Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIÁM THỊ

(NCTG) Ngày đầu tiên đưa con đến trường khác để nghe qui chế thi, mình nháo nhác tìm xem có giáo viên trường nó không nhưng tuyệt nhiên không thấy, lòng thấy buồn và lo lắng ghê gớm.


Lúc về, đang dắt xe thì từ xa thấy một cô giáo trường mình, mừng quá như chết đuối vớ được cọc mình vội vã ra chào cô. Cũng ngay lúc đó có một số học sinh đi ra, các cháu cũng reo lên mừng rỡ khi nhìn thấy cô, thế là cô trò tíu tít hỏi han nói chuyện.

Ở trường nhìn thấy nhau hàng ngày nên là chuyện... bình thường, nhưng khi đi tới nơi khác, chỉ cần nhìn thoáng thấy bóng dáng một thầy cô của trường - cho dù là thầy cô không quen - cũng đỡ trống vắng và thấy bên mình cũng có người, đỡ bị cảm giác một mình ở nơi xa.

Cô giáo này mình không quen, chỉ biết thôi vì nhiều lần đưa con đi học mình luôn gặp cô đứng ở cổng trường nhắc nhở học sinh sai đồng phục. Lúc đầu mình tưởng cô trong tổ bảo vệ, sau hỏi con trai mới biết cô là giám thị của trường, kèm câu “cô ghê lắm đấy, bọn con đứa nào cũng sợ”.

Mình cũng vậy, nhắc đến giám thị là... sợ rồi! Hồi con học lớp 10, những ngày đầu đi học con luôn khó chịu và ức chế vì ngoài cô giáo đang dạy trên lớp, luôn có một vài thầy, cô giáo bất chợt đi ngoài hành lang ra hiệu nhắc nhở các học sinh nói chuyện, làm việc riêng, nghe điện thoại. Đôi khi, họ cũng vào lớp bắt học sinh nào đang làm việc riêng nếu như họ đã ra tín hiệu nhắc nhở mà các cháu không vâng lời.

Đỉnh điểm là hôm một bạn gái ngồi cạnh mượn di động của con, con đang cầm để lấy lại thì đúng lúc một thầy giáo đi qua, và điện thoại con bị tịch thu, thầy không cho giải thích. Con rất ấm ức và khi nghe con kể mình cũng ấm ức không kém! Cũng mấy lần mình định hỏi Ban giám hiệu về các thầy cô giám thị nhưng rồi lại thôi vì nghĩ khi nhà trường đã có đội ngũ giám thị như vậy chắc cũng có lý do riêng. Biết đâu vì thế các con ngoan và nề nếp hơn thì sao?

Thời gian cũng trôi, con lên lớp 11 rồi lớp 12, cũng đã quen với các thầy cô giám thị nhưng đâu đó trong con vẫn có những khó chịu, vì đúng là các con không được nghịch ngợm, trêu đùa thoải mái, làm cái gì cũng phải trông trước ngó sau. Vớ vẩn là vào Phòng giám thị làm kiểm điểm ngay, rồi lại phải mời phụ huynh, mệt lắm! Quần áo lúc nào cũng phải sơ-vin, dép lúc nào cũng phải có quai - chỉ cần bỏ áo ra khỏi quần là di động của bố mẹ nhận được tin nhắn nhắc nhở ngay lập tức.

Mình cũng thường xuyên đến trường, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với các thầy cô giám thị vì bản thân mình cũng thấy họ khó gần sao đó. Nhìn nét mặt nghiêm đã không dám lại gần rồi nói chi làm quen nói chuyện nữa, hãn hữu lắm khi phải xin cho con về giữa chừng mình mới thò đầu vào phòng giám thị nói với họ vài câu, đủ để xin cho con về, rồi vội vàng tháo lui luôn.

Không có thiện cảm là vậy, nhưng ở nơi xa lạ thế này, có một người quen cũng là may mắn lắm rồi nên mình vui vẻ chào hỏi và nói với cô vài câu trước khi ra về. Lần đầu tiên mình nói chuyện với cô, cô rất vui vẻ chào lại và nhắc nhở con trai ngày mai mang đầy đủ dụng cụ học tập.

Sáng hôm sau, buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, mình đến trường rất sớm, từ 6 giờ, lúc đó sân trường mới lác đác vài bạn học sinh nhưng đã thấy cô giám thị đứng ở cổng ra vào. Cứ nhác bóng học sinh trường mình là cô chạy ra, hỏi han, động viên, nhắc nhở, dặn dò các con rất tận tình chu đáo. Mà lạ là cô thuộc hết tên học sinh, nhìn cái là cô gọi đúng tên luôn.



Cứ vậy cho đến học sinh cuối cùng vào trường, cô lại nhờ bảo vệ hỏi xem học sinh trường mình có thiếu ai không - khi biết là đủ cô mới thở phào cái. Mình nghĩ xong cô sẽ đi về, nhưng không, cô xin giấy báo và ngồi cùng chỗ bọn mình. Mình và các phụ huynh khác ngạc nhiên lắm, vì con mình thi trong đó, nhà mình xa mình ngồi lại đã đành, cô nhà gần, đến đón học sinh buổi sáng thế là xong, có thể về đâu cần ngồi đây?

Với lại, có học sinh của bốn trường về đây thi, nhưng có duy nhất mình cô là giáo viên trường mình, còn các trường khác tuyệt nhiên không có một giáo viên nào. Hỏi thì cô cười và bảo:

- Về sao được, phải ngồi đây để nếu lỡ có vấn đề gì xảy ra với học sinh trường mình thì còn vào giải quyết kịp chứ. Bên trường kia cũng có một thầy giáo đang ở bên đó.

Rồi cô gọi điện luôn cho thầy hỏi xem tình hình học sinh bên đó thế nào, nghe điện thoại xong cô bảo bọn mình:

- May bên này mình có chỗ ngồi, có bóng cây. Bên kia thầy không có chỗ ngồi, bị bảo vệ đuổi, giờ cứ đứng lang thang ở cổng trường ấy.

Bọn mình cùng thốt lên:

- Giữa trời nắng thế này ư? Sao thầy không về đứng đó làm gì?

Cô bảo:

- Không được, nhỡ có chuyện gì xảy ra sao giải quyết kịp.

Các phụ huynh trường khác đang chờ con, thấy thế đều thán phục:

- Trường các vị thích thật, các thầy cô quan tâm các con quá, chứ ba trường còn lại có thầy cô nào đến đây đâu.

Rồi 150 phút cũng qua, tiếng trống vang lên, cổng trường được kéo dần ra, cô chạy vội và đứng trước cổng trường đón các con ra. Cứ có học sinh trường mình là cô gọi tên và hỏi: “Con có làm được bài không?”. Các con nhìn thấy cô ai cũng tíu tít, vui mừng, và tranh nhau báo cáo kết quả với cô. Thật khác một cô giám thị hàng ngày: không phải là bộ mặt nghiêm nghị, là tiếng nói đanh thép nhắc nhở các con đi dép không quai, mặc sai đồng phục, đi học muộn và làm việc riêng trong giờ học  mà như một người mẹ với bầy con của mình.

Lúc đầu mấy phụ huynh bọn mình nói với nhau, chắc cô ngồi được buổi rồi thôi, vậy mà không, suốt ba ngày với sáu môn thi cô “bám trụ” kiên cường như bọn mình, còn đến sớm hơn và về muộn hơn nữa. Bọn mình đón con xong là về, nhưng cô vẫn ở lại đến học sinh cuối cùng mới ra về.

Sáu môn thi là bấy nhiêu lượt cô đứng đón học sinh đến và đón học sinh tan buổi thi. Vui cùng các con khi các con háo hức báo cáo kết quả làm bài được, và cũng buồn cùng các con khi các con nói không làm hết bài.

Khi đưa con về qua trường bên kia, cả một khoảng trước cổng trường nắng chang chang, mẹ con mình đỗ xe bên này đường chứng kiến cảnh thầy giám thị trường mình đang ngồi trên xe máy, chắc do không có chỗ đứng nên cứ đành ngồi thế, hỏi han từng học sinh khi các con ra khỏi cổng trường. Cho đến khi không còn một học sinh nào nữa, thầy đứng đó thêm một lúc khá lâu đợi tới khi khi bảo vệ đóng cổng trường lại, thầy mới từ từ rời khỏi đó.

Giữa cái nắng cháy da thiêu đốt, ba ngày mình được tận mắt chứng kiến về tinh thần trách nhiệm, sự yêu thương, quan tâm đối với học sinh của hai thầy cô giám thị. Mình bỗng thấy, ẩn giấu sau vẻ mặt nghiêm nghị khi làm việc, sự nghiêm khắc đối với học sinh khi chúng phạm lỗi là tình yêu thương học sinh vô bờ bến... Điều này không chỉ riêng cá nhân mình, mà các phụ huynh trường khác, các bác bảo vệ, các bạn công an bảo vệ kỳ thi cũng nhận ra điều đó.

Khi chia tay, bạn công an nói với cô:

- Em đi bảo vệ các kỳ thi rất nhiều, nhưng em chưa thấy một cô giáo nào tận tuỵ với học sinh như cô. Học sinh trường cô thật là hạnh phúc!



Hai thầy cô mình nhắc đến là cô Bích Thuý và thầy Ngọc Giao – giám thị trường THPT Tây Hồ, hai người mà mình đoan chắc rằng, những ngày đầu đặt chân vào trường, không một học sinh nào yêu quí họ cả và sau kỳ thi tốt nghiệp này, các em sẽ có cái nhìn khác, suy nghĩ khác – không ác cảm - về hai thầy cô giáo của mình.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội