Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ghi chép của Ngọc Vân: “VĂN HÓA ỨNG XỬ” KIỂU “XÙ”?

(NCTG) Dân Tiệp (Czech) nơi ông anh họ tôi sinh sống gọi Việt Nam mình là “Vietnamcu”, phiên âm là Việt-Nam-Xù. Thế nên chợ Việt được gọi là “chợ Xù”, chè Việt được gọi là “chè Xù”, còn hết thảy những người trong gia đình chúng tôi đều được gọi một cách bình dị và dân dã là “Xù”.

Văn hóa ứng xử trong các chuyến bay của người Việt còn nhiều vấn đề đáng trách - Ảnh minh họa của "Việt Báo"


Bài này tôi viết trên đường từ Anh về nhà với cháu bé, thiên thần nhỏ của tôi. Hai mươi tiếng đồng hồ hết tầu lại buýt, hết buýt lại máy bay, hết nhà ga lại sân bay, lại phòng chờ… nên thú vui duy nhất của tôi là… ngáp ruồi và săm soi thiên hạ.

Chặng đường từ London sang Pháp thì chả có gì đặc biệt, xung quanh toàn dân da trắng mũi lõ, họ có… chửi mình còn chả hiểu, nói gì đến chuyện “soi”. Nhưng đến phi trường Charles De Gaulle, chuyến bay nào của Air France hay Vietnam Airlines về Việt Nam cũng lắm “Xù”, lại nhân tiện đọc loạt bài phê bình văn hóa ứng xử nơi công cộng - đặc biệt là văn hóa khi đi máy bay - trên báo “Tiền Phong”, tôi quyết tâm săm soi xem có đúng “Xù” đi máy bay có thế hay không.

Sau khi kiểm tra hộ chiếu, tôi đang lơ ngơ kéo cái va-li nhỏ tìm cửa E76, đi mãi, chồn chân mỏi gối mà vẫn thấy E5x, E6x, lại mũi tên loằng ngoằng - bỗng nghe rõ tiếng ồn ào, tiếng cười ha ha, tiếng nói oang oang vang cả một góc sân bay. Chả cần hỏi, chả cần nhìn bảng chỉ dẫn, tôi hồn nhiên xách va-li theo hướng ồn ào đó thì quả nhiên thấy ghi chữ to đùng: AF 0235, Paris – Hanoi.

Nhìn quanh quẩn thấy hành khách đã khá đông, nửa số đó là “Xù”. “Xù” đứng ngồi la liệt trên các băng ghế, vừa ăn uống, vừa cười ha hả, vừa thi nhau khoe các mánh khóe làm ăn trên đất khách, làm sao lách luật, lừa được bọn Tây, trốn được vé xe buýt, đút lót các nhà chức trách, v.v… và v.v…

Liếc đồng hồ thấy còn sớm, tôi uể oải kéo va-li vào mấy cửa hàng miễn thuế định mua dăm ba gói kẹo. Đang lớ ngớ chọn một chai Absolute vì loại Blackcurrant mà ông xã tôi thích thì ở đây lại không có, tôi không sành rượu, không biết vị Pear, Mango hay Vanilla cái nào khả dĩ, bỗng có tiếng miền Nam nhỏ nhẹ cất sau lưng: “Em là người Việt à?”.

Tôi quay lại thì thấy một phụ nữ nhỏ nhắn mang đồng phục xanh và đeo thẻ của cửa hàng. “Vâng ạ, em muốn mua một chai Absolute về uống, chị có vị nào hay hay dễ uống không ạ”, tôi hỏi. Rồi hai chị em trao đổi về các loại Vodka, bỗng có tiếng hô hố: “Em ơi, em về Việt Nam mà mua Vodka thì về mẹ nó quê mà mua cuốc lủi. Đi Tây về mà mua Vodka à, quê thế!”.

Giật mình, hóa ra đằng sau lưng là hai anh “Xù”, mặc com-lê đàng hoàng, một anh cao và một anh lùn, đẩy một xe có đến 4 cái va-li vào… cửa hàng rượu. Sau khi chế giễu tôi xong, hai anh đẩy xe ra khỏi cửa hàng, quả là phúc hai anh to bằng… cái đình nên không cái va-li nào đâm vào mấy dãy rượu xếp cạnh nhau san sát.

Hai anh thản nhiên bỏ qua dòng Vodka nhà quê mà phi thẳng sang dòng Cognac và Brandy, chỉ trỏ cười nói oang oang, khoe “chai này mà mua đồ chôm bên tao chỉ có 10Eu, ở đây bán 40Eu đúng là đốt tiền, ha ha...”.

Đi nữa thì mỏi chân, quán xá thì ở cửa này không có để mà ngồi, mua bán thì không có tiền, trong khi máy bay còn một tiếng nữa mới được vào, không còn cách nào khác, tôi nhăn nhó kiếm một chỗ trống ngồi cách “Xù” vài hàng ghế, gục đầu lên cái ba-lô đựng giấy tờ ngủ gà ngủ gật vì những chiếc ghế bành đã kín người.

Nhưng tôi không sao ngủ được vì những mẩu đối thoại rôm rả!

“Xù” A (giọng Nghệ An): “Tau đố mày, cái con áo phông nâu ngồi kia là Việt Nam hay Tàu?”.

“Xù” B: “Việt Lam chứ còn gì, tao gọi từ trong cửa hàng rượu, mà cứ lờ đi, Đ.M. con í kiêu”.

“Xù” A: “Lát tau sẽ bắt nó trả lời, mày mất tau cái gì?”.

“Xù” C: “Con này chắc ở bên Đức, con bé bên em cũng có cái áo giống nó, mua ở chợ Giời có 3Eu một cái, con này chắc sinh viên, mới mặc kiểu đó”.

“Xù” D: “Em thấy rồi, con đó về Hà Nội, va-li của nó ghi địa chỉ nhà nó kia kìa”.

(Chú thích là cái va-li nhỏ mang lên cabin là của bố chồng tôi, viết tên hai ông bà và địa chỉ rất rõ ràng, các cụ vốn cẩn thận.)

“Xù” tiếp tục ba hoa xích tốc, chốc chốc lại có một nhóm “Xù” mới tham gia khi có một chuyến bay nào đó hạ cánh ở Charles de Gaulle để “nối chuyến”. Nhóm “Xù” khi nãy phình mãi ra, chuyện trò rôm rả hơn, văng tục nhiều hơn, ầm ĩ cả một góc sân bay.

“Xù” E: “Em để cho chị tút thuốc này đi, chị lên biếu sứ quán, để khi nào giấy tờ về nó đỡ lắm chuyện”.

“Xù” B: “Em để cho thằng bạn bên kia lăm mươi đồng, thôi để cho chị bằng thế”.

“Xù” E: “Đắt thế, chị mua hàng Sing bên chị chỉ bốn nhăm đồng”.

“Xù” B: “Đ. mua thì thôi, gớm, cho chị về Việt Lam toàn là hàng Tàu”.

Tiếp tục có một nhóm “Xù” mới từ đâu vừa vào.

“Xù” F: “Ối, Đ.M., đông nhỉ, thế này thì làm sao mà tí nữa nên máy bay mình nàm một phát ba ghế để ngủ như nần trước được?!”.

“Xù” G: “Khó gì, ông rút mẹ nó tất ra khỏi giầy, đảm bảo thằng Tây cạnh ông nó xin đổi chỗ ngay, lần trước tôi làm thế”.

“Xù” F (vỗ tay đôm đốp): “Mẹ, ông thế mà khôn, tí nữa tôi nàm thế”.

“Xù” A (thấy có người mới đến thì nhào ra bắt chuyện ngay): “Mấy ông từ đâu về thế?”.

“Xù” F: “Tôi ở Tiệp”.

“Xù” A: “Thế à, sang đây cho vui, có biết thằng L. không nhỉ?”.

“Xù” G: “Ồi thằng đó tôi lạ gì, dân chợ Xù ai chả biết nó, nổi tiếng cả S. [tên một TTTM của ngưòi Việt tại Cộng hòa Czech] đấy, tháng trước thằng đấy gây gổ bị đánh vỡ cả hàm. Con vợ nó thì đi với thằng X làm ở chỗ Y...”.

“Xù” A: “Thế à, tôi biết nó từ hồi...”.

Câu chuyện nổ như ngô rang trên đời tư của một cá nhân ông L. nào đó, các “Xù” xung quanh cũng hùa theo, thi nhau kể dẫn chứng. Tôi cảm thấy đầu như bị búa bổ, không thể ngủ được, tự dưng thấy cách mấy ghế có mấy hành khách Việt Nam khác đang ngồi hý hoáy mổ laptop, bèn lôi phắt cái máy vi tính xách tay ra cắm điện và tí toáy đánh những dòng này.

Xung quanh “Xù” vẫn mời nhau ăn, vẫn chửi tục, vẫn hô hố kể các mánh lới trên đất khách, vẫn làm quen trao đổi số điện thoại, vẫn chê bai Việt Nam vừa lạc hậu vừa bẩn thỉu... Các “Xù” không thuộc nhóm trên thì ai làm việc ấy, chả ai nói chuyện với ai, đọc báo, dùng laptop và dĩ nhiên thành chủ đề cho nhóm “Xù” bên kia bàn tán, phỏng đoán.

Đến giờ lên máy bay...

“Xù” nhốn nháo đứng dậy bỏ lại phía sau một bãi chiến trường ngôn ngang vỏ bánh quy, lõi táo, giấy kẹo, chai nước đã uống hết trên ghế chờ, mặc dù thùng rác chỉ cách đấy dăm bước chân.

“Xù” A: “Ơ, có máy bay rồi, mẹ nó chứ, nó cho mình đi E-bớt à, lần trước mình đi Bô-ing cơ”.

“Xù” F: “Ông đ. biết đọc à, kia mà là E-bớt à?”.

“Xù” B: “Các ông lắm chuyện, máy bay lào chả được, cứ bay về nhà là được!” (vừa nói, “Xù” B vừa huých tôi uỵch một phát để... chen lên đứng trước mặt).

Nhân viên sân bay thấy “Xù” cứ hung hăng lao thẳng cả xe đẩy vào chỗ kiểm tra tích-lê lên máy bay bèn giải thích rằng phải để xe ở lại và ra hiệu cái xe này để ra góc kia, chỉ xách túi và va-li thôi. “Xù” B cáu, nói bằng tiếng Việt: “Lặng thế lày ai mà vác lên máy bay được, tí lữa để ra kia”. Nhân viên tiếp tục giải thích, “Xù” B tức khí quăng uỵch cái va-li xuống đất và phi xe qua chỗ chắn đánh rầm một cái.

Nhân viên sân bay tái mặt, các hành khách Việt Nam đứng sau lắc đầu, hành khách nước ngoài ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra, hội “Xù” nãy giờ chăm chú theo dõi giờ ồ lên cười ha hả.

Lên máy bay.

“Xù” ầm ào tìm chỗ, rồi chỉ trỏ xin đổi chỗ để ngồi cạnh nhau tán chuyện tiếp. Máy bay chưa cất cánh, các tiếp viên đi lại nhắc hành khách thắt dây an toàn thì “Xù” đã đắp chăn ngả ghế ra thư giãn. Tiếp viên nhắc thì “Xù” không hiểu, họ phải lật chăn ra xem “Xù” đã thắt dây chưa thì “Xù” hô hố cười nói vọng sang hàng ghế bên kia: “Hô hô, nó thích xem *im của anh mày ạ!”.

Tôi số đen bị xếp một chỗ đúng “trung tâm” của các “Xù”: đằng trước hai “Xù”, đằng sau hai “Xù”, dẫy bên cạnh lại vài “Xù” khác vì “Xù” xin đổi chỗ tụ tập một vùng cho vui. Một bà khách to béo người Pháp ngồi bên cạnh tôi, 15 phút trước khi cất cánh đã phải… chạy mất dép. Chắc giàu kinh nghiệm đi với “Xù” nên bà ta sợ, xin đổi chỗ khác.

Chuyện trò nổ như ngô rang. Từ chuyện Thúy Nga Paris đợt rồi biểu diễn ở München “Xù” trốn được vé, lại chuyện quán sửa móng tay mới ở phố nhà “Xù” vừa khai trương mà chủ hàng phá giá nên bị đầu gấu đến ném… phân vào cửa hiệu, chuyện cháu của “Xù” vừa sang “bển” theo diện kết hôn giả mất cả đống tiền, rồi phải đút lót Sở Ngoại kiều để giấy tờ chóng xong…

Đến giờ phục vụ ăn.

“Xù” A: “Tau lần nào cũng gọi 2 suất, ăn một suất đói lắm, tau trả tiền vé, ăn bao nhiêu nó cũng cho đấy, không tin nhìn đây”. Vừa nói Xù A vừa ra hiệu chỉ trỏ giơ hai ngón tay, chỉ vào ngăn đựng thức ăn của tiếp viên, tiếp viên cười, đưa thêm cho Xù A một suất nữa. “Đấy, thấy tau nói đúng chưa”.

“Xù” C (oang oang): “Khiếp, đồ ăn trên máy bay của bọn Air France này như cho… chó nó ăn í nhỉ. Em là em không ăn được, em thủ sẵn xôi rồi đây” (vừa nói, “Xù” C vừa nhai xôi đến hàng ghế sau cũng nghe thấy tiếng tóp ta tóp tép, tiếng tu nước ừng ực).

“Xù” F: “Bọn Air Franec này ngu như lợn, ăn xong cũng đ. cho khách nổi cái tăm mà xỉa răng, mình biết nên phải mang đi đây”. Nói đoạn, “Xù” bỏ dây an toàn, vươn người qua ghế tôi đưa tăm cho bạn ngồi dãy sau. Tiếp viên hốt hoảng chạy lên nhắc nhở khách thắt lại dây. “Ô-kê, ô-kê”, “Xù” nói rõ to rồi phịch xuống ghế khoan khoái.

Chuyến bay đúng là cực hình vì suốt năm tiếng đồng hồ, “Xù” không hề nghỉ ngơi, hoạt động hết công suất, những câu chuyện không đầu không cuối cứ thế tiếp diễn khiến tôi không tài nào ngủ được.

“Chước” cuối cùng của tôi là… chuồn, sau khi nhòm được ở hàng ghế cuối máy bay còn chỗ trống.

Chuyện của “Xù” phía trên kia vẫn oang oang, thậm chí còn to hơn vì “Xù” đeo tai nghe và... góp chuyện.

Máy bay hạ cánh, vừa dừng lại, các “Xù” đã thi nhau bật điện thoại lên và gọi cho người nhà ầm ĩ cả máy bay.

“Xù” chen lấn để lấy va-li, chen lấn để xuống máy bay, chen lấn để lấy hành lý và “Xù” F (có vẻ trẻ nhất hội) thì bồn chồn đi lại và khoe: “Em có người nhà nàm ở trong này, nát nữa người yêu em vào tận đây đón”. Nói dứt lời thì có một em chạy vào la lên: “Ôi anh về rồi à... em nhớ anh quá!”.

Bằng một hành động rất ga-lăng, “Xù” F đặt lên môi người yêu một nụ hôn kiểu Pháp rõ dài rồi bảo: “Anh phải đút nót mấy thằng sân bay hai chai rượu để em được vào tận đây đấy, rượu anh xịn nên anh đưa nà chúng nó nấy ngay, hì hì”. Cô người yêu nhìn anh chàng bằng cặp mắt đắm đuối, đúng là trai ở Tây về, vừa ga-lăng, lại vừa giàu có, lịch sự.
 

“Đến bao giờ trên môi các tiếp viên mới nở được nụ cười thực sự...
” - Ảnh minh họa: Internet

Ôi! Đến bao giờ trên môi các tiếp viên mới nở được nụ cười thực sự chứ không phải méo mó như hôm nay khi họ đứng ở cửa máy bay chào tạm biệt hành khách? Đến bao giờ tôi mới hết bị hỏi: “Bạn là người Việt Nam à, bạn có muốn đổi chỗ lên ngồi cạnh các hành khách Việt Nam không?”. Đến bao giờ khi ngồi ở sân bay, ngưới Việt chúng ta mới không nổi bật lên như một hiện tượng mà ai cũng nhận thấy.

Đến bao giờ? Với cái “văn hóa ứng xử” kiểu "Xù" thảm hại và kỳ quái trên máy bay mà tôi được chứng kiến tận mắt, và xin ghi lại không sai một từ, một chữ, một chi tiết, trong bữa nay?

Tác giả bài viết: Ngọc Vân, từ London - Đầu tháng 6-2008