Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT THỜI NGHÈO KHỔ VÀ KHÓ QUÊN

(NCTG) “Khó khăn thiếu thốn bao nhiêu, thiệt thòi bao nhiêu nhưng những niềm vui trong trẻo của thế hệ mình chắc chắn không thua kém, thậm chí còn sâu đậm hơn niềm vui của lũ trẻ “ăn sung mặc sướng” thời bây giờ, đơn giản chỉ vì niềm vui nào khó khăn mới đạt được thì người ta càng nhớ và trân trọng nó hơn”, hồi tưởng của Mai Quỳnh Anh về những ngày tháng gian khó thời bao cấp.

Học sinh tập trung chào cờ buổi sáng tại một ngôi trường ở Dịch Vọng, năm 1982


Mình hay than với mẹ, “mẹ suốt ngày kể chuyện ngày xưa, chả nhẽ đời con không khá hơn, lại cứ đi so sánh mãi”. Giờ lại đến lượt mình, khi ngồi với lũ bạn, kiểu gì cũng có câu “ngày xưa khổ nhỉ!!!” - hay mình sắp già, bắt đầu hoài cổ, nhìn về quá khứ nhiều hơn chăng?

Nói về cái sự đói khổ thời bao cấp đầu những năm 80 mà tuổi thơ của mình “hứng chịu” khá nhiều thì có nói cả ngày không hết, với đủ các sự đói.

Sợ nhất là “đói” đường, chắc nhiều người còn nhớ rằng đường chỉ dành cho những lúc ốm đau. Nên lúc khỏe khoắn đừng có hòng mẹ cho ăn thoải mái, thế nên cục đường phèn để trong chạn để nấu chè biến hình theo từng ngày: hôm thì tròn, hôm thì méo, hôm thì vuông và bao quanh là các nốt răng to bàn cuốc của ông anh không thể chối cãi khi bị mẹ phát hiện.

Sau này mình nghĩ ra là lấy dao gọt cho nó mịn, không bị phát hiện. Cái cảm giác được gặm và mút mát cục đường phèn này có thể so sánh với việc bạn Bống nhà mình bây giờ được ăn kem Mỹ hay Trà sữa Trân Châu? Không! Không thể so sánh được, chả có sung sướng nào có thể sánh được với việc gặm cục đường phèn vào năm đó.


Bách hóa Tổng hợp (ngã tư Hàng Bài - Tràng Tiền), khu bách hóa lớn nhất của Hà Nội thời bao cấp


Mẹ đi làm, hai anh em không ai trông nên mẹ khóa cửa nhốt trong nhà để khỏi chạy ra ngoài chơi, nhưng than ôi, chìa khóa lại để ở trong nên chúng lại nhờ hàng xóm mở hộ để chạy ra, rồi gần đến giờ mẹ về lại chui vào khóa lại. Ở nhà chả có gì ăn cho vui miệng, lại bày trò ăn vụng đường hoa mai chuyên để dành pha nước chanh khi bị ốm.

Hai anh em pha nước vào đường cho sền sệt rồi để cái cốc giữa hai cái ghế, mỗi đứa ngồi một bên như vua và hoàng hậu và dùng một cái tăm để chấm mút ăn cho lâu hết, chân thì rung rung ra điều khoan khoái lắm. Thế mà chẳng mấy chốc, cốc đường đó cũng hết sạch thì pha một chút nước vào tráng cho hết vị ngọt và húp ngon lành.

Mình đi học mẫu giáo, mỗi khi mẹ đón là sướng lắm, toàn hỏi “mẹ có mua gì cho con không?”. Sao cái hồi đó cái gì cũng thèm thế không biết?! Mẹ bảo, “về mẹ pha cho cốc nước đường”, nghe mà mát cả ruột (dù chả có chanh và đá).

Thèm đường và thèm kẹo bánh vì thiếu chất, thiếu quà bánh. Anh trai đi Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ về, thấy phủi phủi gấu quần, rơi ra hai cái kẹo Hải Châu, cô em thì mắt sáng lên, hóa ra lão ấy mang về cho mình nhưng ngại cầm nên sắn vào gấu quần. Kể ra cũng thương em lắm đấy, cảm động ra phết.


Phố Huế nhộp nhịp xe đạp trong cái thời mà xe máy là vật dụng cực kỳ xa xỉ


Còn chuyện này cũng khá kinh khủng khi nghĩ lại. Hồi lớp Hai, mình ngồi cạnh một thằng mà bố nó làm nghề cắt tóc, lúc đó dao cạo (gọi là panh-xa-lam) rất hiếm, nên bố nó còn thu mua dao cũ đã dùng rồi về mài lại và dùng cho khách, chắc dạo ấy chưa có HIV nên chả hề hấn gì.

Mình và lũ bạn thường lấy dao cạo cũ của bố, mang đến lớp bán cho nó với giá 1 hào (hay 1 đồng, không nhớ nữa vì lâu quá rồi, nhưng khoảng 2-3 cái dao cũ thì mua được que kem đường đen sì). Đi học về, qua cửa hàng mậu dịch có cái sân ngập nước mưa, chen vào mua que kem đường đen bằng tiền bán dao cạo, ôi sung sướng vô cùng, thế mà có hôm, cái kem nó mềm quá, rơi bụp xuống đất bùn, tiếc phát khóc.

Mà đâu phải chỉ thèm của ngọt, cái gì cũng thèm. Đi học thì nhét vào cặp sách 1 túm lá dứa, đã gọt cái gai đi và lau chùi sạch phấn ở trên lá, chia nhau ăn ngon lành. Hoa phượng, quả bàng, hay dái mít cũng thành món đặc sản, có đứa ăn nhiều quá còn ngộ độc, nôn ra toàn hoa phượng. Nghĩ lại cũng chỉ vì chả có gì ăn, cứ cái gì ngọt ngọt, có vị là cho vào mồm nhai rau ráu.

Mình và lão anh trai còn quá đáng đến mức tháo hết dây đồng mẹ buộc hàng rào và mái chuồng lợn để đi đổi lấy kẹo kéo (hồi ấy mẹ làm thợ điện ở nhà máy nên hay có dây đồng vụn mang về buộc cho chắc). Dây đồng bị thay bằng dây lạt khiến cái hàng rào lung lay chỉ chực đổ. Trẻ con hay đi ăn trộm trái cây, ăn trộm mít trong vườn hàng xóm để ăn thì thụt với nhau, đôi khi bị bắt quả tang, bị chủ vườn mách bố mẹ là ăn đòn tơi tả.


Sổ đăng ký lương thực (thường gọi là “sổ gạo”) của một hộ gia đình ở Hà Nội thời bao cấp


Cái thời tem phiếu ấy, mình lại là đứa khảnh ăn, mẹ bảo không bao giờ ăn thịt mỡ và rau, chỉ ăn thịt nạc. Thế là thịt tiêu chuẩn của cả nhà - cũng vì không quen mấy cô bán hàng thực phẩm và không chen được nên tất nhiên phần mỡ luôn nhiều hơn - mẹ lại phải lọc thịt nạc để làm ruốc cho mình ăn.

Bố đi làm xa, nhà có ba mẹ con, ăn uống cực kỳ đạm bạc vì hồi ấy nhà ai chả thế. Mình và lão anh tranh nhau tóp mỡ ở bát canh dưa hay canh cà chua, nghĩ lại vừa vui và mũi lại cay cay. Mẹ thì nhường cho con ăn, toàn bảo “mẹ ăn thịt chán rồi”, thế mà bọn nhóc cũng tin. Hồi ấy nuôi gà, gà rù mới được thịt để ăn, nồi thịt thâm sì vẫn ăn ngon lành, thịt gì rang cũng phải mặn để còn ăn dè.

Mùa hè, cả hai anh em cùng với các anh chị em họ khác vào trong cụ ngoại để cụ trông cho bố mẹ còn đi làm. Cụ già rồi mà trông 7 đứa trẻ con cả lớn và bé. Mỗi đứa được mẹ cho mang một cặp lồng cơm, đến nhà cụ thì bỏ ra ăn chung. Nhớ cái cảnh chí chóe tranh ăn khóc ré lên và cụ phải phân xử, nịnh đứa nọ cho đứa kia vài miếng.

Ông anh mình hồi ấy rõ khổ, học lớp 7 mà phải gánh vác trách nhiệm như thằng đàn ông thực thụ. Sáng sớm tinh mơ, mẹ giao nhiệm vụ đi xếp hàng mua gạo để mẹ xong việc nhà thì đến khỏi phải chờ lâu. Ai dè, vì bé quá nên anh bị mấy lão thanh niên chen cho bật xuống dưới. Lúc mẹ đến, anh giai đứng khóc tu tu. Nhiều vụ chen nhau đến 3 giờ sáng, chỉ mua được hai cái khăn mặt và bàn chải đánh răng.


Một căn phòng với những vật dụng tiêu biểu của thời bao cấp


Vải vóc quần áo cũng phân phối mà chỉ mua được một loại vải duy nhất, vì vậy mình có tận ba cái quần giống nhau, phải may thành BA kiểu kẻo lại bị bảo là mặc hoài không thay quần à?? Mẹ cắt tóc ngắn cho mình, lại mặc thừa quần áo của anh trai, đi giày thừa nên mình giống hệt một thằng con trai, dù mình thích điệu lắm nhưng làm gì có váy áo xúng xính như bạn Bống thời nay.

Nhớ mãi món quà của bố ở Hà Nội gửi lên, hồi ấy mình thích nhảy dây, mà dây chun là cắt ở săm xe đạp ra, làm gì có chun vòng. Mình dặn bố mua cho con một lạng chun vòng và bố gửi lên ngay, đó là món quà mình sẽ nhớ mãi.

Vì có bố làm ở Hà Nội, nên ba mẹ con vẫn còn may hơn khối nhà khác vì có hàng gửi ở “xuôi” lên, khi thì kem đánh răng, khi thì vài đôi tất, hay cái áo khoác. Mà thiếu thốn nên con người lại càng tham hơn. Bố có lần gửi chú cùng cơ quan mang lên cho mình cuốn truyện Buratino “xịn” của Nga, bìa đẹp, tranh đẹp. Chú ấy chắc mang về cho con nên giả vờ bị mất, sau cũng không mua đền cho mình. Nỗi hận này đến nay vẫn chưa nguôi.

Con búp bê với mình là món quà xa xỉ, đến giờ mình vẫn chưa chính thức có một con búp bê nào của riêng mình. Vì vậy mà chuyến đi công tác đầu tiên mình đã mua cho con gái một con búp bê tại chợ Đông Hà, con búp bê đó thật đẹp, giờ này Bống vẫn còn chơi. Mình mua cho con gái nhưng lúc về thì ôm con búp bê này như nó là của mình, thỏa lòng thèm thuồng từ hồi bé.


Cảnh xếp hàng thời bao cấp được tái tạo trong triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp” (1975-1986) (Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội)


Đói ăn đã khổ, đói văn hóa còn khổ hơn, trẻ con 8-9 tuổi còn vô tư mà đứa nào cũng có sổ tay ghi chép các bài hát, từ nhạc vàng đến cải lương, nhạc hải ngoại nhão nhoét, dù chẳng hiểu gì mà cũng lăn ra thi nhau chép vào sổ, cộng thêm mấy dòng chữ đánh bóng bằng bút bi, rồi vẽ hoa, trang trí đẹp ra phết.

Có lần mình ngồi trong bếp cứ rên i ỉ bài “tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau, tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu…” (1) bị bố quát là trẻ con không được hát bài người lớn, khổ, có nhiều bài hát đâu, cả đại gia đình có một quyển bài hát in bằng giấy đen sì, gồm các bài hát thiếu nhi mà hát đã thuộc làu. Còn băng đài cát sét thì chưa có gì, sau vài năm mới bắt đầu có Tuấn Vũ, Hương Lan, Chế Linh rên suốt ngày nên chỉ thuộc có bấy nhiêu bài, chả quan tâm bài gì của người lớn, cứ có nhạc là vui rồi.

Nhớ mãi cái hồi nhà mình chưa có TV, tối đến kéo sang nhà hàng xóm, nằm bò ra xem từ Những bông hoa nhỏ, Chương trình Phụ nữ hay cả “Nông thôn Ngày nay” cũng xem tuốt, mà còn phải chen nhau để ngồi đằng trước, nghe cho rõ cái âm thanh rè rè phát ra từ cái TV Nep-tuyn vỏ gỗ màu nâu cũ rỉ.

Năm 1990, nhà mình là nhà đầu tiên của cái khu tập thể công nhân Mỏ Apatite đó có tivi đen trắng 14 inch hiệu Samsung do bố mua ở Hà Nội lên hẳn hoi, mà của đáng tội, hồi đó ở miền núi nhà mình chưa có trạm thu phát vệ tinh, mà phải dùng dàn ăng-ten hạng khủng may ra mới bắt được tín hiệu. Cái thời ấy, việc bắc rạp, thuê thợ dựng cần ăng-ten là chuyện thường.


Cảnh đeo bám quen thuộc trên những chiếc tàu điện, phương tiện công cộng rất quan trọng ở Hà Nội thập kỷ 1970 - 1980


Nhớ mãi lần ấy, bố mình mua được một cây tre dài phải đến 20 m rồi một đoàn thanh niên trai tráng phải vác cái cây tre đó lao qua một cái ao sâu thì mới dựng nổi nó tại vườn nhà mình để treo lên đó giàn ăng-ten bằng nhôm to gần bằng cái giường đôi, kèm theo một cái que sắt xuyên qua thân cây tre để xoay ăng-ten mỗi khi mất tín hiệu.

Nhớ mỗi lần xoay ăng-ten, bố mắm môi mắm lợi xoay còn con thì ở trong nhà làm trinh sát “rồi, rồi rõ rồi bố ạ, ôi giời lại mất tiếng rồi, lại mất cả hình nữa…”. Cái TV đen trắng bé tí đó để phục vụ World Cup Italia 90 cho cả xóm và họ hàng nằm cả đêm la liệt khắp sàn nhà chầu chực xem từng trận. Hôm nào mà hai đội cùng mặc áo sáng màu hay sậm màu là chết toi vì không phân biệt nổi đội nào với đội nào.

Đó là khoản báo hình, còn báo tiếng thì khỏi nói, cứ nghe thấy tiếng ten tèn ten tèn ten chương trình phát thanh của Đội là có một con bé gày đét là mình cầm cả bát cơm lao ra ngoài đường, đứng gần cái loa phóng thanh để nghe từng lời một, xem chừng sung sướng lắm, vừa ăn vừa hít bụi ngoài đường mà không hề hấn gì.

Tối thứ Bảy thì cả đám kéo nhau ra cột điện, chỗ treo cái loa để nghe “Câu chuyện cảnh giác”, “Sân khấu truyền thanh”, ngâm nga hưởng thụ như thể chúng là các tuyệt tác nghệ thuật. Chèo tuồng, cải lương cũng ngốn hết, chả thế mà hồi bé tí mình còn thuộc và ca hết cả bài cải lương “Hoa mua trắng” (2) có câu đầu là “tôi đưa đoàn chiến sĩ qua sông…” mà ca bằng giọng miền Nam hẳn hoi nhé.


Gói hàng tết, mơ ước của nhiều người một thời...


Thi thoảng thì áp tai qua cửa sổ nhà ông hàng xóm ky bo để nghe lỏm chuyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” hay “Tây du ký” đọc qua đài. Có lẽ hồi ấy, trí tưởng tượng của đám trẻ con bọn mình phong phú hơn bọn trẻ bây giờ, vì chỉ có nghe mà tưởng tượng ra đủ thứ. Mà ông ấy ác, vặn rõ nhỏ vào để khỏi bị nghe lỏm.

Còn báo giấy, sách vở, tạp chí thì mình đọc nghiến đọc ngấu bất cứ cái gì có thể đọc được. Dùng thẻ thư viện của mẹ, mình nghiễm nhiên trở thành độc giả thường xuyên của cái thư viện dành cho công nhân Mỏ, có các giá sách cũ kỹ, nhiều cuốn sách đã sờn nát và có mùi ẩm mốc. Hồi ấy mình mới học lớp 5, lớp 6 mà đọc tuốt những tiểu thuyết dày cộp về chiến tranh, cái thẻ thư viện thì dày đặc chữ ký tên mình.

Cô nhân viên thư viện cũng quen mặt, còn đặc cách cho mình vào tìm sách tận giá sách thay vì tìm qua tiêu đề và nhờ cô ấy tìm sách hộ. Các tạp chí đen trắng của Liên Xô, chả hiểu gì cũng xem hết, xem chữ không hiểu thì ngắm tranh. Tiền mẹ cho đa phần nướng vào sách, truyện. Cái hiệu sách bé tí ở thị xã miền núi không đủ cung cấp cho nhu cầu của mình, một đứa toàn ngồi chờ đến giờ hiệu sách mở cửa để mua sách mới về.

Còn nhiều và rất nhiều các kỷ niệm về cái sự “đói” thời ấy mà kể mãi không hết. Khó khăn thiếu thốn bao nhiêu, thiệt thòi bao nhiêu nhưng những niềm vui trong trẻo của thế hệ mình chắc chắn không thua kém, thậm chí còn sâu đậm hơn niềm vui của lũ trẻ “ăn sung mặc sướng” thời bây giờ, đơn giản chỉ vì niềm vui nào khó khăn mới đạt được thì người ta càng nhớ và trân trọng nó hơn.

Mình thề là câu này sau khoảng hai chục năm nữa, Bống sẽ nói với con của Bống, tức là cháu của mình…

Ghi chú (của NCTG):

(1) Ca khúc “Áo em chưa mặc một lần” (Hoài Linh).

(2) Của tác giả Ngự Bình.

(*) Ảnh trong bài được trích từ bộ sưu tập của nhà xã hội học, nữ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Eva Lindskog tại triển lãm ảnh “Còn & mất” (Hà Nội, tháng 3-2011), của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, và từ triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (1975-1986)” (Hà Nội, tháng 6-2006).

Tác giả bài viết: Mai Quỳnh Anh, từ Hà Nội