Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HẠC CẦM

(NCTG) Bình sinh, tôi rất khoái câu chuyện nhiều em học sinh nhà mình nhầm “Đàn Nam Giao” là “một loại đàn [nhạc cụ] cổ”.


Bạ đâu, tôi cũng khoái trá nhắc lại giai thoại đó một cách hơi độc địa, ác ý, như một minh chứng cho “vấn nạn” dân ta dốt sử (ta, Tây), mà các bậc thức giả ở nhà giờ hay “gióng chuông cảnh tỉnh”.

Nhưng bữa trước, chính tôi cũng bị một vố tương tự như thế, bởi con gái. Số là, con gái tôi đọc sách kể chuyện “Kinh Thánh” tiếng Hung, thỉnh thoảng có từ nào không hiểu thì hỏi bố.

Đến một từ là “hárfa”, bố thấy quen quen, nhưng không nhớ cụ thể là gì. Lười không giở tự vị ra tra, nên bố trả lời bừa “à, là một loại cây gì đó”. Nói thế là vì từ này có chứa chữ “fa”, mà “fa” tiếng Hung là cây, nên bố nghĩ chắc nó là loại (cây) sồi, bàng… chẳng hạn.

Có điều, con gái chắc thấy văn cảnh không hợp, nên không tin (trình độ) bố, giục bố coi lại đi. Cực chẳng đã, phải giở sách ra liếc, thì ra, nó là… hạc cầm (harp), loại đàn có lẽ Việt Nam mình thời xưa chỉ biết đến qua “Không gia đình” của Hector Malot và cách đây vài năm, thấy báo chí ta bảo toàn xứ An Nam chỉ có một người biết chơi ở trình độ… đại học.

Như thế, chuyện “bé cái nhầm” (do dốt, do… quên hoặc do vô vàn lý do khác), là rất có thể, và tôi rút ra một kinh nghiệm (thực ra cũng không mới), là chê và bỉ thử người khác rất dễ, nhưng cũng phải nghĩ đến lúc mình bị những cái ngu si như thế...

Tác giả bài viết: Trần Lê