Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


EM QUEN RỒI

(NCTG) “Bọn em chỉ là chính bọn em khi ở trong thế giới của mình giữa những người đồng tật. Khi bước qua khỏi cánh cổng trường là một thế giới khác, và ở thế giới đó bọn em không hề tự tin một chút nào vì mỗi bước đi là bao ánh mắt để ý, nhìn, nhận xét và chỉ chỏ. Bọn em đi đến đâu cũng bị mọi người phát hiện ra”.

 
Tan học anh luôn đi thẳng đến trường chơi với em, em là học sinh khiếm thị học tại trường Chiểu (*). Gặp anh em mừng lắm, tíu tít nói đủ thứ chuyện và hai anh em thường ngồi chơi cờ với nhau.
 
Hôm nay cũng vậy, lớp anh học hai tiết xong anh vào trường luôn đúng lúc em cũng vừa học xong. Anh rủ em ra quán cà phê ngồi uống nước và chơi cờ cho nó... nhã. Em đắn đo, ngần ngừ rất lâu, anh phải nói mãi em mới đi.
 
Em đi nhưng bước chân rụt rè lắm.
 
Cạnh bàn hai anh em là mấy chị phụ nữ cùng mấy đứa trẻ. Người lớn ngồi nói chuyện còn bọn trẻ con đùa nghịch đuổi nhau chạy khắp quán. Khi phát hiện ra em không giống người bình thường, chúng đứng lại nhìn em rồi lại chạy đi thì thì thầm thầm. Rồi chúng lại quay lại đứng cạnh bàn xem anh và em đánh cờ.
 
Em không nhìn thấy nhưng hình như em cảm nhận được, đôi lông mày em nhíu lại, cũng có thể em đang suy nghĩ nước cờ, là tại anh tưởng thế.
 
Một cậu bé lớn nhất hội - chắc học lớp 5 - thấy em đang sờ sờ các quân cờ thì thò tay vào bàn cờ phía em, vừa tủm tỉm cười vừa dịch chuyển một quân. Anh lừ mắt cậu bé và cắm lại quân cờ cho em. Tay em hơi run run. Được một lúc cậu bé lại thò tay rút một quân cờ của em, ánh mắt liếc em tủm tỉm cười và cắm sang chỗ khác. Anh lại lừ mắt ra hiệu đi chỗ khác và cắm lại quân cờ cho em.
 
Cậu bé không đi, kéo ghế ngồi ngay cạnh xem em và anh chơi cờ. Được một chút, cậu lại thò tay rút một quân cờ của em cắm sang chỗ khác rồi nhìn anh cười hi hi có vẻ đắc thắng:
 
- Đấy là lợi thế của người mắt sáng.
 
Anh vụt đứng dậy. Em vội vàng quờ tay túm lấy tay anh kéo xuống, cười rất tươi và nói nhẹ nhàng:
 
- Kệ các em ấy anh ạ, trẻ con mà.
 
Anh giằng tay em ra:
 
- Để anh xử lý, các em ấy không được làm thế với em.
 
Em giữ tay anh thật chặt, kéo xuống, nói rất nhỏ:
 
- Em quen rồi!
 
Anh thanh toán tiền, thu dọn bàn cờ và dắt em về. Bọn trẻ con lại chạy xộc đến trước mặt anh, một đứa giơ một cây súng làm bằng bìa cát-tông chĩa thẳng vào mắt anh:
 
- Anh có tin là em bắn thẳng vào mắt anh cho anh mù như chị ấy không?
 
Em bám chặt lấy tay anh, rất chặt như ghì lấy kéo anh đi:
 
- Như thế này bình thường mà anh, em quen hết rồi!

Giọng nói nhẹ nhàng nhưng anh cảm thấy toàn thân em đang run lên. Rồi em cười thành tiếng:
 
- Đưa em về trường nào!
 
Anh gần như không nói gì suốt một đoạn đường dài, còn em nắm chặt khuỷu tay anh và đi chậm hơn một bước nhưng miệng thì ra sức hỏi đủ thứ linh tinh cố tỏ ra bình thường. Mãi khi gần vào đến khu nội trú, anh mới nói:

- Anh xin lỗi, đã đưa em ra bên ngoài...
 
Em cười rất tươi cắt ngang lời anh:
 
- Anh đừng bận tâm, em không sao mà anh, em quen rồi, như thế này là bình thường mà, có những cái còn tệ hơn thế nữa cơ.
 
Anh dừng hẳn lại:
 
- Em có sao? Anh nhìn được hết mọi biến đổi trên nét mặt em.
 
Em khép nụ cười mím môi chặt dần, mãi một lúc sau em mới nói:
 
- Bọn em rất sợ gặp người lạ và rất sợ đến một môi trường mới. Bọn em không đủ tự tin đâu, nên khi anh rủ em đi em ngại lắm. Bọn em chỉ là chính bọn em khi ở trong thế giới của mình giữa những người đồng tật. Khi bước qua khỏi cánh cổng trường là một thế giới khác, và ở thế giới đó bọn em không hề tự tin một chút nào vì mỗi bước đi là bao ánh mắt để ý, nhìn, nhận xét và chỉ chỏ. Bọn em đi đến đâu cũng bị mọi người phát hiện ra.
 
Em ngừng lại một lúc:
 
- Nhưng anh yên tâm, em quen hết rồi anh ạ.

(*) Trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội, nơi có nhiều học sinh khiếm thị theo học.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Bích Ngọc, từ Hà Nội