Làng trong phố (15) – CUỘC CHIẾN TRÊN ĐỈNH CỘT ĐIỆN
- Chủ nhật - 01/08/2010 11:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quái nhân làng không thiếu, người tài nhiều như sung (nhưng thỉnh thoảng mở miệng mới biết là người tài). Cho nên không hiểu ăn chơi nhảy múa kiểu gì, một ngày kia một giai làng tốt phước được lên cột điện ngồi.
Minh họa: Internet
Chàng nói lắp, nói xin lỗi chứ chàng ngày xưa tỏ tình kiểu “Anh anh yêu em em!”, tổ tôm toàn ù tám tám đỏ hai hai lèo. Thế nhưng vẫn lấy được vợ, vợ đảm là khác. Nói lắp tới nỗi rốt cuộc mồm được treo lên cột điện, mỗi bẩy giờ sáng và năm giờ chiều, oang oang.
Bà con biết là cái gì rồi, đúng không?
Mà cứ vào giờ phát thanh đài phường, là chàng không bị ngọng. Đến mức độ, nhiều khi mình nghĩ mình bị lừa, cái thằng ngồi lắp bắp trước mặt mình, cầm cốc bia không dám cụng mạnh, mà sao lên loa phường cứ vanh vách nói như nước chảy là thế nào nhỉ, đọc nghị quyết không chữ cái nào bị vấp. Nói thì lẫn lộn chữ L với chữ N mà sao cầm bản tin chống diễn biến hòa bình đọc cứ lưu loát chả ngọng chữ nào?
Đúng là nhân tài làng có khác, mở miệng ra mới biết, hí hí.
Hắn thú thật, em không hiểu tại sao tay cầm tờ giấy miệng ghé micro phường thì không sao, chứ buông tờ giấy xuống, tắt đài đi là bắt đầu dở ông dở thằng. Như kiểu phân thân ra làm đôi, nửa người ngồi chễm chệ trước bàn dân thiên hạ, đàm luận chuyện thiên địa quốc gia đại sự vanh vách, nửa ngợm về nhà không nói nổi một câu cho ra hồn với vợ (toàn bị ngắt ngang, lặp lại, hi hi). Nói lắp khổ lắm, người ta nghe chưa hết câu đã sốt ruột bỏ đi. Chàng bảo, nhiều lúc cáu, khỏi cần nói năng gì, vật vợ ra tẩn luôn.
Mình bảo, nỗi khổ của cậu cũng không xa lạ với nỗi khổ của nhân dân. Nhiều ông quan không nói lắp nhưng mà sống cũng phân thân như cậu đó thôi. Bàn việc nước thì quan oách lắm, thi thoảng quan ngồi dạng háng trước mặt công nương hoàng tộc trời Âu, người ta mới phát hiện ra tí chân tướng, hi hi.
Mình an ủi, chứng tỏ tật nói lắp chỉ là vấn đề tâm lý của cậu thôi, tâm tính cứ bình an đi, ăn nói cứ như ở chốn đông người (hoặc không người) thì sửa được thôi mà. Chàng gãi tai, cầm cốc bia lên thò ngón tay khoắng khoắng viên đá bên trong cho nó quay tít thò lò, bảo, ba chục năm rồi, sống nửa đời rồi, sửa sao được nữa. Nói xong chàng tợp một ngụm to.
Mình bảo, thế xem ra cậu quản cái loa phường lại hợp, chõ mồm vào ống sắt sáng tối, đọc đủ mọi nghị quyết và xã luận, không cần dùng tí chất xám nào cũng càng không cần dùng tí sức lực nào. Ngay cả tật nói lắp còn không ngăn được cậu chõ mồm vào bắt cả chục nghìn cái tai (phường 5.000 người tính ra là 10.000 cái tai, hi hi) nghe cậu nói, thế thì còn cái gì ngăn nổi cậu thành đạt nữa?
Chàng bảo, chị nói thế thì hóa ra em cũng là cái công cụ, cái máy thôi sao? Em cũng phải cạnh tranh, làm mửa mật ra ấy chứ!
Mình bảo, cạnh tranh cái gì, ai dám cãi loa phường?
Chàng bảo có.
Thì ra phường mình có một cái chợ, chợ to, to lắm mà tên ngắn lắm. Tên chợ đã bị Bộ Văn hóa ra quyết định chính thức cấm không được sử dụng cho website nào cả, sợ bọn phản động nước ngoài phá hoại bôi nhọ xuyên tạc. Ví dụ một ngày đẹp trời, một người yêu nước gửi cho bạn đường link www.buoi.com hoặc www.buoi.vn thì bạn đọc là web gì? Hay đánh vần xong đường link thì bạn cũng bắt đầu… nói lắp, hi hi!
Nỗi khổ của chàng nói lắp hàng xóm không phải là việc chinh phục đôi tai thị dân chợ này mà là chinh chiến với các đồng nghiệp khác tại ngã ba đường, nơi mà phường mình giáp với hai phường bạn. Trong đó, có phường khác lại nằm ở quận khác nữa, chả họ hàng gì tại sao phải nể nang chúng nó, cứ bật hết cỡ loa phường lên, dội bom sang địa bàn phường bạn (quận bạn).
Chàng nghĩ thế, lính phường bèn vác loa to nhất công suất mạnh nhất treo lên cột điện ở ngã ba, chinh phục thường dân lẫn người đi đường. Chả mấy hôm, phường bạn thuộc quận mới thành lập cũng phát hiện ra vũ khí bí mật của phường mình. Con gà tức nhau tiếng gáy, họ bèn treo cái loa to hơn lên cây cột điện bên kia đường, trồng trên đất phường họ. Thế là vào lúc năm giờ chiều, chàng lắp làng mình chiến đấu với nàng không lắp phường bạn trên cột điện.
Phường còn lại chậm chân nên cáu, nhưng họ không có cái cột điện nào cắm ở ngã ba xung kích này cả, làm thế nào? Họ bèn treo ở xa xa (cách chiến tuyến vài chục mét) nhưng treo hẳn hai cái loa xịn mới mua.
Dân chúng “ngã ba sung sướng” từ đây được đổi đời nhờ ánh sáng văn hóa, đời đời biết ơn Ủy ban. Mỗi sáng, ba bốn cái loa thi nhau chõ vào tai, không điên mới lạ. Đục nước béo cò, một thằng cò đất đang rao bán mảnh đất đầu làng lên Mua và Bán vội vã thêm một dòng vào: “Chính chủ, sổ đỏ, không có loa phường”.
Một ngày, chàng lắp đang oang oang tuyên truyền về cách phòng chống lây lan HIV-AIDS, ông hàng xóm cạnh nhà mình cầm vồ tương vỡ cái loa phường, còn bắc thang leo lên dùng kìm cắt dây điện, cho cái loa tịt hẳn. Ông bảo, bảo phường ra đây, tao đập đấy, đúng là cái loại vô văn hóa!
Ông phân trần, một mình ông ở một nhà, có 100 kênh truyền hình cáp, 1 máy tính nối mạng ngày đêm xem một trăm tờ báo điện tử, điện thoại di động có FM lại có cả MP3, chưa kể mấy tờ báo “Bóng Đá”, “Pháp Luật”, “Thanh Niên” mua hàng ngày rồi, đầu đĩa DVD xịn dàn loa xịn, ông ỉa vào cái loa phường. Không ỉa được (vì nó kê cao quá, ông ngại khỏa thân trên cột điện) thì ông đập.
(Tính ông vậy đó, sắp già mà còn đầu gấu, mình còn mê nữa là các cô chưa chồng, hi hi thảo nào đào hoa thế!)
Thế mà chả thấy ai hó hé, hi hi. Chàng lắp buổi tối về nhìn thấy hiện trường, hôm sau báo cáo lãnh đạo phường thay cái loa khác.
Làng xóm yên thân được vài hôm. Cho đến khi ánh sáng văn hóa của chính quyền lại rọi tới.
Hi hi.