Làng trong phố (17) – MỘT MIẾNG GIỮA LÀNG
- Chủ nhật - 21/11/2010 22:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác thợ mộc có vợ bán hàng thuê ngoài ngã ba. Cai đẻ được chừng mười mấy năm, bỗng dưng lại tọt ra một đứa nữa, người ta cha già con cọc, bác thợ mộc thì cha chưa già nhưng nghèo quá nên con không những cọc mà còn còi tin hin.
Minh họa: Internet
Vì thời buổi này làm gì còn ai đóng đồ mộc nữa. Cần nội thất thì ra Đê La Thành, muốn giường tủ bàn ghế đã có đồ gỗ ép công nghiệp giá rẻ, tay vịn cầu thang hay tủ bếp thì các cửa hàng nội thất xây dựng có cả từ ngoại nhập lẫn thiết kế theo ca-ta-lô.
Ngay cả giá sách và cũi em bé cũng có đồ nhôm và nhựa rẻ tiền hơn. Phản với lại ghế xa-lông thì đã lùi vào dĩ vãng lâu rồi. Bác thợ mộc chỉ còn mỗi khách thuê đóng một cái chân giường, một cái khung cửa sổ lặt vặt, sửa cái tay nắm cửa long chốt. Nghèo là phải.
Con bác, một tuổi nó vẫn chẳng ngồi được, nói gì đến chuyện đứng lên mà tập đi, cân nặng chỉ như con người ta sơ sinh ba tháng.
Mình hỏi ông xã mình, sao nhà đấy nuôi con giỏi vậy?
Ông xã bảo, bố mẹ nó kiêng sữa.
Kiêng sữa là sao?
Là không cho nó uống một hột sữa nào, chỉ có ti mẹ và uống nước cơm thôi. Thấy bảo nó chê sữa ngoài.
Mình kinh ngạc, bảo, thời buổi nào rồi còn nuôi con bằng nước cơm, thiếu gì cách cho con ăn dặm. Anh là bạn người ta, hay sang nhà người ta chơi mà không chịu nói một tiếng.
Ông xã mình bảo, khổ, thực ra là làm gì có tiền mà mua sữa bột! Mình biết thế, nhưng anh chị đấy cứ bảo là con chê sữa, biết làm sao?
Mình hăng hái, để em, hàng tháng em cho họ tiền mua sữa, anh mang sang nhé!
Ông xã mình cười đểu, bảo, nghe đã thấy sĩ diện của người ta to bằng cái đình, chẳng đời nào họ cầm tiền của mình đâu!
Quả thật thế, ngày giỗ chạp, bác thợ mộc làm cỗ mời cả làng. Cỗ nhà bác luôn mời đông nhất, vài chục mâm la liệt chả có chỗ mà ngồi. Ngày thường, bác muối quả cà cũng mặn chát, một quả cà cõng ba lạng muối, cho ăn dè, khỏi tốn.
Năm nào cũng thế, ngày xưa mình đâu để ý, vả lại mình đi vắng quanh năm, có bao giờ về nhà mà ăn một miếng cỗ nhà người ta. Hơn một năm nay mình mới ở nhà, mắt thấy tai nghe rồi thì nói thật, cỗ đấy nuốt không nổi một miếng, mình toàn né. Trốn giỗ, trốn lễ tết. Vì chỉ nghĩ đến tình cảnh những người è cổ để đẹp mặt với làng mà để con đói con gầy, là mình muốn rớt nước mắt.
Chẳng lẽ mình cấm nốt ông xã mình lai vãng sang đó, sợ họ tốn tiền chè chén và thuốc lào?
Mình bèn xui ông xã sang rủ bác thợ mộc về nhà mình chén chú chén anh. Vấn đề không phải là cho họ một sàng xó bếp nhà mình, mà mình rắp tâm mưu đồ khác!
Trà dư tửu hậu, mình tỉ tê xui bác thợ mộc chuyển hướng làm ăn. Không phải đổi nghề, mà mình rỉ rả hỏi bác, cái xe đẩy cho trẻ con tập đi nhà em, đáng bao tiền gỗ, mà anh làm được không? Mấy cái cục đồ chơi gỗ thông minh của Chuột Ú nhà em, anh xem này, làm có khó không?
Bác thợ mộc thật thà, tiền gỗ khoảng ba chục nghìn đồng, làm một buổi thì xong cả mấy cái, nhanh lắm! Còn mấy cái đồ chơi thông minh kia ấy à, tính tiền sơn màu mè thôi, chứ mấy cục gỗ con con ấy, miễn phí!
Thế em muốn đóng bộ bàn ghế cho em bé ngồi ăn bột, giá trên mạng cả 500 nghìn, đắt quá em không mua nổi, nhìn ảnh anh đóng được không? Bác bảo liền, thoáng qua là biết kích thước mẹo mực, việc vặt.
Mình giả bộ kinh ngạc nói, cái xe em mua rẻ tại kho của bọn Đồ chơi thông minh là 270 nghìn, gấp mười tiền gỗ, còn mấy cái cục kia cũng trăm rưởi đấy!
Xong rồi mình làm như vô tình nghĩ ra, bảo, trên mạng chào hàng vô cùng nhiều mẫu và vô cùng đắt, hay em thiết kế một trang website quảng cáo cho anh, đóng theo đơn đặt hàng, giá rẻ, chỉ nhận làm đồ chơi và sản phẩm cho em bé, bác thấy thế nào. Làm đồ cho thiếu nhi thì bố mẹ các cháu chả tiếc tiền đâu, chứ bác cứ chỉ nhắm vào khách hàng người lớn, khách truyền thống, đấy cả tháng có ma nào làm đâu!
Bác thợ mộc đỏ mặt, chối đây đẩy.
Sau này mình bị ông xã mắng cho một trận. Ông xã nói, người ta đã đầy sĩ diện, bây giờ mình muốn tốt cho người ta nhưng người ta lại chỉ nhìn thấy là bị mất thể diện với hàng xóm, bị hàng xóm phát hiện ra làm chẳng đủ ăn, thì có khuyên đằng giời, có khi lại bị họ ghét.
Mình lắc đầu bảo, thế thì em chịu. Có cái sĩ diện nào hơn cơm áo gạo tiền?