Làng trong phố (5) - ĐỘI ƠN NHÀ NƯỚC
- Thứ năm - 01/07/2010 01:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tấc đất tấc vàng nhờ những cơn sốt đất... - Ảnh minh họa: Internet
Cách đây 8 năm, số tiền đủ mua một căn nhà bốn tầng mới xây mặt phố rộng 8 mét giờ chỉ đủ để mua… 1 mét vuông đất ở chính địa điểm đó.
Hồ Tây thì bà con biết rồi đó, những nhà dân làng quanh bờ hồ đất mênh mông, giờ có bị cắt đi làm đường bao ven hồ, cắt đi làm quy hoạch đi chăng nữa, vẫn còn khối chỗ để… bán! Ông hàng xóm lên đời từ cơn sốt đất ấy.
Bán đất xong, việc đầu tiên là ông hàng xóm mua một cái xe máy Best cho thằng con trai. Ông hàng xóm con cũng rất chịu chơi, bia lạc luộc hay rượu thịt chó cũng suốt ngày. Vì thế, một đêm đẹp giời sau cuộc nhậu, ông hàng xóm con phi xe máy trên đường làng, kiểu gì mà qua đình làng (giờ đã rải nhựa đắp vỉa hè xi măng cẩn thận, công trình hình như nghìn năm Thăng Long, đội ơn nhà nước!) ông hàng xóm con đã cho con xe lao thẳng xuống Hồ Tây, nước sủi lên ùng ục.
Ông hàng xóm con đứng lại trên bờ, nhìn cái xe như người ta nhìn con ngựa chiến, rồi phất ống tay áo quay về nhà, y như trong phim kiếm hiệp Tàu.
Về nhà ông ngủ một mạch. Ông hàng xóm lôi cổ ông hàng xóm con ngồi lên, dồn dập hỏi ngay:
- Xe máy đâu, sao mày đi bộ về?
- Ông không mua xe nhất cho tôi, lại đi mua xe bét. Tôi phi nó xuống hồ rồi! Mai mua xe nhất cho tôi!
Nói xong ngủ tiếp, ông bố hoảng hồn chạy ra vớt. Hồ Tây thì nông thôi, chỉ quá đầu gối, trai làng giúp ông công cái xe lên bờ rồi đứng cười ầm ĩ, bảo, nó vứt xe máy là đúng rồi, sao ông không mua ô tô cho nó!
Ông bảo, lần trước nó đã dọa đốt taxi của người ta rồi, có ô tô của nhà chắc nó đã đốt thật!
Xong rồi về, mặt ông thiểu não như mặt bố Chí Phèo lúc nghe tin con hủ hóa với Thị Nở.
Nỗi thiểu não của ông hàng xóm không thấm vào đâu so với chuyện ầm ĩ sáng hôm sau của bà hàng xóm. Sáng hôm sau, cả làng đã ầm ầm chuyện đất cát của bà bán rau ngoài ngã ba chùa làng, bàn đến nửa năm sau không hết tiếng chắc lưỡi.
Chuyện là thế này, bà bán rau cưới ông bán rau, đẻ ra hai đứa con hiện còn chưa đi bán rau mà còn đi học. Còn ngày sau thì không biết thế nào. Ông bà vốn bán rau từ trong lịch sử, trải qua các thời kỳ tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa, vào hợp tác xã ông bà vẫn bán rau, rời hợp tác xã ra kinh tế thị trường ông bà vẫn bán rau. Rau của nhà trồng được.
Đội ơn nhà nước, sau một đêm ngủ dậy, ông bà thành tỷ phú làng. Là đất vốn đang trồng rau muống, rau cải, mồng tơi của ông bà vài chục năm nay ở bãi đào ngoài làng bên Phú Thượng bỗng dưng vào quy hoạch, mở đường nhựa, xây cao ốc chung cư, với lại những cái gì đó. Bà con cũng biết, còn gì lãi hơn việc nay mở rộng quận nội thành, mai đưa thị xã lên thành phố, cho đất sốt ầm ầm. Có những người ngủ dậy thành tỉ phú, cũng có người ngủ dậy trắng tay vì quy hoạch Ba Vì, lạ gì, sau một giấc ngủ của người dân, sự gì cũng xảy ra được, tại Việt Nam.
Cò đất trả chục tỷ đồng, đòi chồng tiền ngay cho kịp quy hoạch.
Bà tiếc lứa mồng tơi mới gieo, ông thì bảo, ngô mới ra hoa chưa chắc bắp, không bán đâu. Mà hái xong ngô với rau tôi cũng không bán.
Mẹ chồng mình tò mò và hay chuyện, nên lân la sang dò hỏi vì sao, ông hàng xóm thủng thẳng:
- Cứ để đất đấy, hai đứa con mọn nhà tôi lớn lên, vài năm nữa thôi, cắt cho chúng nó mỗi đứa một miếng mà xây nhà! Giờ bán đất, trồng rau vào đâu, vào mắt à?
Hồi đó đúng dịp mình nghỉ hè về nhà, bữa cơm chiều nghe kể chuyện, mình chắc lưỡi:
- Đúng là đầu óc dân làng, khó mà lên phố nổi, chả biết tính toán gì cả. Bây giờ trồng rau mỗi tháng bán tổng cộng được hơn một triệu, trong khi bán đất xong gửi ngân hàng nhận lãi mỗi tháng vài chục triệu. Thế mà cứ khư khư tâm lý phải giữ đất để chia cho con cháu, phải có nghề mà làm, dù là nghề bán rau. Già rồi lo lấy cái thân mình đi, đời con nó phải tự lo cho nó chứ, thế mới là văn minh!
Mẹ chồng mình cũng gật gù:
- Ừ, nhưng người ta nghĩ thế bao đời rồi, bây giờ xui họ, họ lại bảo là mình dạy khôn!
Mình chưa có hân hạnh dạy khôn thì cò đất đã dạy khôn cho bà tỷ phú làng một bài học nhớ đời. Không mua được mảnh đất rộng lớn của bà bán rau, cò đất quay sang mua hai mảnh đất ruộng kế hai bên của nhà bà, sau đó úm ba la một cái, bỗng dưng con đường nhựa đang thẳng trên bản đồ quy hoạch bỗng dưng bị nắn đi trọn qua mảnh đất nhà bà bán rau. Người ta thông báo cho bà rằng, đất nhà bà là đất phần trăm của hợp tác xã rau ngày xưa, vì thế, không được đền bù. Y như trên phim hay trên tiểu thuyết vậy. Nhưng ai chả hiểu rằng, có những bàn tay vô hình bỗng dưng từ đâu hiện ra để… nắn đường, chất phác như vợ chồng bà bán rau, chạy đâu cho thoát!
Thế là sau một giấc ngủ, bà tỷ phú bán rau bỗng dưng trắng tay. Một gia đình mà mỗi bữa cơm tiêu không quá mười lăm nghìn đồng tiền thức ăn, bỗng dưng nhạt miệng hơn hẳn ngày thường.
Bây giờ chỉ khác trước một chút, là họ không phải lo trồng trọt tưới tắm nữa, không lo mưa gió sâu bệnh gì, mỗi sáng chỉ phải đi xe đạp ra chợ đầu mối mua một ít rau về bán lại, ăn lãi quanh làng.
Cái xe đạp đã đồng hành cả cuộc đời của gia đình bán rau, may quá, đội ơn nhà nước, vẫn chạy tốt.