Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LỆ LÀNG

(NCTG) “May quá, bố chồng mình không mất ở quê, chứ không vợ chồng mình è lưng mà trả nợ sau đáng tang ông”.


Về quê viếng mẹ của bạn, mình rất lạ là viếng xong được gia chủ mời sang nhà bên cạnh ăn cơm. Mình từ chối thế nào cũng không được và đành đi theo bạn sang nhà bên cạnh. Cả một khoảng sân rộng đến mấy chục mâm cơm thế này.
 
Mình choáng váng bảo bạn:

- Chết, mẹ mất mà làm nhiều cơm thế này tốn kém lắm.
 
Bạn bảo:

- Thế này ăn thua gì.
 
Rồi bạn đi về bên nhà bạn để đứng đáp lễ mọi người vào viếng.
 
Mình hỏi chị ngồi cùng mâm:

- Cứ đám tang ăn thế này à?
 
Chị bảo:

- Ngày ba bữa thế này em ạ, sáng, trưa, chiều và đêm thì ăn miến gà hoặc cháo gà.
 
- Ôi, thế con cái nghèo thì làm thế nào?
 
Chị ngồi đối diện mình bảo:
 
- Nghèo cũng phải chịu, bà mất từ chiều hôm qua, tối qua đã một trận thế này dựng rạp rồi. Mai đưa ma bà, về là ăn một trận to hơn thế này, đến chiều sẽ là trận như thế này dỡ rạp nữa.
 
Mình nhẩm tính: Chiều qua là một, ngày hôm nay ba là bốn, mai hai trận nữa tổng cộng là sáu. Trời ơi, thế này thì mình chết!
 
Rồi mình nói với họ:
 
- Khi ba chồng em mất, đưa ông vào nhà lạnh, đến giờ viếng mọi người đến viếng, xong đưa ba em ra đồng, lượt quay về lúc đó mới ăn, và chỉ ăn có mỗi lần đó thôi ạ. Chứ nếu ba chồng em mà mất ở quê, mà ăn thế này thì vợ chồng em chết, lấy đâu ra tiền.
 
- Như thế là văn minh đấy, nhưng cái lệ ở quê nó thế, không làm không được.
 
Rồi mâm mình cũng ăn xong, nhưng đồ ăn vẫn còn rất nhiều, mình nhìn sang các mâm khác, cũng vậy không hết. Mình ra lôi bạn lại và phàn nàn:

- Tốn kém và lãng phí quá anh ạ. Đồ thừa rất nhiều, nếu đám tang thế này chỉ nên ăn cơm như cơm gia đình thôi, ai lại ăn thế này?
 
Bạn bảo:
 
- Không được, ăn như gia đình làng nước người ta nói cho, họ nói ngay đấy. Thừa cũng vẫn phải đủ món như thế, mà hôm nay là rằm nên rất nhiều người còn ở nhà cúng rằm không sang ăn, chứ nếu không phải rằm còn nhiều nữa.
 
- Cô có thấy cỗ còn không có rau không? Chỉ dám cho đĩa su su luộc cho mát đó.
 
Chị đứng cạnh đó nói với mình. Mình gật đầu xác nhận và không hiểu sao lại không có rau. Chị lại bảo:
 
- Có rau cái là lúc nữa làng nước lại bảo: “Cỗ nhà này toàn rau”. Đi ăn cỗ quê chỉ thấy thịt, tuyệt đối không rau cô ạ.
 
- Vậy bữa chiều nay là bao nhiêu mâm?
 
- Nhẹ nhàng năm chục mâm thôi, trưa nay cũng năm chục mâm. Nhà anh đến giờ phát ra là sáu trăm khăn, như vậy con cháu đã là sáu trăm chưa kể hàng xóm, bạn bè nếu không phải rằm thì phải hơn nữa không phải là năm chục đâu.
 
- Đâu bằng quê em – một chị khác kéo ghế ngồi cạnh bạn và mình. – Bà nội em mất trước bố em một năm, nhà em cũng vừa bốc mộ cho hai đại ca năm ngoái. Mẹ em dâu trưởng đám ma bà nội em chơi nhanh nhanh cũng 150 mâm mà 9 đĩa 3 bát nhé, nghĩa là hơn mâm mình vừa ăn một món. Chưa xong tang bà nội em năm sau tang bố em, lợn mổ mấy con, gà qué giết vô biên, ăn uống liên miên ba ngày. Rồi 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu và hồi năm ngoái là bốc mộ... Mẹ em đắm chìm trong nợ nần vì hủ tục chị ạ.
 
Ui, mình thở dài rất dài, may quá, bố chồng mình không mất ở quê, chứ không vợ chồng mình è lưng mà trả nợ sau đáng tang ông.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội