NGHỀ GIÁO - NHỮNG CHUYỆN LẢM NHẢM
- Thứ ba - 01/06/2010 11:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tủ sách của tôi (ở Việt Nam) có đến ba phần tư là sách photocopy, nghĩa là bản photocopy của sách gốc. Đồng nghiệp tôi ai (chịu đọc sách) cũng đều thế cả. Sách copy từ thời Tây du ký mang về dùng như bảo bối, che che giấu giấu, chỉ sợ 'thằng A', 'thằng B' nó nhìn thấy nó mượn đi photo thì hết cả 'phép' để lòe nhau!!!
Minh họa: Internet
Sang đây tôi cũng tha theo vài cuốn photocopy cần thiết cho môn tôi đang dạy. Ấy là cứ cẩn tắc vô áy náy như lời tục ngữ dặn, chứ tôi cũng biết bên này thiếu gì sách vở. Cô em ở cùng nhà liếc nhìn giá sách tôi mới bày, dặn dò kỹ lưỡng: “Mình dùng sách photocopy ở nhà thôi nghe cưng, đừng có mang lên trường, bên này người ta hổng có dùng sách copy cưng à”.
Ờ tôi biết chứ, giáo sư Tây có ai dùng sách copy. Thứ nhất copy sách là phạm luật. Thứ nhì, quan trọng hơn, là lương giáo sư Tây đủ tiền mua sách gốc. Chứ như lương 'giáo sư' Ta, ăn còn chả đủ, mỗi quyển (trung bình) dững năm sáu chục đô la tiền Tây, thì mua sao nổi. Chả nhẽ lại không đọc sách?
Ừ ừ ờ ờ thế rồi mà có hôm tôi vẫn quên, mang sách photo lên trường. Đang ngồi đọc thì đồng nghiệp gõ cửa. May mà nhớ ra vụ 'giáo sư Tây không đọc sách photo' nên giấu kịp quyển sách xuống gậm bàn. Còn hôm qua, lúc sinh viên vào đến tận phòng, tôi mới nhớ ra, vứt ngay mấy tờ báo lên che. Hy vọng cậu ta không nhìn thấy.
Lương tôi bây giờ đủ mua sách, nhưng tôi vẫn thích đọc những cuốn sách copy, vì có thể vẽ voi vẽ chuột thoải mái vào đó mà không thấy tiếc. Nhưng có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ phải làm một cái tủ kính, cất giữ tất cả những cuốn sách copy của tôi, vừa để kỷ niệm cái thời không có tiền mua sách, vừa để cai dần thói quen vi phạm bản quyền.
Cái tủ kính đặc biệt này, tôi nghĩ ra rồi, tôi sẽ để ở Việt Nam. Vì ở đó tủ sách của tôi sẽ là bằng chứng về sự hiếu học chứ không phải là vật chứng của sự phạm luật.