)
"Thời thơ ấu, trẻ em không cần gì hơn, ngoài sự chở che của người cha" (Sigmund Freud)
Để là một người cha thành công, có một quy luật mang tính tuyệt đối là nếu bạn có con, đừng nhìn đến nó trong hai năm đầu” (Ernest Hemingway)
"Khi càng ngày bạn càng giống cha, tức là lúc bạn bắt đầu tuổi già" (Gabriel García Márquez)
"Làm người chủ gia đình thật nặng nhọc: phải để tâm đến tất cả mọi người, vậy mà vẫn là kẻ thù của tất cả" (J. August Strindberg)

Tuy nhiên, không chỉ có Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu - theo hình mẫu Hoa Kỳ - mới được coi là Ngày phụ tử. Trên thế giới, có rất nhiều thời điểm khác nhau cho ngày này, tùy vào tập tục và truyền thống của từng quốc gia và như thế, thời điểm của Ngày phụ tử từng nước trải dài từ tháng Hai đến tháng... Mười hai hàng năm. Ở Liên bang Nga, một quốc gia thiên về tôn sùng sự mạnh mẽ quân sự, Ngày các ông bố thường được kỷ niệm trong gia đình vào 23-2 hàng năm; trước kia, đây là Ngày Quân đội Liên Xô, về sau được đổi lại là Ngày Quốc phòng và cuối cùng, được coi như Ngày của giới "mày râu". Tại Iran, Ngày phụ tử chính là dịp kỷ niệm sinh nhật giáo chủ Mohammed Ali (vào đầu tháng Tám). Đặc biệt, ở Thái Lan, ngày sinh của một vị quân vương - ông Bhumibol Adulyadej - được coi là ngày của các ông bố (mùng 5-12).

Cho dù có vào thời điểm nào đi nữa, và cho dù không được biết đến và kỷ niệm nhiều như Ngày các bà mẹ, Ngày phụ tử thường niên cũng là dịp để chúng ta nhớ đến công ơn của những người cha, nhiều khi âm thầm đi vào cuộc đời của con cái, cao cả và mạnh mẽ, như lời các hiệp sĩ Pythagoras cách đây hơn hai ngàn năm tại Hy Lạp cổ đại: “Hành động cao cả nhất của một người cha là quỳ xuống để giúp một đứa con”.

Tác giả bài viết: Hoàng Tuấn